Trò chơi trực tuyến về chống tham nhũng của Trung Quốc, bài học cho Việt Nam


2007.08.20

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Tờ Thanh Niên hồi trong tháng có bài đề cập đến một trò chơi trực tuyến được cho là đang ăn khách nhất hiện nay tại Hoa Lục; đó là trò chơi mang tên 'Chiến binh không thể bị mua chuộc'. Bản tin cho hay nhân vật chính trong trò chơi này là một anh hùng có tính cách liêm khiết, thật thà. Nhiệm vụ của vị anh hùng là tìm diệt những tên quan tham cùng các ả nhân tình của chúng.

InternetCafe200.jpg
Một quán cà phê internet tại Hà Nội. AFP PHOTO/HOANG DINH Nam

Cách chơi được cho biết là mỗi khi diệt được một tên quan tham, người chơi được hưởng điểm thăng cấp. Sau khi đạt được một số điểm nhất định thì người chơi được bước vào thiên đàng không có bóng ma tham nhũng.

Tin cho hay chỉ sau hơn một tuần ra mắt, trò chơi 'Chiến binh không thể bị mua chuộc' vừa kể thu hút đến hơn 100 ngàn lượt người tải trò chơi. Lượng người chơi này vượt xa dự đóan của nhà sản xuất khiến trang web bị sập vì quá tải.

Theo nhật báo China Daily thì trò chơi 'Chiến binh không thể bị mua chuộc là hình mẫu đầu tiên trong chiến dịch giáo dục chống tham nhũng kết hợp với giải trí đồng thời giúp nâng cao hiểu biết về lịch sử Trung Quốc. Trò chơi vừa nói không phải do tác giả tư nhân thực hiện hòan tòan mà nhận được sự tài trợ của chính quyền thành phố Ninh Ba trong sản xuất.

Tại Việt Nam, hiện nay công tác chống tham nhũng cũng được nhà nước đề cao như là nhiệm vụ cấp bách mà tòan dân phải tham gia. Và câu chuyện sáng tạo vừa nêu bên nước láng giềng Trung Quốc có thể giúp cho họat động tương tự tại Việt Nam đến mức độ nào?

Mời quí thính giả cùng theo dõi trong chuyên mục Sáng kiến & Đời sống tuần này.

Phong trào chơi game trực tuyến

Nếu thực hiện được thì tốt vì trẻ em có thể lĩnh hội một cách tự nhiên. Hiện chúng tôi chỉ thí điểm thôi vì giáo viên phải có trình độ tương xứng mới đáp ứng được chứ không thì cải tiến thành cải lùi.

Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, những trò chơi trực tuyến trở nên quen thuộc với rất nhiều người trẻ tại Việt Nam. Việc chơi game trên mạng phổ biến từ thành thị đến nhiều vùng nông thôn, và nhiều bậc phụ huynh phải lo lắng vì con cái của họ bỏ quá nhiều thời gian chơi game mà xao nhãng việc học.

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, thuộc Viện Nghiên Cứu Phát triển Xã hội, đưa ra giải thích cho hiện tượng vừa nêu: “Các em chơi mất nhiều thời gian và không tham họat động gì khác; không tham gia sinh họat gì. Nguyên nhân có thể là do các em chưa có những họat động vui chơi giải trí khác hấp dẫn hơn.”

Từ lâu ở Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục, người ta từng nói đến phương pháp 'học mà chơi, chơi mà học'. Chiếu theo phương pháp này thì trò chơi 'Chiến binh không thể mua chuộc' tại Ninh Ba, Trung Quốc cũng có thể được xem là một ứng dụng của việc lồng bài học muốn truyền đạt vào một họat động gây hứng thú thu hút đối tượng cần nắm bắt vấn đề.

Và ở nước ta công việc này được thực hiện ra sao? Giáo sư Nguyễn Kế Hào, cựu thứ trưởng giáo dục phụ trách ngành tiểu học nói về ứng dụng phương pháp 'học mà chơi, chơi mà học' lâu nay trong ngành:

“Nếu thực hiện được thì tốt vì trẻ em có thể lĩnh hội một cách tự nhiên. Hiện chúng tôi chỉ thí điểm thôi vì giáo viên phải có trình độ tương xứng mới đáp ứng được chứ không thì cải tiến thành cải lùi.”

Khi phong trào chơi game trực tuyến bùng phát mạnh ở Việt Nam trong mấy năm gần đây, thì một số công ty kinh doanh game online cũng xuất hiện và cho ra đời một số trò chơi thuần Việt. Ngòai những trò chơi hòan tòan để giải trí, các tác giả cũng có lồng ghép nội dung giáo dục như môn lịch sử Việt vào trò chơi như Võ Lâm Truyền kỳ.

Tính hiệu quả

Ông Lê Hòang Sơn, phụ trách kinh doanh của Công ty Cổ phần Dịch Vụ phần mềm trò chơi Vina, gọi tắt là Vinagame, cho biết về việc làm này và hiệu quả của nó:

“Ở Việt Nam nội dung game lồng giáo dục vào rất ít. Hiện nay thấy tuổi trẻ thì thích một lọai, từ 20 trở lên thì thích game kiếm hiệp. Chính phủ chưa có qui định gì về việc lồng ghép giáo dục vào trò chơi. Hướng phát triển của các công ty game thì hướng cũng muốn giúp về mặt đạo đức cho người chơi.

Khó thực hiện vì ở Việt Nam đang có hiện tượng quá tải: học sinh và giáo viên thì lo hòan thành chương trình trong các căn phòng chật hẹp. Để thực hiện thì phải giải quyết đồng bộ: tài liệu tinh giản hơn, giáo viên phải được linh động hơn.

Trò chơi như 'Chiến binh không thể mua chuộc' bên Trung Quốc thì không thể thu hút nhiều, vì người chơi game là muốn giải trí hơn, chứ đưa giải trí vào nhiều thì người ta không thích.”

Điều mà ông Lê Hòang Sơn thừa nhận cũng được một học sinh trung học cơ sở tại Hà Nội phần nào đồng ý:

“Trò 'Võ Lâm Truyền Kỳ' có lồng các câu hỏi lịch sử, kiến thức xã hội; nhưng đó chỉ để biện minh cho các nhà sản xuất khỏi bị các cơ quan chức năng dẹp thôi, chứ còn… “

Nguyên nhân vì sao mà biện pháp lồng ghép mang tính học mà chơi chơi mà học lâu nay ở Việt Nam vẫn chưa đạt được hiệu quả mong muốn?

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng lý giải: “Điều đó lệ thuộc nhiều vào các nhà quản lý giáo dục. Bản thân họ có nhận thấy đó là có ích hay không. Theo tôi thì nhiều người trong họ chưa nhận thấy đìêu đó.

Tôi tin ở Việt Nam nếu biết cách triển khai chương trình vừa giúp học sinh vừa chơi vừa có thể sáng tạo,học thêm được nhiều điều thì chắc chắn xã hội hoan nghênh. Nhưng chủ trương và triển khai thì nằm ở các nhà quản lý, mà bộ giáo dục có sẵn sàng hay không; điều đó thì tôi không thể trả lời.”

Ông Nguyễn Kế Hào cũng có trình bày: “Khó thực hiện vì ở Việt Nam đang có hiện tượng quá tải: học sinh và giáo viên thì lo hòan thành chương trình trong các căn phòng chật hẹp. Để thực hiện thì phải giải quyết đồng bộ: tài liệu tinh giản hơn, giáo viên phải được linh động hơn.

Hiện nay chúng tôi đang giảm tải nội dung học tập, thứ hai bồi dưởng nâng trình độ cho giáo viên, cải thiện đời sống cho họ và cho họ quyền tự chủ hơn; khi đó họ sẽ nghĩ đến những phương pháp phù hợp với trẻ và hiệu quả hơn. Trẻ hiện nay mê chơi game vì nó đáp ứng nhu cầu hiếu kỳ, muốn khám phá.”

Có thể nói để có thể đáp ứng kịp thời yêu cầu của xã hội nhất là trong lĩnh vực giáo dục, cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng, thường xuyên giữa các ngành liên quan thì mới có thể thực hiện được nhiệm vụ quan trọng đó.

Chứ như cách làm lâu nay tại Việt Nam, nhất nhất mọi việc đều phải chờ ý kiến thì khi những vấn đề nóng nảy sinh, các cơ quan liên quan vẫn phải chờ nhau, đến khi chuyện đã nguội, mới cho ra đời giải pháp; lúc đó không những không đạt được hiệu quả gì mà đôi lúc gặp những tác dụng ngược.

Mục Sáng kiến & Đời sống tuần này tạm dừng tại đây, hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do. Gia Minh chào tạm biệt.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.