Quan điểm Truyền thông Quốc tế (ngày 11-2-2005)

Nguyễn Khanh, phóng viên RFA

Triển vọng đi đến hòa bình ở Trung Ðông, nguy cơ của một cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Iran hoặc Syria, quan hệ giữa Washington và Jakarta là những đề tài được giới truyền thông thế giới nói đến trong 7 ngày qua, và như thường lệ, chúng tôi xin thu thập ghi nhận của báo giới quốc tế để gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ Tạp Chí Truyền Thông Quốc Tế tuần này.

Hòa bình Trung Đông

Thứ Ba tuần này, thượng đỉnh Ai Cập đã diễn ra và kết thúc với lời cam kết ngưng bắn và tiếp tục các cuộc đàm phán đi đến hòa bình của Thủ Tướng Israel Ariel Sharon và Chủ Tịch Thẩm Quyền Palestine Mamud Abbas:

“Hôm nay thỏa thuận chúng tôi đã đạt được là Chủ Tịch Abbas thông báo đình chỉ tất cả mọi hoạt động có tính bạo lực nhắm vào Israel ở mọi nơi, và Thủ Tướng Sharon cũng thông báo đình chỉ tất cả mọi hoạt động bạo lực nhắm vào người Palestine ở mọi nơi”.

Tiến trình dẫn đến việc thành lập một quốc gia cho người Palestine và đảm bảo an ninh cho Israel sẽ là một nỗ lực cam go, với nhiều thử thách mà cả hai bên phải vượt qua. Một trong những thử thách được nói đến là phải tin tưởng vào phía đối tác vào sự yểm trợ của cộng đồng quốc tế, như lời Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush:

”Phải tin tưởng vào Hoa Kỳ, phải tin tưởng ở Liên Hiệp Quốc, phải tin ở Âu Châu, phải tin vào đối tác của mình, chẳng hạn như phải tin vào quốc gia Palestine. Thành ra, điều chúng ta đang thấy là một tiến trình đang thành hình, mọi phía đều chứng tỏ cho thấy là những thành phần đáng tin cậy”.

Tin tưởng lẫn nhau cũng chính là điều được báo chí thế giới nói đến. Tại thủ đô Cairo của Ai Cập, nhật báo Egyptian Gazette viết:

”Trước khi đến với thượng đỉnh và để xây dựng niềm tin, Chính Phủ Israel đã bày tỏ một số thiện chí, trong đó bao gồm cả việc thả một số tù nhân và trao trả 5 thành phố ở Bờ Tây cho Palestine. Hy vọng đã lên cao cho một bước tiến mới cho nền hòa bình của khu vực, dù vẫn còn phài chờ đợi xem hy vọng này sẽ được thể hiện như thế nào”.

Ở Na Uy, nhật báo Stavanger Aftenblad viết rằng lời cam kết ngưng bắn mà Israekl và Palestine mới đạt được không có nghĩa rằng hòa bình đã thành hình:

”Con đường giải quyết những trở ngại vẫn còn rất dài cho cả hai phía, và có thể tiến trình đii đến hòa bình sẽ gặp thất bại. Ngay cả chuyện nếu hai bên bỏ súng xuống, bạo lực vẫn có thể lại xảy ra”.

Dù thế, tờ Stavanger Aftenblad vẫn tin rằng ngọn lửa hy vọng đã thật sự lóe sáng. Bài bình luận viết tiếp:

”Nhưng cùng một lúc, chúng ta có nhiều lý do để lạc quan hơn vào viễn tượng hòa bình cho Trung Ðông, vì cả hai phía đều bầy tỏ quyết tâm lần này phải thành công. Ðối với người Palestine, cuộc tranh chấp đã gây quá nhiều đổ vỡ, nên ước mơ hòa bình trở thành cần thiết. Ðó cũng là ước mong của người Israel, sau bao mệt mỏi vì chiến tranh”.

Tờ Dagens Nyheter ở Stockholm, Thụy Ðiển đánh giá cao cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo Israel và Palestine, nhưng đồng thời cũng nhắc lại vai trò quan trọng và cần thiết của Hoa Kỳ:

”Chuyện bản hiệp định hòa bình thành hình vẫn là chuyện xa vời. Nhưng điểm đặc biệt nhất là hai ông Sharon và Abbas đã gặp nhau và cùng bày tỏ ý chí muốn chấm dứt bạo động.

Ðồng ý rằng trách nhiệm hàng đầu vẫn là của hai Chính Quyền Israel và Palestine, nhưng vai trò của Hoa Kỳ cũng không phải là nhỏ. Chuyến viếng thăm Trung Ðông mà Bà Tân Ngoại Trưởng Codoleeza Rice thực hiện là bằng chứng cho thấy Chính Quyền Bush hành động. Ðó là một hành động cần phải có, nếu không thì nỗ lực tìm kiếm hòa bình Trung Ðông đã đi vào quá khứ, chứ không phải là xóa bỏ được những trở ngại như bây giờ”.

Cùng một quan điểm như vậy, tờ Danish Daily ở Ðan Mạch viết rằng vai trò của Hoa Kỳ là phải làm áp lực với cả đôi bên, áp lực với Israel cũng như với Palestine, và theo bài bình luận của tờ Irish Times xuất bản ở Ireland, thượng đỉnh Ai Cập chỉ là bước đầu tiên và cả hai phía đều phải cố gắng hơn nữa để có thể vượt qua các trở ngại đang nằm trước mặt.

Vấn đề Iran và Syria

Cũng liên quan đến Trung Ðông nhưng ở một góc cạnh khác, bản thông điệp hàng năm mà Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush đọc trước Quốc Hội Liên Bang Mỹ vẫn là đề tài được báo chí năm châu đem ra bình phẩm. Trong bản thông điệp, người đang làm chủ Nhà Trắng đã không ngớt lời công kích Iran và Syria.

“Để cổ võ hòa bình ở Trung Ðông, chúng ta phải đương đầu với những nhà cầm quyền vẫn tiếp tục nuôi dưỡng khủng bố và tìm cách thủ đắc võ khí giết người hàng loạt. Syri vẫn cho quân khủng bố sử dụng lãnh thổ, và một phần của Li Băng, để chúng giết chết mọi cơ hội hòa bình của khu vực.

Ngày nay, Iran vẫn là nước đứng đầu danh sách yểm trợ khủng bố, tiếp tục theo đuổi chế tạo võ khí hạt nhân song song với việc đàn áp, không cho người dân được hưởng tự do. Cùng với các đồng minh Âu Châu, chúng ta nêu rõ quan điểm là nhà cầm quyền Iran phải bỏ hẳn chương trình tinh chế uranium và tái chế putonium, và chấm dứt yểm trợ cho quân khủng bố. Và với người dân Iran, tối nay tôi xin nói: khi các bạn đứng lên đòi giải phóng, nhân dân Hoa Kỳ sẽ đứng chung với các bạn”.

Tạp Chí Truyền Thông Quốc Tế tuần này xin được trích dẫn một phần bài bình luận đăng tải ở Pakistan, nhận định về những điểm ông Bush đã đưa ra trong bản thông điệp hàng năm đọc trước Quốc Hội Liên Bang:

”Khi gọi Iran là nước đứng đầu danh sách yểm trợ khủng bố, ông Bush không thể dấu sự thật điều ông quan ngại nhất chính là chương trình hạt nhân của Iran. Khi kêu gọi Iran bỏ chương trình tinh luyện uranium, hình như ông ta cũng muốn kích động người dân Iran đứng lên chống chính quyền, nói rằng nhân dân Mỹ sẽ đứng chung với các bạn. Có phải là thế giới sẽ nhìn thấy phó bản Iraq ở Iran hay không?

Syria cũng bị Tổng Thống Bush chỉ trích nặng nề, cáo buộc Damacus yểm trợ khủng bố và đòi phải rút quân ra khỏi Li Băng. Với cả 2 vấn đề -hạt nhân và khủng bố-, chính sách của Hoa Kỳ chỉ nhắm vào việc phục vụ cho quyền lợi của Israel. Israel là nước duy nhất ở Trung Ðông có võ khí hạt nhân, lại được Hoa Kỳ trang bị võ khí đến tận răng.

Thảm họa sẽ lớn hơn thảm họa ở Iraq, nếu phe diều hâu trong Chính Phủ Bush quyết định mở cuộc chiến nhắm vao Iran và Syria. Một làn sóng chống Mỹ mới bùng nổ ở các nước Ả Rập-Hồi Giáo sẽ dẫn đến độc tài chuyên chế, thay vì dân chủ mà Hoa Kỳ muốn mở rộng ở Trung Ðông”.

Cứu trợ nạn nhân sóng thần

Thứ tư tuần này, ông Alan Larson, phụ tá Ngoại Trưởng Hoa Kỳ đặc trách quan hệ kinh tế cho hay Tổng Thống Bush sẽ yêu cầu Quốc Hội chấp thuận ngân khoản 950 triệu dollars để giúp các nước không may sau thiên tai sóng thần xảy ra cuối năm ngoái.

”Ngoài số tiền viện trợ đã yêu cầu, Tổng Thống sẽ xin thêm 950 triệu dollars để giúp các khu vực không may bị sóng thần tàn phá”.

Theo lời ông Andrew Natsios, Giám Ðốc Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế do Chính Phủ Hoa Kỳ thành lập thì số tiền này sẽ được sử dụng ở nhiều nơi, nhưng phần lớn được dành cho tỉnh Aceh của Indonesia, nơi bị sóng thần và động đất tàn phá nặng nhất.

Tại sao Hoa Kỳ lại đặc biệt quan tâm đến Indonesia? Dưới nhan đề “Giúp Indonesia Chính Là Giúp Nước Mỹ”, bài bình luận của tờ The Christian Science Monitor đã trả lời câu hỏi được đặt ra.

”Tại sao người Mỹ, và Tây Phương nói chung, tiếp tục quan tâm đến Indonesia? Trước hết vì quan tâm là đúng. Nằm đúng trung tâm của trận động đất đã gây nên thảm họa sóng thần, Indonesia bị thiệt hại nặng nề nhất, cần được giúp đỡ nhiều nhất. Chẳng mấy ai có thể ngồi yên trước con số người chết và những đổ vỡ do thiên tai gây nên: hơn 110,000 chết, bao nhiêu gia đình tan nát, bao nhiêu người sống trong cảnh không cửa không nhà, và hàng chục ngàn trẻ mồ côi sống bơ vơ.

Hoa Kỳ còn muốn có quan hệ tốt với Indonesia vì muốn dân chủ tiếp tục phát huy và chận đứng được hoạt động của bọn khủng bố.

Ngày hôm nay, hạt giống dân chủ ở Indonesia đang nẩy mầm. Qua cuộc bầu cử Tổng Thống lần đầu tiên được thực hiện theo thể thức trực tiếp, năm ngoái người dân nước này đã chọn ông Susillo Bambamg Yudhoyono, một cựu tướng lãnh từng được huấn luyện tại Mỹ. Dù phần lớn người dân Indonesia ôn hòa hơn một số nước Trung Ðông, nhưng những phần tử quá khích vẫn đang hoạt động và đã nhiều lần ra tay phá hoại.

Vì thế, ngoài mục đích nhân đạo, người đóng thuế ở Mỹ còn có lý do thật vững về mặt chính trị để tiếp tục giúp đỡ cho một nước có thể sẽ đóng vai trò chủ yếu trong cuộc chiến chống khủng bố”.