Liệu chiến tranh ở Iraq là một cuộc nội chiến?
2006.12.08
Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA
Hoa Kỳ đã có tân Tổng Trưởng Quốc Phòng. Ông Robert Gates, cựu Giám Đốc Cơ Quan Tình Báo CIA, đã được chính thức bổ nhiệm hôm thứ tư, thay thế cho ông Donald Rumsfeld.

Ông Gates nhận lãnh chức vụ trong tình huống đầy khó khăn, bằng chứng là qua bài đọc trước Thượng Viện hôm Thứ Ba vừa rồi, ông cũng nhìn nhận nước Mỹ “đang thua cuộc chiến Iraq” và nếu trong 2 năm nữa không giải quyết được vấn đề, tình trạng bất ổn “sẽ lan rộng ra toàn vùng Trung Đông”. Lúc đó, giải quyết vấn đề “sẽ tốn kém và mất nhiều thời gian hơn nữa”.
Một Uỷ ban lưỡng đảng cao cấp do Tổng thống Mỹ bổ nhiệm để nghiên cứu một giải pháp cho Iraq vừa hoàn tất bản phúc trình và đệ trình Tổng thống vào ngày thứ tư. Trong đó Ủy ban phê phán chính sách của Mỹ tại Iraq đang trên đà thất bại, và đề nghị mở cuộc vận động chính trị, ngoại giao thay vì chỉ dựa vào quân sự. Uỷ ban cũng đề nghị một số kế hoạch về quân sự, để Mỹ có thể bắt đầu rút quân vào khoảng đầu năm 2008.
Cũng trong những ngày vừa qua, giới truyền thông Mỹ đã đưa ra cái nhìn hoàn toàn khác khi nói về cuộc chiến Iraq. hệ thống truyền hình NBC gọi Iraq “là cuộc nội chiến”; nhật báo The Los Angeles Times viết “chúng ta đã sa lầy”. Nói cách khác, bây giờ cái nhìn của báo chí Mỹ khác hẳn với cái nhìn của chính quyền.
Tại sao vậy? Đó là câu hỏi Ban Việt Ngữ đặt ra với ông Malvin Kalb, một nhà báo kỳ cựu và lừng danh của nước Mỹ, từng điều khiển chương trình phỏng vấn truyền hình “Meet The Press” tức là “Gặp Gỡ Với Báo Giới” của đài CBS. Như thường lệ, cuộc phỏng vấn do Nguyễn Khanh thực hiện, với phần chuyển ngữ do Việt Long, và chúng tôi gửi đến quý vị trong khuôn khổ Câu Chuyện Thời Sự Hàng Tuần.
Nguyễn Khanh: Xin phép ông cho tôi đi ngay vào vấn đề. Tuần rồi, đài truyền hình NBC là đài đầu tiên gọi cuộc chiến Iraq là một cuộc nội chiến. Là một nhà báo, ông nghĩ gì về sự kiện đó?
Nếu giở tự điển, anh sẽ thấy từ “nội chiến” được định nghĩa là khi các phe nhóm, đảng phái trong một nước đánh nhau. Đem áp dụng định nghĩa này với Iraq, chúng ta thấy trận chiến đang diễn ra giữa những người Hồi Giáo Shiite và Sunni, và trận chiến đó đang xé Iraq ra thành nhiều mảnh.
Ông Malvin Kalb: Tôi cho rằng đã đến lúc phải nói lên sự thật. Đáng lý ra, điều này phải được giới truyền thông nói tới nhiều tuần, nếu không muốn bảo là nhiều tháng trước. Nếu giở tự điển, anh sẽ thấy từ “nội chiến” được định nghĩa là khi các phe nhóm, đảng phái trong một nước đánh nhau.
Đem áp dụng định nghĩa này với Iraq, chúng ta thấy trận chiến đang diễn ra giữa những người Hồi Giáo Shiite và Sunni, và trận chiến đó đang xé Iraq ra thành nhiều mảnh. Thành ra, nội chiến đang xảy ra ở Iraq là điều không ai có thể chối cãi được.
Nguyễn Khanh: Ông coi đó là một cuộc nội chiến, nhưng Tổng Thống George W. Bush không nhìn như vậy. Mời ông nghe lại lời tuyên bố mới nhất của nhà lãnh đạo nước Mỹ:
“Chiến tranh mang hàm ý tôn giáo đang bùng nổ ở nhiều nơi. Theo nhận xét của tôi, đó là hậu quả ý đồ của quân khủng bố al-Queda, và chúng tôi sẽ hợp tác với chính phủ do Thủ Tướng Al-Maliki lãnh đạo để chận đứng bọn chúng.” Ông nghĩ gì về tuyên bố của Tổng Thống Bush?
Ông Malvin Kalb: Cực kỳ khó khăn cho Tổng Thống Bush hay cho bất kỳ viên chức nào trong chính quyền nhìn nhận Iraq là một cuộc nội chiến. Lý do vì nếu công nhận như thế, dân chúng Hoa Kỳ sẽ đặt câu hỏi là tại sao binh sĩ Mỹ phải chiến đấu ở nước ngoài và hy sinh cho trận chiến giữa các nhóm tôn giáo, và lúc đó, người dân Mỹ sẽ thất vọng hơn nữa về những gì đang xảy ra tại Iraq.
Nguyễn Khanh: Nhưng liệu đã đến lúc Nhà Trắng nên nhìn nhận chiến tranh Iraq là một cuộc nội chiến, và tìm giải pháp mới không?
Ông Malvin Kalb: Không. Tôi không nghĩ như vậy. Theo tôi, cách hay nhất là để yên cho Tổng Thống Bush và các viên chức thân cận của ông tìm một từ nào đó để diễn tả những gì đang xảy ra ở Iraq, thay vì buộc Tổng Thống phải công nhận chiến tranh Iraq là một cuộc nội chiến.
Theo tôi hiểu thì đó là điều hành pháp đang làm. Riêng với sự kiện đài NBC gọi chiến tranh Iraq là một cuộc nội chiến chứng tỏ cho chúng ta thấy giới truyền thông Mỹ bắt đầu thấy sự thật và nói lên sự thật. Trở ngại đang xảy ra là nếu chính quyền cũng nhìn nhận như vậy, sự ủng hộ của dân chúng vốn đang giảm, lại càng giảm nhiều hơn nữa. Đó là điều Tổng Thống Bush và các viên chức cao cấp khác ở Nhà Trắng không muốn thấy xảy ra.
Nguyễn Khanh: Điều ông vừa nói làm tôi nhớ lại sau biến cố 11 tháng 9 năm 2001 xảy ra, trong cương vị của một nhà báo, tôi có cảm tưởng giới truyền thông Mỹ đi gần với Nhà Trắng hơn, chia sẻ quan điểm của Tổng Thống Bush hơn là bây giờ. Ông có đồng ý với nhận xét của tôi không?
Cực kỳ khó khăn cho Tổng Thống Bush hay cho bất kỳ viên chức nào trong chính quyền nhìn nhận Iraq là một cuộc nội chiến. Lý do vì nếu công nhận như thế, dân chúng Hoa Kỳ sẽ đặt câu hỏi là tại sao binh sĩ Mỹ phải chiến đấu ở nước ngoài và hy sinh cho trận chiến giữa các nhóm tôn giáo, và lúc đó, người dân Mỹ sẽ thất vọng hơn nữa về những gì đang xảy ra tại Iraq.
Ông Malvin Kalb: Theo tôi nghĩ thì trong khoảng thời gian từ biến cố 11 tháng 9 cho đến khi cơn bão Katrina xảy ra hồi năm ngoái, quả là báo chí Mỹ cảm thông với chính quyền cũng như với quan điểm của chính quyền. Nhưng sau trận bão Katrina, mọi người đều thấy rõ lối làm việc tắc trách của chính phủ, và đương nhiên, báo giới không thể nào để yên như thế được. Đó là lý do tại sao bây giờ, chúng ta thấy truyền thông bắt đầu chỉ trích các hoạt động cũng như chính sách của chính phủ.
Nguyễn Khanh: Nếu Iraq thật sự là một cuộc nội chiến như báo chí đang nói và như chính ông đang nghĩ thì liệu có giải pháp nào cho nước Mỹ hay không?
Ông Malvin Kalb: Ngay lúc này, dường như không có một giải pháp nào để giải quyết cuộc chiến Iraq cả. Theo tôi, bất kể chúng ta gọi là đó là “nội chiến” hay “một giai đoạn mới của cuộc chiến” thì những gì xảy ra ở chiến trường sẽ quyết định chính sách ở Washington.
Nguyễn Khanh: Ông Robert Gates bắt đầu đảm nhận chức vụ tổng trưởng quốc phòng. Ông tân tổng trưởng phải làm gì trong tình thế khó khăn như bây giờ?
Ông Malvin Kalb: Điều ông Gates phải làm là phải tìm cách để giảm bớt sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Iraq, phải tìm cách rút bớt quân ra khỏi Iraq. Làm sao để thực hiện được điều đó? Tôi không biết!!! Nhưng đó là trách nhiệm và cũng là thử thách mà ông tân tổng trưởng quốc phòng Mỹ phải đối phó.
Nguyễn Khanh: Hình như ông muốn nói đến lịch trình rút quân?
Ông Malvin Kalb: Lịch trình rút quân là một trong những giải pháp mà chính phủ nên nghĩ đến, và trong một vài tuần nữa, chúng ta sẽ biết là liệu Tổng Thống Bush có đồng ý với lịch trình rút quân ra khỏi Iraq hay không, liệu Tổng Thống Bush có đồng ý là đã thành công ở Iraq, và đã đến lúc nên để cho người Iraq quyết định chuyện riêng của họ hay không.
Tôi muốn nhắc lại điều tôi đã nói: những gì xảy ra tại chiến trường sẽ quyết định chính sách ở Washington.
Nguyễn Khanh: Cách đây hơn 30 năm, Hoa Kỳ quyết định rút khỏi chiến trường Việt Nam và ông cũng biết là sau đó, miền Nam Việt Nam sụp đổ. Liệu lịch sử có tái diễn ở Iraq hay không?
Ông Malvin Kalb: Điều đó đương nhiên có thể xảy ra. Lịch sử đau buồn đó có thể sẽ tái diễn. Điều đã từng xảy ra ở Việt Nam có thể cũng là điều sẽ xảy ra ở Iraq, nhưng cuối cùng, đã đến lúc người dân Iraq phải quyết định vận mạng chính trị cho chính họ.
Điều tôi e ngại là có thể các phe nhóm tôn giáo sẽ đảm nhận vai trò lãnh đạo, dựng một chính phủ Hồi Giáo chứ không phải chính quyền dân chủ như chúng ta mong đợi, và nếu thế thì rất tiếc, mọi cố gắng, những hy sinh mà Hoa Kỳ đã làm trong những năm vừa qua đều trở thành vô ích. Chúng ta phải đợi xem trong một vài tháng nữa xem sao.
Nguyễn Khanh: Thay mặt thính giả, Ban Việt Ngữ xin cám ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi nói chuyện hôm nay.
Những bài liên quan
- Thống thống Hoa Kỳ và Thủ tướng Anh bàn thảo về tình hình Iraq
- Tổng thống Bush sẽ thảo luận về chính sách tại Iraq
- Chính sách thương mại của nước Mỹ trong 2 năm tới
- Chính sách của Washington đối với Châu Á trong 2 năm tới?
- Nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam trong dịp APEC
- Quan ngại về an ninh tại khu vực thuỷ lộ Malacca
- Tổng thống Bush kêu gọi các nước trên thế giới hãy tôn trọng quyền tự do tôn giáo
- Ba quyết định căn bản của Washington về cuộc chiến tại Iraq
- Những vấn đề nào sẽ được bàn thảo tại hội nghị APEC 2006?