Bác sĩ Nguyễn Trần Hoàng - Trà Mi
Các triệu chứng của viêm dạ dày? Các triệu chứng của viêm dạ dày có thể bao gồm: - Đau bụng, thường là phần trên của bụng, từ rốn trở lên đến phía dưới các xương sườn - Buồn nôn, đôi khi ói mửa - Chán ăn - Đầy hơi, ợ hơi, nặng bụng - Nếu bị nặng, đôi khi có thể ói ra máu hoặc đi cầu ra phân đen

Khi bị đau bao tử, khó tiêu, ngoài viêm dạ dày, còn có những nguyên nhân nào khác?
“Đau bao tử” như chúng ta thường gọi, có thể do nhiều nguyên nhân từ bao tử hay ngoài bao tử gây ra. Các nguyên nhân có thể là:
Đau bao tử do chức năng bao tử bị rối loạn mà không do bệnh gì cả. Đây lại là nguyên nhân thường gặp nhất
Các bệnh do rối loạn về cấu trúc hoặc sinh hoá của cơ thể, ví dụ: - Loét dạ dày hoặc phần đầu của ruột non (được gọi là tá tràng) - Bệnh trào ngược a xít từ dạ dày lên phần trên của đường tiêu hoá - Đau do các bệnh đường mật - Đau kinh niên của thành bụng - Ung thư dạ dày hay thực quản - Rối loạn giảm co thắt của dạ dày - Viêm tụy tạng (còn gọi là lá mía) - Rối loạn hấp thu chất carbohydrate (ví dụ như các chất bột đường) - Do thuốc - Các loại u bướu của gan - Bệnh thiếu máu đến ruột - Các bệnh hệ thống, như tiểu đường, bệnh tuyến giáp, tuyến cận giáp... - Các bệnh nhiễm ký sinh trùng đường ruột - Các ung thư trong ổ bụng
Các triệu chứng trong các trường hợp này có gì đặc biệt?
Một số triệu chứng điển hình của các rối loạn thường gặp, sẽ được kể sau đây. Tuy nhiên, cần nhớ là không phải lúc nào các triệu chứng cũng thật điển hình để giúp ta và thầy thuốc chẩn đoán bệnh. Do đó, vai trò của khám bệnh và các xét nghiệm cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc chẩn đoán để bệnh được trị một cách thích hợp.
Đau bao tử do chức năng bao tử bị rối loạn mà không do bệnh gì cả. Đây nguyên nhân thường gặp nhất gây ra đau bao tử
Trong trường hợp này, bệnh nhân có thể bị một hay nhiều trong số các triệu chứng đau bao tử đã kể trên. Tuy nhiên các xét nghiệm thường không tìm ra nguyên nhân nào cả
Loét dạ dày hoặc phần đầu của ruột non (được gọi là tá tràng)
Một cách điển hình, loét tá tràng thường là loét lúc đói, và khoảng 11 đến 2 giờ khuya, khi mà dạ dày tiết ra nhiều a xít nhất. Ăn vào thường giúp giảm đau. Tuy nhiên, một số nghiên cứu lại cho thấy rằng chỉ có khoảng 50 phần trăm những người bị loét tá tràng có triệu chứng điển hình kể trên.
Trong khi đó, ngược lại, loét bao tử, theo một số tác giả, một cách điển hình, lại là đau tăng lên sau khi ăn. Tuy nhiên, có nghiên cứu cho thấy rằng có tới 20 phần trăm những người bị loét tá tràng cũng có triệu chứng này.
Bệnh trào ngược a xít từ dạ dày lên phần trên của đường tiêu hoá
Triệu chứng điển hình và thường gặp nhất của bệnh này, bên cạnh các triệu chứng chung của “đau bao tử”, là cảm giác nóng ở phần ngực, và ợ chua.
Đau do các bệnh đường mật
Một cách điển hình, đau trong trường hợp này thường xảy ra một cách cấp tính, thường ở vùng bụng trên hoặc phía trên bên phải bụng, thường kéo dài ít nhất là một tiếng đồng hồ. Cơn đau có thể lan ra sau lưng hay về phía xương bả vai, đi kèm với ói mửa, toát mồ hôi. Các cơn đau điển hình thường cách nhau từ vài tuần đến vài tháng.
Đau kinh niên của thành bụng
Vì cơn đau đến từ thành bụng, nên thường không có các triệu chứng của đường ruột như đầy hơi, khó tiêu..., và thường có thể giảm đau chỉ bằng các thuốc giảm đau.
Ung thư dạ dày hay thực quản
Đây là một nguyên nhân không thường gặp nhưng cần chú ý đến các triệu chứng báo động, vì khám phá bệnh càng sớm thì sẽ càng giảm được tỉ lệ tử vong. Dù rằng tỉ lệ tử vong của các bệnh ung thư này thường rất cao.
Tuổi cao là một yếu tố báo động. Các triệu chứng báo động khác của ung thư này là: sụt cân không có nguyên nhân rõ ràng, ói mửa kéo dài, khó nuốt kéo dày và tệ dần đi, ói ra máu, thiếu máu, nhất là thiếu máu do thiếu sắt, sờ thấy khối u ở bụng, gia đình có người bị loại ung thư này, hoặc chính bản thân đã từng bị ung thư này, hoặc có tiền sử bị phẩu thuật bao tử. Các triệu chứng này có thể là các triệu chứng của ung thư ở giai đoạn đã trể.
Trong các giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể chỉ có triệu chứng khó tiêu. Tuy nhiên nếu khám phá được ung thư trong giai đoạn sớm, tỉ lệ sống sót sẽ được nâng lên nhiều.
Cần nhắc lại, không phải lúc nào các triệu chứng cũng giúp chẩn đoán được bệnh một cách chính xác, vai trò của việc khám bệnh và làm các xét nghiệm cũng đóng phần quan trọng.
Làm sao để chẩn đoán viêm dạ dày và biết được viêm dạ dày do nguyên nhân nào ?
Để chẩn đoán nguyên nhân, bác sĩ sẽ phải hỏi triệu chứng bệnh cũng như các thói quen hàng ngày, như là số lượng rượu ống hàng ngày, các thuốc đang dùng, đã có dùng các để ngoài quầy không cần toa bác sĩ hay chưa... Sau đó bác sĩ sẽ phải khám bệnh, đặc biệt chú ý vùng bụng. Sau đó, có khi cần phải thử máu, chụp hình, đưa ống nội soi vào đường tiêu hoá trên để quan sát, lấy các tế bào để quan sát trên kính hiển vi...
Đưa ống nội soi vào soi dạ dày thường được làm khi: - Kết quả khám bệnh và tìm máu trong phân tìm thấy các bất thường - Thấy máu trong chất ói hoặc phân, hoặc đi cầu ra phân đen như hắc ín - Thử phân thấy có chất máu - Bị các triệu chứng bất thường như sụt cân, kiệt sức...
Cách trị viêm dạ dày?
Một trong những điều quan trọng nhất mà bác sĩ chú ý khi chẩn đoán và điều trị là tuổi của bệnh nhân. Ở người Việt Nam, nguy cơ ung thư dạ dày có thể cao lên ở tuổi 45, 50. Và do đó, ở người trên lứa tuổi này, các phương pháp để có thể phát hiện sớm ung thư sẽ được chú ý hơn.
Nguyên nhân thường gặp nhất của viêm dạ dày ở người Việt Nam là do vi trùng. Do đó, nếu có triệu chứng đau dạ dày, thử tìm vi trùng là điều nên làm. Và khi cần uống thuốc thì nên uống đủ thuốc và cố gắng uống đủ liều và thời gian. Nếu không, vi trùng sẽ rất dễ kháng thuốc, gây ra khó khăn trong việc điều trị, và bệnh cũng sẽ kéo dài, dễ có các biến chứng.
Khi nào có thể trị ở nhà? Và trị như thế nào?
Nếu bị nhẹ, ta có thể thử tự trị tại nhà bằng cách: - Ngưng hút thuốc - Ngưng tuyệt đối việc uống rượu trong lúc đang uống thuốc chữa bệnh, khi đã khỏi, nếu bỏ rượu luôn thì càng tốt, nếu không, chỉ uống một lon bia hay một ly rượu nhỏ mỗi ngày. - Tránh các thức ăn làm cho triệu chứng nặng hơn. Các thức này thường là chất béo, cay và chua. - Dùng thử các thuốc bán trên quầy không cần toa bác sĩ như là Maalox, Mylanta, Pepcid, vân vân.
Các phương pháp này có thể giúp giảm triệu chứng trong vòng vài ngày, triệu chứng có thể giảm hẳn trong vòng một hay hai tuần.
Khi nào nên đi bác sĩ ?
Nên đi bác sĩ nếu: - Các triệu chứng bao tử làm mất ăn, mất ngủ - Triệu chứng ảnh hưởng đến việc đi học, đi làm - Dùng các thuốc không cần toa hơn hai lần một tuần mà vẫn không bớt - Bị ói mửa, sụt cân, chán ăn - Các triệu chứng đi kèm với khó thở, hụt hơi, toát mồ hôi, hoặc đau lan lên hàm, cổ, hoặc ra cánh tay - Các triệu chứng kéo dài hơn 2 tuần
Cần phải đi bác sĩ hay đến bệnh viện ngay lập tức nếu: - Bị đau bụng trầm trọng - Có máu trong chất ói, phân, hoặc phân đen như hắc ín
Phòng viêm dạ dày bằng cách nào?
Việc phòng bị nhiễm vi trùng rất khó, tuy nhiên vẫn có thể làm được nếu tránh các nguồn lây như đã kể lần trước.
Ngoài ra viêm dạ dày nói chung, có thể ít xảy ra hơn bằng cách: - Không hút thuốc - Không uống rượu. Nếu uống, thì chỉ uống vừa phải, tức là chỉ một lon bia, hay một chung rượu vang nhỏ mỗi ngày. - Nếu dùng thuốc giảm đau, nếu thấy bao tử bị khó chịu, cần phải ngưng ngay lập tức, và gặp bác sĩ để kiểm soát xem có phải thuốc đang dùng có thể ảnh hưởng đến bao tử hay không, và có cách trị thích hợp.
Chương trình này chỉ nhằm cung cấp kiến thức tổng quát về sức khoẻ. Cho các vấn đề cụ thể, chi tiết của từng bệnh nhân, xin liên lạc trực tiếp với bác sĩ cuả quí vị để được thăm khám trực tiếp.