Liên doanh Đài Loan kiện chính phủ Việt Nam tùy tiện đổi thuế suất

0:00 / 0:00

Hôm thứ Tư vừa qua, công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng đã chính thức nhờ luật sư nộp đơn lên Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khởi kiện một quyết định của bộ Kế hoạch và Đầu tư. Diễn biến hiếm có này ở Việt Nam được giới đầu tư nước ngoài quan tâm theo dõi, nhiều nhất là người Đài Loan và Singapore, vốn phần lớn cũng là người gốc Hoa.

Liên doanh Phú Mỹ Hưng được thành lập và hoạt động theo giấy phép đầu tư số 602/GP do Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, tức tiền thân của bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện nay, cấp ngày 19 tháng Năm năm 1993.

Theo giấy phép này thì liên doanh Phú Mỹ Hưng, với 70% vốn của Đài Loan, sẽ phải trả thuế lợi tức, nay gọi là thuế thu nhập doanh nghiệp, với thuế suất ưu đãi là 10% được áp dụng cho toàn bộ thời gian hoạt động 50 năm của liên doanh tại Việt Nam. Đã vậy, Hà Nội còn cho Phú Mỹ Hưng được miễn thuế lợi tức trong 4 năm kể từ khi có lãi và chỉ phải trả phân nửa thuế lợi tức trong 5 năm tiếp theo. Quả thật đó là những biện pháp thu hút đầu tư nước ngoài rất quyến rũ. Do đó mà đầu tư Đài Loan đã đổ vào các dự án khoảng 700 triệu đôla, chủ yếu là về xây dựng khu Nam Sàigòn.

Thế nhưng từ khi nhận được giấy phép cho đến nay mới hơn 9 năm, doanh vụ của liên doanh Phú Mỹ Hưng đã phát đạt đến mức khiến nhiều người thèm thuồng. Nào là dự án khu phố siêu cao cấp Mỹ Viên gồm 5 tòa nhà cao 9 tầng bố trí theo hình chữ U, đến cao ốc "cao cấp" Mỹ Khánh, rồi Mỹ Khang, nằm ngay mặt tiền đường Nguyễn Lương Bằng, với tháp đôi cao 13 tầng. Lại đến dự án hai tháp Khai Signature và Thủy Lộc cao 12 tầng sẽ là trung tâm thời trang và thương mại quốc tế của khu đô thị mới Nam Sàigòn.

Đến đây thì khó khăn bắt đầu lộ diện, chậm rãi nhưng vô cùng chắc chắn. Giữa tháng Ba vừa qua, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức họp, quyết định đình hoãn dự án xây dựng khu A Nam Sàigòn. Quận 7 tiến hành kiểm tra và yêu cầu dừng công tác xây dựng.

Vào đầu tháng Tư, sở Thuế Thành phố Hồ Chí Minh vào cuộc. Cơ quan này gia tăng mức thuế và còn yêu cầu bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa giấy phép nhằm tăng mức thuế thu nhập doanh nghiệp của Phú Mỹ Hưng từ 10% hồi ưu đãi đầu tư, lên thành 25%. Vấn đề mấu chốt là ở chỗ chơi chữ. Giấy phép nguyên thủy của liên doanh Phú Mỹ Hưng là để "hoạt động kinh doanh công trình dân dụng", còn luận cứ của chính quyền hiện nay là Phú Mỹ Hưng đã "xây dựng kinh doanh đô thị mới", có nghĩa là kinh doanh nhà đất.

Nếu không có cơn sốt giá nhà đất tại Việt Nam khiến giá tại Hà Nội và Sàigòn cao ngang ngửa với Tokyo, Hồng Kông, thì hai định nghĩa kinh doanh trên không khác nhau. Nhưng do giá cả lên đến mức chóng mặt thì chúng phải khác nhau.

Một viên chức từng đưa ra nhận xét về hiện tượng giá ảo này và cho biết chính phủ sẽ phải đối phó ra sao: "Một số nơi nào đấy có thể cao, có thể mang yếu tố ảo, nhưng nỗ lực hiện nay của Việt Nam là làm sao đưa giá đất, giá bất động sản về giá thực. Tức là sử dụng đất thì nó sinh lợi bao nhiêu..."

Liên doanh Phú Mỹ Hưng nộp đơn khiếu tố ngày thứ Tư, 18 tháng Tám, thì ngày hôm sau, thứ Năm 19 tháng Tám, chủ nhiệm văn phòng chính phủ Đoàn Mạnh Giao ký văn bản hỏa tốc số 163-TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng buộc Phú Mỹ Hưng nghiêm túc trả thuế suất quy định của pháp luật là 25%.

Doanh gia và giới đầu tư Đài Loan cùng Singapore xôn xao. Một doanh nhân làm ăn ở Sàigòn cho biết đây là dấu hiệu bất tường, có nghĩa là giấy phép đầu tư của các bạn có thể được duyệt lại, sửa lại, chỉ trong vòng mới 10 năm, chứ chưa nói 50 năm theo lệ thường.

Thật ra đây không phải là lần đầu tiên mà Việt Nam cọ xát với giới đầu tư nước ngoài bằng cách tùy tiện thay đổi pháp quy. Các nhà sản xuất xe hơi như Toyota của Nhật, General Motors của Mỹ, lắp ráp xe gắn máy như Honda, Suzuki, Yamaha của Nhật Bản, đã từng cay đắng phản đối hạn ngạch nhập khẩu linh kiện, chi phí sản xuất gia tăng, hoàn toàn bất ngờ chỉ ngay sau khi họ đã đổ tiền đầu tư vào Việt Nam.

Một luật sư tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tình trạng không đồng bộ trong luật pháp Việt Nam hiện nay là khá phổ biến: "Có nhiều cái nó chưa đồng bộ với nhau, theo tôi nghĩ là nó khá phổ biến trong nhiều lãnh vực, chẳng hạn cụ thể như ở luật đầu tư trong nước, luật đầu tư nước ngoài..."

Cho tới nay chưa ai rõ vụ kiện của Phú Mỹ Hưng sẽ ra sao. Lý do là hệ thống tòa án chưa có kinh nghiệm về xét xử thương mại mà thường bị xem là nằm dưới ảnh hưởng của nhà nước. Đặc biệt là dưới tác động của văn bản "hỏa tốc" số 163-TB-VPCP.