Người dân Việt Nam lo sợ dịch cúm gà tái phát
2004.09.01
3 cái chết gần đây vì cúm gà đưa tổng số nạn nhân thiệt mạng vì vi rút H5N1 ở Việt Nam lên 19 người kể từ đầu năm 2004. Người dân trong nước phản ứng thế nào với đợt dịch mới có khả năng làm chết người.
Theo thông tin báo chí trong nứơc thì người Việt Nam tỏ ra bình tĩnh về tình hình tái dịch, cái họ lo lắng không phải là chuyện đã có người bị lây cúm gà và thiệt mạng, mà chính là vấn đề giá cả gia tăng do thiếu hụt nguồn thực phẩm ảnh hưởng dịch cúm gà: "Chúng tôi không hiểu con virút gây bệnh lần này có biến đổi gì không, chứ nhà nứơc đã nói trứng gà thịt gà đã làm chín thì chúng tôi có thể dùng được. Người Saigon đã quen rồi, tiệm cơm gà, phở gà miến gà vẫn đầy khách hàng”.
Phát biểu của cư dân Saigon mà quí thính giả vừa nghe có lẽ phản ánh một thái độ chung của một đại bộ phận người thành thị. Xa hơn về phía bắc đất nước, cách Hà Nội 35 km về hứơng tây nam, ở Xã Yên Nghĩa Huyện Hòai Đức tỉnh Hà Tây, bên cạnh con sông đầy rau muống có một căn nhà nhỏ yên ắng, người ta không còn nghe tiếng khóc của bé gái 11 tháng, cháu đã qua đời hồi trung tuần tháng 8 do bị nhiễm vi rút cúm H5N1 từ đàn vịt của gia đình. Ở Hậu Giang còn có 2 ca tử vong khác cũng do lây nhiễm trực tiếp từ gia cầm sang người.
Bà Lê Thị Huyền là nông dân ở Yên Nghĩa, gia đình bà có nuôi 70 con gà và 10 chim bồ câu. Bà tiết lộ với phóng viên báo New York Times rằng, cho đến nay người dân địa phương vẫn còn xa lánh ngôi nhà nơi bé gái tội nghiệp qua đời. Tâm lý này rất dẽ hiểu đối với xã hội Việt Nam, như ở Long An một trại gà xảy ra tái dịch hồi tháng7, gà bị tiêu hủy và trại được làm vệ sinh môi trường, nhưng chủ trại là ông Hùynh Hữu Be ngại đi ra ngòai giao tiếp vì sợ biết đâu có thể mang vi rút lây cho lối xóm: (audio clip)
Tờ New York Times cho rằng, cái chết của chái gái 11 tháng ở Hà Tây đặt ra vấn đề, liệu chính phủ Việt Nam đã thực hiện đủ các biện pháp để diệt dịch hay không. Theo các chuyên gia y tế của thế giới, cách làm hiệu quả nhất để triệt tiêu bệnh cúm gia cầm, là xác định tất cả gia cầm nhiễm bệnh, khoanh vùng và tiêu hủy tất cả mọi lọai gia cầm thủy cầm trong một bán kính rộng. Nhiều khi tùy theo địa hình có trường hợp đường bán kính này rộng hơn chục kilômét. Điều này theo các chuyên gia là nhiều khi chỉ vì một con gà bệnh mà phải tiêu hủy hàng triệu gia cầm đang còn lành mạnh.
Tiến sĩ Hòang Văn Năm, trưởng bộ phận dịch tễ Cục Thú Y Việt Nam, mới đây trả lời phỏng vấn rằng, ở tỉnh Hà Tây địa phương cháu gái 11 tháng bị chết vì cúm H5N1, không có báo cáo nào được ghi nhận là có tái dịch, vì thế ông cho rằng không cần đưa ra biện pháp tiêu hủy các đàn gia cầm khỏe mạnh trong vùng.
Nhưng bà Lê Thị Huyền nói rằng, gia đình cháu gái nạn nhân vừa nói nuôi 30 con vịt, cả đàn bị bệnh và toi hết, ít lâu trứơc khi cháu gái bị bệnh và thiệt mạng. Bà cho biết chính quyền địa phương kêu gọi nhưng không bắt buộc các hộ chăn nuôi lối xóm phải tiêu hủy gà vịt. Vì thế chỉ có một vài hộ đăng ký xin tiêu hủy và nhận tiền trợ cấp, các hộ còn lại vội vàng giết thịt để sử dụng trong gia đình, hoặc là bán tẩu tán để lấy tiền vì tiền trợ cấp chỉ bằng 1/5 giá thị trường.
Các bác sĩ tin rằng thịt gia cầm dù bị bệnh, nhưng nếu đã được nấu chín kỹ thì không thể là nguồn lây nhiễm cho người. Tuy vậy họ cảnh báo rằng những người giết mổ gia cầm, đặc biệt là gà vịt nhiễm bệnh sẽ có nguy cơ lây nhiễm, vì họ tiếp xúc với chất dịch dãi nhớt hoặc phân của gia cầm mắc bệnh. Hộ bà Huyền ở cách nhà cháu gái bị chết khỏang 900 mét, địa phương không yêu cầu bà phải tiêu hủy gia cầm nên bà vẫn giữ nuôi gà và chim câu. Nhưng sự kiện như vừa nói phản ánh quan điểm dung hòa phòng chống dịch bệnh và lợi ích kinh tế của chính phủ, như phát biểu của một giới chức bộ y tế: (audio clip)
Tuy vậy cái chết của cháu gái và hai bệnh nhân khác ở tỉnh Hậu Giang trong thời kỳ Việt Nam tái dịch, làm cho các giới chức y tế ở nhiều nơi trên thế giới hết sức quan tâm. Họ lo lắng một đại dịch tòan cầu với mức tàn hại khôn lường, nếu như vi rút cúm gà biến thể và có khả năng lây từ người sang người, nhất là trứơc các thông tin về sự kiện đàn heo ở Phúc Kiến Trung Quốc có xét nghiệm dương tính với vi rút cúm H5N1.