Quan điểm Truyền thông Quốc tế (ngày 9-9-2005)
2005.09.10
Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA
Trong 7 ngày qua, báo chí thế giới đã tốn khá nhiều giấy mực để nói về trận bão Katrina. Những bài báo viết về tai họa vật chất lẫn tai họa chính trị mà cơn bão để lại đã trải dài trên mặt quả địa cầu. Và như thường lệ, Ban Việt Ngữ chúng tôi xin ghi nhận để gửi đến quý thính giả trong mục Tạp Chí Quan Điểm Truyền Thông Quốc Tế Hàng Tuần.
Chúng tôi xin được bắt đầu với báo chí ngay tại Hoa Kỳ, nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của trận bão Katrina. Sự kiện chính quyền liên bang Mỹ chậm trễ thi hành công tác cứu trợ nạn nhân là điều được báo chí nước này nói đến nhiều nhất. Trong một bài bình luận, tờ USA Today viết rằng điều không thể chối cãi được là cái sẩy nẩy cái ung, người dân thành phố New Orleans đã phải gánh chịu một lúc hai thiên tai: thiên tai đầu do cơn bão Katrina mang đến và thiên tai thứ nhì là những thảm họa do sự sai lầm của công tác cứu trợ mang lại.
Bài báo viết: "Tất cả các cấp chính quyền đều thất bại, không làm tròn trách nhiệm giúp người dân tránh bão và cứu trợ nạn nhân của trận bão. Không có một kế hoạch nào được đề ra để cứu thành phố New Orleans ngập nước, và cũng chẳng có một kế hoạch hợp lý nào được nói đến để di tản những người không may, từ người nghèo, người bệnh, cho đến cả những người nhất định không chịu rời khỏi thành phố.
Ngay cả khi thấy rõ là còn tới hàng trăm ngàn người bị kẹt lại, chính quyền liên bang cũng không có kế hoạch để giúp họ, không có kế hoạch để cứu những người bệnh và cũng chẳng có kế hoạch để bảo vệ trật tự, an ninh cho thành phố.
Đáng lẽ sau biến cố tang thương xảy ra hôm 11 tháng 9 năm 2001, nước Mỹ không cần phải chờ một tiếng chuông cảnh tỉnh khác. Rất tiếc, điều đó đã không xảy ra và bây giờ là lúc Hoa Kỳ phải có ngay một kế hoạch hành động thật hữu hiệu để đảm bảo những sai lầm sẽ không xảy ra lần nữa."
Câu hỏi đang được báo chí Hoa Kỳ nói đến là lỗi tại ai? Tờ Los Angeles Times cho rằng tất cả mọi mũi dùi đều chỉa vào người lãnh đạo và Tổng Thống George W. Bush đang phải đối phó với điều mà báo chí thế giới gọi là "thiên tai chính trị":
"Hơn tất cả những vị tiền nhiệm, Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush rất ngần ngại không chịu nhận lỗi hay xem lại các quyết định mà ông đưa ra có đúng hay không. Nhưng vì quyền lợi của quốc gia, đã đén lúc Tổng Thống Bush phải vượt qua tất cả mọi lời chỉ trích.
Sau một tuần lễ đầy tang thương xảy ra ở thành phố New Orleans, đây là lúc Tổng Thống Bush phải ngửng cao đầu, buộc nhân viên dưới quyền phải trả lời câu hỏi tại sao sai lầm lại xảy ra và ông Bush phải thay đổi hẳn những kế hoạch cứu trợ mà chính quyền liên bang vẫn thường áp dụng."
Bài bình luận của nhật báo The New York Times thì cho thấy sau những sai lầm, Nhà Trắng hiện đang thực hiện kế hoạch nhằm giảm bớt những thiệt hại chính trị mà Tổng thống Bush phải gánh vì lối làm việc tắc trách của chính quyền trung ương. Tờ The Washington Post nói rõ hơn: cá nhân ông Bush đã phạm một số sai lầm:
"Trước hết, ông Bush không thấy được điều mà người dân Mỹ ai cũng thấy khi xem tin tức trên truyền hình, đó là chính người Mỹ đang cần giúp đỡ. Vì thế hai chuyến viếng thăm các nạn nhân bão lục được ông Bush thực hiện hôm thứ Sáu tuần trước và thứ Hai tuần này trở nên quý giá, vì rõ ràng ông Bush ở quá xa với thực tế nên ông không biết chuyện gì xảy đến cho chính người dân của mình."
Trước khi chấm dứt phần nói về quan điểm của báo chí Hoa Kỳ, chúng tôi cũng xin thưa thêm là Tổng Thống George W. Bush đã cho mở cuộc điều tra để tìm hiểu nguyên do tại sao công tác cứu trợ nạn nhân bão lụt lại chậm trễ hoặc không được thi hành đúng. Quốc Hội Liên Bang Mỹ cũng sẽ có một cuộc điều tra tương tự.
Báo chí thế giới nói gì về những sai lầm của công tác cứu trợ nạn nhân bão lụt ở Hoa Kỳ? Chúng tôi xin được mở đầu với bài bình luận đăng trên tờ The Sydney Herald:
"Phải đợi ít tháng nữa chúng ta mới biết được ai là người phải chịu trách nhiệm về chuyện này, nhưng điều không thể chối cãi được là tất cả mọi gánh nặng chính trị hiện đang đổ trên vai của Tổng Thống Bush.
Người bệnh, người già, trẻ sơ sinh chết vì thiếu ăn, thiếu nước, trong lúc các cảnh tượng khác như hãm hiếp, cướp của và giết người xảy ra, đó là những hình ảnh khó có thể quên, được phổ biến từ quốc gia giầu có nhất của thế giới.
Ông Bush đã đi thăm các vùng bị thiên tai, ông đã an ủi những người đang sống trong cảnh không cửa, không nhà, ông đã động viên tinh thần các nhân viên cứu trợ, ông cũng đa đưa ra những lời tự bào chữa, và người ta cũng nhìn thấy ông Bush không phải là một nhà lãnh đạo tài ba lúc quốc gia đang gặp nguy khốn.
Hết nạn nhân này đến nạn nhân khác so sánh các nỗ lực mà Washington thực hiện ở Trung Đông và những nỗ lực giúp nạn nhân thiên tai sóng thần ở Châu Á, để cùng nhau thắc mắc không hiểu tại sao Hoa Kỳ lại chẫm trễ cứu chính người dân của mình khi cơn bão Katrina thổi qua các bang ở miền Nam nước Mỹ."
Bài nhận định của nhà bỉnh bút Fintan O'Tooole đăng tải trên tờ The Irish Times thì cho rằng thiên tai đã cho mọi người thấy được hình ảnh thật sự của nước Mỹ:
"Khi người Mỹ nhìn thấy cảnh nước đọng, dơ bẩn tràn ngập ở thành phố New Orleans, họ cũng nhìn thấy được những vết sẹo nổi hằn trên mặt. Vết sẹo đó là biểu tượng nghèo khó, là kỳ thị mầu da, là nghi kỵ, là sự xuống cấp của môi trường. Tất cả trước đây được che đậy bởi các thông tin không trung thực, bây giờ đã lòi ra ánh sáng".
Bài bình luận của nhật báo Le Soir xuất bản ở Vương Quốc Bỉ thì cho rằng cơn bão Katrina đã để lại một thảm họa cho nước Mỹ, lớn hơn cả thảm họa xảy ra sau vụ khủng bố tấn công hôm 11 tháng 9 năm 2001:
"Số người chết và thiệt hại vật chất mà cơn bão gây nên cho nước Mỹ lớn hơn vụ khủng bố xảy ra ở New York hồi 2001. Điều không ngờ là quốc gia dẫn đầu cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu bây giờ lại gặp khó khăn ở cuộc chiến chông đói nghèo và công bằng ngay trong nội địa."
Báo chí Châu Phi đã dùng những ngôn từ khá nặng nề để chỉ trích chính quyền của Tổng Thống Bush, kể cả chỉ trích cho rằng công tác cứu trợ thành phố New Orleans được thi hành chậm trễ ở những khu vực phần lớn cư dân là người da đen và cho đó là bằng chứng xác nhận vẫn còn chuyện kỵ thị màu da ở xã hội Hoa Kỳ.
Tờ Star ở Nam Phi viết: "Thiên tai đã giúp chúng ta thấy được sự kỳ thị trong xã hội Mỹ. Hầu hết những nạn nhân tuyệt vọng kẹt lại trong thành phố New Orleans là người da đen."
Cùng một suy nghĩ, nhật báo Herald ở Zimbabwe cho rằng: "Vì New Orleans là một thành phố miền Nam phần dông cư dân là người da đen, nên Tổng Thống Bush thấy không cần phải cắt ngắn thời gian nghỉ hè của ông ta. Sống ở Mỹ nhưng là người da đen thì không hẳn đã là người Mỹ."
Tạp Chí Quan Điểm Truyền Thông Quốc Tế tuần này xin được kết thúc với bài nhận định của nhà bỉnh bút Phillip Bơring viết từ Hồng Kông, mang nhan đề mà chúng tôi xin tạm dịch là Bài Học Katrina. Bài nhận định có đoạn viết như sau:
"Trận bão có thể sẽ khiến Hoa Kỳ phải duyệt lại các chính sách của mình, thay vì quan tâm và bỏ tiền ra giúp thế giới, người Mỹ sẽ sử dụng tài nguyên của mình vào công tác sửa chữa cơ sở hạ tầng và những vấn đề khác ngay trong nước. Điều đó sẽ không gây phản ứng bất lợi cho nước Mỹ, nhất là ở thời điểm thế giới đang có những suy nghĩ không mất hay cho chính sách độc đoán, muốn làm bá chủ của Hoa Kỳ.
Nhưng tối thiểu, điều đó cũng khiến cho các nước đồng minh của Hoa Kỳ phải định lại chính sách và vị trí của họ và có thể trong tương lai, một số nơi sẽ bị bất ổn vì không còn sự hiện diện của Mỹ để bảo vệ cho hòa bình nữa."
Các tin, bài liên quan
- Kampuchia gửi 20.000 đôla cứu trợ nạn nhân bão Katrina Hoa Kỳ
- Cộng đồng người Việt ở Louisiana
- Việt Nam đề nghị gởi 100.000 đôla trợ giúp nạn nhân bão Katrina Hoa Kỳ
- Câu chuyện của những người Việt vừa trải qua cơn ác mộng bão Katrina
- Hiệu ứng Katrina
- VASEP gửi thư chia buồn và thăm hỏi các nạn nhân bão Katrina
- Nhiều người Việt Nam là nạn nhân của cơn bão Katrina
- Cộng đồng Mỹ gốc Việt ở Houston giúp đỡ đồng hương nạn nhân của trận bão Katrina
- Ảnh hưởng của bão Katrina đối với nền kinh tế nước Mỹ
- Quan điểm Truyền thông Quốc tế (ngày 19-8-2005)
- Quan điểm truyền thông quốc tế (Ngày 12-8-2005)
- Quan điểm truyền thông quốc tế (ngày 5-8-2005)
- Quan điểm truyền thông quốc tế
- Quan điểm Truyền thông Quốc tế (ngày 20-5-2005)
- Quan điểm truyền thông quốc tế (Ngày 12-5-2005)
- Quan điểm truyền thông quốc tế (ngày 5-5-2005)
- Quan điểm truyền thông quốc tế (Ngày 22-4-2005)
- Quan điểm Truyền thông Quốc tế (ngày 15-4-2005)
- Quan điểm Truyền thông Quốc tế (ngày 1-4-2005)
- Quan điểm Truyền thông Quốc tế (ngày 25-3-2005)