Nguyễn Khanh, phóng viên RFA
Chuyến viếng thăm Châu Á của Bà Ngoại Trưởng Hoa Kỳ, sự kiện Tổng Thống Nam Hàn Roh Moo-huyn công khai chỉ trích Chính Phủ Nhật Bản vẫn chưa nhìn nhận những sai lầm mà quân đội Thiên Hoàng đã làm thời đệ nhị thế chiến khi đô hộ Triều Tiên, cùng với dự thảo cải tổ Liên Hiệp Quốc và quyết định của Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush đề cử ông Paul Wolfowitz làm Chủ Tịch Ngân Hàng Thế Giới là những đề tài được báo chí quốc tế nói đến trong 7 ngày qua, và chúng tôi thu thập để gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ Tạp Chí Truyền Thông Quốc Tế tuần này.
Phổ biến dân chủ-tự do ở Á Châu
Chúng tôi xin bắt đầu với chuyến viếng thăm Châu Á mà Nữ Ngoại Trưởng Condoleeza Rice mới hoàn tất hồi đầu tuần này. Hầu hết báo chí ở Nhật Bản ca ngợi đề nghị mở rộng quan niệm đối tác chiến lược mà Bà Rice đã đưa ra để phổ biến dân chủ và tự do ở Châu Á, nhưng cũng có những bài bình luận báo động rằng có thể, Hoa Kỳ sẽ lợi dụng quỹ phát triển kinh tế của Nhật Bản để thực hiện mục tiêu ngoại giao mà Chính Quyền Bush đặt ra.
Bình luận của tờ Mainichi Shimbun viết rằng:
"Điều quan trọng mà cả Nhật Bản lẫn Hoa Kỳ phải làm là ủng hộ trào lưu dân chủ ở Châu Á. Chuyến viếng thăm khu vực của Bà Rice chứng tỏ chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đã chuyển hướng, nhắm đến Á Châu, chú tâm đến đối thoại và hợp tác.
Nhưng bài bình luận của tờ Asahi Shimbum lại viết với luận điệu hoài nghi:
"Đề nghị phát triển đối tác chiến lược mà Bà Rice đưa ra chỉ là một ý đồ để ông Bush có thể thực hiện mục tiêu phát huy tự do và dân chủ Châu Á bằng tiền viện trợ mà Nhật Bản đang giúp cho một số nước trong khu vực.
Về cuộc đàm phán 6 bên nhằm giải quyết căng thẳng hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên, báo chí Nam Hàn đặc biệt chú trọng đến lời tuyên bố mà Bà Ngoại Trưởng Mỹ đưa ra trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh. Qua lời tuyên bố, người đang điều khiển ngành ngoại giao Mỹ không loại trừ khả năng cam kết đảm bảo an ninh cho Bắc Hàn, nhưng đồng thời cũng đưa ra lời cảnh báo cho thấy Washington có thể sẽ sử dụng những biện pháp khác nếu Bình Nhưỡng không trở lại bàn hội nghị.
Trong khi bài bình luận của tờ JoongAng Ilbo viết rằng hy vọng lời tuyên bố mang tính tích cực của Bà Rice sẽ tạo thuận lợi cho các nỗ lực thúc đẩy Bình Nhưỡng trở lại tham dự cuộc đàm phán, thì một số bài bình luận khác của báo giới Nam Hàn -chẳng hạn như bình luận của tờ Chosun Ilbo- cho rằng tuyên bố của Bà Ngoại Trưởng Mỹ về tình hình bán đảo Triều Tiên nhắm vào những mục tiêu sâu kín hơn, như việc Hoa Kỳ có thể ủng hộ Nhật Bản lấy ghế thành viên thường trực của Liên Hiệp Quốc, hoặc là dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ muốn định lại thế liên minh ở vùng Châu Á.
Quan hệ Nam Hàn – Nhật Bản
Hôm thứ Tư tuần này, tổng thống Nam Hàn Roh Moo-huyn bất ngờ đưa ra những lời tuyên bố cứng rắn đối với nước láng giềng Nhật Bản, qua lá thư ông viết gửi nhân dân trong đó có đoạn viết rằng Xơ-Un sẵn sàng đương đầu với Tokyo trên mặt trận ngọai giao vì trong lúc chưa giải quyết được chuyện tranh chấp lãnh thổ, Nhật Bản lại cho phát hành sách giáo khoa về lịch sử trong đó không đề cập đến những tội ác mà quân đội Thiên Hòang gây ra trong thời gian chiếm đóng Triều Tiên từ năm 1910 đến 1945.
Ðây là lần đầu tiên tổng thống Nam Hàn có lời lẽ cứng rắn với Nhật Bản, trái với thái độ hòa dịu của ông hồi năm ngóai khi phát biểu là đừng để quá khứ ảnh hưởng đến mối giao hảo giữa hai quốc gia.
Ngay tức khắc báo chí Nam Hàn đồng loạt chỉ trích thái độ của vị lãnh đạo, và tờ Chosun Ilbo còn viết là đã đến lúc Tổng Thống Roh Moo-huyn nên học lại những bài học sơ đẳng về ngoại giao, dù ca ngợi ông Roh đã nỗ lực tranh đấu cho quyền lợi quốc gia, nhưng cho rằng ông không khôn ngoan khi tự đưa mình vào thế phải chiến đấu trận chiến ngoại giao.
”Khác biệt về quan điểm và xung đột giữa các nước là điều không nên nói công khai. Những lời lẽ của Tổng Thống Roh Moo-huyn chỉ gây phương hại đến danh dự của quốc gia.
Quan điểm vừa kể được tờ JoongAng Ilbo chia sẻ:
”Cứ kéo quan hệ Nhật Bản-Nam Hàn đến chỗ tệ nhất như bây giờ chẳng giải quyết được gì cả. Việc làm của Tổng Thống Roh Moo-huyn nhất thời sẽ được nhân dân ủng hộ, nhưng về lâu về dài sẽ là một gánh nặng cho quốc gia và cho cả cá nhân Tổng Thống”.
Cải tổ Liên Hiệp Quốc
Cũng tuần này, ông Kofi Annan, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc đã đưa ra đề án cải tổ toàn diện tổ chức.
Ðề án bao gồm cả việc mở rộng Hội Ðồng Bảo An, trong đó bao gồm ý kiến tăng thêm các nước hội viên thường trực hoặc cho mỗi Châu có 2 hội viên bán thường trực. Ngay tức khắc, báo chí Nhật Bản gọi đề án này đã giúp mở rộng cánh cửa triển vọng cho Nhật trở thành hộ viên thường trực của Hội Ðồng Bảo An.
Nhật báo Yomiuri Shimbun, tờ báo có đông độc giả nhất của Nhật viết rằng Xứ Phù Tang hội đủ mọi điều kiện để trở thành hội viên thường trực của Liên Hiệp Quốc, vì là nước góp tiền đứng thứ nhì sau Hoa Kỳ, là nước đã 9 lần được các thành viên khác chọn vào Hội Ðồng Bảo An với tư cách thành viên không thường trực và hợp tác chặt chẽ với Liên Hiệp Quốc trong chương trình bảo vệ hòa bình.
Bài bình luận cũng nói rằng mặc dù được sự ủng hộ của Hoa Kỳ, nhưng Tokyo không thể ỷ lại vào sự yểm trợ đó, mà phải nỗ lực vận động để đề án do ông Tổng Thư Ký Kofi Annan đưa ra trở thành sự thật.
Tờ Asahi Shimbun cũng đưa ra nhận định tương tự, ủng hộ những thay đổi đã được người đang điều khiển Liên Hiệp Quốc đưa ra, và đã đến lúc Chính Phủ Nhật Bản phải bày tỏ quan điểm một cách vững mạnh hơn. Bài bình luận của tờ Asahi Shimbun có đoạn viết như sau:
”Đề án của ông Annan là một bước quan trọng cho ước muốn trở thành hội viên thường trực của Hội Ðồng Bảo An mà Nhật Bản đang nuôi dưỡng. Muốn thay đổi cơ cấu của Hội Ðồng Bảo An, bản Hiến Chương Liên Hiệp Quốc phải được tu chính và điều này sẽ không xảy ra nếu không được sự ủng hộ của 2 phần 3 các nước thành viên của tổ chức, kể cả 5 nước hội viên thường trực đang nắm quyền phủ quyết.
Bây giờ là lúc Nhật Bản phải thật tâm nghiên cứu xem cần làm những gì để có được sự ủng hộ và tin tưởng của thế giới. Hiển nhiên, Nhật phải trình bầy cho mọi người thấy cái nhìn của mình về hòa bình toàn cầu. Với lợi thế là không liên quan gì đến vấn đề giải giới và cấm phổ biến võ khí hạt nhân, Nhật Bản phải đưa ra những lời cam kết mạnh hơn về 2 điểm này, đồng thời cũng phải đóng vai trò chủ yếu trong các lãnh vực bảo vệ an ninh cho nhân loại và hợp tác về kinh tế.
Muốn tu chính bản Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, Nhật Bản cũng cần sự ủng hộ của Trung Quốc và các nước Châu Á, và điều khoản nói về những quốc gia gây trở ngại cho hòa bình chắc chắn sẽ là trọng tâm của cuộc thảo luận. Muốn điều khoản này được hủy bỏ, Nhật Bản phải thành thật trong nỗ lực nhằm giải quyết những trở ngại của lịch sử. Trong chiều hướng đó, chính Thủ Tướng Koizumi cũng phải suy nghĩ lại chuyện có nên viếng thăm Ðền Tử Sĩ Yasukuni hay không”.
Ông Annan cũng kêu gọi trong 10 năm tới, các nước tân tiến tăng mức viện trợ cho những nước đang phát triển, và con số được nói đến là 0,7% GDP. Hiện giờ tổng số viện trợ Nhật giúp các nước khác chỏ ở khoảng 0,2% GDP và đang giảm dần. Tăng viện trợ phát triển lên 0,7% cũng là thước đo cho Nhật khi muốn được ghế thường trực của Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Thế giới đang chờ đón viện trợ của Nhật Bản.
Tân Chủ tịch WB?
Việc Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush đề cử ông Paul Wolfowitz vào chức Chủ Tịch Ngân Hàng Thế Giới cũng được báo chí nhiều nước nhắc đến, đặc biệt nhất là báo chí Châu Âu. Khi loan báo quyết định này, Tổng Thống Bush đã nhiệt liệt ca ngợi một trong những vị phụ tá và cố vấn quan trọng của ông.
Mặc dù nguyên tắc xưa nay vẫn là người Mỹ đứng đầu Ngân Hàng Thế Giới và một nhân vật Châu Âu điều khiển Qũy Tiền Tệ Quốc Tế IMF, nhưng lời đề cử ông Wolfowitz ngay tức khắc bị báo chí Châu Âu lên tiếng chống đối. Tạp Chí Truyền Thông tuần này xin được kết thúc với bài nhận định của bình luận gia người Pháp, ông Xavier Harel:
”61 tuổi, là nhân vật thứ nhì của Lầu Năm Góc, ông Paul Wolfowitz được coi là một trong những nhân vật đầu não của kế hoạch mở cuộc chiến Iraq và chiến lược dân chủ Trung Ðông mà ông Bush đang cho thực hiện. Ðề cử ông ta nắm chức Chủ Tịch Ngân Hàng Thế Giới là điều kỳ quái chẳng khác gì chuyện đề cử ông Robert McNamara, cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ thời John Kennedy và Lyndon Johnson. Người được lịch sử ghi nhớ là nhân vật điều khiển cuộc chiến Việt Nam đã được chọn để điều khiển Ngân Hàng Thế Giới trong khoảng thời gian từ 1968 cho đến tháng 6 năm 1981.
Hồi năm 2000, Hoa Kỳ đã phủ quyết không nhận ứng viên người Ðức là ông Caio Koch-Wieser làm Tổng Giám Ðốc IMF, cho dù ông ta là ứng viên được Châu Âu ủng hộ. Vì thế, Châu Âu, khu vực phần đông phản đối cuộc chiến Iraq, có thể sẽ phủ quyết không chọn ông Paul Wolfowitz, dựa trên căn bản là Washington đã có lần phủ quyết người được Châu Âu chọn”.