Quan điểm truyền thông quốc tế (Ngày 6-8-2004)

Cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ đang được thế giới chú ý đến, sau khi Thượng Nghị Sĩ John Kerry chính thức được Ðảng Dân Chủ đề cử để dự cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, đối đầu với đương kim Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush. Cùng lúc đó, vấn đề khủng bố tiếp tục đe dọa an ninh nước Mỹ cũng đang gây sôi nổi không chỉ trong chính trường, mà ngay trong dư luận quần chúng.

Bấm vào đây để nghe tiết mục này

Rightclick to download this audio

Chủ Nhật tuần rồi, ông Tom Ridge, Bộ Trưởng Bộ An Ninh Nội Ðịa Mỹ bất ngờ tổ chức họp báo, cho biết tin tức tình báo thu thập được xác nhận quân khủng bố âm mưu đánh bom vào trụ sở của những tổ chức tài chánh và thị trường chứng khoán Hoa Kỳ. Các địa điểm được nói đến gồm Thị Trường Chứng Khoán New York, trụ sở của Tổ Hợp Ðầu Tư Citigroup, trụ sở của Ngân Hàng Thế Giới và Qũy Tiền Tệ Quốc Tế ở ngay thủ đô Washington.

Song song với lời tuyên bố mà quý thính giả vừa nghe, người cầm đầu Bộ An Ninh Nội Ðịa Mỹ cũng thông báo nâng cấp mức độ báo động ở thủ đô Washington và tại thành phố New York, hai địa điểm từng là mục tiêu của khủng bố hồi 11 tháng 9 năm 2001 và theo lời các giới chức thẩm quyền ở Washington, vẫn tiếp tục là những mục tiêu mà quân khủng bố theo đuổi, nhằm gây rối trong thời gian cuộc bầu chọn Tổng Thống của Mỹ đang ngày một gần kề.

Ngay sau khi cuộc họp báo kết thúc, có dư luận trong quần chúng Mỹ cho rằng đảng Cộng Hòa đương quyền dùng lời cảnh báo vào mục tiêu chính trị, tạo thêm thuận lợi cho đương kim Tổng Thống George W. Bush tranh cử nhiệm kỳ 2. Nhà Trắng, ông Bộ Trưởng Bộ An Ninh Nội Ðịa Mỹ và ngay chính Tổng Thống Bush đã lên tiếng bác bỏ dư luận này, nói rằng không bao giờ báo động với người dân về hiểm họa khủng bố nếu không có bằng chứng xác đáng nhưng những lời giải thích - dù của người lãnh đạo nước Mỹ - vẫn không ngăn cản được những lời đồn đãi tiếp tục xảy ra.

Trong bài bình luận đăng tải ngày hôm qua, nhật báo The New York Times, một trong những tờ báo có uy tín hàng đầu của Mỹ viết: "Mặc dù chính quyền Bush đã cực lực phản đối dư luận cho rằng những lời cảnh báo quân khủng bố có thể mở các cuộc tấn công được đưa ra vì mục tiêu chính trị, nhưng chính các hành động mà Tổng Thống Bush đã làm khiến người dân có cảm tưởng như vậy.

Từ nay đến ngày mùng 2 tháng 11 là ngày người dân đi bầu Tổng Thống, không có gì quan trọng hơn cho ông Bush là phải chứng tỏ cho dân chúng biết ông không hề thổi phồng hay sử dụng khủng bố để làm lợi cho cuộc vận động tranh cử nhiệm kỳ 2. Ðây là một công việc đầy khó khăn, vì rõ ràng ông Bush đang tranh cử với tiêu đề chống khủng bố, và sử dụng hình ảnh biến cố 11 tháng 9 hay mối đe dọa khủng bố có thể tái diễn để đánh bóng cá nhân ông ta.

Về vấn đề an ninh quốc gia, uy tín của ông Bush đã bị tổn thương nặng nề vì, bất kể là cố ý hay vô tình, ông đã đánh lừa người dân Mỹ, qua những lý do ông đưa ra để tấn công Iraq, trong đó có cả lý do nói rằng cuộc chiến Iraq là một phần của cuộc chiến chống khủng bố Al-qaeda."

Một vấn đề khác dù xảy ra trên đất Mỹ nhưng cũng được báo chí một số quốc gia nói đến. Ðó là chuyện những chính trị gia thường đổ lỗi cho nhau về việc để cho các công ty đem việc làm từ nước Mỹ sang cho những nước khác, khiến tình trạng thất nghiệp xảy ra. S thaật như thế nào? Bài bình luận của tờ Globe and Mail, xuất bản tại thành phố Toronto, Canada viết:

Thoạt nhìn, vấn đề trông có vẻ nguy kịch. Với mức phát triển của Internet, giá cước viễn thông hạ, dữ liệu được kỹ thuật số hóa, đã tạo cơ hội dễ dàng hơn để đưa một số công việc ra nước ngoài, ở những nơi giá công nhân rẻ hơn mức lương phải trả cho công nhân tại Bắc Mỹ rất nhiều. Một cuộc nghiên cứu cho thấy trong vòng 15 năm tới, sẽ có 3 triệu 300 ngàn việc làm được đưa từ nước Mỹ ra nước ngoài.

Nhưng không phải tất cả các công việc làm ở Bắc Mỹ được đưa sang Nam Hàn hay Ðài Loan. Mặc dù chuyện các công ty Hoa Kỳ mở cơ xưởng ở Châu Á có xảy ra, nhưng trong thập niên 1990, tỷ lệ thất nghiệp của nước Mỹ xuống tới mức thấp nhất và hiện cũng đang giảm sau 1 thập niên gặp khó khăn. Tính chung, từ năm 1998 cho đến năm 2002, số việc làm ở Hoa Kỳ tăng 37% trong khi dân số chỉ tăng có 24%.

Cũng không phải tất cả mọi dịch vụ từ Mỹ được chuyển sang cho Ấn Ðộ hay Trung Quốc. Trước hết, phải nói rằng đây là điều không thực tế, vì hầu hết các dịch vụ nằm trong lãnh vực giáo dục, y tế, du lịch nội địa và những ngành nghề khác không thể giao cho nước ngoài quán xuyến. Vì thế tới 60% trong số 1,000 công ty hàng đầu của Hoa Kỳ không thể đưa việc làm từ Mỹ ra nước ngoài và cũng chẳng hề nghĩ đến chuyện làm điều đó.

Bài bình luận của nhật báo The Globe and Mail viết tiếp rằng kể cả chuyện đưa việc làm từ Mỹ ra ngoại quốc cũng giúp phát triển nền kinh tế của chính nước Mỹ.

Tạp chí Các Vấn Ðề Ðối Ngoại có đăng tải kết quả cuộc nghiên cứu do Giáo Sư Daniel Drezner của Viện Ðại Học Chicago thực hiện, cho thấy trong thời gian từ 1995 cho đến 2002, việc giao cho các nước khác thực hiện các sản phẩm kỹ thuật tin học đã giúp Hoa Kỳ thêm 230 tỷ đô la lợi nhuận kinh tế. Lý do là khi máy điện toán và nhu liệu được chế biến với giá rẻ, những công ty của Mỹ có tiền thuê thêm nhân viên ngay trong nước để sản xuất và cung cấp dịch vụ tốt hơn.

Tạp Chí Quan Ðiểm Truyền Thông Quốc Tế tuần này được gửi đến quý thính giả đúng một tuần lễ trước ngày Olympic 2004 khai mạc ở Athens. Sau 6 năm trời tính từ ngày khởi công và sau những khó khăn có lúc tưởng không thể nào vượt qua được, cả thế giới bây giờ đang sửa soạn để cùng với nhân dân và Chính Phủ Hy Lạp chào đón đại hội thể thao lớn nhất hoàn vũ, được tổ chức mỗi 4 năm một lần. Chúng tôi xin được kết thúc phần điểm báo quốc tế tuần này với bài bình luận của tờ Kathimerini xuất bản ngay ở thành phố Athens.

Rõ ràng, không khí ở Athens đã thay đổi cho phù hợp với tinh thần của Olympic. Báo chí nước ngoài cũng ca ngợi các công trình mới được xây dựng, dù vào đến giờ chót mới hoàn tất. Các đoàn đại biểu nước ngoài khi đến thăm làng thế vận và các sân vận động đều lên tiếng thán phục. Nhiều người trong các đoàn đại biểu còn công khai nhìn nhận rằng nhiều công trình do Ủy Ban Tổ Chức Olympic Athens thực hiện còn hay hơn cả các công trình được dựng ở Sydney, là nơi thành công mỹ mãn khi tổ chức Olympic năm 2000.