Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA
Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush vừa hoàn tất chuyến viếng thăm Trung Ðông kéo dài tám ngày, qua Do Thái, đặt chân lên phần đất trong tương lai sẽ thuộc quốc gia tân lập của người Palestine, và ghé thăm những đồng minh Ả Rập.

Hầu hết các nhà quan sát ở Hoa Kỳ cũng như tại Trung Ðông đều gọi chuyến đi của người lãnh đạo nước Mỹ là chuyến đi đầy tham vọng, từ tham vọng sẽ nhìn thấy hòa bình, chấm dứt cuộc chiến kéo dài nhiều thập kỷ giữa hai dân tộc Do Thái và Palestine, cho đến tham vọng phổ biến và cổ vũ dân chủ cho khu vực.
Nhiều câu hỏi đang được đặt ra cho chuyến đi mới kết thúc của ông Bush. Chuyến đi đã tạo được những thành quả như thế nào? Liệu thiện chí không thôi, có đủ để đem lại thành công như ông Bush mong đợi không? Liệu sự hiện diện của ông Bush có thúc đẩy tiến trình đi đến hòa bình giữa Do Thái và Palestine hay không? Những câu hỏi vừa nêu cũng là những điểm chúng tôi đưa ra trong cuộc thảo luận với vị khách mời tuần này.
Khách mời là Bà Caroline Glick, Phụ Tá Tổng Biên Tập nhật báo The Jerusalem Post, thành viên Hội Ðồng Quan Hệ Trung Ðông thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chính Sách An Ninh ở Washington. Trước đó, Bà từng đại diện cho chính phủ Do Thái trong Ủy Ban Ðàm Phán Với Palestine, và là Phụ Tá Cố Vấn Ðối Ngoại cho Thủ Tướng Binyamin Netanyahu.
Như thường lệ, cuộc phỏng vấn do Nguyễn Khanh thực hiện và được gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ Tạp Chí Câu Chuyện Thời Sự Hàng Tuần. Xin được nhắc là ý kiến của người được phỏng vấn không nhất thiết phản ánh quan điểm của Ðài Á Châu Tự Do.
Nguyễn Khanh: Tổng Thống George W. Bush đã về lại Washington. Bà đánh giá chuyến đi của ông Tổng Thống Mỹ như thế nào?
Bà Caroline Glick: trước ngày lên đường, Tổng Thống Hoa Kỳ có nói rõ các mục tiêu của chuyến đi. Trước hết ông nhắm vào việc thúc đẩy đàm phán hòa bình, để trong những ngày tới quốc gia Palestine được thành lập ngay trên phần đất mà cả người Do Thái lẫn người Palestine đang tranh chấp.
Mục tiêu thứ nhì là trực tiếp mở cuộc vận động ngoại giao, kêu gọi các nước Hồi Giáo đồng minh ủng hộ Hoa Kỳ, đừng ủng hộ Iran, ngăn chận không để cho Iran có võ khí hạt nhân. Một mục tiêu khác nữa cũng được Tổng Thống Bush nhắm đến là cổ vũ dân chủ ở thế giới Hồi Giáo Ả Rập.
Ðiều tôi chú ý đến nhất là ý tưởng góp phần dựng một quốc gia Palestine sống bên cạnh Do Thái đang gây trở ngại cho ông Bush trong chuyến đi này…
Nguyễn Khanh: tại sao Bà lại nghĩ như thế? Chắc Bà còn nhớ mới hai tháng trước đây, Hoa Kỳ đã tự đứng ra tổ chức Hội Nghị Hòa Bình Trung Ðông, hay nói đúng hơn là hòa bình giữa người Do Thái và người Palestine…

Bà Caroline Glick: bởi vì sau ngày biến cố 11 tháng Chín xảy ra hồi 2001, Tổng Thống Bush có nói rõ 2 điểm Washington sẽ làm; thứ nhất là không bao giờ chấp nhận cho những quốc gia mà ông liệt vào thành phần nguy hiểm, có võ khí hạt nhân; điểm thứ nhì là không để cho các thành phần khủng bố có đất dung thân.
Hiện giờ mục tiêu hàng đầu của nước Mỹ vẫn là Iran, và nếu nhìn vào chính sách ngoại giao Hoa Kỳ đang cho áp dụng ở vùng Trung Ðông, chắc ông cũng thấy Tổng Thống Bush muốn dựng một nước Palestine ngay trên phần lãnh thổ mà người Do Thái coi là của họ. Trong suốt bao nhiêu thập kỷ qua, chính Hoa Kỳ coi Palestine là một vùng đất đang được điều khiển bởi khủng bố.
Bây giờ, một mặt ông Bush lại muốn giúp thành phần khủng bố đó lập quốc, mặt khác lại kêu gọi phải có biện pháp cứng rắn với Iran, là một nước mà chính ông Bush liệt vào danh sách các nước ủng hộ khủng bố, nên thắc mắc đang được nói đến là liệu có thể tin tưởng ông Bush được không, khi chính ông ta đang có thái độ bất nhất như thế. Ðó là vấn đề, và vì thế, tôi xem chuyến đi Trung Ðông của ông Bush là một thất bại.
Hoà bình giữa Do Thái và Palestine?
Nguyễn Khanh: như vậy, cuối năm nay sẽ không có hòa bình giữa Do Thái và Palestine?
Bà Caroline Glick: Không. Hòa bình không thể đến được. Cuộc chiến giữa Do Thái và Palestine vẫn đang tiếp diễn. Người Palestine vẫn tiếp tục dùng phương thức khủng bố để tấn công, de dọa người Do Thái, và đã nhiều lần chính lãnh đạo Palestine bảo rằng không chấp nhận sự hiện diện của quốc gia Do Thái, bảo là họ quyết tâm tiêu diệt Do Thái.
Ngay cả lực lượng chính trị của ông Chủ Tịch Chính Quyền Palestine Mahmoud Abbab cũng nói thế. Với thái độ như vậy, liệu hòa bình có đến hay không? Câu trả lời của tôi là không. Ai cũng mong hòa bình, nhưng không vì thế mà không đặt ra những điều kiện tiên quyết, nhất là những điều kiện đó sẽ quyết định sự sống còn của một dân tộc sau ngày có hòa bình.
Tổng Thống Hoa Kỳ nói cơ hội hòa bình đã đến, phải nắm bắt lấy cơ hội tuyệt diệu này. Sự thật, không phải như thế. Ông Bush đang thúc đẩy hai chính phủ Palestine và Do Thái thực hiện kế hoạch ông đặt ra, ông Bush cũng bảo có khả năng bản hiệp định hòa bình Do Thái-Palestine sẽ được ký kết vào cuối năm nay. Thành thật mà nói, tôi e Tổng Thống Bush đang lạc quan quá mức.
Nguyễn Khanh: nhưng chắc Bà cũng biết đối với thế giới, ít nhất là với thế giới Hồi Giáo, chính sách của nước Mỹ đi quá sát với Do Thái, sát tới mức độ mà một số nhà quan sát ở Washington bảo với tôi rằng chính sách của Mỹ dựa trên sự ổn định của Do Thái, và đã đến lúc chính sách đó cần thay đổi. Bà nghĩ sao về điều này?
Bà Caroline Glick: Tôi không chối cãi là Hoa Kỳ luôn nói phải bảo vệ Do Thái, ủng hộ Do Thái chống lại tất cả mọi hiểm nguy có thể xảy ra. Nhưng khi có chính sách mà ông vừa nói là "được soạn thảo dựa trên sự ổn định của Do Thái" thì điều đó cũng có nghĩa là Hoa Kỳ đang bảo vệ sự ổn định của chính mình.
Ðó là lý do tại sao tôi bảo rằng khi ủng hộ cho các phần tử khủng bố Palestine lập quốc, Washington đã đẩy Do Thái đến chỗ nguy hiểm và e rằng sau này, nguy hiểm đó sẽ gây ảnh hưởng xấu cho nền an ninh của chính nước Mỹ.
Ông thử nhìn xem chuyện gì sẽ xảy ra nếu người Palestine lập quốc ở vùng Tây Ngạn và ở Dải Gaza như Tổng Thống George W. Bush muốn? Lúc đó, ông sẽ thấy quốc gia Do Thái bị chia làm hai mảnh, bị bao vây bởi chính một nước mà Washington vẫn liệt kê trong danh sách khủng bố. Không những thế, lúc đó có thể những lực lượng từ các nước khác như từ Iraq, từ Jordan, mượn đất Palestine để tấn công Do Thái. Nếu tứ bề đều bị bao vây như vậy, Do Thái làm sao có thể tự vệ được.
Người dân Do Thái nghĩ gì?
Nguyễn Khanh: nhưng thưa Bà, Chủ Tịch Mahmoud Abbas được ngợi khen là "người của hòa bình"…
Bà Caroline Glick: không đúng, không đúng như vậy đâu. Ông thử lục lại những chồng báo cũ hay nhưng hồ sơ cũ, sẽ thấy chính ông Abbas cũng từng nói không chấp nhận sự hiện hữu của nước Do Thái. Không chấp nhận sự có mặt của quốc gia có nghĩa là không chấp nhận sự có mặt của một dân tộc, và như thế, làm sao ông Abbab có thể là người của hòa bình được?
Ngay cả lực lượng quân sự mà ông ta đang lãnh đạo cũng thế. Trong hai tháng qua, chính các phần tử trong lực lượng này đã thực hiện những cuộc đánh phá nhắm vào người dân Do Thái. Có thể ông ta là người của hòa bình, nếu hòa bình được định nghĩa là tiêu diệt hết dân Do Thái.
Nguyễn Khanh: Bà đang có mặt ở Jerusalem, muốn hỏi Bà là người dân Do Thái nghĩ gì khi thấy Thủ Tướng Ehud Olmert ngồi chung bàn với ông Mahmoud Abbas để thảo luận hòa bình?

Bà Caroline Glick: chỉ có 8% người dân Do Thái ủng hộ Thủ Tướng Olmert, 92% còn lại nói họ không ủng hộ hay tán thành việc ông Olmert đang làm. Ðó là kết quả những cuộc thăm dò liên tục được thực hiện trong thời gian gần đây, và theo tôi hiểu thì báo chí thế giới có nói đến.
Chính trường Do Thái hiện giờ rất phức tạp, khó cho người bên ngoài hiểu chuyện gì xảy ra. Ông Thủ Tướng không được ủng hộ nhưng không thể lật đổ được, ông Thủ Tướng không được ủng hộ nhưng không thể tổ chức bầu cử sớm được.
Là người dân Jerusalem và là một nhà báo, tôi hiểu được tâm trạng của những ngươi sống chung quanh tôi. Ai cũng lo ngại Jerusalem sẽ bị tấn công nếu thành phố này bị chia cắt cho người Palestine. Nếu không lo âu cho chính bản thân mình thì người dân cũng phải lo âu cho nền an ninh của cả nước.
Như tất cả mọi dân tộc khác, người dân Do Thái muốn hòa bình, nhưng họ cũng có quyền đặt câu hỏi mình sẽ sống hòa bình với ai, và người hàng xóm của mình có phải là người tin tưởng được hay không. Người Do Thái không cực đoan đâu, nhưng họ phải đề phòng họng súng đang chỉ vào họ hoặc phải lo âu khi nhìn thấy trái bom đang sửa soạn nổ.
Nguyễn Khanh: nếu ông Bush không thành công trong nỗ lực kiến tọa hòa bình giữa Do Thái và Palestine, muốn hỏi Bà là liệu mục tiêu cổ võ dân chủ ở Trung Ðông mà ông Bush nói đến có đạt được thành quả nào không?
Bà Caroline Glick: rất tiếc câu trả lời là không. Tổng Thống Bush và những nhà hoạch định chính sách của nước Mỹ phải biết dân chủ chỉ đến với Trung Ðông khi người dân không còn bị cai trị bởi những chính phủ độc tài. Tôi lấy Iraq làm thí dụ.
Quân đội Hoa Kỳ hiện diện ở Iraq đã 5 năm rồi, dân chủ có đến hay không? Người dân Iraq vẫn cho rằng Hoa Kỳ -một mặt- tìm cách áp đặt dân chủ, mặt khác Hoa Kỳ đang ủng hộ những nhà lãnh đạo mà người dân không muốn.
Tổng Thống Hoa Kỳ ghé thăm một số nước khác, như Ả Rập Xê Út, đến Ai Cập để tìm sự hậu thuẫn của lãnh đạo các nước này trong chính sách đối với Iran. Chưa chắc ông Bush thành công, trong khi người dân Ả Rập Xê Út, người dân Ai Cập sẽ bảo là chính ông Bush kêu gọi dân chủ, nhưng cũng chính ông Bush đi sát với những nhà lãnh đạo độc đoán.
Hoa Kỳ và Iran
Nguyễn Khanh: liệu Hoa Kỳ và Iran có ngồi lại với nhau để nói chuyện hòa bình Trung Ðông không?
Bà Caroline Glick: theo những tài liệu tôi được đọc thì từ năm 1979, Hoa Kỳ và Iran đã liên lạc với nhau, và ngay các bản phúc trình ngoại giao của Hoa Kỳ cũng xác nhận điều đó, và còn ghi là hai bên không ngừng các cuộc đàm phán bán chính thức.
Nhưng Washington không đạt được mục đích vì vẫn chỉ nói chuyện với bên chính quyền, mà quên một yếu tố thật quan trọng là thành phần dân chúng. Dân chúng Iran thì muốn tự do, muốn dân chủ, muốn được Hoa Kỳ hỗ trợ, chứ lãnh đạo Iran đâu có muốn.
Không chỉ mình tôi, mà mọi người đều thấy điều đó. Thành ra từ 1979 đến giờ, các vòng đàm phán bí mật giữa hai bên đều không đem lại kết quả nào cả. Ðó là chưa kể đến chuyện chính những người đại diện cho Iran nói chuyện với Mỹ lại là những người ủng hộ chính sách phá hoại quyền lợi của nước Mỹ, tiếp tục phá hoại an ninh Do Thái và gây rối toàn cầu.
Tôi tin câu chuyện chỉ đổi khác nếu Hoa Kỳ bắt đầu nói chuyện thẳng với nhân dân Iran, giúp họ xây dựng một chính quyền mà họ đã mong đợi từ lâu.
Nguyễn Khanh: xin cám ơn Bà Glicks.