Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA
Liệu chuyến viếng thăm Ấn Ðộ mà Tổng Thống George W. Bush đang thực hiện có thể tạo được mối quan hệ vững mạnh hơn với cường quốc hạt nhân ở Nam Á này hay không, và sẽ ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ sẵn có giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc? Câu hỏi vừa nêu cũng là thắc mắc của những người quan tâm đến thời cuộc.
Ðể tìm hiểu thêm về mối quan hệ tay ba Mỹ-Ấn-Trung Quốc đầy nhậy cảm và khó khăn, Ban Việt Ngữ chúng tôi nói chuyện với Bà Esther Pan, thành viên của Hội Ðồng Quan Hệ Ðối Ngoại Hoa Kỳ.
Ngoài vị trí của một chuyên gia về quan hệ quốc tế có ảnh hưởng với những nhà hoạch định chính sách ngoại giao của Washington, Bà Pan còn là một nhà bình luận quen thuộc, với những bài viết được đăng tải và phổ biến khắp nơi, qua các tạp chí như Newsweek, Newsweek International, đồng thời thường xuyên được mời tham dự các cuộc thảo luận do những cơ quan truyền thông Hoa Kỳ, Châu Á và Châu Âu tổ chức.
Những điểm chính trong cuộc phỏng vấn do Nguyễn Khanh của Ban Việt Ngữ Ðài Á Châu thực hiện, và được gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ Câu Chuyện Thời Sự Hàng Tuần.
Hỏi: Cám ơn Bà Pan đã dành cho chúng tôi cuộc thảo luận hôm nay. Thưa Bà, tôi vừa nói chuyện với một nhà báo bạn đang làm việc ở Hà Nội. Anh bạn của tôi bảo rằng Hoa Kỳ cần dựng quan hệ với Ấn Ðộ để kiềm chế thế lực của Trung Quốc ở Châu Á. Câu hỏi đầu tiên của chúng tôi là thưa Bà, điều đó có đúng không? Mức độ chính xác là bao nhiêu?
Đáp: Rõ ràng khi nói đến việc mở rộng quan hệ với Ấn Ðộ, ngay những viên chức trong Chính Quyền Washington cũng nghĩ là quan hệ này sẽ giúp Hoa Kỳ cân bằng hay kiểm soát được thế lực của Trung Quốc ở Châu Á.
Nhưng nhiều chuyên gia không đồng ý với lối suy tính như vậy, đưa ra lập luận, Ấn Ðộ đâu có muốn bắt tay với Mỹ để kiểm soát thế lực của Trung Quốc, và chuyện đơn giản là cùng một lúc Ấn muốn có quan hệ nồng ấm với cả Washington lẫn Bắc Kinh.
Ông thấy là trong những năm vừa qua, mức giao dịch thương mại giữa Ấn và Trung Quốc tăng thật nhanh, và cả hai bên đều tin tưởng sẽ tiếp tục tăng mạnh hơn nữa. Tóm lại, Ấn không hề muốn tham gia vào bất kỳ liên minh về an ninh nào để kiểm soát, ngăn chận thế lực của Trung Quốc, và ngay Hoa Kỳ cũng vậy, Washington cũng chẳng muốn lập thế liên minh để phòng chống Bắc Kinh.
Cả 3 nước đều bảo vệ quyền lợi của mình, và quan hệ Mỹ-Ấn phát triển vì quyền lợi của hai nước, chứ không phải vì lo ngại Trung Quốc.
Hỏi: Nhưng thưa Bà, dù thế nào đi chăng nữa, điều không thể chối cãi được là quan hệ tay ba giữa Mỹ-Ấn và Trung Quốc là mối quan hệ mà tôi xin được tạm gọi là vừa khó khăn lại vừa nhạy cảm. Bà có thấy như thế không?
Đáp: Có chứ. Quả thật đây là một mối quan hệ cực kỳ quan trọng và đầy khó khăn, chuyện làm sao có thể giữ được thế cân bằng là chuyện không dễ làm, nhất là ngay trong thời điểm cả Bắc Kinh lẫn New Delhi đang tranh đua với nhau về cả vị thế lực kinh tế lẫn thế lực chính trị ở Châu Á.
Ðến giờ thì Trung Quốc đang thắng thế nhờ họ đổi mới kinh tế sớm hơn và nhanh hơn Ấn Ðộ. Cả hai đều được quan tâm đến, không chỉ vì đông dân mà còn vì mức phát triển nhanh nữa. Ấn là một nước dân chủ, Trung Quốc thì vẫn chưa đổi mới chính trị, nhưng cả hai đều đang muốn chiếm các vị trí quan trọng, nếu không muốn nói là chi phối, thống trị Châu Á về cả kinh tế lẫn chính trị. Ðúng như ông nói, đây quả là quan hệ đầy tế nhị.
Hỏi: Trong bài diễn văn đọc tại thủ đô Washington chỉ có ít ngày trước khi lên đường sang Nam Á, Tổng Thống Hoa Kỳ có nói đến việc hình thành một mối quan hệ mới, nồng ấm hơn giữa Washington và New Delhi. Theo Bà thì Trung Quốc sẽ nghĩ gì về quan hệ này? Vai trò của Bắc Kinh như thế nào trong mối quan hệ mà Tổng Thống George W. Bush vừa dựng được trong chuyến viếng thăm Ấn của ông?
Đáp: Tôi nghĩ rằng khi xây dựng quan hệ với Ấn Ðộ, Hoa Kỳ dựa vào những giá trị đã có từ lâu, như Ấn và Mỹ là nước dân chủ đông dân nhất, Ấn và Mỹ cùng chia sẻ giá trị về dân chủ, Ấn và Mỹ đều ủng hộ thị trường tự do và hai nước có thể thắt chặt hợp tác ở nhiều lãnh vực, từ an ninh, chống khủng bố, cho đến xây dựng hòa bình ở Nam Á.
Bên cạnh đó là thị trường kinh tế mà cả hai bên đều nhắm tới. Trong bài diễn văn đọc ở Sáng Hội Châu Á trước khi đi New Delhi, Tổng Thống Bush đã dành phần lớn để nói về trao đổi mậu dịch giữa hai nước và kêu gọi các công ty Mỹ tăng mức đầu tư vào Ấn. Tôi còn nhớ là Tổng Thống Bush nói thành phần trung lưu ở Ấn bây giờ đã lên đến con số 300 triệu người, và đó là một thị trường mà các công ty Hoa Kỳ không thể bỏ qua được.
Thành ra, theo nhận định của tôi, Hoa Kỳ và Ấn Ðộ đều biết Trung Quốc sẽ theo dõi sát mối quan hệ mới giữa New Delhi và Washington, Trung Quốc có thể là một trong những lý do khiến hai nước thấy cần phải đến gần với nhau hơn, nhưng không phải là lý do duy nhất.
Hỏi: Bà không nghĩ trung tâm điểm của quan hệ Mỹ-Ấn chính là Trung Quốc?
Đáp: Không, tôi không tin như thế. Trung Quốc có thể là trung tâm của những cuộc thảo luận bên lề, nhưng chắc chắn không phải là mục tiêu mà Washington và New Delhi muốn nhắm tới khi dựng quan hệ đối tác chiến lược mới.
Hỏi: Hình như Bà muốn trấn an giới lãnh đạo Bắc Kinh?
Đáp: Đúng. Trung Quốc đừng lo ngại là vị thế của họ sẽ bị lung lay chỉ vì Hoa Kỳ mở rộng quan hệ với một nước khác ở trong vùng. Vả lại trong thời gian 10, 15 năm qua, Ấn Ðộ đã thay đổi rất nhiều, trở thành một quốc gia có vị trí quan trọng trên bàn cờ thế giới về kinh tế cũng như về nền dân chủ, và đã đến lúc Washington, đặc biệt là Chính Phủ đương thời của ông Bush phải công nhận vị trí mới của Ấn ở cấp toàn cầu, chứ không phải chỉ ở Châu Á.
Hỏi: Thế thì theo Bà, quan hệ mới giữa Washington và New Delhi sẽ ảnh hưởng thế nào đến quan hệ sẵn có giữa Washington và Bắc Kinh?
Đáp: Để trả lời câu hỏi này, tôi muốn trở lại điều ông đã trình bày lúc đầu là chuyện nhạy cảm, tế nhị. Hoa Kỳ cần phải trấn an Bắc Kinh, cho họ biết rằng Ấn Ðộ không đóng vai trò thay thế cho Trung Quốc và Hoa Kỳ cũng không hề muốn sử dụng Ấn Ðộ để kiểm soát hay chận đứng thế lực của Trung Quốc.
Ngay cả chuyện dù có những thâm ý bên trong muốn sử dụng quan hệ Mỹ-Ấn vào mục đích nào đó thì Trung Quốc vẫn chiếm hàng đầu trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ. Lý do cũng dễ hiểu: Trung Quốc là một nước lớn, Trung Quốc đang nắm giữ một vị trí rất quan trọng trên bàn cờ chính trị của thế giới.
Hỏi: Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush và Thủ Tướng Manmohan Singh của Ấn Ðộ đã đạt được thỏa thuận về trao đổi công nghệ hạt nhân, và đó là nền tảng cho mối quan hệ đối tác chiến lược mới giữa hai nước. Bà nhận định thế nào về việc này?
Đáp: Có những ý kiến không đồng nhất về chuyện này, như phe ủng hộ thì nói trong tương lai Hoa Kỳ, Trung Quốc và Ấn Ðộ là 3 nước tiêu thụ xăng dầu nhiều nhất, đã đến lúc Hoa Kỳ phải giúp cho Ấn và nếu được, giúp cả Trung Quốc bớt bị áp lực về nhiên liệu, và khi làm điều đó, thì chính Hoa Kỳ cũng tự giải quyết được các trở ngại về xăng dầu có thể xảy ra trong tương lai.
Thành phần này cũng nói chúng ta phải nhìn thấy là từ những năm ở thập kỷ 1970, Ấn Ðộ đã là một cường quốc về hạt nhân, và là một trong những nước hàng đầu về các cuộc nghiên cứu, mặc dù Ấn không ký tên trong bản hiệp ước đình chỉ phổ biến võ khí hạt nhân, nhưng rõ ràng trong 3 thập kỷ qua, Ấn chứng tỏ cho mọi người thấy là một quốc gia rất chừng mực, đứng đắn, không dùng võ khí của mình để đe dọa các nước khác…
Hỏi: Tôi đang ngần ngại không muốn dùng chữ thiên vị ở đây, nhưng tôi có cảm tưởng là Hoa Kỳ không công bằng. Iran nghiên cứu hạt nhân thì bị chống đối, nhưng Hoa Kỳ lại đi giúp Ấn Ðộ…
Đáp: Điều đó hoàn toàn đúng. Không phải chỉ có Iran, mà có cả Bắc Hàn nữa. Vì thế, những người không ủng hộ mới nói rằng ký kết thỏa thuận trao đổi công nghệ hạt nhân với Ấn Ðộ sẽ làm cho Hoa Kỳ mất đi thế mạnh để yêu cầu những nước khác đừng nghiên cứu hạt nhân, dù là chương trình hạt nhân dân sự, và mất đi thế mạnh mà chúng ta đang có với những nước chưa đồng ý ký kết vào bản hiệp ước đình chỉ phổ biến võ khí hạt nhân, vì làm sao chúng ta giải thích được là với nước này thì chúng ta cấm, nhưng với Ấn Ðộ thì chúng ta lại ủng hộ và hợp tác.
Hỏi: Hoa Kỳ đang có một lực lượng quân sự hùng hậu ở Ðông Á và Ðông Nam Á. Có khi nào sau chuyến công du của Tổng Thống George W. Bush, Hoa Kỳ sẽ gia tăng hiện diện quân sự ở Nam Á hay không? Chẳng hạn như tăng số binh sĩ ở Afghanistan?
Đáp: Sau chuyến viếng thăm Nam Á của ông Bush, số binh sĩ Hoa Kỳ ở Afghanistan sẽ không tăng thêm mà ngược lại, Lầu Năm Góc đang tính đến chuyện từ nay đến giữa năm sẽ rút bớt quân về nước, từ 90,000 quân xuống chỉ còn khoảng 50,000 quân, trám chỗ bằng những đơn vị của NATO và của Châu Âu. Theo chỗ tôi biết thì Hoa Kỳ không tính đến chuyện tăng hiện diện quân sự ở Afghanistan cũng như ở Nam Á.
Hỏi: xin cám ơn Bà Pan.