Mùa hè là thời gian mà các bạn học sinh, sinh viên luôn mong đợi. Sau những tháng ngày học tập miệt mài, vất vả với những kỳ thi, kiểm tra liên tiếp; hè về là lúc các bạn hầu như thóat hẳn những lo lắng của đời học sinh đó, để có thể thỏai mái nghỉ ngơi vui chơi. Tuy vậy, trong những năm gần đây, hè lại là thời gian mà nhiều bạn có thể sử dụng để tham gia góp phần giúp người khác trong xã hội. Phong trào Mùa hè xanh ngày càng đi sâu vào mọi mặt của đời sống.
Bấm vào đây để nghe tiết mục này
Rightclick to download this audio
Trong Mục Nhịp Sống Trẻ kỳ này, Gia Minh mời quí vị và các bạn cùng điểm lại một số họat động trong chiến dịch Mùa Hè Xanh năm nay.
"Những điều mà em đọc được trên báo thật là hay, và những người đó thật hay." Đó là ý kiến của một du hoc sinh Singapore, hiện về Việt Nam nghĩ hè bày tỏ ý kiến khi được đọc những tin tức về các bạn tình nguyện viên tham gia chương trình Mùa Hè Xanh.
Mở đầu mùa hè là phong trào Tiếp sức mùa thi. Các bạn sinh viên từng trải qua kinh nghiệm những ngày đầu bơ vơ, bỡ ngỡ khi lên thành phố ứng thí, vào mùa thi vừa rồi , họ xung phong ra những bến xe để đón những bạn từ quê xa lên thành phố mà không có ai giúp đỡ. Chính sự đón tiếp ban đầu đó giúp nhiều sĩ tử an tâm khi có được những huớng dẫn hữu ích về nơi ăn chốn ở, cũng như đường đi nuớc buớc tại chốn đô hội, xa lạ.
Theo tổng kết của Chương trình Tiếp Sức Mùa Thi năm 2004 diễn ra tại 7 tỉnh thành nơi có các trường đại học, cao đẳng gồm Hà Nội, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, thì có hơn 10 ngàn lượt sinh viên tham gia. Số này giúp đỡ được cho gần 400 ngàn thí sinh về chỗ trọ và đến địa điểm thi an toàn.
"Năm đầu em mới vào đại học nên chưa thể đăng ký làm tình nguỵên viên, đến năm nay thì cần đi làm nên không thể làm tình nguyện viên được." Đó là tâm sự của bạn Hoàng Quân, sinh viên năm thứ hai Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.
Như vậy, dù được gọi là tình nguyện thế nhưng ngoài nhiệt tình, các bạn cần phải có thời gian và năng lực mới có thể tham gia lực lượng tình nguyện viên; có như thế đóng góp của họ mới đáp ứng được yêu cầu của chương trình tình nguyện mỗi ngày một đi sâu vào mọi lĩnh vực của cuộc sống như hiện nay.
Đơn cử như trong họat động giúp người dân phòng chống dịch cúm gia cầm, cần phải có những người là bác sĩ hay chuyên viên trong ngành y mới có thể làm công việc theo đúng qui cách bảo đảm an toàn. Bạn Loan hiện công tác tại Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh cho biết về sự tham gia của đồng sự trong công tác đó: "Tại viện em có một người tham gia rất năng nổ và cũng có nhiều bác sĩ xung phong đến vùng dịch để lấy máu gia cầm về xét nghiệm. Sợ thì có sợ nhưng tinh thần cao."
Năm nay các trường chuyên ngành như Đại học Luật, Bách Khoa, Đại học Nông Lâm, Đại học Y Dược đều tổ chức những nhóm tình nguyện viên về nông thôn giúp cho người dân trong lĩnh vực chuyên ngành. Sinh viên Bách Khoa mang về huớng dẫn cho người dân những máy lọc nuớc để có nuớc sạch sinh họat. Các bạn từ trường Y đi khám chữa bệnh, phát thuốc cho bà con ở những nơi xa xôi hẻo lánh. Sinh viên nông nghiệp xuống cùng nông dân để chỉ thêm cho họ về những cách thức chăm sóc mùa màng theo khoa học.
Chính những kiến thức dù đang được học giúp cho họ hoàn thành những công tác hỗ trợ ban đầu đó tại những vùng còn thiếu thốn nhiều phương tiện.
Đánh giá về khả năng của những sinh viên ngành luật đi giúp người dân không chuyên sâu về chuyện luật lệ hiểu hơn về luật phát, luật sư Trương Thị Hoà cho biết đánh giá của bà: "Các sinh viên trẻ của Việt Nam rất giỏi, tôi tin tưởng."
Họat động mới trong chương trình Mùa Hè Xanh năm nay không dừng lại ở các vùng miền trong nuớc, từ miền xuôi lên vùng núi, từ biên giới đến hải đảo, mà năm nay chương trình mở rộng sang đến đất Lào. Đoàn tình nguyện gồm 30 giảng viên trẻ, sinh viên các ngành ở thành phố Hồ Chí Minh lên đường sang tỉnh Champasak của Lào để làm những công tác hỗ trợ như họ thực hiện tại Việt Nam. Thời gian làm việc tại Champasak kéo dài một tháng từ 25 tháng bảy cho đến ngày 25 tháng 8 này.
Mẹ của một tình nguyện viên trong đoàn cho biết về suy nghĩ của bà khi con được tham gia đoàn tình nguyện viên Việt Nam sang giúp cho Lào: "Lo nhưng tự hào. Giáo dục gia đình giúp cho cháu ý thức làm từ thiện."
Khi đi làm tình nguyện, các bạn cống hiến sức lực và khả năng cho những chương trình đề ra. Tuy vậy, theo chính một số tình nguyện viên thì khi họat động tình nguyện họ nhận được nhiều điều đáp lại. Đó là niềm vui khi được giúp đỡ người khác, sự biết ơn, bên cạnh đó là những bài học bổ ích khác.
Bạn Như Quỳnh người từng tham gia tình nguyện viên trong những lần Festival Huế chia xẻ về những điều nhận được: "Rèn luyện thêm tiếng Anh, giao tiếp. Được quí mến và thư từ qua lại."
Có than phiền là nhiều người trẻ Việt Nam hiện sống ích kỷ, chỉ ham chơi hưởng thụ, chứ không dám hy sinh như những người tham gia chương trình tình nguyện mà chúng ta vừa đề cập đến. Về điểm này thì người mẹ cũa bạn tình nguyện viên bày tỏ ý kiến: "Tôi cho rằng đó chỉ là số nhỏ mà thôi, còn đa số đều biết sống chan hoà."
Mục Nhịp Sống Trẻ Kỳ này xin tạm dừng tại đây, hẹn gặp lại quí vị và các bạn trẻ trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do. Gia Minh chào tạm biệt.