Quyết định dời ngày bầu cử có giúp gì cho Tổng Thống Musharraf ?

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Một tuần lễ sau cái chết của Bà Cựu Thủ Tướng Benazir Bhutto, tình hình Pakistan vẫn tiếp tục sôi động. Chính Phủ đã quyết định dời ngày bầu cử lại sáu tuần, Tổng Thống Pervez Musharraf cũng đã lên tiếng kêu gọi người dân đoàn kết, xóa bỏ mọi bất đồng, để tái lập ổn định cho đất nước trong thời hạn gần nhất.

PakistanNawazSharif200.jpg
Cựu Thủ Tướng Nawar Sharif trong một cuộc họp báo hôm 31-12-2007 ở Lahore, Pakistan. Photo: AFP

Pakistan là đề tài được Ban Việt Ngữ chúng tôi đặt ra với vị khách mời tuần này. Khách mời là Giáo Sư Tiến Sĩ John Echeverri-Gent, một trong những chuyên gia hàng đầu của Hoa Kỳ về Nam Á, tác giả rất nhiều bài viết nói về chính sách và quan hệ giữa Washington với Islamabad. Ông là thành viên của Hội Ðồng Phát Triển Quan Hệ Quốc Tế, và là giảng viên chính trị học ở Ðại Học Virginia.

Như thường lệ, cuộc phỏng vấn do Nguyễn Khanh thực hiện, và chúng tôi xin gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ Tạp Chí Câu Chuyện Thời Sự Hàng Tuần.

Nhiều mục đích khác nhau

Nguyễn Khanh: xin chào Tiến Sĩ và cho phép chúng tôi đi ngày vào vấn đề. Quyết định dời ngày bầu cử có giúp gì cho Tổng Thống Musharraf trước tình thế đầy rối ren hiện giờ hay không?

Tiến Sĩ John Echeverri-Gent: theo tôi, việc chính phủ Pakistan dời ngày bầu cử nhắm vào nhiều mục đích khác nhau. Trước hết là mục đích muốn thể hiện chia xẻ trước những nỗi đau buồn mà đảng Nhân Dân Pakistan của Bà Bhutto đang phải chịu đựng.

Thứ nhì là chính Tổng Thống Mushrraf cũng đang lo âu, vì nếu phe đối lập chiếm được 2/3 tổng số ghế đại biểu ở Quốc Hội, lúc đó theo đúng với hiến pháp, họ có thể truất quyền Tổng Thống. Vì thế không ai ngạc nhiên khi thấy ông Musharraf hoãn bầu cử, để tình hình lắng dịu bớt cũng như để ông ta có thêm thì giờ bàn tính về một giải pháp có liên quan trực tiếp đến tương lai chính trị của chính ông ta.

Nguyễn Khanh: sau cái chết của Bà Bhutto, người dân Pakistan không mấy ai tin ông Mhusarraf nữa. Làm thế nào để ông Tổng Thống Pakistan có thể lấy lại niềm tin của người dân?

Tiến Sĩ John Echeverri-Gent: quả thật, cái chết của Bà Bhutto và những lời giải thích nhiều khi trái ngược với nhau mà Chính Phủ Pakistan đưa ra đã không xóa tan được những nghi ngờ của dân chúng, hay nói thẳng ra là nghi ngờ của người dân với chính ông Musharraf.

Giải pháp xoa dịu mà Islamabad đang làm là mời các nước Tây Âu tham gia vào cuộc điều tra truy tìm thủ phạm, hy vọng điều này sẽ giải tỏa bớt sự nghi ngờ của người dân về cái chết mà đến bây giờ đại đa số dân chúng Pakistan vẫn coi là cái chết đầy bí ẩn.

PervezMusharafPakistan200.jpg
Hôm 3-11-2007, Tổng Thống Pakistan Pervez Musharaf đã bất ngờ ban hành lệnh khẩn cấp, hủy bỏ hiến pháp và giải tán tòa tối cao. AFP PHOTO>> Xem hình lớn hơn

Một diễn biến khác nữa là tất cả các đảng phái đối lập đều lên tiếng nói sẽ tham gia cuộc bầu cử vào ngày 18 tháng Hai tới đây. Tôi không vội gọi đây là thắng lợi cho ông Musharraf, nhưng rõ ràng đây là điều ông Musharraf mong đợi và ông ta cũng hy vọng từ giờ đến ngày bầu cử, các cuộc biểu tình chống đối chính quyền sẽ giảm bớt.

Quan hệ giữa Tướng Musharraf với Cựu Thủ Tướng Nawar Sharif

Nguyễn Khanh: như thế, liệu sau ngày bầu cử một chính phủ liên hiệp có thành hình hay không? Theo Tiến Sĩ thì ông Musharraf có thể làm việc với phe đối lập, với các lãnh tụ đối lập như Cựu Thủ Tướng Nawar Sharif không?

Tiến Sĩ John Echeverri-Gent: quan hệ giữa Tướng Musharraf với Cựu Thủ Tướng Nawar Sharif rất căng. Chắc ông còn nhớ hồi 1999, Tướng Musharraf cáo buộc ông Sharif tội âm mưu ám sát ông ta. Lúc đó tướng Musharraf đang trên máy bay từ ngoại quốc về nước và ông Sharif ra chỉ thị không cho máy bay đáp xuống.

Cho đến khi có sự can dự của quân đội, máy bay chở ông Musharraf mới được đáp và viên phi công bảo lúc đó chỉ còn 7 phút nữa thì máy bay hết xăng. Sau đó, ông Musharraf đảo chánh lật đổ ông Sharif, và quan hệ giữa hai ông ngày một căng, khó tháo gỡ.

Ông hỏi tôi là liệu ông Musharraf có thể làm việc chung với thành phần đối lập không? Theo tôi, những gì đã xảy ra cho thấy rất khó để ông Musharraf làm việc với các chính trị gia đối lập, và cũng rất khó để phe đối lập đồng ý ngồi xuống nói chuyện với ông Musharraf.

Nguyễn Khanh: xin lỗi cho tôi được ngắt lời Tiến Sĩ ở đây. Tại sao ông nghĩ hai bên không thể làm việc được với nhau?

BenazirBhuttoPakistan200.jpg
Hôm 9-11-2007, bà Benazir Bhutto, cựu Thủ Tướng Pakistan (giữa) đang cố gắng ra khỏi nhà riêng ở Islamabad, sau khi lệnh quản chế được ban hành. AFP PHOTO>> Xem hình lớn hơn

Tiến Sĩ John Echeverri-Gent: theo nhận định của tôi, uy tín của ông Musharraf đang xuống rất thấp, niềm tin dân chúng Pakistan dành cho ông hầu như không có, và phe đối lập chẳng dại gì mà bắt tay với một nhà lãnh đạo không được nhân dân ủng hộ.

Kết quả những cuộc thăm dò mới được thực hiện còn cho thấy trong cuộc bầu cử sắp tới, đảng của bà Bhutto và đảng của ông Nawar Sharif sẽ thắng lớn. Lúc đó, ông Musharraf là người phải đương đầu với rất nhiều khó khăn. Liệu ông Musharraf có thể ở lại với cương vị Tổng Thống hay không? Liệu chính phủ mà ông Musharraf đang lãnh đạo có đứng vững hay không? Ông và tôi sẽ có câu trả lời sau ngày bầu cử hoàn tất.

Chính sách của Hoa Kỳ với Pakistan

Nguyễn Khanh: Lúc đó, chính sách của Hoa Kỳ với Pakistan có thay đổi hay không?

Tiến Sĩ John Echeverri-Gent: từ 6 đến 9 tháng qua, chính sách của Washington đối với Pakistan đang ở trong giai đoạn mà tôi gọi là thời kỳ chuyển tiếp. Trước đó, chắc ông cũng thấy là rõ ràng chính phủ Mỹ dành mọi hậu thuẫn cho ông Musharraf, và điều này đã gây nhiều bất lợi cho nước Mỹ, vì càng đến gần với ông Musharraf bao nhiêu thì càng xa rời với người dân Pakistan bấy nhiêu.

Nhưng từ mùa hè vừa rồi, Washington đứng ra đảm nhận vai trò trung gian, điều đình thẳng với ông Musharraf để Bà Bhutto về nước. Mục tiêu mà chính phủ Mỹ muốn nhắm tới là một chính phủ liên hiệp gồm cả ông Musharraf lẫn Bà Bhutto, một tiêu biểu cho thành phần quân sự, một tiêu biểu cho phe dân sự. Cuộc hôn nhân chính trị này không thành hình vì Bà Bhutto bị ám sát chết, và chiến lược của Hoa Kỳ cũng không thể tiếp tục được.

Khi nói đến chiến lược, điều tôi đã từng cảnh báo các quan chức Mỹ ngay từ những ngày đầu tiên là đừng bao giờ xây dựng quan hệ quốc gia trên quan hệ cá nhân của nhà lãnh đạo cả, đặc biệt nhất là trường hợp của một nhà lãnh đạo không được lòng dân là ông Musharraf.

Cho đến khi cuộc điều đình để Bà Bhutto về nước hoàn tất, lúc đó, tôi mới thấy tương lai của Pakistan sáng sủa hơn, tôi mới hình dung ra một xã hội công dân sẽ thành hình ở Pakistan, đời sống của dân chúng tự do hơn, dân chủ hơn. Rất tiếc những điều đó chỉ thoáng đến rồi vụt biến mất cùng với cái chết của Bà Bhutto.

Ðiều đó không có nghĩa là tương lai của Pakistan không còn nữa. Tôi nghĩ nếu hai đảng Nhân Dân Pakistan và đảng của ông Nawar Sharif bắt tay làm việc với nhau, chúng ta sẽ thấy một Pakistan ổn định hơn về chính trị và sẽ có dân chủ. Chính quyền mới của Pakistan cũng có trách nhiệm hơn với người dân.

Nguyễn Khanh: nghe Tiến Sĩ trình bày, tôi chợt nẩy ra câu hỏi khác. Hay là Washington nên bắt nắm lấy cơ hội và chia tay với ông Musharraf? Tiến Sĩ nghĩ gì về điều này?

Tiến Sĩ John Echeverri-Gent: tôi thấy ông Musharraf cũng đang thay đổi, dần dần trở thành một chính trị gia có trách nhiệm hơn, và tôi nghĩ cũng nghĩ là những diễn biến đang xảy ra là cơ hội thật tốt để Hoa Kỳ mở rộng quan hệ của mình với Pakistan, với người dân, với thành phần chính trị gia đối lập cũng như với cả ông Musharraf. Nên nhớ một Pakistan dân chủ sẽ tạo thuận lợi cho người dân nước bạn và cho ngay chính nước Mỹ.

Tại sao tôi lại nói như vậy? Ai cũng thấy nước Mỹ cần Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, cần Pakistan cho sự ổn định phải có ở Afghanistan. Trong những năm qua, cuộc chiến này chỉ được thực hiện về quân sự, và các nhà hoạch định chính sách ở Washington đã quên đi nhiều yếu tố khác.

Ðó là một sai lầm. Chiến tranh không có nghĩa là chỉ cầm súng, mà cần phải có cả một cuộc vận động chính trị đi kèm. Ðó là bài học nước Mỹ rút tỉa được từ Pakistan, và đã đến lúc cần phải bắt nắm lấy cơ hội đầy thuận lợi này để sửa đổi ngay những điều cần phải sửa đổi.

Nguyễn Khanh: thay mặt quý thính giả, xin cám ơn Tiến Sĩ.