Tìm hiểu bệnh viêm não Nhật Bản B (phần 2)

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Tuần trước, Trà Mi đã gửi đến quý vị phần đầu cuộc trao đổi với bác sĩ Viên, chuyên khoa nhi đang hành nghề trong nước, nói về Viêm não Nhật Bản ở trẻ em.

Vaccine150.jpg
Photo courtesy cdc.gov

Tiếp tục loạt bài nói về dịch bệnh nguy hiểm gây tỷ lệ tử vong cao thường thấy ở Việt Nam, chương trình hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về phương pháp tiêm ngừa vaccine cho trẻ cũng như những điều phụ huynh cần lưu ý để giúp trẻ phòng tránh căn bệnh này.

Trước tiên, đối với vaccine ngừa Viêm não Nhật Bản, nên tiêm cho trẻ từ lúc nào, tổng cộng có bao nhiêu mũi tiêm và bao nhiêu lần cần phải tiêm lại? Bác sĩ Viên cho biết:

Bác sĩ Viên: Bắt đầu khi trẻ tròn 12 tháng tuổi, chúng ta có thể bắt đầu tiêm phòng viêm não Nhật Bản cho trẻ. Tuy nhiên, lịch tiêm trong năm đầu cũng hơi phức tạp. Theo lịch của Bộ Y tế thì phải chích 2 mũi, cách nhau từ 1-2 tùân. Một năm sau thì nhắc lại 1 mũi. Sau đó cứ mỗi ba năm phải tiêm nhắc lại.

Cũng có lịch của Tổ chức y tế thế giới hoặc của các nứơc Tây phương đề nghị là nên chích thêm mũi thứ ba vào ngày thứ 28, tức theo lịch trình ngày 0, ngày 7, ngày 28. Thành ra trong năm đầu trẻ phải chích nhiều mũi. Tuy nhiên, việc chủng ngừa viêm não Nhật Bản có thể kết hợp với các loại vaccine ngừa các bệnh khác.

Chẳng hạn như cùng trong một ngày có thể chích 1 mũi viêm não Nhật Bản B cùng với 1 mũi viêm gan siêu vi B nhắc, hoặc với mũi ngừa quai bị, sởi, rubella. Cùng một lúc chúng ta có thể chích cho trẻ 2 mũi khác nhau để tiết kiệm thời gian đi lại của bệnh nhi.

Trà Mi: Cho tới độ tuổi nào thì có thể ngưng tiêm ngừa viêm não Nhật Bản thưa bác sĩ?

Bác sĩ Viên: Không có khuyến cáo về độ tuổi ngưng tiêm ngừa vaccine. Bởi từ 3 tuổi trở lên, trẻ bắt đầu được chích cùng liều với người lớn, tức liều 1ml/lần. Trong năm đầu chích đầy đủ, những năm sau thì cứ cách mỗi 3 năm nhắc lại một mũi cho tới lớn, không giới hạn độ tuổi, tuỳ theo điều kiện môi trường sống và nguy cơ, nên xem mình sinh sống ở khu vực nào, có nguy cơ viêm não Nhật Bản cao hay thấp.

Ở trẻ em thì nguy cơ mắc bệnh này cao hơn. Tuy nhiên, đối với người lớn, nhất là cư dân ở thành phố Hồ Chí Minh, nơi ít thấy dịch bệnh này, cho nên cũng có thể không phải tiêm mũi này.

Trà Mi: Vaccine ngừa viêm não Nhật Bản do Việt Nam sản xuất xét về chất lượng và tính hiệu quả so với vaccine của Nhật có sự khác biệt nào không?

Bác sĩ Viên: Điều này cần có một nghiên cứu về lâm sàng để khẳng định hiệu lực bảo vệ của các vaccine. Tuy nhiên, theo tôi biết, dây chuyền sản xuất này Việt Nam mua lại của Nhật, khá hiện đại. Hiện trên thế giới bắt đầu nói đến loại vaccine viêm não Nhật Bản thế hệ mới, chỉ cần chích 2 mũi là có khả năng bảo vệ suốt đời luôn. Thế nhưng vaccine này đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.

Trong tài liệu y khoa có nói vaccine viêm não Nhật bản là một trong những vaccine có thể gây ra nhiều phản ứng phụ cao hơn so với các vaccine khác. Tuy nhiên, trong thực tế, chúng tôi theo dõi nhiều năm nay rồi hầu như không gặp những tác dụng phụ nào nghiêm trọng đối với vaccine viêm não Nhật Bản so với các loại vaccine khác. Như vaccine ngừa ho gà, thường sau khi chích xong, đa số các cháu có thể nóng sốt, quấy khóc.

Trà Mi: Xin bác sĩ một vài lời khuyên đối với các bậc phụ huynh. Họ nên làm gì khi phát hiện trẻ có các triệu chứng của viêm não Nhật Bản B và những điều cần lưu ý để phòng tránh căn bệnh này?

Bác sĩ Viên: Trước hết, cần nhận biết các dấu hiệu về viêm não. Viêm não Nhật Bản cũng là một trong những nguyên nhân thường gặp của các loại viêm não.

Đối với các bậc phụ huynh nên cần lưu ý viêm não Nhật Bản là một bệnh nhiễm trùng cấp tính, kèm theo những triệu chứng nóng sốt và các triệu chứng về thần kinh. Người bệnh hoặc ngủ li bì, hôn mê, hoặc có những triệu chứng bức rức. Các cháu quấy khóc, có khi khóc thét. Ngoài ra có những biểu hiện co giật. Một số cháu không chỉ có biểu hiện của viêm não mà còn có thể có biểu hiện của viêm màng não chẳng hạn như thở phập phồng hay nôn ói thốc tháo.

Ngay sau khi phát hiện những triệu chứng này cần phải đem cháu đến các bệnh viện ở tuyến trên tức thì.

Trà Mi: Ở Việt Nam phân biệt bệnh viện tuyến trên với các bệnh viện khác ra sao?

Bác sĩ Viên: Trong mạng lứơi y tế Việt Nam thường phân tuyến. Đối với các căn bệnh nặng, nguy hiểm thì lên bệnh viện tuýên trên. Còn các bệnh thông thường thì đầu tiên nên đến trạm y tế xã, phường. Khi các trạm y tế này cảm thấy bệnh vượt quá khả năng chuyên môn của họ, họ sẽ giới thiệu lên tuyến quận, huyện, tỉnh hoặc thành phố.

Tuy nhiên đa số người dân không tin tưởng các bệnh viện ở tuyến xã do chuyên môn thấp, thiếu cán bộ y tế. Nhiều bệnh nhân mắc phải các căn bệnh thông thường như ho, sổ mũi cũng đi thẳng đến bệnh viện thành phố. Cho nên người bệnh quan trọng cần phân biệt bệnh nào nặng bệnh nào nhẹ để đỡ mất thời gian và di chuyển xa xôi. Còn đối với các loại bệnh cấp tính và nặng thì nên đi thẳng lên tuyến trên. Ở phía Nam có các bệnh viện như Nhi đồng I, Nhi đồng II.

Trà Mi: Những điều cần lưu ý giúp trẻ phòng tránh căn bệnh viêm não Nhật Bản là gì thưa bác sĩ?

Bác sĩ Viên: Đó là việc phòng chống lây lan trong cộng đồng, quan trọng nhất là diệt trừ muỗi, lăng quăng, tức là những trung gian truyền bệnh. Bên cạnh đó, một việc khác rất cần ghi nhớ là mình đã có thuốc chích ngừa viêm não Nhật Bản thì nên cho cháu đi chích ngừa, đặc biệt là những địa phương thường xảy ra dịch.

Trà Mi: Đối với bà con ở vùng xa xôi, hẻo lánh, có cần phải đem con trẻ lên tới các bệnh viện tuyến trên để được chích ngừa viêm não Nhật Bản hay không?

Bác sĩ Viên: Thường hệ thống y tế xã có các chương trình tiêm chủng vaccine nằm trong tiêm chủng mở rộng như các mũi lao, bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, viêm gan siêu vi B và sởi. Ngoài ra, bởi vì vaccine viêm não Nhật Bản đã được sản xuất trong nứơc giá thành cũng rẻ nên các đội chích ngừa tuyến xã cũng đã tổ chức tiêm chủng cho người dân ở các địa phương.

Tuỳ theo vùng có nguy cơ cao hay không mà mũi này có được miễn phí hay không. Những vùng ít bệnh thì người dân phải trả tiền nhưng không mắc lắm. Có điều hơi bất tiện là các trạm y tế ở tuyến xã thường hẹn một ngày chích nhất định trong tháng, nhưng ở các bệnh viện tỉnh hoặc các trung tâm y tế dự phòng của tỉnh cũng có tổ chức công tác tiêm chích các mũi vaccine bắt buộc và dịch vụ.

Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn thời gian và sự cộng tác của bác sĩ dành cho chương trình hôm nay.

(Xin theo dõi toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn trong phần âm thanh bên trên)

Chương trình này chỉ nhằm cung cấp kiến thức tổng quát về sức khoẻ. Cho các vấn đề cụ thể, chi tiết của từng bệnh nhân, xin liên lạc trực tiếp với bác sĩ cuả quí vị để được thăm khám trực tiếp.

Chương trình Sức khoẻ và đời sống kỳ này xin dừng lại tại đây. Hẹn tái ngộ cùng quý vị và các bạn trong một chủ đề mới sáng thứ sáu tuần sau. Trà Mi kính chào.

Thông trên mạng

- THÔNG TIN VỀ BỆNH VIÊM NÃO NHẬT BẢN B

- Viêm não Nhật Bản B: Nguy hiểm nhưng có thể đề phòng

- Viêm não – Wikipedia tiếng Việt

- CDC: Encephalitis, Japanese

- Japanese B encephalitis