Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA
Thứ Hai tuần tới, Quốc Hội Trung Quốc sẽ bỏ phiếu thông qua dự luật chống nổi dậy, trong đó cho phép Chính Phủ được quyền sử dụng võ lực với Ðài Loan để thống nhất đất nước. và ngay tức khắc làm tốn nhiều giấy mực của báo chí khắp nơi.

Như thường lệ, chúng tôi ghi nhận ý kiến của giới truyền thông nước ngoài về vấn đề đang gây sôi nổi vừa nói, và gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ Tạp Chí Truyền Thông Quốc Tế hàng tuần.
Dự luật chống nổi dậy của Bắc Kinh
Tuần này tại Ðại Sảnh Ðường Nhân Dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, ông Chủ Tịch Quốc Hội Ngô Bang Quốc đã đọc toàn văn dự luật chống nổi dậy cho khoảng 3,000 đại biểu nghe, trong đó có cả đoàn đại biểu đại diện cho Ðài Loan.
Lời phát biểu của ông Chủ Tịch Quốc Hội Hoa Lục là trách nhiệm bảo vệ sự vẹn toàn của lãnh thổ là trách nhiệm thiêng liêng của nhân dân Trung Quốc, kể cả những người đang sinh sống ở Ðài Loan hay tại hải ngoại.
Ông nói: "Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm thiêng liêng là bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ, bảo vệ quê mẹ, kể cả những người đang sống ở Ðài Loan. Không ai trong chúng ta được quyền chia rẽ đất nước dưới bất kỳ hình thức nào, vì bất kỳ vì lý do gì."
Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm thiêng liêng là bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ, bảo vệ quê mẹ, kể cả những người đang sống ở Ðài Loan. Không ai trong chúng ta được quyền chia rẽ đất nước dưới bất kỳ hình thức nào, vì bất kỳ vì lý do gì.
Dự luật được ông Ngô Bang Quốc tuyên đọc gồm 11 điều, sẽ được các đại biểu bỏ phiếu thông qua và chính thức có hiệu lực kể từ ngày thứ Hai tuần tới. Mặc dù điều thứ 7 của dự luật viết rằng Bắc Kinh cổ võ các hoạt động đi đến thống nhất đất nước theo đường lối hòa bình, nhưng điều thứ 8 lại viết là trong trường hợp các nỗ lực thương thuyết với Ðài Loan không đem lại kết quả, lúc đó, giải pháp quân sự sẽ được thi hành, và điều thứ 9 cho hay Hội Ðồng Chính Phủ và Quân Ủy Trung Ương được quyền quyết định mọi biện pháp cần thiết phải áp dụng. Nói cách khác, có thể coi đây là những ngôn từ được dùng để ám chỉ chiến tranh giữa Ðài Loan và Hoa Lục có thể sẽ xảy ra.
Ngay tức khắc, người dân Ðài Loan tổ chức biểu tình chống đối. Và báo chí khắp nơi lên tiếng nói về biến chuyển chính trị đang tiếp tục gây sổi khắp nơi. Tạp Chí Truyền Thông Quốc Tế tuần này xin được ghi lại nhận định của báo chí Châu Á, Châu Âu và báo chí Hoa Kỳ.
“Sự Khôn Khéo Của Trung Quốc”
Chúng tôi xin bắt đầu với báo chí xuất bản ở Hoa Kỳ, qua bài nhận định mang nhan đề “Sự Khôn Khéo Của Trung Quốc” do nhà bình luận Robert Kagan viết và được đăng tải trên nhật báo The Washington Post số ra ngày hôm qua.
Ðiều đáng chú ý không phải là ngôn từ của dự luật hiếu chiến này, mà là thời điểm được đưa ra. Dự luật được Quốc Hội Trung Quốc bàn đến sau khi cuộc bầu cử ở Ðài Loan hoàn tất với kết quả thành phần chủ trương tuyên bố độc lập không được dân chúng ủng hộ như xưa,
Bài báo có đoạn viết như sau: "Ðiều đáng chú ý không phải là ngôn từ của dự luật hiếu chiến này, mà là thời điểm được đưa ra. Dự luật được Quốc Hội Trung Quốc bàn đến sau khi cuộc bầu cử ở Ðài Loan hoàn tất với kết quả thành phần chủ trương tuyên bố độc lập không được dân chúng ủng hộ như xưa, và vào lúc Tổng Thống Ðài Loan là ông Trần Thủy Biển dường như đang muốn cải thiện quan hệ ngang qua eo biển.
Gần đây, ông ta đã công khai cho hay không tuyên bố độc lập, không tính đến chuyện tu chính hiến pháp để minh định lại vị thế của Ðài Loan, và không nghĩ đến cả chuyện sẽ mở cuộc trưng cầu dân ý để ghi nhận ý kiến của người dân là Ðài Loan nên trở thành 1 nước độc lập hay nên thống nhất với Hoa Lục. Có lẽ Bắc Kinh nghĩ đây là cơ hội thuận lợi để nhắc lại những lời đe dọa, cho dù lịch sử từng chứng minh rằng những hành động dọa dẫm như vậy chỉ gây nên phản ứng bất lợi.”
Bài báo cũng cho rằng thái độ của Bắc Kinh: "không chỉ nhắm vào Ðài Loan, mà còn muốn đưa ra lời cảnh báo với một số nước khác trong khu vực.
Ðe dọa cũng được Bắc Kinh đưa ra vào lúc một số nước láng giềng của Trung Quốc như Nhật Bản và Australia tỏ ra cho thấy họ quan ngại về sự lớn mạnh của Hoa Lục. Gần đây, Nhật Bản đã mở rộng quan hệ an ninh với Hoa Kỳ và lần đầu tiên, thảo luận hợp tác với Mỹ trong trường hợp biến động xảy ra ở eo biển Ðài Loan. Có còn cách nào tốt hơn cho Trung Quốc để buộc Nhật Bản phải lo ngại thêm bằng cách cho thấy Bắc Kinh đã sẵn sàng để tuyên chiến với Ðài Loan hay không?
Nhưng sự khôn ngoan của Bắc Kinh không dừng ở đó. Tuần này, tờ Australian đưa tin nói các giới chức Hoa Lục yêu cầu Chính Quyền Úc duyệt xét lại thỏa hiệp hợp tác quân sự với Hoa Kỳ đã được thi hành trong suốt 50 năm qua. Một viên chức ngoại giao của Bắc Kinh là ông Hà Nghiêm Phi còn cảnh báo là Australia phải thận trọng, đừng để cam kết với Mỹ gây bất lợi cho quan hệ với Hoa Lục.”
“Sóng Gió Nổi Lên Ở Eo Biển Ðài Loan”
Cũng tại Hoa Kỳ, bài bình luận của nhật báo The Los Angeles Times mang nhan đề Sóng Gió Nổi Lên Ở Eo Biển Ðài Loan nhắc lại Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush từng cam kết bằng mọi giá sẽ bảo vệ an ninh cho Ðài Loan, nhưng cùng một lúc, Washington biết rõ là đang cần đến Bắc Kinh để giải quyết các căng thẳng về hạt nhân với Bắc Hàn.
Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến những lời tuyên bố ủng hộ giải pháp độc lập mà Tổng Thống Ðài Loan Trần Thủy Biển đã đưa ra.
Bài bình luận mở đầu với nhận xét cho rằng cả hai phía, Trung Quốc và Ðài Loan, nên giảm bớt những lời chỉ trích đầy hiềm khích vẫn thường đưa ra, kèm theo đó là những nhận xét đáng được chú ý như sau.
“Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến những lời tuyên bố ủng hộ giải pháp độc lập mà Tổng Thống Ðài Loan Trần Thủy Biển đã đưa ra. Nhưng trong cuộc bầu cử hồi tháng 12 vừa qua, liên minh chính trị của ông Trần Thủy Biển đã không thành công, và kể từ đó ông ta đã nhẹ giọng hơn trước.
Mặc dù cả hai phía đều sử dụng những ngôn từ cứng rắn với nhau, nhưng quan hệ kinh tế giữa 23 triệu người Ðài Loan với 1 tỷ người ở Hoa Lục hàng năm đều tăng. Năm nay lại có thêm bước tiến mới vì lần đầu tiên trong 55 năm qua, đường bay trực tiếp nối liền hai bên được mở, thay vì phải ngừng ở Hồng Kông hoặc Ma Cao như trước đây.
Có những dấu hiệu cho thấy cả hai phía, Hoa Lục lẫn Ðài Loan, đang tìm cách làm nhẹ bớt căng thẳng gây nên bởi luật chống nổi dậy. Trung Quốc có nhiều chuyện phải lo, từ chuyện làm sao có thể giảm bớt cách biệt giầu nghèo và số tiền phải bỏ ra để mua nhiên liệu mỗi lúc một tăng. Bắc Kinh nên chú tâm đến những chuyện đó, thay vì tìm cách đe dọa Ðài Loan và khiến những nước khác cũng phải lo ngại vì thái độ gây hấn của họ có thể ảnh hưởng đến chiến lược toàn cầu.”
“Lãnh Tụ Hồ Cẩm Ðào Ðặt Ra Luật Chơi Cho Ðài Loan”
Tại Paris, nhật báo Le Figaro, một tờ báo khuynh tả cũng cho rằng anh khổng lồ Trung Quốc đang chơi đòn “chiếu trên” với đảo quốc nhỏ bé Ðài Loan. Qua bài bình luận mang nhan đề “Lãnh Tụ Hồ Cẩm Ðào Ðặt Ra Luật Chơi Cho Ðài Loan”, tờ Figaro viết như sau:
“Chính sách đối với Đài Loan lâu nay vẫn là một vấn đề mà bất cứ cấp lãnh đạo nào của Bắc Kinh cũng phải đặc biệt quan tâm, nhằm chứng tỏ rằng họ có toàn quyền định đoạt đối với đảo quốc nhỏ bé này .
Riêng đối với chủ tịch Hồ Cẩm Đào, thì cuộc diện chính trị Đài Loan chính là uy thế của ông nhằm đáp ứng lòng yêu nước nhiệt thành của nhân dân Hoa Lục, kể từ khi lên thay thế ông Giang Trạch Dân, nhân vật lãnh đạo ở Bắc Kinh, từng kiêm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong hệ thống đảng và nhà nước, mà chức vụ cuối cùng ông vẫn muốn đảm nhiệm trước khi rời khỏi chính trường là chủ tịch quân ủy trung ương.
Kể từ mùa thu năm nay, ông Hồ Cẩm Đào trở thành lãnh đạo cao cấp duy nhất tại Bắc Kinh, một mình cáng đáng ba trọng trách là chủ tịch nhà nước, tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc và chủ tịch quân ủy trung ương, thống lãnh một đạo quân trên hai triệu rưỡi binh lính.
Một trong những vấn đề gay go hàng đầu là Đài Loan, được xem là một tiền đồn chống lại độc tài cộng sản của thế giới tự do, trên danh nghĩa nào đó đã được hưởng độc lập từ 55 năm qua.
Tuy nhiên theo giới quan sát thời cuộc thì chủ tịch Hồ Cẩm Đào dù có lắm quyền uy trong tay nhưng ông vẫn phải đối phó với nhiều khó khăn, phức tạp hơn những vị tiền nhiệm của ông. Một trong những vấn đề gay go hàng đầu là Đài Loan, được xem là một tiền đồn chống lại độc tài cộng sản của thế giới tự do, trên danh nghĩa nào đó đã được hưởng độc lập từ 55 năm qua.
Ðài Loan có một quân đội hùng hậu nhằm đối phó hữu hiệu với bất cứ cuộc tấn công bất ngờ nào từ phía Hoa Lục theo chủ trương cố hữu của những nhân vật đầu não lãnh đạo Bắc Kinh từ trước tới giờ.
Với tư thế của một đại cuờng trong khúc quanh lịch sử của thiên niên kỷ thứ ba và cuộc diện chính trị toàn cầu, Bắc Kinh tự cho mình quyền thống nhất lãnh thổ với Đài Loan cho dù vấn đề đó chỉ được các nhà chiến lược Bắc Kinh nói tới trên giấy tờ mà thôi.
Câu hỏi đang được thế giới đặt ra là với sự hậu thuẫn của quốc hội, sự ủng hộ của đảng cộng sản, sự đồng tình của người dân Hoa Lục, và sự quan tâm của công luận, liệu chính sách ôn hòa mà ông Hồ Cẩm Đào vẫn nói đến có được áp dụng tại Eo biển Đài Loan hay không ?”
“Ðài Loan phải đoàn kết để có cùng 1 tiếng nói”
Tạp Chí Truyền Thông Quốc Tế tuần này xin được kết thúc với bài nhận định của ông Laurence Eyton đăng trên tờ Asia Times. Người viết là một nhà báo chuyên nghiệp, đồng thời cũng là một nhà bình luận tên tuổi của Ðông Nam Á, từng sống gần 20 năm ở Ðài Loan.
Trước một biến chuyển chính trị lớn như vậy, Ðài Loan phải đoàn kết để có cùng 1 tiếng nói.
Trong bài, ông Eyton cho rằng tình trạng phân hóa chính trị đang xảy ra ở Ðài Bắc chính là một trong những nguyên do dẫn đến việc Ðảng Cộng Sản Trung Quốc đưa luật chống nổi dậy ra thảo luận trước Quốc Hội. Nhà bỉnh bút Laurence Eyton cho rằng: "Trước một biến chuyển chính trị lớn như vậy, Ðài Loan phải đoàn kết để có cùng 1 tiếng nói."
Sau khi ngợi khen quyết định gặp lãnh tụ đối lập Tống Sở Lẫm mà ông Trần Thủy Biển đã làm hồi cuối tháng trước, bài nhận định viết rằng cuộc gặp gỡ này vẫn chưa đủ vì còn nhiều bất đồng chưa thể giải quyết.
Chẳng hạn như dù ông Trần Thủy Biển cam kết không tuyên bố độc lập, không sửa hiến pháp, không đòi Trung Quốc phải đối xử với Ðài Loan như một quốc gia khi hai bên gặp nhau để nói chuyện thống nhất đất nước, nhưng phe đối lập vẫn chưa ủng hộ ý kiến bỏ ra gần 20 tỷ dollars để mua võ khí do Hoa Kỳ sản xuất nhằm hiện đạo hóa quân sự và bảo vệ an ninh lãnh thổ. Bài nhận định kết thúc với lời lẽ sau đây:
“Những trở ngại không thể phủ nhận được lại xảy ra ở Ðài Loan vào đúng thời điểm đáng lẽ cả hai phe đối lập và cầm quyền phải cùng cất chung tiếng nói để phản đối luật chống nổi dậy. Ðiều mà Ðài Loan cần phải nhớ là đứng bao giờ tạo ấn tượng cho phía Bắc Kinh nghĩ là Ðài Loan không quan tâm đến những gì Bắc Kinh đang làm.”