Biến động chính trị ở Miến Ðiện


2007.09.28
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Biến động chính trị đang xảy ra ở Miến Ðiện là đề tài được cả thế giới chú ý đến. Hình ảnh những tăng ni Phật Giáo dẫn đầu đoàn biểu tình đòi hỏi tự do và công bằng được các cơ quan truyền thông quốc tế chọn đăng tải ngay trên trang nhất kèm theo tin tức liên quan.

BurmeseJournalist200.jpg
Hình ảnh lấy từ trang web Mizzima New cho thấy một phóng viên phương Tây (giữa) chụp hình những người đang ngồi biểu tình trước khi lực lượng an ninh Miến tấn công những người biểu tình hôm 27-9-2007 ở Yangon. AFP PHOTO >> Xem hình lớn hơn

Ngay trong những bài phát biểu ở Liên Hiệp Quốc, lãnh đạo của những nước dân chủ tân tiến cũng đều lên tiếng bày tỏ mối quan tâm sâu xa, đặc biệt trước tin quân đội Miến Ðiện đã nổ súng vào đoàn biểu tình và đã có người chết.

Trước sự kiện đầy sôi động đó, Ban Việt Ngữ chúng tôi đã liên hệ được với Ðại Ðức Giam Be Ya, người sáng lập Liên Minh Tu Sĩ Phật Giáo Miến Ðiện, đồng thời cũng là một trong 5 nhà sư đang điều khiển cuộc tranh đấu đòi nhân quyền và dân quyền. Hiện giờ vì lý do an ninh, Ðại Ðức Giam Be Ya hiện phải trốn tránh ở một địa điểm bí mật trên lãnh thổ Miến Ðiện.

Như thường lệ, cuộc phỏng vấn do Nguyễn Khanh thực hiện và chúng tôi xin gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ Tạp Chí Câu Chuyện Thời Sự Hàng Tuần. Tạp Chí tuần này cũng được sự cộng tác đặc biệt của nhà báo người Miến Ðiện Zaw Moe Kyaw.

Nguyễn Khanh: Cám ơn Ðại Ðức đã dành thì giờ trả lời phỏng vấn của Ðài chúng tôi. Thưa Ðại Ðức, tình hình hiện giờ ở Miến Ðiện như thế nào?

Ðại Ðức Giam Be Ya: Chắc ông cũng đã biết đã trong suốt cả tuần lễ nay, ngày nào cũng có hàng ngàn nhà sư dẫn đầu những cuộc biểu tình diễn ra ngay trong lòng thủ đô Rangoon và ở trung tâm thành phố Mandalay. Tăng đoàn chúng tôi cùng với người dân nhập cuộc, tham dự những cuộc biểu tình đòi hỏi những điều chính đáng cho quốc gia và cho dân tộc.

Quân đội và cảnh sát phản ứng nhanh đã nổ súng bắn vào đoàn biểu tình, số người chết và bị thương lên đến cả trăm người. Không chỉ người dân bị khổ nạn, cảnh sát còn bắn và đánh đập cả các sư tăng. Nhưng điều đáng nói là số người tham gia biểu tình ngày một đông, bất chấp những khó khăn do phía nhà nước gây nên.

Lý do khiến chúng tôi phải mất tới 20 năm mới dựng lại được không khí của ngày hôm nay vì trong 2 thập kỷ qua, chúng tôi bị kềm kẹp đến độ người dân sống trong sợ hãi. Nhưng cuối cùng, người dân Miến Ðiện chúng tôi không thể chịu đựng được nữa và bắt buộc phải lên tiếng đòi quyền sống cho chính mình.

Nguyễn Khanh: Năm 1988, cuộc cách mạng đã xảy ra và bị đàn áp dữ dội, tới độ ngay cả người dân cũng không dám lên tiếng. Thưa Ðại Ðức, hai mươi năm sau mới thấy lại được hình ảnh mà chính người dân Miến Ðiện nói rằng họ chờ đợi đã lâu. Liệu bước khởi đầu bây giờ có đi đến được chỗ kết thúc hay không?

Ðại Ðức Giam Be Ya: Lý do khiến chúng tôi phải mất tới 20 năm mới dựng lại được không khí của ngày hôm nay vì trong 2 thập kỷ qua, chúng tôi bị kềm kẹp đến độ người dân sống trong sợ hãi. Nhưng cuối cùng, người dân Miến Ðiện chúng tôi không thể chịu đựng được nữa và bắt buộc phải lên tiếng đòi quyền sống cho chính mình.

Nếu có dịp đến Miến Ðiện, ông sẽ thấy ngay cảnh đói khổ, y tế, giáo dục thì nghèo nàn. Xã hội và đời sống của người dân ngày một tụt hậu. Và người dân chỉ còn một cách duy nhất là đứng lên đòi quyền làm chủ đất nước.

Một lý do khác nữa nhưng rất quan trọng là nhân dân Miến Ðiện chúng tôi đứng lên cho chính mình và cho những người xung quanh mình. Ðó là động lực sẽ đưa đến kết quả cuối cùng ông vừa hỏi.

Nguyễn Khanh: Mục tiêu được Liên Minh Tu Sĩ Phật Giáo Miến Ðiện đặt ra cho cuộc tranh đấu này là gì?

Ðại Ðức Giam Be Ya: Tăng đoàn chúng tôi cùng người dân đứng lên đòi nhà nước phải cải thiện đời sống cho người dân, giải quyết những cùng cực mà người dân Miến Ðiện đang phải chịu đựng, và chúng tôi quyết tâm đi theo đường lối bất bạo động, tranh đấu trong ôn hòa.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng hiểu thể chế độc tài chính là nguyên nhân gây nên khổ đau cho dân tộc. Phải thay đổi thể chế đó, phải thay đổi nhà cầm quyền quân sự hiện nay bằng một chính phủ của dân. Mục tiêu của chúng tôi rất rõ rệt: phải thay đổi thể chế chính trị hiện giờ, nếu muốn đất nước khá hơn và người dân có đời sống sung túc hơn.

Tôi muốn nhắc lại là ngay từ đầu, chúng tôi đã đặt ra mục tiêu rất rõ rệt là tranh đấu ôn hòa, bất bạo động. Chúng tôi cũng đã lên tiếng kêu gọi chính quyền đối thoại với dân chúng, để thay đổi hệ thống lãnh đạo và thể chế chính trị sao cho đúng với nguyện vọng của người dân. Phản ứng từ phía nhà nước là sử dụng võ lực để đàn áp các tăng ni cũng như dân chúng. Các tướng lãnh đang nắm quyền hành không đếm xỉa gì đến mạng sống của người dân.

Ông thấy chính quyền Miến Ðiện là một chính quyền độc tài, sẵn sàng giết người như những tên đồ tể. Một chính quyền đối xử với dân tàn bạo như thế không được phép có mặt ở đất nước của chúng tôi.

BurmeseSoliderKill200.jpg
Hình được đăng tải trên một blog cho thấy thi thể của phóng viên người Nhật Kenji Nagai (trái) nằm trên đường phố khi lực lượng an ninh Miến hành động mạnh tay những người biểu tình hôm 27-9-2007. AFP PHOTO >> Xem hình lớn hơn

Nguyễn Khanh: Trong những ngày tới và nếu có cơ hội, quý Tăng Ni có đồng ý nói chuyện với nhà cầm quyền hoặc cho nhà cầm quyền cơ hội thương thuyết không?

Ðại Ðức Giam Be Ya: Có, lúc nào chúng tôi muốn đối thoại trực tiếp với chính quyền và cũng đã kêu gọi chính quyền nói chuyện thẳng với chúng tôi. Nhưng sau những gì xảy ra trong 2 ngày vừa qua, tôi thấy rõ những gì nhà nước muốn làm. Nhà nước không muốn thương thuyết, họ sẵn sàng sử dụng giải pháp nặng nhất để dẹp các đoàn biểu tình chứ không nghe tiếng nói của chúng tôi.

Ðiều này cũng dễ hiểu. Trong suốt 2 thập kỷ qua, nhà cầm quyền không thèm nghe tiếng nói của người dân, không bao giờ nghĩ đến chuyện hòa hợp, hòa giải dân tộc. Ðiều tôi học được sau khi nghe tiếng súng nổ là thể chế chính trị độc tài là thể chế không đếm xỉa đến cả sinh mạng của người dân.

Cũng từ đó, tôi biết được thêm một điều. Ðiều đó là đừng bao giờ mong chờ cảm hóa được những kẻ độc tài. Muốn có tự do, có dân chủ, có đoàn kết dân tộc thì phải chấm dứt chế độ độc tài.

Nguyễn Khanh: Nhưng Ðại Ðức đừng quên là sư tăng và dân chúng chỉ có trái tim, còn chính quyền thì có súng đạn….

Ðại Ðức Giam Be Ya: Ông nói đúng. Chúng tôi biết phía chính quyền có súng đạn và cũng như dân ở các nước khác, người dân Miến Ðiện sợ súng đạn vì súng đạn có thể bắn chết người. Nhưng ông đừng quên rằng ước mơ dân chủ, tự do, được sống thật với lương tâm của mình bao giờ cũng lớn hơn súng đạn, lớn hơn nỗi sợ hãi. Xưa nay, ai cũng bảo là “lương tâm thắng súng đạn” chứ đâu có ai nói “súng đạn thắng được lương tâm”.

Nguyễn Khanh: Châu Á là vùng đất có rất nhiều người theo Phật Giáo. Liên Minh Tu sĩ Phật giáo Miến Ðiện có kêu gọi sự hỗ trợ của chư tăng, phật tử những nước khác không?

Ðại Ðức Giam Be Ya: Chúng tôi rất cần sự yểm trợ của Tăng Ni, Phật Tử ở các nước Châu Á khác. Là Phật Tử, tất cả mọi người đều thấu hiểu Giáo Lý Ðạo Phật, đi theo bước chân của Ðức Phật và lắng nghe tiếng Ngài giảng dậy. Ðể có thể chống đỡ những nguy hiểm mà chính quyền độc tài có thể gây nên, chúng tôi kêu gọi Phật Tử khắp nơi cùng đoàn kết với nhân dân Miến Ðiện. Người dân Miến Ðiện chỉ mong ước được sống an bình, và xin mọi người giúp cho chúng tôi đạt được mong ước đó.

Nguyễn Khanh: Câu hỏi chót. Tôi nghe nói là Liên Minh Tu Sĩ Phật Giáo Miến Ðiện quy tụ tới 600,000 tăng ni. Xin hỏi Ðại Ðức là với số thành viên đông như vậy, liệu Liên Minh có thể đảm bảo là có đoàn kết nhất trí không?

Ðại Ðức Giam Be Ya: Câu hỏi ông nhà báo đặt ra phần nào, giống như câu hỏi trước đó. Tất cả tăng ni Miến Ðiện đều có chung một lý tưởng, học hỏi cùng một giáo lý. Niềm tin vào tôn giáo, lý tưởng cộng với chiếc áo cà sa khoắc trên người là những yếu tố gắn chặt chúng tôi làm một.

Ngay từ khi xuất gia, chúng tôi đã được giảng dạy rằng theo tiếng Phạn “sangha” có nghĩa là “nhà tu hành”, đồng thời cũng có nghĩa là “đoàn kết”. Tất cả chúng tôi đều là con Phật, sống theo khuôn phép và quy luật của Phật Giáo. Ðó là lý do tại sao Liên Minh Tu Sĩ Phật Giáo Miến Ðiện được thành lập và tôi xin trình bày để trả lời câu hỏi của ông.

Nguyễn Khanh: Cám ơn Ðại Ðức. Xin cầu chúc Ðại Ðức và quý chư tăng ni thân tâm an lạc.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.