Quan điểm truyền thông quốc tế (ngày 14-10-2005)

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Ðộng đất tại Châu Á, bài diễn văn Tổng Thống Hoa Kỳ đọc tại thủ đô Washington D.C so sánh những phần tử khủng bố Hồi Giáo với chủ thuyết cộng sản là các đề tài được báo chí thế giới nói đến trong bảy ngày qua. Như thường lệ, Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do chúng tôi xin thu thập để gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ Tạp Chí Quan Điểm Truyền Thông Quốc Tế Hàng Tuần.

Ðộng đất ở Á Châu

Tạp Chí Quan Điểm Truyền Thông Quốc Tế tuần này xin được bắt đầu với trận động đất kinh hoàng mới xảy ra cuối tuần trước ở Nam Á, giết chết hơn 40 ngàn người và cả triệu người khác may mắn sống sót đang cần sự trợ giúp của thế giới.

Chúng tôi xin được mở đầu với bài bình luận của nhật báo USA Today. Bài bình luận viết:

“Trận động đất kinh hoàng xảy ra ở vùng Nam Á hôm thứ Bảy tuần trước giết chết cả chục ngàn người và ít nhất 2 triệu 500 ngàn người đang sống trong cảnh không cửa không nhà, là bằng chứng thật phũ phàng, cho chúng ta thấy rằng thảm họa do thiên tai gây nên ở những nước thuộc thế giới thứ ba bao giờ cũng kinh hoàng hơn xảy ra ở những vùng khác.

Lý do cũng thật dễ hiểu: dân số đông đúc, sống chen chúc nhau, và thiếu thốn đủ mọi thứ, từ phương tiện cứu hộ cho đến luật lệ về xây dựng. Phương tiện thiếu thốn đến độ cho đến tối thứ Hai tuần này, tức 3 ngày sau khi thiên tai xảy ra, nhiều người cha và người mẹ vẫn phải dùng tay không để đào bới đống gạch vụn, hy vọng tìm thấy được con mình vẫn còn sống sót.”

Tờ USA Today viết tiếp:

“Nhưng thiên tai vừa xảy đến cũng nhắc nhở cho chúng ta biết là phải mở rộng vòng tay để giúp những người không may. Ngay tức khắc, Hoa Kỳ và những nước công nghiệp tiên tiến khác thông báo tham gia chương trình cứu trợ nạn nhân động đất Nam Á. Nhà Trắng loan báo dành ngay 50 triệu dollars, máy bay của quân đội Mỹ được sử dụng vào công tác chuyên chở các vật dụng cần thiết như chăn mền, lều vải đến cho các nạn nhân.

Những công tác cứu trợ này là điều rất đáng làm, mặc dù Hoa Kỳ đang phải lo cứu giúp nạn nhân thiên tai ngay trong nước, và mặc dù Pakistan không thật sự là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố mà còn là nơi dân chúng vẫn có tư tưởng bài Mỹ.”

Tờ The Christian Science Monitor thì cho đăng tải bài bình luận nhắc nhở mọi người đừng quên phần đông nạn nhân chính là trẻ thơ:

“Tất cả mọi nỗ lực cứu trợ, những lời cầu nguyện được dâng lên ngay sau trận động đất xảy ra ở Nam Á hôm thứ Bày tuần rồi chỉ vì một lý do: phân nửa nạn nhân là trẻ em. Biết bao nhiêu ngôi trường sụp đổ, biết bao nhiêu phụ huynh than khóc cho số phận con em của mình.

Mỗi một lần thiên tai xảy ra, chúng ta rút tỉa được nhiều kinh nghiệm. Nhưng với một nước thường bị động đất như Pakistan, hai bài học căn bản cần phải có là thứ nhất, trường học phải được xây dựng bằng những kỹ thuật mới nhất để chống động đất, và thứ hai là các học sinh phải thường xuyên được thực tập, hướng dẫn những gì các em phải làm khi có biến cố xảy đến.”

Bài bình luận của tờ The Christian Science Monitor cũng kêu gọi giới lãnh đạo Pakistan và Ấn Độ nên nắm lấy chuyện không may vừa xảy đến làm cơ hội để xây dựng hòa bình tương lai:

“Thiên tai mới xảy ra phải được dùng là cơ hội để hai quốc gia thù nghịch đến gần với nhau hơn, đặc biệt vì nạn nhân chính là những người ở bên này hay bên kia lằn ranh tranh chấp của vùng Kashmir. Đây là điều đã từng xảy ra ở những nơi không may gặp thiên tai, chẳng hạn như tại Indonesia, trận sóng thần hồi năm ngoái đã dẫn đến bản hiệp định hòa bình giữa chính quyền Jakarta và các lực lượng đòi độc lập ở vùng Banda Aceh.

Mặc dù thoạt đầu thì từ chối, nhưng cuối cùng, Pakistan cũng đồng ý việc quân đội Ấn đưa trực thăng chở phẩm vật cứu trợ cho những người không may ở vùng sâu, vùng xa. Tổng Thống Pervez Musharraf của Pakistan phải tìm thêm những phương thức khác nữa, để sau này nước ông và nước Ấn tiếp tục hợp tác với nhau, và sử dụng ngay chính thiên tai mới xảy ra để kêu gọi chấm dứt hẳn các vụ bạo động ở Kashmir.”

Bài diễn văn của Tổng thống Bush

Cuối tuần rồi, trong bài diễn văn đọc tại thủ đô Washington, Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush nói rằng các phần tử khủng bố Hồi Giáo là di sản của chủ thuyết cộng sản và của Đức Quốc Xã.

Trong bài diễn văn, Tổng Thống Bush cũng đưa ra nhận xét cho rằng nếu nửa thế kỷ trước đây, chủ thuyết cộng sản là hiểm họa của thế giới thì ngày nay, những người theo chủ thuyết Hồi Giáo cực đoan đang là hiểm họa của nhân loại.

Ông nhấn mạnh rằng thành phần quá khích này không chỉ là kẻ thù của nước Mỹ, mà còn là kẻ thù của Hồi Giáo và của mọi người.

Ngay tức khắc, báo chí ở những nước Hồi Giáo lên tiếng phản đối sự so sánh mà Tổng Thống Hoa Kỳ đưa ra. Trước hết là bài bình luận của tờ Nawa-i-Waqt:

“Quan điểm được bày tỏ bởi Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush nhằm coi chủ thuyết Hồi Giáo cực đoan đang là một hiểm họa cho thế giới sau hiểm họa mà chủ thuyết cộng sản đã gây nên ở thế kỷ trước chỉ xác nhận cho mọi người thấy lý do tại sao ông ta lại dùng từ “thánh chiến” ngay sau ngày biến cố 11 tháng 9 xảy ra hồi năm 2001, để mở cuộc chiến chủ yếu nhắm vào đạo Hồi.”

Bài bình luận của nhật báo Rawalpindi Jang, tờ báo bán chạy nhất ở Pakistan, cũng đưa ra những lời lẽ tương tự, kèm theo lời giải thích:

“Cũng chính vì chủ nghĩa cực đoan mà ngay sau biến cố 11 tháng 9 năm 2001, ông Bush mở cuộc thánh chiến. Đạo Hồi dạy các tín đồ phải biết tự kiềm chế và phải biết điều độ trong tất cả mọi lãnh vực. Tây Phương không thể chỉ vì một vài người theo chủ thuyết cực đoan mà chỉa mũi dùi nhắm vào một tôn giáo chủ trương hòa bình như đạo Hồi và hơn 1 tỷ tín đồ Hồi Giáo. Đừng quên tất cả mọi tôn giáo, tất cả mọi quốc gia, tất cả mọi con người văn minh đều lên án chủ thuyết cực đoan và chủ nghĩa khủng bố.”

Tự do ngôn luận tại Việt Nam?

Tạp Chí Quan Điểm Truyền Thông Quốc Tế tuần này xin được kết thúc với một bài viết của nhà báo Ellen Nakashima, được nhật báo The Washington Post cho đăng tải hồi cuối tháng 9 vừa qua, nói về trường hợp của Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn, một tù nhân lương tâm của Việt Nam.

Bài báo chúng tôi trích gửi đến quý thính giả mang nhan đề ‘Tự Do Ngôn Luận Vẫn Còn Là Vấn Đề Ở Việt Nam’:

“Phạm Hồng Sơn, một nhà quản lý kinh doanh tại Hà Nội, đã ngồi tù từ 42 tháng nay. Tội trạng: tải xuống một luận văn có tưạ đề “Dân chủ là gì?” từ trạm thông tin điện tử cuả Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, dịch ra tiếng Việt, rồi chuyền cho bạn bè và những cán bộ cấp cao trong Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Tháng 6/2003, bác sĩ Sơn, 36 tuổi, lúc đó làm việc cho một công ty dược phẩm, bị kết tội làm gián điệp trong một phiên toà xử kín và chỉ kéo dài một ngày. Anh bị kết án 13 năm, sau đó giảm xuống 5 năm.

Trả lời phỏng vấn hồi tháng Sáu, chị Vũ Thuý Hà, 34 tuổi, xác định là “Việc anh ấy làm hoàn toàn là hợp pháp”. Chị nói thêm là chồng chị đã thực thi quyền tự do ngôn luận chứ không phải là khích động bạo loạn: “Một bản văn dịch thì làm được cái gì? Làm sao mà người ta có thể lật đổ nhà nước được cơ chứ?”

Tuần trước, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Marine, kêu gọi Hà nội hãy trả tự do cho anh Sơn và bốn vị khác được xem như là các tù nhân lương tâm. Ông Marine phát biểu là về đại thể thì Việt Nam đã tiến bộ trong việc cải thiện nhân quyền qua việc cải cách giáo dục và xoá đói giảm nghèo, tuy vậy nhà nước vẫn còn bất dung với những người khác chính kiến.

Phát biểu tại buổi hội cuả Phòng Thương Mại Hoa Kì tại Hà nội, ông Marine nói rằng: "Lịch sử cho thấy là tự do chính trị và tự do tôn giáo thường vẫn đi song song với phát triển kinh tế. Những thành tựu tương lai cuả Việt Nam sẽ tuỳ thuộc nhiều vào vấn đề cải thiện hai quyền công dân này".

Hiện giờ các nhà bình luận chính trị và những nhà hoạt động nhân quyền quốc tế không nắm rõ là có bao nhiêu tù nhân lương tâm đang bị giam giữ tại Việt Nam,nhưng theo các viên chức Hoa Kì con số mà họ nắm được trong khoảng mấy năm nay thì du di trong khoảng 10 người hoặc ít hơn.

Theo các viên chức Hoa Kỳ thì trong năm qua, nhà nước Việt Nam đẽ trả tự do cho hơn 26 ngàn tù nhân, trong đó có khoảng 15 người là tù nhân chính trị và tôn giáo. Nhưng trong số này không có những người tù chính trị trẻ tuổi, như Phạm Hồng Sơn và Nguyễn Vũ Bình, là người bị kết tội là đã lưu chuyển các bài viết “phản động” trên mạng lưới thông tin điện tử và toan lập một đảng dân chủ tự do.

Nhà nước Việt Nam thì vẫn bảo là họ không đàn áp quyền tự do chính trị và tôn giáo. Thủ tướng Phan Văn Khải đã tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn dạo tháng Sáu, rằng: "Có một số người có thể cho rằng tại Việt Nam không có tự do dân chủ, và chỉ có chế độ độc đảng. Nhưng mà mục tiêu tối hậu cuả chúng tôi là giữ vững ổn định chính trị và phục vụ lợi ích nhân dân. Chúng tôi không đồng ý với những cáo buộc ở bên ngoài, cho rằng có các tù nhân lương tâm ở trong nước. Tại Việt Nam không có tù nhân lương tâm nào cả."

Tháng trước nhà nước Việt Nam công bố một bản báo cáo về nhân quyền, trong đó có khẳng định là họ tôn trọng tự do ngôn luận và cho tự do sử dụng mạng lưới internet. Luật báo chí 1999 có tu chỉnh cũng xác nhận công dân có quyền được thông tin, quyền được bày tỏ quan điểm và cung cấp thông tin mà không bị tổ chức hay cá nhân nào kiểm duyệt.

Mặc dầu vậy, năm ngoái Hoa Kỳ vẫn xếp Việt Nam vào danh sách “các nước đặc biệt quan ngại” về vấn đề tự do tôn giáo. Người ta đang chờ đợi Bộ trưởng Ngoại giao Condoleezza Rice quyết định xem nên giữ tên Việt Nam trong danh sách đó nưã hay không. Đại sứ Marine thì cho rằng mặc dù Việt Nam đã mở rộng không gian tôn giáo và chính trị, “vẫn còn nhiều, rất nhiều việc cần làm.”