Truyền thông quốc tế (Ngày 29-10-2004)

85 người Hồi Giáo chết sau khi bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ, chuyến công du Châu Á của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Colin Powell và sự hiện diện của binh sĩ Hoa Kỳ tại Iraq là những đề tài được báo chí thế giới trong 7 ngày qua nói đến, và chúng tôi xin gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ Tạp Chí Truyền Thông Thế Giới tuần này.

By line: Nguyễn Khanh

0:00 / 0:00

85 người Hồi Giáo Thái Lan bị thiệt mạng

Có thể nói, cả thế giới bàng hoàng xúc động trước tin 85 người theo Hồi Giáo cư ngụ ở miền Nam nước Thái chết vì bị cảnh sát quận Tak Bai đánh đập hoặc chết vì ngạt sau khi bị đưa lên xe. Tất cả các quốc gia và những tổ chức Hồi Giáo đã lên tiếng phản đối, trong đó đáng chú ý nhất là lời tuyên bố của một đảng đối lập ở Malaysia, ví von đó là một lò sát sinh thời hiện đại.

Báo giới Thái Lan cũng bày tỏ sự bất bình của họ trước hành động mà Thủ Tướng Thaksin Shinawatra gọi là đáng tiếc. Tờ Bangkok Post cho rằng tất cả mọi hy vọng sẽ đạt được hòa bình ở miền Nam aã tan thành theo mây khói và dưới nhan đề Có Phải Nước Thái Ðã Ðánh Mất Lương Tri Không, tờ The Nation xuất bản ở Bangkok viết rằng điều đáng ngạc nhiên nhất là chính thái độ thờ ơ, lãnh đạm của người dân Thái trước cái chết của những người Hồi Giáo, chẳng khác gì sự lãnh đạm mà dân chúng Thái Lan từng thể hiện khi có hơn 2,000 người chết trong trận chiến bài trừ ma túy do Thủ Tướng Thaksin chỉ huy, trong đó, có nhiều người bị giết chết một cách dã man.

Tờ báo viết: "Cả 2 trường hợp, vụ người Hồi Giáo chết ở Tak Bai và vụ hơn 2,000 người chết trong trận chiến bài trừ ma túy, đều chứng tỏ Chính Quyền của ông Thaksin coi thường các quyền căn bản của con người mà tất cả người dân Thái đều được híến pháp bảo đảm, bất kể họ thuộc sắc tộc hay tôn giáo nào. Nếu sự thờ ơ của người dân đã giúp ông Thaksin không phải trả lời những câu hỏi liên quan đến cuộc chiến chống ma túy đẫm máu thì lần này, chưa rõ ông ta sẽ phải đối phó như thế nào trước sự việc xảy ra ở Tak Bai."

Tờ The Nation viết tiếp rằng những người Hồi Giáo bị bắt đều bị còng tay ra đằng sau lưng, bắt nằm dài chồng lên nhau trên những chiếc xe của quân đội hoặc xe hàng, khiến nhiều người chết ngạt hay chết cứng trên xe chở họ đến một trại binh ở Pattani để điều tra. Bài bình luận còn nói rằng có thể nói không ngoa là khi chở trâu bò đến lò sát sinh, người ta còn đối xử nhân đạo hơn cách đối xử với những người Hồi Giáo này, và cộng đồng Hồi Giáo muốn Chính Phủ trả lời thỏa đáng chuyện gì đã xảy ra cho người thân của họ, cộng đồng Hồi Giáo cũng muốn luật pháp được tôn trọng, những kẻ phạm pháp phải bị đưa ra xét xử trước tòa, và Chính Phủ phải bồi thường thỏa đáng cho gia đình những người không may.

Tờ báo viết tiếp: "Thay vì chờ đợi kết quả cuộc điều tra, Thủ Tướng Thaksin lại cả gan bày tỏ ý tha thứ cho tất cả các binh sĩ liên hệ, đưa ra lời giải thích về cái chết của người Hồi Giáo biểu tình và bị bắt là một chuyện đáng tiếc. Thủ Tướng Thaksin còn tỏ vẻ coi thường chỉ trích của cộng đồng quốc tế, khi nói rằng chuyện mới xảy ra chuyện nội bộ của xứ Thái.

Nhưng điều đáng chú ý nhất là thái độ thờ ơ của chính người dân Thái trước những hành động tàn bạo đã xảy ra với đoàn biểu tình ở Tak Bai. Chỉ có một số nhỏ các tổ chức nhân quyền trong nước lên tiếng. Ở một quốc gia đa số là người theo đạo Phật, tự hào là biết quý mạng sống, biết từ bi, hỷ xả, thì sự yên lặng, không cất lên tiếng nói tiếng nói của lương tâm quả là điều khó hiểu."

Ngoại trưởng Powell công du Á Châu

Đầu tuần này, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Colin Powell đã có mặt tại Bắc Kinh, thảo luận với giới lãnh đạo Hoa Lục về những vấn đề hai bên cùng quan tâm như cuộc đàm phán hòa bình giải quyết căng thẳng hạt nhân với Bắc Hàn, tình trạng nhân quyền ở Trung Quốc và vấn đề Ðài Loan. Ngoại Trưởng Hoa Kỳ cho hay ông kêu gọi giới cầm quyền Hoa Lục nối lại các cuộc đối thoại với Ðài Loan, đồng thời khẳng định Washington vẫn tôn trọng điều đã cam kết với Bắc Kinh là chỉ có một nước Trung Hoa, nhưng đồng thời cũng nói Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bán võ khí cho Ðài Bắc.

Ngay sau khi chiếc máy bay chở Ngoại Trưởng Mỹ rời Bắc Kinh, tờ Văn Ủy Báo thân Bắc Kinh ở Hồng Kông cho phổ biến bài bình luận khẳng định ông Powell đã thất bại, không thuyết phục được Bắc Kinh nói chuyện với Ðài Bắc.

Bài bình luận đưa ra 2 lý do: "Thứ nhất, trong bài diễn văn đọc nhân ngày song thập, Trần Thủy Biển vẫn đưa ra luận điệu cũ, nói rằng hai phía bên này và bên kia eo biển Ðài Loan là 2 nước riêng biệt, đưa ra luận điệu nhằm chỉ trích Hoa Lục, khẳng định sẽ mua thêm võ khí và chủ tâm gây căng thẳng. Ðiều đáng ngạc nhiên là ông Powell lại xem bài diễn văn của Trần Thủy Biển là một cơ hội để nối lại các cuộc thảo luận. Có lẽ, Hoa Kỳ đã bị Trần Thủy Biển dùng ngôn từ để đánh lừa hoặc có thể Washington có hậu ý nào khác. Bất kể thế nào đi chăng nữa, Hoa Kỳ đã hiểu sai về bài diễn văn của Trần Thủy Biển.

Thứ nhì, việc ông Powell dùng luật lệ của nước Mỹ để biện minh lý do bán võ khí cho Ðài Loan chứng tỏ sự thiếu thành thật của Washington, cho dù ông ta khẳng định vẫn theo đuổi chính sách chỉ có một nước Trung Hoa. Đã đến lúc cần phải nói rõ rằng chính việc Hoa Kỳ đồng ý bán võ khí cho Ðài Loan đã khiến nhà cầm quyền Ðài Bắc có lý do để tiếp tục theo đuổi chủ trương tuyên bố độc lập bằng võ lực. Nhà cầm quyền Ðài Loan đã công khai, lớn tiếng đe dọa sẽ tấn công Thượng Hải bằng phi đạn. Thái độ hiếu chiến, kích động này có liên quan đến những chỉ dấu sai lầm mà Hoa Kỳ đưa ra khi nói sẽ bán võ khí cho Ðài Bắc."

Mặc dù phần nào chỉ trích chính sách của Hoa Kỳ đối với nhà cầm quyền Ðài Bắc đã góp phần tạo căng thẳng cho vùng eo biển Ðài Loan, nhưng khá bất ngờ khi bài bình luận kết thúc với những lời lẽ thật ôn hòa.

"Trong những cuộc bầu cử ở Mỹ trước đây, các ứng viên thường đặt nặng chính sách đối với Trung Quốc và có khi chỉ trích Trung Quốc để thu hút phiếu. Trong cuộc vận động tranh cử đang diễn ra, cả ông Bush lẫn ông Kerry đều không làm điều đó. Ðây là điểm đáng ca ngợi và được nhân dân ghi nhận. Hơn thế nữa, chuyến viếng thăm Bắc Kinh của vị Ngoại Trưởng Mỹ vào đúng thời điểm cuộc bầu cử đã gần kề cũng là một điểm thật đặc biệt.

Ðiều đó chứng tỏ thay vì là hiểm họa cho vai trò và quyền lợi của nước Mỹ thì sự phát triển trong hòa bình của Trung Quốc đã tạo những thuận lợi to tát cho quyền lợi kinh tế của nước Mỹ. Chính ông Powell đã nói rõ là Hoa Kỳ đánh giá cao sự hợp tác và quan hệ với Hoa Lục cũng như đánh giá cao vai trò của Bắc Kinh trong các vấn đề quan trọng của thế giới, như cuộc chiến chống khủng bố, vấn đề hạt nhân, vấn đề tìm hòa bình cho bán đảo Triều Tiên. Thành thử ra, rõ ràng chuyến viếng thăm Bắc Kinh của vị Ngoại Trưởng Mỹ vào thời điểm bầu cử Tổng Thống ở Mỹ đã gần kề nhằm chứng tỏ các điều đó. Ðiều này phản ánh là giới làm chính sách ở Washington mỗi ngày một biết rõ hơn về tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ-Hoa."

Binh sĩ Mỹ tại Iraq

Cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ đã gần kề. Chỉ trong 72 giờ đồng hồ nữa, người dân Mỹ sẽ đến phòng phiếu chọn người lãnh đạo đất nước của họ cho nhiệm kỳ 2005-2009. Chúng tôi xin được gửi đến quý thính giả một vài nhận định của báo chí Mỹ và ứng viên được họ ủng hộ.

Cách đây 4 năm, tờ Chicago Sun-Times ủng hộ ông George W. Bush. Lần này, tờ báo lại quyết định ủng hộ ông John Kerry. Lý do này được giải thích trong bài bình luận trong đó ca ngợi một số thành quả mà Tổng Thống Cộng Hòa George W. Bush đã làm được sau biến cố 11 tháng 9 năm 2001, trước khi nói đến lý do tại sao tờ báo lại thay đổi hẳn thái độ với ông Bush.

"Ông Bush đã mở cuộc chiến đánh Tabiban ngay ở sào huyệt của chúng tại Afghanistan. Tại đây, chúng ta đã thành công về mặt chính trị, quân sự và xây dựng dân chủ, đó là những điểm mà chính những người theo Ðảng Dân Chủ cũng không thể phủ nhận được.

Nhưng ông ta đã bỏ lỡ một cơ hội lịch sử để kêu gọi người Mỹ đoàn kết sau biến cố 11 tháng 9, phải hy sinh và cùng nhau xây dựng một quốc gia vững mạnh hơn. Thay vào đó, ông ta nói với dân chúng rằng quốc gia đang ở trong tình trạng chiến tranh, nhưng cuộc chiến này lại không đòi hỏi người dân bất kỳ điều gì, ngoại trừ chuyện cứ tiếp tục mua sắm để vực nền kinh tế.

Và ông ta còn đưa chúng ta vào cuộc chiến ở Iraq. Chúng ta ủng hộ Tổng Thống vì chung ta tin lời ông nói rằng Iraq thật sự là một hiểm họa, và chúng ta nghĩ rằng ông đã cố gắng mọi cách để lôi kéo Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế vao một cuộc chiến dường như là chính đáng và cần thiết.

Nhưng sau khi Baghdad sụp đổ, vấn đề thay đổi hoàn toàn. Chúng ta không tìm thấy các loại võ khí hủy diệt và thay vào đó là tình trạng bất ổn do phiến quân gây nên, điều mà Chính Quyền Bush hình như không nghĩ đến và không sửa soạn để đối phó. Cùng lúc đó, thành công của chúng ta ở Afghanistan đang gặp nguy hiểm vì mọi chú tâm được dồn cho Iraq.

Trong năm vừa qua, cách Tổng Thống Bush giải quyết vần đề Iraq -từ chuyện coi thường những lời cảnh báo nói rằng sẽ gặp khó khăn khi xây dựng lại Iraq, cho đến chuyện không quan tâm đúng mức đến những rối lọan gây nên cái chết của binh sĩ Mỹ ở đó- đã khiến chúng ta phải đặt nghi vấn về khả năng của ông ta, không biết liệu sự can thiệp của chúng ta ở Iraq, cuối cùng, có đem lại thành công hay không."

Trong khi đó, tờ Dallas Morning News lại quyết định ủng hộ ông Bush, cho rằng người đang lãnh đạo ở Nhà Trắng là người có đủ bản lãnh để bảo vệ an ninh cho nước Mỹ và ủng hộ chính sách ngoại giao ma ông Bush đang áp dụng.

"Sự khác biệt về chính sách ngoại giao giữa ông Bush và ông Kerry là cách hành xử, và đó không phải chuyện nhỏ. Ông Kerry chủ trương mở rộng ngoại giao và tham khảo ý kiến với những nước khác, hứa sẽ nói chuyện với các nước đồng minh Âu Châu để Hoa Kỳ có thể đóng vai trò lãnh đạo dễ dàng hơn là lối nói ngoại giao thẳng thừng của ông Bush. Thoạt nghe thì thấy có lý, nhưng ông Bush sau khi bị khựng lại ở thời hậu chiến Iraq, đã bắt đầu nói chuyện với những nước đồng minh.

Ðiều quan trọng là Châu Âu có những quyền lợi khác quyền lợi của nước Mỹ, và nói chuyện hòa nhã không thôi chưa đủ để giảm bớt khỏang cách biệt. Ông Kerry chủ trương quản lý nhà nước theo lối truyền thống, kể cả chuyện đưa mọi vấn đề ra thảo luận trước các tổ chức quốc tế, tức trở lại lối hoạt động mà Hoa Kỳ đã làm trước ngày biến cố 11 tháng 9 xảy ra. Ðây chính là điều mà chúng ta phải lo âu. Ðồng ý là trước ngày chiến tranh xảy ra, Chính Quyền đương thời của ông Bush đã có những tin tức tình báo sai lạc, nhưng còn tệ hại hơn nữa nếu chúng ta đưa tất cả mọi vấn đề an ninh quốc gia ra bàn luận với những nước vẫn tìm cách ngăn chận thế lực của Hoa Kỳ."

Tờ Dallas Morning News kết luận: "Có một điều cần phải lưu ý tới là sau biến cố 11 tháng 9 năm 2001, ai trong chúng ta cũng nghĩ biến cố này có thể sẽ xảy ra lần nữa. Chính ông Bush là người đã giúp quốc gia chúng ta có được 3 năm trời sống yên ổn. Chính Quyền của ông Bush đã phá vỡ các đường dây hoạt động của bọn khủng bố ngay trong nước Mỹ, tiêu diệt các chương trinh mang danh nghĩa từ thiện để rửa tiền của chúng. Người dân Hoa Kỳ ủng hộ một Chính Phủ chống khủng bố không ngừng nghỉ. Người dân Hoa Kỳ cần phải biết Tổng Thống của họ chấp nhận bị quốc tế coi thường, chỉ vì muốn đảm bảo an ninh cho người dân."