Trà Mi Tại các thành phố lớn trong nước ngày càng xuất hiện nhiều trẻ em đường phố, hay gọi theo tiếng bình dân là "trẻ bụi đời". Điều này không những làm ảnh hưởng đến cảnh quan thành phố, mà còn gây quan ngại cho xã hội và nhiều du khách nước ngoài. Thực trạng và giải pháp cho vấn đề này ra sao?
Bấm vào đây để nghe bản tin này
Rightclick to download this audio
Hàng ngày, trên các khắp các nẻo đường thành phố ở Việt Nam, bất kể là trong hang cùng ngõ hẻm, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ bụi đời, lang thang kiếm sống bằng đủ các thứ nghề từ bán báo, bán vé số dạo, đánh giày, lượm ve chai... đến ăn xin, hoặc thậm chí là ăn cắp vặt. Số phận những đứa trẻ bơ vơ này sẽ đi về đâu? Làm sao để các em hoà nhập xã hội ? Trong khi các câu hỏi này vẫn chưa có lời giải mà số lượng thành phần này cứ ngày một đông.
Hà Nội và TPHCM là 2 thành phố quy tụ nhiều trẻ lang thang nhất. Đa số các em từ làng quê xa xôi, nghèo khổ kéo về thành phố kiếm sống. Nhiều địa phương như tỉnh Quãng Ngãi, do quá nghèo đói và cơ cực, trẻ con cả làng đều bỏ học kéo nhau vào thành phố mưu sinh. Các em thường tập trung tại những nơi công cộng đông người qua lại như nhà ga, các chợ đầu mối, bến xe, đình chùa, khu du lịch thương mại, các quán ăn, nhà hàng...Tại những con phố có nhiều khách du lịch, đội quân này càng đông, chạy từng đàn theo các nhóm người du lịch để xin tiền, hay lợi dụng sơ hở để móc túi.
Phần đông các em mồ côi cha mẹ, không nhà cửa, không nơi nưong tựa, nên phải ra đời sớm tự tìm cách mưu sinh. Ai đã từng một lần tận mắt chứng kiến cảnh các em nhỏ bụi đời dáng dấp lam lũ, mặt mày cáu bẩn, chầu chực tại các quán ăn để tranh nhau các phần ăn dư thừa của thực khách thì mới thấm thía được cái cảm giác xót xa cho những mái đầu trẻ thơ, những mãnh đời "lấm bụi" này.
Lại có những trường hợp các em nhỏ lang thang mới rời quê ra thành phố bị kẻ xấu lợi dụng bắt phải đi xin ăn cho chúng. Nhưng đáng thương hơn phải kể đến các em bị chính cha mẹ ruột của mình hành hạ, biến các em thành công cụ kiếm tiền nuôi sống cả gia đình. Có em chưa đến 10 tuổi đầu, thân hình ốm yếu lại phải cõng thêm 1 đứa em nhỏ chưa tròn 1 tuổi trên vai lê bước trên khắp hang cùng ngõ hẻm . Hôm nào không xin được tiền, thì các em bị cha mẹ đánh đập , hành hạ. Thậm chí có em mới vài tháng tuổi đã bị bỏ đói, bị đánh thuốc mê triền miên để mẹ chúng ẳm đi lang thang xin ăn.
Lẽ ra, chúng phải được hồn nhiên vui chơi, được lo lắng, được chăm sóc trong mái ấm gia đình. Thế nhưng, sự nghèo đói đã cướp đi những niềm vui trẻ thơ ấy, khiến những nạn nhân đáng thương này phải lang thang đầu đường xó chợ, sớm bương chải chống chọi với những cay đắng nhọc nhằn.
Số trẻ này không nghề nghiệp, không giáo dục, túng quẫn nên rất dễ rơi vào các công việc phạm pháp. Thực tế là nhiều trẻ đường phố làm mại dâm, đi giao ma tuý...Một số em còn vướng vào vòng nghiện ngập ma tuý. Một số bị lạm dụng tình dục. Và nhiều em nhỏ đã nhiễm bệnh HIV/AIDS. Theo thống kê thì hiện nay 327 cơ sở bảo trợ xã hội trên cả nước và các tổ chức phi chính phủ đang nuôi dưỡng trên 14 ngàn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như tàn tật nặng , mồ côi, bị bỏ rơi, hay nhiễm HIV. Trung tâm Giáo Dục và Dạy Nghề Thanh Thiếu Niên tại quận Gò Vấp là một trong số các cơ sở nuôi dưỡng và dạy nghề cho trẻ em lang thang. Một nhân viên tại đây cho biết về hoạt động của trung tâm: "Các em lang thang bị công an bắt, dạy văn hoá và dạy nghề..."
Các em được nuôi dưỡng bao lâu, và làm sao để các em tái hoà nhập xã hội , người nhân viên này cho biết thêm: "Có khi đến 20 tuổi..."
Thế nhưng, những trung tâm này quá chật chội nên nảy sinh nhiều vấn đề. Phần đông các em lại không thích vào các cơ sở này vì đã quen nếp sống nay đây mai đó, thoải mái muốn làm gì thì làm.
Nhìn chung, tại hầu hết các cơ sở bảo trợ, trẻ đến 16 tuổi là được đưa về tái hoà nhập cộng đồng. Thế nhưng giúp chúng trở lại cuộc sống bình thường quả là không dễ. Các chương trình dạy nghề và hồi gia cho các trẻ vị thành niên cũng chưa đạt được hiệu quả như mong đợi. Phần lớn các trung tâm không có liên kết với các tổ chức giới thiệu việc làm để hỗ trợ hữu hiệu, bảo đảm các em ra trường sẽ có 1 việc làm ổn định để nuôi sống bản thân. Thay vào đó, số phận của các em vẫn lệ thuộc vào cơ may như kiểu khi cơ sở nào cần người, gọi đến trường, thì trường sẽ giới thiệu. Như lời người nhân viên làm việc tại trung tâm: "Không có liên kết, nơi nào cần gọi vô trường giới thiệu."
Thế nên, các em sau khi được đào tạo 1 nghề thì vẫn chưa chắc là có thể kiếm sống được bằng nghề đó. Vì vậy, có nhiều em ra trường lại phải quay về với đường phố.
Còn đối với các em có gia đình, khi gia đình cam kết đưa trẻ về nhà sẽ được hỗ trợ 150 ngàn/tháng trong vòng 3 tháng đầu. Điều kiện sống túng bẩn quá nên số tiền ít ỏi này không đủ giữ chân các em không quay lại con đường lang thang. Bản thân các em cũng khó tìm được 1 việc làm tử tế, ổn định trong xã hội, cho nên "ngựa quen đường cũ" vẫn là điều khó tránh khỏi. Vì thế, vấn đề vốn chưa có lối thoát , nay lại càng nan giải hơn. Số trẻ em được giải quyết tận gốc rễ chưa là bao , mà con số gia nhập vào đội ngũ này lại cứ tiếp tục gia tăng.
Có thể nói trẻ đường phố là sản phẩm của quá trình biến đổi xã hội như sự nghèo đói, đô thị hoá, gia đình tan vỡ... Vì vậy, biện pháp giải quyết trẻ bụi đời phải tập trung vào các nguyên nhân xã hội đã làm nảy sinh ra nó. Xoá bỏ tệ trẻ bụi đời cần phải được xem là một trong những mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Các cấp chính quyền nên tạo điều kiện thực tiễn hơn cho các em tiếp cận các chương trình đào tạo, các dịch vụ hỗ trợ việc làm để có khả năng tạo ra thu nhập cao hơn khi trở về với cộng đồng.
Có được cuộc sống tốt hơn, các em mới từ bỏ được những ngày tháng bấp bênh, lam lũ trên đường phố. Bên cạnh đó, cũng cần phải xét đến trách nhiệm của những kẻ lợi dụng súc lao động trẻ thơ , những bậc cha mẹ lười lao động mà nhẫn tâm biến con mình thành công cụ kiếm tiền. Phải chăng xã hội cần phải có luật nghiêm trị những hành vi bất nhẫn như thế để bảo vệ quyền của các em thơ?
Thật đáng buồn là khi chúng tôi viết lên dòng phóng sự này, trên hè phố Việt Nam vẫn còn rất nhiều trẻ lang thang cơm không no bữa, trong xã hội vẫn còn nhiều mãnh đời ấu thơ lam lũ, cơ nhỡ. Với nhiều em, một ngày thoát kiếp lang thang vẫn còn mịt mù.