Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA
Hy vọng sẽ nhìn thấy quốc gia thật sự ổn định, dân chủ được tôn trọng của người dân Pakistan đã mất. Lúc 6 giờ 16 phút chiều hôm qua, giờ địa phương, Cựu Thủ Tướng Benazir Bhutto, nhân vật đối lập sáng giá nhất của chính trường Islamabad đã từ trần sau vụ ám sát chính trị làm rung chuyển toàn cầu. Cái chết của Bà được các nhà quan sát đánh giá là sự đổ gãy của niềm ước mơ mà người dân Pakistan hiện có.
Cái chết của nhà chính trị nổi tiếng thế giới, ảnh hưởng của việc này với Pakistan trong thời gian tới là đề tài được Ban Việt Ngữ chúng tôi chọn để gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ Tạp Chí Câu Chuyện Thời Sự Hàng Tuần.
Có thể nói không sai, cái chết của Bà Benazir Bhutto đồng nghĩa với sự chấm dứt kỳ vọng người dân Pakistan đặt ra, là làm sao có thể đưa quốc gia từ giai đoạn cầm quyền bởi các quân đội sang một thể chế chính trị được điều khiển bởi một chính quyền dân sự do dân bầu lên.
Với thế giới, dòng họ Bhutto thường được so sánh với dòng họ Kennedy của nước Mỹ. Người phụ nữ mang tên Benazir không chỉ xinh đẹp, thông minh mà còn có ý chí phục vụ cho tổ quốc.
Bà xuất thân trong một gia đình quyền thế, từng theo học ở các trường đại học lừng danh Harvard và Oxford, đã 2 lần nắm chức Thủ Tướng chính phủ, được coi là chính trị gia có tư tưởng thân Tây Phương và thường đi sát với quan điểm của Hoa Kỳ. Hơn thế nữa, Bà là người có đầy triển vọng sẽ điều hành tâm chính phủ sau cuộc bầu cử được ấn định sẽ diễn ra vào ngày mùng 8 tháng Giêng sắp đến.
Mục tiêu phục vụ cho nhân dân
Nhưng mới hôm qua, Bà không may trở thành nạn nhân của những hành vi bạo động mà Bà thường xuyên lên án. Cái chết của Bà đã khiến cho người dân Pakistan nổi giận, những cuộc biểu tình liên tục diễn ra ở khắp mọi nơi, từ thủ đô Islamabad cho đến thành phố nhỏ bé Rohri hầu như chẳng mấy ai biết tên. Ði kèm với cái chết và vụ thảm sát chính trị nay là sự bất ổn về mặt chính trị và xã hội cho quốc gia Hồi Giáo đang nắm một vị trí quan trọng của chính trường thế giới.
Điều tôi học được từ cha tôi là phải đứng lên tranh đấu những lý tưởng, niềm tin của mình. Theo gót chân cha tôi, tôi đứng lên cho lý tưởng dân chủ, cho cải cách, và tôi đứng lên tranh đấu cho niềm tin của người dân Pakistan, những người đang sống trong cảnh đói nghèo, tuyệt vọng.
Tháng Mười năm nay, sau 8 năm sống ở Anh Quốc để trở về lại quê hương, hàng chục ngàn người đã đổ xô ra đường để chào đón Bà, chào đón nhân vật được họ xem là niềm hy vọng của tương lai. Giữa lúc dân chúng Pakistan đang biểu lộ niềm hân hoan đó, khủng bố đã ra tay, đánh bom giết chết 150 người trong đoàn người ủng hộ Bà.
Ngay sau đó, Bà phát biểu rằng biết rõ những nguy hiểm đang chờ đợi Bà khi quyết định tiến hành cuộc vận động quần chúng nhằm tái lập nền dân chủ cho tổ quốc Pakistan. Bà cũng từng tuyên bố rằng họ có thể cố gắng ám sát tôi, nhưng gia đình tôi, người thân tôi đã chuẩn bị cho bất cứ tình huống nào có thể xảy ra.
Riêng với cá nhân Bà, điều quan trọng không hẳn là phải đương đầu với những hiểm nguy trước mặt, mà là làm sao để đạt được mục tiêu phục vụ cho nhân dân, bài học đã thu thập được từ thân phụ của Bà trước ngày ông bị quân đội hành quyết bằng cách treo cổ.
“Điều tôi học được từ cha tôi là phải đứng lên tranh đấu những lý tưởng, niềm tin của mình. Theo gót chân cha tôi, tôi đứng lên cho lý tưởng dân chủ, cho cải cách, và tôi đứng lên tranh đấu cho niềm tin của người dân Pakistan, những người đang sống trong cảnh đói nghèo, tuyệt vọng.”
Ai là thủ phạm?
Lần này, quân khủng bố đã thành công. Vừa mới kết thúc buổi gặp gỡ với những ủng hộ viên, Bà bị một tên khủng bố nổ súng bắn vào cố và ngực, trước khi hắn ta nổ bom tự sát.
Ngay tức khắc, câu hỏi được người dân đặt ra: ai là thủ phạm của vụ giết người tàn bạo này? Tổng Thống Pervez Musharraf nói rằng vụ ám sát là âm mưu của khủng bố, đường dây phá hoại Al-Queda cũng đã lên tiếng nhìn nhận là thủ phạm giết Bà Bhutto, nhưng với đa số người dân Pakistan, ông Musharaf phải lãnh một phần trách nhiệm vì đã không làm tròn lời hứa sẽ bảo vệ an ninh cho Bà.
Trong thư e-mail gửi cho ông Mark Siegel, một người bạn Mỹ đồng thời cũng là một trong những người thường được hỏi ý kiến, Bà Bhutto viết rằng nếu chuyện không may xảy đến với ca nhân Bà, ông Musharraf sẽ phải chịu trách nhiệm. Trong thư, Bà cũng cho biết không hài lòng với những đơn vị đặc trách an ninh được chính phủ cung cấp, và nói rõ là với lực lượng an ninh ít ỏi, lỏng lẻo như vậy, Bà thấy không an tâm khi xuất hiện trước công chúng.
Dù vậy, Bà vẫn thường xuyên gặp gỡ với người dân, dù biết rằng có thể cái giá mà Bà phải trả rất đắt. Nhà báo Ann Curry, người đã có nhiều dịp tiếp xúc trực tiếp với Bà kể lại mỗi lần gặp là mỗi lần nhìn thấy nét can trường trên khuôn mặt của người phụ nữ đầu tiên nắm chức vụ điều hành guồng máy lãnh đạo của một quốc gia trong thế giới Hồi Giáo.
“Bà đã nói với tôi như thấy. Ngay chính trong quyển sách do Bà viết mang nhan đề “Người Con Gái Ðông Phương”, Bà cũng nói rất rõ về chuyện này. Bà bảo rằng Bà biết đang là mục tiêu của nhiều tổ chức bạo động khác nhau, từ những nhóm Hồi Giáo quá khích lúc nào cũng hô hào thánh chiến, cho đến những tổ chức khủng bố thuộc đường dây Al-queda.
Tôi có hỏi Bà là tại sao Bà Nghĩ như vậy? Bà trả lời rằng là một người phụ nữ Hồi Giáo muốn xây dựng lại đất nước Pakistan thì chuyện phải đương đầu với thử thách, kể cả với cái chết là điều không có gì lạ hết. Bà cũng bảo với tôi rằng nên nhớ, cái chết không quan trọng cho bằng làm sao xây dựng được một hệ thống giáo dục, xã hội, y tế cho người dân, không quan trọng cho bằng làm sao có thể hiện đại hóa Pakistan.”
Cuộc bầu cử sắp tới
Liệu cuộc bầu cử có diễn ra vào ngày mùng 8 Tháng Giêng tới đây như đã được ấn định hay không? Cho đến bây giờ, các giới chức Pakistan vẫn khẳng định sẽ không dời ngày bầu cử. Trong khi đó, một chính trị gia đối lập hàng đầu khác là Cựu Thủ Tướng Nawar Sharif đã tuyên bố sẽ tẩy chay và ngay những người ủng hộ Bà Bhutto cũng nói sẽ bày tỏ thái độ chính trị bằng cách rủ nhau không đến phòng phiếu.
Ðiều này nếu xảy ra, sẽ ảnh hưởng thế nào đến tình hình chính trị Pakistan trong thời gian tới??? Hiện đang có 2 khuynh hướng trái ngược nhau. Khuynh hướng thứ nhất cho rằng uy tín của Tổng Thống Pervez Musharraf đã hết, vì lòng tin người dân dành cho ông không còn nữa. Do đó, dù có ở lại chính trường đi chăng nữa, ông cũng khó có thể điều khiển được quốc gia.
Dư luận thứ nhì lại có một cái nhìn lạc quan hơn, cho rằng đây là một cơ hội tốt để ông Musharraf bắt tay hòa giải với thành phần đối lập, dựng nên một chính quyền liên hiệp và hứa hẹn với người dân rằng sẽ thực hiện đúng với những điều Bà Bhutto mong ước làm lúc còn sống. Nếu điều này diễn ra, Pakistan sẽ đi những bươc đầu tiên trên đường trở thành một quốc gia thật sự dân chủ, và có nhiều khả năng người dân sẽ thấy dần dần, quân đội tách rời khỏi chính trường, chính phủ dân sự sẽ dành cho người dân nhiều tự do hơn.
Tất cả những điều mới được trình bày đều là những dự đoán cho tương lai một quốc gia Pakistan khá u ám. Cái chết của Bà Bhutto đã khiến cho người dân mất đi niềm hy vọng của họ, và tăng thêm nỗi nghi ngờ vào chính phủ cũng như các nhà lãnh đạo đương thời. Người dân Pakistan bảo nhau Benazir Bhutto mất đi, khó có thể tìm được người thay thế và cùng nhau có chung một câu hỏi: tương lai của đất nước này rồi sẽ đi về đâu???
Theo chỉ thị của Chính Phủ Pakistan, cả nước sẽ để tang 3 ngày, tưởng niệm người con thân yêu vừa nằm xuống. Hay nói như Tổng Thống Hamid Karzai của nước láng giềng Afghanistan, một ngôi sao sáng ngời vừa tắt. Người phụ nữ được thế giới quý trọng đã hy sinh chính mạng sống mình để biểu lộ ý chí và quyết tâm dựng xây một đất nước tươi sáng hơn.
“Bằng những cố gắng vượt bực, Bà Benazir Bhutto đã hy sinh cho tương lai của Pakistan, của khu vực Nam Á và của toàn thế giới.”
Tang lễ của Bà đã được cử hành hồi sáng nay. Trong những vòng hoa đặt gần mộ của Bà, có một vòng hoa viết hàng chữ đầy ý nghĩa: “hôm nay, chúng tôi chôn cất Bà và chôn theo cả niềm hy vọng”.