Những vấn đề nào sẽ được bàn thảo tại hội nghị APEC 2006?


2006.11.17

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Ngày mai Thượng Ðỉnh Diễn Ðàn Hợp Tác Châu Á-Thái Bình Dương, tức APEC 2006, khai diễn ở Hà Nội, với sự hiện diện của 21 nhà lãnh đạo những nước thành viên. Liệu chúng ta có thể mong đợi gì ở cuộc gặp gỡ quan trọng này? Những vấn đề nào sẽ được bàn thảo, nhưng điều gì có thể giải quyết trước khi lãnh đạo các nước rời Việt Nam?

UsKoreanJapanApec200.jpg
Tổng thống Bush (giữa), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải), và Tổng thống Nam Hàn Roh Moo-Hyun (trái) tại một cuộc họp bên lề Hội nghị APEC diễn ra ở khách sạch Shreaton, Hà Nội hôm 18-11-2006. AFP PHOTO

Rất nhiều câu hỏi đang được đặt ra, và tất cả mọi người đều mong đợi câu trả lời. Trước thềm hội nghị, Ban Việt Ngữ chúng tôi đã có dịp tiếp xúc với ông John Tkasik, một chuyên gia về Châu Á của Viện Nghiên Cứu The Heritage Foundation, đồng thời cũng là một quan sát viên của APEC 2006.

Như thường lệ, cuộc nói chuyện do Nguyễn Khanh thực hiện và chúng tôi xin gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ Câu Chuyện Thời Sự Hàng Tuần.

Nguyễn Khanh: Trước hết phải cám ơn ông đã dành thì giờ nói chuyện với Ðài Á Châu Tự Do, dù ông rất bận rộn trong những ngày này. Câu hỏi đầu tiên mà Ðài chúng tôi muốn đặt ra với ông là có những điểm quan trọng nào mà thế giới có thể mong đợi ở APEC 2006?

Ông John Tkasik: Hội nghị APEC 2006 và Thượng Ðỉnh APEC 2006 diễn ra vào thời điểm các nhà lãnh đạo quan tâm sâu xa đến chuyện liên quan tới Bắc Hàn, đồng thời ở Washington, mọi người cũng đang lo lắng cho tương lai của Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới WTO, và những nguyên tắc về tự do mậu dịch cho vùng Châu Á-Thái Bình Dương.

Rất tiếc, tôi nghĩ là những điều mà mọi người quan tâm đến sẽ không được giải quyết ở Thượng Ðỉnh APEC năm nay, chẳng hạn như đến bây giờ Hoa Kỳ vẫn chưa đạt được sự ủng hộ thật sự của Trung Quốc và Nga để giải quyết chuyện hạt nhân của Bắc Hàn, dù ai cũng biết cuộc đàm phán 6 bên sẽ tái diễn ở Bắc Kinh vào tháng tới.

Rất tiếc, tôi nghĩ là những điều mà mọi người quan tâm đến sẽ không được giải quyết ở Thượng Ðỉnh APEC năm nay, chẳng hạn như đến bây giờ Hoa Kỳ vẫn chưa đạt được sự ủng hộ thật sự của Trung Quốc và Nga để giải quyết chuyện hạt nhân của Bắc Hàn, dù ai cũng biết cuộc đàm phán 6 bên sẽ tái diễn ở Bắc Kinh vào tháng tới.

Tôi cũng không nghĩ là các nước ASEAN ủng hộ ý kiến mà Hoa Kỳ đưa ra là cần mở rộng khu vực mậu dịch tự do cho cả Châu Á-Thái Bình Dương. Nói tóm lại, tôi thấy Thượng Ðỉnh APEC 2006 chỉ là cơ hội để gặp gỡ, thảo luận, chứ chưa chắc sẽ đem lại mọi kết quả mà chúng ta chờ đợi.

Nguyễn Khanh: Nghe ông nói, tôi có cảm tưởng 21 lãnh đạo APEC sẽ gặp nhau với khăn đóng áo dài, chụp hình kỷ niệm và sau đó ai về nhà nấy…

Ông John Tkasik: APEC 2006 sẽ không giải quyết được mọi vấn đề, nhưng không có nghĩa là không đạt được thành quả nào cả. Ðây là cơ hội rất quan trọng và rất cần thiết, để lãnh đạo các nước thành viên gặp nhau bàn thảo, trao đổi ý kiến với nhau, và kể cá chuyện hàng năm gặp lại nhau cũng là một điều tốt, nên làm.

Nhưng nếu ông hỏi tôi là có vấn đề quan trọng nào được giải quyết hay không thì tôi không thấy, ngoại trừ một điều là dấu chân của Trung Quốc và Nga sẽ ghi đậm hơn ở khu vực ASEAN. Tôi cũng phải cho ông biết thêm ở đây là mọi người cũng sẽ để ý đến sự kiện Chủ Tịch Nước Hồ Cẩm Ðào của Trung Quốc từ chối gặp Thủ Tướng Canada, vì Chính Phủ Canada liên tục lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh về vấn đề nhân quyền. Ngoài những điều vừa trình bầy, tôi không thấy có gì đáng nói hơn nữa.

Nguyễn Khanh: Thế còn chuyện DOHA thì sao? Trước thềm thượng đỉnh, tất cả các đoàn đại biểu tham dự những phiên họp cấp bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng thương mại đều nói phải giải tỏa bế tắc, phải nói chuyện trở lại để giải quyết chuyện một số nước vẫn chủ trương và áp dụng chính sách bảo hộ nông nghiệp. Ông nghĩ lời kêu gọi này có được lắng nghe không?

Ông John Tkasik: Tôi thấy các thành viên của WTO chẳng hứng khởi gì khi nói đến chuyện DOHA, chỉ có một số nước thuộc ASEAN thật tâm muốn nói đến chuyện này. Thành thử ra theo nhận xét của tôi, lo âu thì có, nhưng nếu bảo rằng APEC 2006 sẽ giúp giải quyết bế tắc cho vòng đàm phán DOHA thì tôi không. Có thể ở thượng đỉnh APEC 2006, các nhà lãnh đạo nhắc lại quyết tâm muốn thực hiện điều chúng ta thường hay gọi là mậu dịch tự do, nhưng giải quyết các trở ngại thì chưa.

Nguyễn Khanh: Cả thế giới đang chú ý đến Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush, vì đây là chuyến đi nước ngoài đầu tiên của ông Bush sau khi gặp thất bại chính trị ở cuộc bầu cử giữa kỳ. Theo ông, liệu chuyện đó có làm giảm uy thế của ông Bush hay của Hoa Kỳ ở Thượng Ðỉnh APEC 2006 không?

Ông John Tkasik: Tôi tin rằng đảng Dân Chủ cũng phải quan tâm đến vị trí của nước Mỹ ở Châu Á, cũng như các nước Châu Á quan tâm đến chính sách mà Hoa Kỳ sẽ cho áp dụng sau khi Quốc Hội ở Mỹ không còn nằm dưới quyền điều khiển của đảng Cộng Hòa.

Theo tôi thì sau ngày đảng Dân Chủ nắm khối đa số ở Quốc Hội, họ sẽ chú ý đến chuyện công bằng mậu dịch hơn là chuyện tự do mậu dịch, chú ý đến chuyện môi trường lao động hơn là chuyện phát triển kinh tế. Nhưng điều tôi thấy rõ là dù muốn dù không, phe Dân Chủ ở Hoa Kỳ không thể nào bỏ Châu Á được.

Một trong những điều Hoa Kỳ mong muốn thấy là làm sao giúp để nền kinh tế của Việt Nam không bị lệ thuộc quá nặng vào Trung Quốc, không bị lệ thuộc vào những nhà máy mà Trung Quốc xây dựng trên lãnh thổ của Việt Nam.

Ngay hiện giờ cũng có nhiều người bảo nước Mỹ không quan tâm đến Châu Á đúng mức, điều đó đúng vì Washington dồn mọi chú tâm vào Trung Ðông, vào Afghanistan chứ không phải Washington bỏ rơi Châu Á đâu. Nếu nhìn kỹ lại, chắc ông cũng đồng ý với tôi là sự hiện diện của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương vẫn còn đậm nét lắm. Nhưng cũng phải công bằng mà nói là các nước trong vùng đều nghĩ rằng trong 6 năm qua, chính phủ của ông Bush không chú ý đến Châu Á đúng mức.

Nguyễn Khanh: Đây là lần đầu tiên Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush đến thăm Việt Nam. Ông là người quen biết rộng rãi với giới hoạch định chính sách ở Washington, nên tôi muốn hỏi ông là Việt Nam đóng vai trò gì, ở vị trí nào trên bàn cờ chiến lược của Mỹ?

Ông John Tkasik: Một trong những điều Hoa Kỳ mong muốn thấy là làm sao giúp để nền kinh tế của Việt Nam không bị lệ thuộc quá nặng vào Trung Quốc, không bị lệ thuộc vào những nhà máy mà Trung Quốc xây dựng trên lãnh thổ của Việt Nam. Các nhà kinh tế cũng như các doanh gia Mỹ muốn giúp Việt Nam giảm bớt gánh nặng này, muốn bỏ tiền đầu tư vào Việt Nam thay vì đổ dồn sang Trung Quốc. Hoa Kỳ cũng coi Việt Nam là nước trong tương lai có thể trở thành đối tác chiến lược của mình, để giúp ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc ở Châu Á.

Trong các nước ASEAN, Việt Nam trước đây từng bị Trung Quốc xâm lược và bây giờ, vẫn bị Trung Quốc bao vây ở nhiều mặt. Có lẽ đó cũng chính là điều mà giới lãnh đạo Việt Nam đang lo, cho dù họ không công khai nói ra. Nhưng đồng thời khi nói đến việc làm sao ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc, người ta không thể nào quên được vai trò của Việt Nam.

Nguyễn Khanh: Ông cũng biết hồi đầu tuần này Hạ Viện Mỹ không thông qua Quy Chế Thương Mại Bình Thường Vĩnh Viễn PNTR cho Việt Nam. Liệu tôi có thể xem đây là một bất lợi chính trị cho Tổng Thống George W. Bush khi ông gặp các nhà lãnh đạo của Việt Nam hay không?

Nguyễn Khanh: Điều đó có thể xảy ra. Thế nào rồi Việt Nam cũng được hưởng PNTR, lý do khiến Tổng Thống Mỹ đến Việt Nam mà không có PNTR cầm trong tay chỉ vì cuộc bỏ phiếu ở Hạ Viện hồi đầu tuần không đi qua những thủ tục thông thường, do đó, cần phải có 2/3 các vị dân biểu ủng hộ mới thành công.

Phải nói thật là ngay chính tôi cũng ngạc nhiên vì tôi vẫn nghĩ thế nào cũng có đủ số phiếu cần thiết nhưng cuối cùng lại không. Nhìn kỹ lại, chúng ta thấy phần lớn các vị dân biểu của Ðảng Dân Chủ không ủng hộ, và đó cũng là điều gây ngạc nhiên cho nhiều người.

Cảm nghĩ của tôi là dù không có PNTR, nhưng điều đó chẳng ảnh hưởng gì đến những cuộc thảo luận tại Hà Nội giữa Tổng Thống Hoa Kỳ và các nhà lãnh đạo Việt Nam, vì cả hai phía đều biết sớm muộn gì cũng sẽ xong, tức Việt Nam sẽ được Hoa Kỳ dành cho quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn. Dĩ nhiên là với Tổng Thống George W. Bush, sang thăm Việt Nam mà không có món quà tặng cho người chủ nhà thì cũng thật tiếc.

Nguyễn Khanh: Thay mặt quý thính giả xin cám ơn ông rất nhiều.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.