Quan điểm Truyền thông Quốc tế (ngày 16-12-2005)

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Cuộc họp hàng năm của Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới đang diễn ra ở Hồng Kông, hội nghị cấp cao Ðông Á mới kết thúc ở Kuala Lumpur, vụ công an Trung Quốc nổ súng bắn nông dân tại Quảng Ðông, là các đề tài được báo chí nói đến nhiều nhất trong 7 ngày qua. Như thường lệ, Ban Việt Ngữ chúng tôi ghi nhân để gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ Tạp Chí Quan Ðiểm Truyền Thông Quốc Tế Hàng Tuần.

0:00 / 0:00

Chúng tôi xin được bắt đầu với một số vấn đề liên quan trực tiếp đến Trung Quốc. Như chúng tôi đã loan tải trong phần tin tức những ngày gần đây, Chính Quyền Trung Quốc lên tiếng xác nhận chuyện công an nổ súng bắn thẳng vào nông dân làng Ðông Châu, thị trấn Sơn Vĩ thuộc tỉnh Quảng Ðông, hôm mùng 6 tháng 12 vừa qua, khi người dân biểu tình phản đối việc nhà nước lấy đất của họ mà không bồi thường thỏa đáng.

Trước sự kiện này, nhật báo Taipei Times xuất bản ở Ðài Loan có bài bình luận mang nhan đề “Hoa Lục Ðã Ðể Lộ Mặt Thật Khi Bắn Giết Dân”. Bài bình luận có đoạn viết như sau:

“Theo lời Bộ Trưởng An Ninh Hoa Lục, năm ngoái có tới 74,000 vụ biểu tình với sự tham gia của ít 100 người. Nếu chia ra, mỗi ngày có 230 vụ, và điều đó chứng tỏ người dân Trung Quốc đặt câu hỏi về quyền hạn và sự hợp pháp của Chính Phủ. Sự kiện mới xảy ra ở Ðông Châu là một trong những bằng chứng cho thấy nhà cầm quyền Bắc Kinh không đếm xỉa gì tới nguyện vọng của người dân, mà cứ nhắm mắt làm ngơ, miễn làm sao đạt được thành công về kinh tế. Cũng có rất nhiều lời cáo buộc nói rằng chính các viên chức chính phủ đã ăn chận tiền bồi thường cho dân.”

Bình luận của tờ The Taipei Times viết tiếp rằng con số các vụ dân chúng biểu tình mà chính nhà nước Hoa Lục đưa ra cho thấy trong suốt bao nhiêu năm trời qua, Bắc Kinh đã tìm cách che đậy sự thật, nhưng:

“Bây giờ, từ “tiến đến xã hội chủ nghĩa theo những nét đặc thù của Trung Quốc” mà Bắc Kinh thường hay nói không thể thuyết phục cộng đồng thế giới được nữa. Cộng đồng thế giới đã chán ngấy rồi. Thế giới bắt đầu hiểu răng quyền lợi tối thượng của lãnh đạo Bắc Kinh được xây dựng bằng những vụ bắn giết dân. Ai cũng biết sau khi đưa quân đội vào giết những người biểu tình ở Thiên An Môn, đến bây giờ nhà cầm quyền Hoa Lục không hề lên tiếng nhìn nhận trách nhiệm của họ về cả hai mặt chính trị và đạo đức. Báo chí không được lên tiếng phê phán chính phủ, và người dân không được quyền sử dụng lá phiếu để loại bỏ những người cầm quyền không xứng đáng.”

Tờ The Taipei Times kết luận:

“Điều chúng ta thấy được qua vụ bắn giết nông dân là giới lãnh đạo Hoa Lục vẫn chưa học được bài học Thiên An Môn. Câu hỏi phải được đặt ra là nếu dân chủ vẫn chưa đến với một quốc gia có chiều dài lịch sử 5,000 năm, liệu tiếng nói của người dân mãi mãi vẫn không được lắng nghe? Liệu chính quyền có muốn học hỏi những bài học thu thập được từ các nước khác để xây dựng một thể chế pháp trị xã hội hay không? Và liệu hệ thống chém đầu những người chống đối có thể bị dẹp bỏ được hay không?”

Cũng xin thưa thêm cùng quý thính giả vụ công an nổ súng bắn giết dân làng Ðông Châu, Quảng Ðông không được loan tải trên các tờ báo tiếng Hoa xuất bản ở Hoa Lục, ngay cả Tân Hoa Xã, cơ quan thông tấn chính thức của Chính Quyền cũng không đưa tin về vấn đề này, cho dù nhà nước nhìn nhận vụ bắn giết là điều có thật.

Cuộc gặp gỡ hàng năm giữa các nước thành viên Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới WTO đã diễn ra ở Hồng Kông. Bên cạnh những cuộc thảo luận sôi nổi giữa các nước thành viên là những cuộc biểu tình phản đối toàn cầu hóa, cho rằng thực chất của toàn cầu hóa là tạo thêm lợi cho những nước giầu, bất kể thân phận của những nước nghèo hay các nước đang phát triển.

Hội nghị WTO tại Hồng Kông

Bình luận về hội nghị WTO năm nay, nhật báo The South China Post của Hồng Kông viết rằng cuộc đàm phán với mục đích đạt được một hiệp định thương mại tự do khó có thể thành công:

“Trở ngại chính là những nước có nền kinh tế đã phát triển, đặc biệt là EU và Hoa Kỳ, không muốn giảm mức thuế đánh trên nông sản nhập khẩu hoặc không muốn bỏ chương trình trợ cấp nông nghiệp đang thực hiện để giúp nông dân trong nước của họ. Nếu không tìm được sự đồng thuận để giải quyết điều này, những nước đang phát triển, dẫn đầu bởi Brazil và Ấn Ðộ, sẽ ngần ngại không muốn mở rộng thị trường nhập khẩu và dịch vụ của họ, và như vậy, cuộc thảo luận gặp bế tắc, trong khi mục tiêu của cuộc gặp gỡ tại Hồng Kông là bỏ bớt hàng rào mậu dịch toàn cầu. Vì thế khi hội nghị chưa khai mạc, chính một số đại biểu đã nói đến việc sẽ gặp lại nhau ở phiên họp đầu năm tới, để giải quyết những tồn đọng không giải quyết được ở hội nghị năm nay.”

Cùng một tư duy, bài bình luận của tờ Minh Báo cũng xuất bản ở Hồng Kông cho rằng:

“Hiện giờ, trở ngại chính là một số nhỏ các nước nhất quyết không nhượng bộ chính sách bảo hộ nông nghiệp. Hai nước bị chỉ trích nặng nhất là Pháp và Ðức, là 2 nước nằm trong EU. Với trở ngại này, việc thi hành những điều khoản nhằm giúp các nước đang phát triển trở thành điều không thể nào thực hiện được.”

Cùng lúc với hội nghị WTO, thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia là điểm được chọn để tổ chức Hội Nghị Cấp Cao Ðông Á lần thứ nhất, quy tụ 10 nước ASEAN cùng với Trung Quốc, Nam Hàn, Nhật Bản, Ấn Ðộ, Australia và New Zealand. Bình luận của tờ China Post viết rằng:

Thượng đỉnh Đông Á

“Hội Nghị Cấp Cao Ðông Á biểu hiện bước đầu tiến đền việc kết hợp các nước trong vùng. Rõ ràng, việc các nước tham dự Hội Nghị biến khái niệm “cộng đồng Ðông Á” hay “khu tự do mậu dịch Ðông Á” thành hành động thật sự đã khiến cho cả thế giới phải kinh ngạc, nhất là vùng Ðông Á có số dân chiếm hơn phân nửa tổng số dân toàn cầu và tổng số GDP hơn 8,000 tỷ đô la, hơn hẳn EU và cũng hơn hẳn Khu Vực Tự Do Mậu Dịch Mỹ Châu mà Hoa Kỳ đang thúc đẩy thành lập.”

Nhưng cũng rõ ràng, không phải mọi người đều bày tỏ thái độ lạc quan như vậy với Hội Nghị Ðông Á. Trước hết, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả nhận định của Tiến Sĩ Anwar Ibrahim, Cựu Phó Thủ Tướng Malaysia, nhắc lại hội nghị thành hình theo ý kiến của ASEAN.

“Tôi cho rằng phải ca ngợi các nhà lãnh đạo ASEAN vì họ là những người khởi xướng thành lập Hội Nghị. Ðiểm thật đáng nói là xưa nay, các cuộc họp quốc tế trong vùng Ðông Nam Á bao giờ cũng được khởi xướng bởi các nước lớn, bởi những cường quốc và các nước nhỏ chỉ đến tham dự. Nhưng lần này, chính ASEAN nắm vai chủ động.”

Và nhận định của Tiến Sĩ Karl Jackson, trưởng ban nghiên cứu Ðông Á của viện Ðại Học John Hopkins.

“Có nhiều câu hỏi được đặt ra cho Hội Nghị Cấp Cao Ðông Á. Liệu cuộc gặp gỡ lần này có đem lại kết quả gì không, hay chỉ là diễn đàn để các nước tranh cãi với nahu. Một câu hỏi khác nữa là ai cũng thấy cần phải có một tổ chức cấp vùng quy mô hơn ASEAN, và liệu tổ chức này có thành hình được hay không. Lý do khiến tôi phải thắc mắc vì từ bao nhiêu lâu nay, các nước ASEAN hầu như chẳng bao giờ đồng thuận với nhau về những điểm căn bản cả.”

Đầu tuần này, Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã nghe bản phúc trình mới nhất của Ủy Ban Ðiều Tra Ðặc Biệt về nguyên nhân dẫn đến cái chết của cựu Thủ Tướng Li Băng Rafiq Hariri. Bản phúc trình cho thấy Ủy Ban Ðiều Tra tìm thêm được những bằng chứng cho thấy chính các viên chức cao cấp trong Chính Phủ Syri đã âm mưu ám sát ông Hariri, vì vị Cựu Thủ Tướng Li Băng chủ trương chống lại sự chi phối của Syri trong chính trường nước ông.

Syria và vụ ám sát cựu Thủ tướng Li-băng

Từ Paris, nhật báo Le Figaro cho đăng tải bài bình luận, trong đó kêu gọi Liên Hiệp Quốc phải tiếp tục mở cuộc điều tra sâu rộng hơn nữa để có thể tìm hiểu sự thật cặn kẽ hơn. Bài bình luận chúng tôi xin dùng để kết thúc Tạp Chí Quan Ðiểm Truyền Thông Quốc Tế tuần này viết như sau:

“Bản phúc trình mới được đệ trình cho Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vẫn chưa đưa ra được các bằng chứng thật xác đáng để có thể kết án Chính Quyền Syri liên hệ đến cái chết của cựu Thủ Tướng Hariri. Dù vậy, phúc trình có nêu tên 5 người bị Ủy Ban Ðiều Tra tình nghi và đã thẩm vấn họ, đồng thời cho biết còn một người nữa mà Ủy Ban Ðiều Tra chưa có thể công bố tên ngay trong lúc này. Hầu như ai cũng biết kẻ tình nghi thứ 6 chính là Tướng Asef Shawkat, hiện đang chỉ huy lực lượng an ninh tình báo quân đội Syri. Viên tướng này cũng là em cùng cha khác mẹ với Tổng Thống Bashir al-Asad.

Nhưng bản phúc trình cho thấy các chi tiết liên quan đến vụ ám sát cựu Thủ Tướng Hariri đã bắt đầu ló dạng. Ðể có thể tìm được những kẻ phạm tội, Hội Ðồng Bảo An phải tiếp tục cuộc điều tra, và tất cả mọi cá nhân, mọi tổ chức phải ủng hộ việc đưa những kẻ phạm tội ra xét xử trước tòa án quốc tế.

Thứ Hai vừa rồi, ông Jurban Tuwayni, Chủ Biên nhật báo Al-Nahar mới bị ám sát chết ở Beruit. Cũng như vụ ám sát Thủ Tướng Hariri, cái chết của nhà báo Tuwayni chứng minh rằng Chính Phủ Syri bây giờ dùng chính sách khủng bố để giữ vị thế của họ ở Li Băng, đồng thời cũng chứng minh rằng cuộc tranh đấu đòi độc lập của người dân Li Băng vẫn còn nhiều chông gai. Vì thế nếu cuộc điều tra tìm hiểu sự thật bị bỏ dở lưng chừng, cả một thế hệ trẻ ở Li Băng sẽ mất đi niềm hy vọng, và sẽ khiến cho những nước đang tranh đấu chống lại sự áp bức phải lo âu.”