Truyền thông quốc tế (Ngày 20-8-2004)

0:00 / 0:00

Trong tuần qua, báo chí thế giới đặc biệt chú ý đến lời thông báo mà Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush đưa ra trong bài diễn văn đọc tại Ðại Hội Các Cựu Chiến Binh Mỹ Từng Tham Chiến Ở Nước Ngoài. Trong bài diễn văn này, ông loan báo sẽ tái phối trí lại lực lượng quân sự Mỹ ở ngoại quốc, bằng cách cắt bớt từ 60,000 đến 70,000 binh sĩ đang hiện diện ở Châu Á và Châu Âu.

Vẫn theo lời người đang lãnh đạo nước Mỹ, thời chiến tranh lạnh đã kết thúc, thế giới bây giờ đang phải đương đầu với những những mặt trận mới, như mặt trận chống khủng bố: "Kế hoạch mới sẽ giúp chúng ta cơ hội để chiến thắng cuộc chiến mới ở thế kỷ 21, giúp chúng ta tăng thêm sức mạnh cho thế liên minh toàn cầu, trong lúc chúng ta đang tạo thêm thế đối tác để bảo vệ hòa bình, giúp giảm bớt căng thẳng mà các binh sĩ Mỹ và gia đình của họ đang phải gánh chịu."

Tuyên bố của Tổng Thống George W. Bush ngay tức khắc, gặp sự chống đối của các chính trị gia thuộc Ðảng Dân Chủ. Thượng Nghị Sĩ John Kerry, người đang nuôi mộng sẽ làm chủ Nhà Trắng vào đầu tháng 11 tới đây nói rằng ông Bush đã sai lầm khi đưa ra kế hoạch rút quân, nhất là kế hoạch này có liên hệ mật thiết đến nền an ninh của Châu Á nói chung, và của các nước đồng minh ở bán đảo Triều Tiên, nói riêng. Ông Kerry đưa ra dẫn chứng là chính Thượng Nghị Sĩ John McCain, một chính trị gia cùng đảng với ông Bush cũng không tán thành kế hoạch này.

Ông Kerry: "Như Thượng Nghị Sĩ John McCain có nói mà tôi xin nhắc lại nguyên văn như sau: Tôi đặc biệt quan ngại đến kế hoạch rút quân ra khỏi Nam Hàn trong lúc tính từ ngày cuộc chiến Triều Tiên kết thúc, Bắc Hàn đang là hiểm họa to lớn nhất..."

Kế hoạch tái phối trí quân lực của Tổng Thống George W. Bush được báo giới các nơi đón nhận như thế nào và ảnh hưởng sao đến an ninh, hòa bình của Châu Á? Trong bài viết đăng tải trên nhật báo The Washington Post, bình luận gia Ronald D. Asmus viết: "Kế hoạch rút quân khỏi Châu Âu và Châu Á mà Tổng Thống George W. Bush loan báo trong tuần này, nếu được thực hiện, có thể sẽ dẫn đến sự tan rã của những đồng minh quan trọng nhất mà Hoa Kỳ hiện có trên toàn thế giới, trong đó có cả thế đồng minh với NATO mà cố Tổng Thống Harry Truman từng coi là thành công vĩ đại nhất về ngoại giao mà ông thực hiện được."

Bình luận gia Asmus, người từng có thời làm Phụ Tá Ngoại Trưởng Hoa Kỳ đặc trách quan hệ Châu Âu viết tiếp: "Không rõ lời loan báo kế hoạch rút quân sẽ có lợi hay tạo tai hại cho kế hoạch vận động tái tranh cử của Tổng Thống George W. Bush, nhưng điều hiển nhiên đây là một chiến lược dở và là một kế hoạch ngoại giao kém, và Hoa Kỳ sẽ phải trả cái giá rất đắt. Lý do rất giản dị.

Tại Âu Châu sau thời chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ đã quyết định rút phần lớn lực lượng về nước, nhưng vẫn để lại một số quân cần thiết để thực hiện 3 điều: giúp bảo vệ hòa bình, ổn định, có điều kiện yểm trợ cho NATO và Liên Hiệp Âu Châu mở rộng và phát triển dân chủ về hướng Ðông, tạo kết hợp cả hai mặt chính trị lẫn quân sự để giúp các đồng minh dựng lại lực lượng quân đội của họ và cùng với Hoa Kỳ, sửa soạn để đối phó với những trở ngại mới có thể xảy ra ở bên ngoài biên giới lục địa."

Còn ở Châu Á thì sao? Bài bình luận viết: "Tại Châu Á, tình hình còn nghiêm trọng hơn và thử thách cũng nặng nề hơn. Tại đó, Hoa Kỳ đang phải đối phó việc Hoa Lục có tiềm năng trở thành một đại cường quốc, Bắc Hàn sớm muộn gì cũng sẽ đổ và một nước Triều Tiên thống nhất sẽ thành hình, tạo nên câu hỏi vị thế địa lý chính trị của nước này như thế nào. Và những biến chuyển vĩ đại đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến vai trò và chính sách của Nhật Bản."

Ngay chính nhật báo The Washington Times, một tờ báo của giới bảo thủ gần gũi với Ðảng Cộng Hòa Mỹ khi nói về những mặt trận mới –trong đó có mặt trận chống khủng bố- mà Hoa Kỳ và các nước đồng minh phải đối phó ở thế kỷ 21 cũng viết: "Ngoài chuyện quân khủng bố có thể sử dụng các loại võ khí tàn phá quy mô, chúng ta còn phải đối phó với sự kiện những nước chuyên gây rối như Iran và Bắc Hàn có thể có võ khí hạch nhân. Bất kể chuyện ông Bush hay ông Kerry trở thành Tổng Thống Mỹ, tân chính phủ sẽ phải đương đầu với những khó khăn mà Iran và Bắc Hàn đem lại."

Với Châu Á, tờ Strait Times xuất bản ở Singapore nhận định: "Washington nên rút hết 230,000 binh sĩ đang canh chừng kẻ thù vô hình ở Châu Âu hay đang bảo vệ những đồng minh đã có đủ khả năng tự vệ ở Châu Á. Hoa Kỳ nên rút hết lực lượng quân sự của mình về nước, và phải làm ngay, thay vì phải đợi đến năm 2006, và phải hoàn tất công tác này trong vòng 2 hoặc 3 năm, thay vì phải mất tới 10 năm."

Bài nhận định đăng trên tờ The Strait Times của Singapore giải thích lý do tại sao Châu Âu và ngay cả Châu Á không còn cần đến sự giúp đỡ của Chính Phủ Mỹ về mặt quân sự: "Chiến tranh lạnh kết thúc đã gần 2 thập kỷ qua. Ðồng minh của Mỹ không còn bị đe dọa như trước và có khả năng tự vệ. Ở Ðông Á, quả mối đe dọa rõ rệt hơn, nhưng GDP của Nam Hàn gấp 40 lần Bắc Hàn, và dân số Nam Hàn cũng gấp đôi dân số Bắc Hàn."

Ðiều hiển nhiên là Nhật Bản không yên tâm về Trung Quốc, nhưng Tokyo nên thành lập một lực lượng quân sự có khả năng chống đỡ những bước tiến của Bắc Kinh.

Hơn thế nữa, các nước đồng minh thường tạo nên những khó khăn cho kế hoạch mà Hoa Kỳ muốn thực hiện, chẳng hạn như Pháp không đồng ý cho máy bay Mỹ sử dụng vùng trời để trả đũa Libya sau vụ khủng bố đặt bom giết người Mỹ ở một tiệm disco tại Berlin. Có lẽ, cả Tokyo lẫn Seoul cũng chẳng đồng ý cho Hoa Kỳ sử dụng các căn cứ trên đất của họ, trong trường hợp cuộc chiến với Trung Quốc về Ðài Loan xảy ra.

Mục Ðiểm Báo Quốc Tế tuần này của Ban Việt Ngữ chúng tôi xin được kết thúc với bài viết của ông Michael Richardson, hiện đang làm việc với Viện Nghiên Cứu Ðông Nam Á ở Singapore. Trong bài viết mang nhan đề Liệu Các Nước Ðông Nam Á Có Thể Bị Bắt Buộc Phải Chọn Lựa Giữa Hoa Kỳ Và Trung Quốc Hay Không, bình luận gia Richardson cho rằng bên cạnh mức phát triển về kinh tế, mọi người cần phải quan tâm hơn nữa đến khả năng quân sự của Bắc Kinh.

Mặc dù đi theo chủ trương vươn lên trong hòa bình nhưng trong 60 năm qua, Trung Quốc đã nhiều lần sử dụng võ lực để bảo vệ hoặc đạt cho bằng được quyền lợi của họ. Năm 1950, binh sĩ của họ đã thôn tính Tây Tạng. Vài năm sau đó, họ chiến đấu chung với Bắc Hàn để chống lại Hoa Kỳ trong cuộc chiến Triều Tiên. Ðến năm 1972, họ mở cuộc chiến đánh Ấn Ðộ để dành quyền kiểm soát một vùng núi trong rặng Himalaya ở biên giới 2 nước. Năm 1974, họ chiếm đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đến đầu năm 1979 đưa quân đánh các tỉnh phía Bắc của Việt Nam để cảnh cáo việc Hà Nội đưa binh sĩ vào Kampuchea lật đổ Khmer Ðỏ, là lực lượng thân Bắc Kinh. Hải quân Trung Quốc và Việt Nam cũng giao tranh với nhau trong 1 thời gian ngắn ở Trường Sa.

Nhưng điều mà các nước Ðông Nam Á lo ngại nhất vẫn là cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về Ðài Loan. Ðiều cuối cùng mà các nước Ðông Nam Á muốn thấy là sự ổn định cần thiết để phát triển không bị cản trở, và lúc đó dưới áp lực thật nặng nề họ có thể phải đi đến chỗ phải chọn lựa giữa 2 đại cường, hoặc Mỹ, hoặc Trung Quốc.

Nhưng chuyện phải chọn lựa giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể trở thành sự thật hay không? Chúng tôi xin kết thúc mục Ðiểm Báo Tuần Này với nhận định của bình luận gia Doug Bandow thuộc Viện Nghiên Cứu CATO ở thủ đô Washington: "Ðài Loan rõ ràng là một điểm có thể bùng nổ xung đột, nhưng không một vị Tổng Thống khôn ngoan nào của Mỹ lại mở cuộc chiến với Trung Quốc."