Truyền thông quốc tế (Ngày 10-12-2004)

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

0:00 / 0:00

Tình hình chính trị ở Ukraina, buổi lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng Thống Afghanistan của ông Hamid Karzai và con đường tiến đến dân chủ ở Iran là những vấn đề được giới truyền thông khắp nơi chú ý đến trong 7 ngày qua, và chúng tôi xin ghi nhận để gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ tạp chí Truyền Thông Quốc Tế tuần này.

Tân Tổng thống Afghanistan

Hôm thứ Ba vừa qua, giữa tiếng nhạc hân hoan, ông Hamid Karzai đã tuyên thệ nhậm chức, trở thành vị Tổng Thống dân chủ đầu tiên của người dân Afghanistan. Lời tuyên bố đầu tiên mà nhà tân lãnh đạo đưa ra là Chính Quyền do ông điều khiển sẽ phải vượt qua rất nhiều thử thách trước khi có thể hoàn tất trách nhiệm được nhân dân trao phó. Các thử thách mà ông nói đến bao gồm việc phải xây dựng lại một quốc gia đổ nát vì chiến tranh, đoàn kết người dân lại thành một khối, và tiêu diệt các mầm mống phá hoại do tàn quân Taliban gây nên.

Mong đợi của người dân Afghanistan chỉ được đáp ứng đầy đủ khi cuộc bầu cử Quốc Hội thành hình. Ðáng lẽ, cuộc bầu chọn đại biểu phải diễn ra cùng lúc với cuộc bầu cử Tổng Thống, nhưng liên tục bị đình hoãn.

Tại Hoa Kỳ, nhật báo uy tín The New York Times nhận định rằng điều mà người dân Afghanistan đang mong đợi ở Chính Quyền Karzai là cuộc bầu cử chọn đại biểu Quốc Hội. Tờ The New York Times viết: "Mong đợi của người dân Afghanistan chỉ được đáp ứng đầy đủ khi cuộc bầu cử Quốc Hội thành hình. Ðáng lẽ, cuộc bầu chọn đại biểu phải diễn ra cùng lúc với cuộc bầu cử Tổng Thống, nhưng liên tục bị đình hoãn.

Bây giờ, thời điểm bầu Quốc Hội được nói là sẽ diễn ra vào tháng Tư, nhưng chỉ có thể thực hiện được với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, với sự tăng cường quân sự để bảo vệ an ninh của NATO và sự trợ giúp mạnh mẽ từ Liên Hiệp Quốc. Lòng can đảm và sự cương quyết của cử tri Afghanistan xứng đáng để được hưởng những yểm trợ vừa nói. Bầu cử Quốc Hội đòi hỏi các cuộc vận động trên toàn lãnh thổ và là thử thách to tát hơn so với cuộc bầu chọn Tổng Thống, khi ông Karzai hầu như ít khi xuất hiện ở những khu vực nằm ngoài thủ đô Kabul.

Nhưng kết quả của cuộc bầu cử Quốc Hội sẽ đem lại thành quả thật vĩ đại, vì thay thế cuộc tranh chấp quân sự giữa các nhóm đố kỵ với nhau như Pastun, Tajiks, Uzbeks và Hazaras, bằng những cuộc thương thuyết chính trị bởi các đại biểu, và điều này là một cú đấm thật mạnh giáng vào tập thể sứ quân và những người quá khích.

Để có thể giúp người dân Afghanistan đạt được nguyện ước của họ, bài bình luận của tờ The New York đưa ra những công tác mà cộng đồng quốc tế phải làm. Chính Quyền Bush có thể góp phần xây dựng an ninh cho Afghanistan bằng cách tiếp tục áp lực với Tổng Thống Pervez Musharraf của Pakistan phải ngăn cản, không để cho tàn quân Taliban tiếp tục gây rối. Lực lượng quân sự quốc tế do NATO cầm đầu phải gia tăng hoạt động trên toàn lãnh thổ Afghanistan và phải nỗ lực hơn nữa trong việc giải giới và làm tê liệt hoạt động của các đám dân quân.

Và mặc dù nguy hiểm vẫn xảy ra, thể hiện qua việc nhân viên đặc trách bầu cử bị bắt cóc làm con tin, Liên Hiệp Quốc phải tăng cường hoạt động ở ngoài thủ đô Kabul, chứng tỏ sự cương quyết của tổ chức như nhân dân Afghanistan đã thể hiện hồi tháng 10 vừa rồi khi cùng nhau đi bầu chọn Tổng Thống.

Dân chủ ở Ukraina

Việc Tòa Tối Cao Ukraina ra phán quyết bắt phải tổ chức lại cuộc bầu chọn Tổng Thống chính là chiến thắng vĩ đại cho phe đối lập.

Quyết định hủy bỏ kết quả cuộc bầu cử Tổng Thống không công bằng ở Ukraina mà Tối Cao Pháp Viện nước này đưa ra hồi tuần trước được báo chí khắp nơi ca ngợi, nhất là báo chí ở các nước Ðông Âu từng có thời nằm trong quỹ đạo của Liên Sô, coi đó là một bước tiến quan trọng trên đường xây dựng dân chủ, chứng tỏ người dân Ukraina đòi quyền tự quyết, không chấp nhận sự can thiệp đến từ bên ngoài.

Tại Ba Lan, tờ Gazeta Wyborcza bình luận: "Việc Tòa Tối Cao Ukraina ra phán quyết bắt phải tổ chức lại cuộc bầu chọn Tổng Thống chính là chiến thắng vĩ đại cho phe đối lập. Ông Putin, người đang cầm đầu nước Nga tìm đủ mọi cách để lung lạc chính trường Ukraina, tìm cách trói tay phe đối lập, nhưng phán quyết mà Tối Cao Pháp Viện Ukraina đưa ra qua là một thất bại ê chề cho điện Kremlin.

Bài bình luận cũng nói: "Bất kể ai thắng cuộc bầu cử sắp tới ở Ukraina, quyết định của Tòa Tối Cao nước này đã khôi phục được lòng tin vào luật pháp của người dân, đồng thời chứng tỏ pháp luật chính là nền tảng của mọi nền dân chủ."

Tình hình Iran

Trong cuộc bầu cử Quốc Hội được tổ chức hồi tháng 2 vừa qua, phe bảo thủ của Ðại Lãnh Tụ Khameini đã giết chết mọi ước mơ dân chủ khi tuyên bố không công nhận sự thắng cử của hàng chục đại biểu thuộc phe cấp tiến của Tổng Thống Khatami.

Nếu quyết định dân chủ ở Ukraina được ca ngợi thì làm sao để giúp người dân Iran có được dân chủ và đem lại ổn định cho Trung Ðông cũng được báo giới nói đến. Bài bình luận của nhật báo The Wall Street Journal số ra ngày hôm qua nhắc lại mầm mống dân chủ vẫn còn, những người yêu chuộng dân chủ vẫn âm thầm hoạt động ở Iran, cho dù đang bị lãnh tụ tối cao Ali Khameini của nước Hồi Giáo này và những giáo sĩ trung thành với ông ta đàn áp, tới độ ông Mohammed Khatami, vị Tổng Thống được ca ngợi là người có tầm nhìn, có tư tưởng đổi mới cũng đành bó tay và dường như, chấp nhận nhượng bộ trước áp lực của phe bảo thủ.

Trong cuộc bầu cử Quốc Hội được tổ chức hồi tháng 2 vừa qua, phe bảo thủ của Ðại Lãnh Tụ Khameini đã giết chết mọi ước mơ dân chủ khi tuyên bố không công nhận sự thắng cử của hàng chục đại biểu thuộc phe cấp tiến của Tổng Thống Khatami. Trong những năm gần đây, khoảng chừng 100 tờ báo đã bị đóng cửa và ở cuộc bầu chọn Tổng Thống mới sẽ được tổ chức vào năm tới, có lẽ phe bảo thủ sẽ nắm lại chức vụ này."

Một vấn đề khác nữa cũng được tờ The Wall Street Journal nói đến là sự kiện Iran vẫn nuôi ý định chế tạo bom hạch nhân và thành phần cấp tiến được nhà cầm quyền coi là tập thể cản trở việc này.

Bài bình luận nói rõ việc chế tạo bom và xây dựng một quốc gia dân chủ là hai điều hoàn toàn trái ngược với nhau. "Một trong những lập luận được đưa ra để bênh vực cho việc nhà cầm quyền Iran đàn áp những người dân chủ là chương trình chế tạo bom hạt nhân là niềm tự hào của nhân dân Iran, và tất cả mọi nước đều có quyền chế tạo bom. Nhưng điều không thể chối cãi được là một quốc gia Iran dân chủ sẽ không là hiểm họa như Chính Quyền đương thời, Chính Quyền vẫn đang nuôi dưỡng khủng bố Hezbollah và có thể, yểm trợ cả cho đường giây khủng bố Al-queda.

Vì thế, lý do tự hào dân tộc không thể đứng vững. Chính nhiều người dân Iran tin là chương trình chế tạo bom hạch nhân chỉ là cái cớ để giới lãnh đạo bảo thủ đương thời tiếp tục nắm quyền. Phe Giáo Sĩ Hồi Giáo muốn chế tạo được bom để họ nắm quyền thêm 50 năm nữa."