Philippines quyết định rút quân ra khỏi Iraq

Tuần qua giới truyền thông quốc tế đặc biệt chú ý tới vụ Philippines thỏa thuận rút quân ra khỏi Iraq để cứu mạng sống của một công dân đang bị một tổ chức dân quân Hồi giáo bắt làm con tin. Có nhiều lời khen phát xuất từ trong nội bộ nước Phi, nhưng cũng có lắm lời phàn nàn đưa ra từ bên ngoài.

Bấm vào đây để nghe tiết mục này

Rightclick to download this audio

Cũng như thường lệ, ngoài những nhận định của báo giới quốc tế, chúng tôi xin kèm theo những thực chứng âm do hãng thông tấn AP cung cấp nhằm minh họa các sự kiện cho thêm linh hoạt.

Về quyết định của Manila cho triệt thoái bộ phận binh sĩ nhỏ bé không chiến đấu của họ về nước để tránh cho công dân Angelo de la Cruz khỏi bị dân quân Iraq chặt đầu, thì phản ứng của báo giới Philippines rất khác biệt. Ngoại trưởng Delia Albert loan báo rằng số 51 binh sĩ của Manila đã khởi sự triệt thoái sớm, thay vì hạn chót theo kế hoạch là ngày 20 tháng Tám.

Phía ngợi khen thì viện dẫn chủ quyền quốc gia và nguyên tắc chính quyền phải bảo vệ công dân của mình trên mọi yêu cầu khác của nước ngoài. Bên chê trách thì cảnh cáo rằng thái độ chịu khuất phục yêu sách của khủng bố sẽ tạo ra thêm nhiều vụ bắt bí khác nữa.

Nhật báo The Daily Tribune vốn thường chỉ trích các chính sách của Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo, trong số phát hành ở Manila ngày hôm qua đã ngỏ lời ủng hộ quyết định mới đây của bà. Bài bình luận của tờ này viết "lần này, bà đã làm một cử chỉ khả ái cho cả nước, dù rằng cũng có nhiều lưỡng lự. Hoa Kỳ có thể sẽ phàn nàn sau khi Manila rút quân ra khỏi Iraq, nhưng không ai quên là khi bà Arroyo mù quáng ủng hộ cuộc chiến chống khủng bố do ông Bush đề xướng thì nước Philippines đã đối diện với nhiều rủi ro hơn trước".

Tờ The Daily Tribune kết luận rằng "quyết định rút quân đã phần nào phục hồi được phẩm giá riêng của Philippines, vốn đã bị suy mòn kể từ khi tham gia cùng Mỹ vào cuộc trả thù ở Trung Đông".

Nhà bỉnh bút đối lập Arnold Clavio hôm qua viết trên tờ Abante, vốn cũng là một tờ báo đối lập rất được yêu chuộng ở Phi, rằng bà Arroyo đã tỏ ra cam đảm khi quyết định cứu mạng ông Angelo, vì bà chưa quên rằng mình được bầu lên để lãnh đạo mọi người Philippine.

Bài quan điểm này viết thêm rằng Hoa Kỳ không thể buộc là Philippines phản bội, vì Phi chưa hề là một bang của Mỹ. Nếu Washington thật sự là bạn của Manila thì phải tôn trọng bất cứ quyết định nào do chính phủ Philippines đưa ra.

Một tờ báo đối lập khác của Philippines là tờ Bulgar, hôm qua cũng nhận xét rằng sự ủng hộ của dân chúng đối với Tổng thống Arroyo đã tăng cao đáng kể nhờ quyết định can đảm của bà. Điều đó sẽ xóa tan hình ảnh Philippines là con cờ của Mỹ.

Tuy nhiên, nhận xét của báo giới chính thống thì có phần dè dặt và nhiều lo ngại hơn. Bài quan điểm trên tờ báo nhiều uy tín The Philippines Star hôm qua cảnh cáo rằng chính phủ Manila phải lo kiếm sẵn những món quà nhằm thỏa mãn bọn bắt cóc trong tương lai, vì chắc chắn sẽ có thêm nhiều vụ bắt cóc mới nữa.

Bài quan điểm này viết thêm là song song với niềm vui về kết cuộc của chuyện Angelo de la Cruz, là sự khởi đầu một câu chuyện kinh dị khác mà chính quyền Manila khó có thể kết thúc được. Khi người ta đã chịu khuất phục bọn bắt chẹt rồi, thì đương nhiên chúng sẽ trở lại.

Nhận xét đó được khẳng định qua lời tuyên bô của ông Scott McClellan, phát ngôn nhân của Nhà Trắng. Ông nói: "Không thể thương thuyết gì với bọn khủng bố. Không thể có hòa bình với bọn khủng bố, chúng ta đã thấy bản chất man rợ của họ tại Iraq. Họ không tôn trọng những thường dân vô tội...."

Trong bài quan điểm hôm qua trên tờ Manila Times, mộttrong những cơ quan ngôn luận được nể trọng nhất Philippines, tờ này phàn nàn rằng "chính phủ Philippines không thể nhượng bộ bọn khủng bố hay tội phạm được. Nếu bọn họ quyết định giết anh Angelo de la Cruz thì họ phạm tội ác. Tổng thống không những chỉ có nghĩa vụ với anh ta, mà còn có trách nhiệm đối với toàn bộ dân chúng".

Cái nhìn đó được nhà bỉnh bút danh tiếng Maximo Soliven chia sẻ. Đăng trên tờ The Philippines Star hôm qua, ông viết "số phận của 1 triệu 400 ngàn công nhân Philippine làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là 4,000 người đang còn ở Iraq, và 900,000 người Phi làm việc ở nước láng giềng Ảrập Xê-Út, hiện đang nguy khó hơn trước. Bọn khủng bố từ nay đã biết là họ có thể bắt cóc hay dọa chặt đầu thêm nhiều người Phi nữa, vì chính phủ Arroyo sẽ chịu tuân thủ những điều kiện do bọn chúng đưa ra".

Nhắc đến các nhóm khủng bố ngay tại trong nước như nhóm Abu Sayaff hay Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro, ông Soliven viết rằng việc Manila rút quân ra khỏi Iraq sẽ cho thấy là Manila không còn kiểm sóat được chính đất nước mình. Điều đó, dưới mắt nhìn của giới đầu tư nước ngoài quả không có gì là hay cho lắm.

Bên ngoài nước Phi, nhật báo The Straits Times của Singapore hôm qua đăng bài quan điểm viết rằng quyết định của chính phủ Philippines rút quân ra khỏi Iraq là một sai lầm nghiêm trọng.

Dù chỉ có 51 binh sĩ và cảnh sát, không tác động gì nhiều đến sức mạnh của liên quân, nhưng nó tạo ra ảnh hưởng tai hại khôn lường về mặt tâm lý. Cùng với việc Tây Ban Nha triệt thoái sau vụ khủng bố đánh bom Madrid, thì quyết định của Manila đưa ra một thông điệp toàn cầu, rằng bọn khủng bố là can đảm, có chính nghĩa, trong khi chiến dịch chống khủng bố lại quá hèn kém, không chịu nổi áp lực. Do đó, bọn khủng bố sẽ chiến thắng.

Nhật báo tài chánh The Wall Street Journal, ấn bản Á châu, hôm qua cũng viết rằng Philippines với hàng triệu công dân làm việc ở nước ngoài, và cũng có những phong trào Hồi giáo nổi dậy ở trong nước, sẽ là một quốc gia thiệt thòi khi chịu khuất phục bọn khủng bố bắt chẹt.

Khi Manila quyết định rút quân ra khỏi Iraq để cứu mạng một công dân Philippines, vô tình sẽ làm vận mệnh của cả nước lâm nguy vào những năm tới.