Tuyển tập Nhất Linh

Như thường lệ những tối Thứ Bảy, tạp chí Văn Học Nghệ Thuật do Phạm Điền phụ trách lại đến với quý thính giả. Kỳ này tạp chí giới thiệu một công trình văn học, đó là Tuyển Tập Nhất Linh đóng góp bài vở của nhiều tác giả viết, do nhà xuất bản Thế Kỷ 21 ấn hành.

Bấm vào đây để nghe tiết mục này

Rightclick to download this audio

Khuôn mặt lớn của văn học Việt Nam: Nhất Linh Nguyễn Tường Tam tuy đã khuất núi, nhưng sự nghiệp văn học, sự nghiệp chính trị của ông đã được hồi sinh trong một tuyển tập có tựa đề Nhất Linh: Người Chiến Sĩ, Người Nghệ Sĩ.

Ông là một nghệ sĩ, và là một trong số những nhân vật dấn thân sớm sủa của trí thức Việt Nam. Tuyển tập Nhất Linh vì thế được 18 người cầm bút đóng góp bài viết, trong số đó có các tác giả: Nguyễn Tường Bách, Võ Phiến, Trương Bảo Sơn, Anh Thơ, Tú Mỡ, Nguyễn Thị Vinh, Thụy Khuê, Đông Hồ, Linh Bảo, Trần Thanh Hiệp, Lê Đình Thông, Khoa Hữu, Bùi Bích Hà, Trần Khánh Triệu, Nguyễn Tường Thiết, Trương Kim Anh, Lưu Văn Vịnh, Phạm Phú Minh.

Nhà văn Phạm Phú Minh, chủ biên Thế Kỷ 21 trong một bài ngắn viết về sách mới đã viết” Nhất Linh là một người Việt Nam ưu tú của thế kỷ 20, nhưng cũng là một người bị truy bức không ngừng, cho đến khi ông qua đời. Đó là số phận riêng của một người, nhưng cũng là hình ảnh của số phận đất nước và dân tộc Việt Nam bị truy bức liên tục suốt lịch sử cận đại mà vẫn chưa được đi trên con đường mà mình mong muốn”.

Nhân tuyển tập về Nhất Linh ra đời, nhà văn Phạm Phú Mình đã dành cho tạp chí Văn Học Nghệ Thuật một cuộc phòng vấn để giới thiệu rõ hơn nhưng nét đặc sắc củaq tuyển tập này

Phạm Điền: Kính chào nhà văn Phạm Phú Minh, chủ biên tạp chí Thế Kỷ 21, chúng tôi được biết nhà xuất bản đã ấn hành tuyển tâp Nhất Linh, Người Chiến Sĩ, Người Nghệ sĩ, có rất nhiều tác giả viết về nhân vật vật này, xin ông cho biết thêm một số chi tiết về việc chọn lựa thực hiện công trình này.

Phạm Phú Minh: Kính chào quý vị thính giả, chúng tôi là Phạm Phú Minh người phụ trách bài vở của tờ Thế Kỷ 21 và vừa rồi chúng tôi có xuất bản một cuốn sách nhan đề là Nhất Linh, Người Chiến Sĩ, Người Nghệ Sĩ. Nguyên ủy của việc xuất bản cuốn sách đó như thế này. Cách đây 2 năm, vào tháng 7 năm 2002, chúng tôi có một số báo Thế Kỷ 21 đặc biệt về nhà văn Nhất Linh. Trong số báo này, chúng tôi xin được một số các người quen biết, nhà văn, nhà cách mạng, nhà báo v.v. trước kia từng biết Nhất Linh đóng góp bài vở để thực hiện một số báo đặc biệt về ông.

Từ khi số báo đó ra thì chúng tôi thấy độc giả họ mua báo nhiều quá. Họ mua đến nỗi tòa sọan chúng tôi chỉ còn một số để lưu thôi. Còn bao nhiêu bán hết. Từ cái hiện tượng này, tôi nghĩ là có 2 giải pháp để đáp ứng cho nhu cầu độc giả : thứ nhứt là phải in thêm báo; thứ hai : sưu tầm thêm tài liệu để thực hiện một cuốn sách về Nhất Linh cho đàng hòang, đầy đủ hơn. Cuối cùng chúng tôi thiên về ý thứ hai, tức là kiếm thêm tài liệu, kiếm thêm bài viết để thực hiện một cuốn sách khá đầy đủ về Nhất Linh mà trong tháng 7 vừa rồi chúng tôi đã phát hành khắp nơi.

Phạm Điền: Thưa ông khi dùng tiêu đề người chiến sĩ, người nghệ sĩ, về 2 tư cách này,sách đề cập đến phương diện nào nhiều hơn cả?

Phạm Phú Minh: Có một đồng chí của Nhất Linh là ông Trương Bảo Sơn. Trương Bảo Sơn bây giờ cũng đã lớn tuổi lắm. Ổng đã 90 tuổi và đang cư ngụ tại thành phố Montreal Canada. Ông TBS đã viết về cuộc đời họat động chính trị của Nhất Linh . Như quý vị đã biết Nhất Linh khởi đi vào văn nghệ, tức ông là người nghệ sĩ, ông là một nhà báo, một nhà văn, là một nghệ sĩ đa tài, vừa là người vẽ rất đẹp, một họa sĩ có tài lắm, vừa chơi nhạc.

Trong thập niên 30 khi khởi làm tờ báo Phong Hóa và Ngày Nay và thành lập Tự Lực Văn Đòan thì ông chỉ say mê làm công việc văn chương báo chí mà thôi, nhưng càng về sau ông càng thấy là không thể nào đứng ngòai được, bởi vì dân tộc Việt Nam đương bị Pháp đô hộ và cái nguyện ước của tất cả những người yêu nước là phải giải phóng dân tộc ra khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp, nên ông dấn thân vào lãnh vực cách mạng và vì thế về sau này ông có đứng đầu một đảng phái cách mạng mà cuối cùng là bị chính phủ Ngô Đình Diệm truy tố ra tòa án quân sự. Tất cả cuộc đời cách mạng của ông được nhà văn TBS tường thuật lại trong các bài viết của ông.

Phạm Điền: Có rất nhiều tác giả viết về Nhất Linh. Họ đánh giá thế nào về nhân vật lẫy lừng này trong cả hai tư cách chiến sĩ, nghệ sĩ?

Phạm Phú Minh: Về các tác giả thì cũng khá đa dạng, mỗi người họ nhìn ông Nhất Linh ở một khía cạnh khác nhau . Ông Nguyễn Tường Bách vừa là đồng chí vừa là người em út của gia đình Nhất Linh thì ông cũng viết những hồi ức về người anh của mình. Ông Võ Phiến thì là người hòan tòan văn học không để ý đến phương diện chính trị của ông Nhất Linh và ông viết một bài về các bản thảo của Nhất Linh, một bài tôi coi là có giá trị lắm. Những cái hồi ký khác của Anh Thơ hiện giờ ở Việt Nam, Tú Mỡ cũng ở miền bắc, đã qua đời thì đều nhắc đến ông Nhất Linh với một thái độ rất là trân trọng, mặc dầu họ ở bên phía cộng sản.

Những người từng có kỷ niệm chung, đã từng sống trong cuộc đời lưu vong với ông Nhất Linh như bà Nguyễn Thị Vinh, như bà Linh Bảo v.v. thì kể lại những câu chuyện mà trước kia họ đã được tiếp xúc với ông Nhất Linh ở Hồng Kông thời trước. Một nhà nghiên cứu văn học như là bà Thụy Khuê ở Pháp đã có những đóng góp, tôi cho là quan trọng vào bậc nhất của cuốn sách này bởi vì bà Thụy Khuê đã nghiên cứu về tiểu sử Nhất Linh rất kỹ, viết bản tiểu sử rất đầy đủ cho cuốn sách, đã nghiên cứu về tất cả cuộc đời văn học, sự nghiệp văn học của ông Nhất Linh, phân tích các tiểu thuyết của ông và hướng tư tưởng và kỹ thuật về tiểu thuyết của Nhất Linh từ đầu cho đến ngày ông qua đời.

Tôi cho đây là một nghiên cứu rất kỹ lưỡng về Nhất Linh và bà Thụy Khuê đã bỏ thì giờ và công sức để đi từ Paris đến Bourge tìm theo dấu vết của Nhất Linh bởi vì chúng tôi có một tài liệu là bức Nhất Linh vẽ một cái nhà thờ ở thàng phố Bourge năm 1954. Năm đó ông qua Pháp để chữa bệnh, ông có đi chơi ở thành phố Bourge và ông đứng vẽ một cái nhà thờ lớn của thành phố này. Khi Thụy Khuê thấy cái bức tranh này do gia đình của ông Nhất Linh cung cấp thì Thụy Khuê đã đi từ Paris đến để tìm dấu vết Nhất Linh đã đến đó vẽ nhà thờ như thế nào.

Như luật sư Trần Thanh Hiệp ở Pháp chẳng hạn, ông đã phân tách vai trò lịch sử của Nhất Linh và những đóng góp về chính trị của Nhất Linh. Con của ông Nhất Linh có hai người, một người là anh Trần Khánh Triệu tức Nguyễn Tường Triệu nhưng là con nuôi của Khái Hưng cho nên lấy tên là Trần Khánh Triệu thì TKT cũng có viết một bài. Nguyễn Tường Thiết thì viết nhiều về ông bố của mình. Thiết là con út của Nhất Linh là người nắm giữ tất cả các bản thảo khi chạy ra khỏi Việt Nam, và giữ rất nhiều tài liệu về ông Nhất Linh.

Phạm Điền: Một tuyển tập như thế, để được trọn vẹn, có lẽ nhà xuất bản cũng đưa vào đó một ít sáng tác của Nhất Linh?

Phạm Phú Minh: Cái chuyện đó thì bắt buộc bởi vì một cuốn sách về Nhất Linh mà không có tác phẩm của ông thì cũng là một sự thiếu sót cho nên chúng tôi có chọn một số đọan trong các tiểu thuyết của ông, nhưng mà đối với những tiểu thuyết đã viết lâu rồi đó, viết trong thập niên 30 đó thì chúng tôi không chọn vì những tiểu thuyết này đã phổ biến rất nhiều, nhiều người biết và hiện nay trên thị trường sách vẫn còn tái bản.

Chúng tôi chỉ chọn số đọan trong hai cuốn cuối cùng của ông là trường giang tiểu thuyết Xóm Cầu Mới và tiểu thuyết Giòng Sông Thanh Thủy là hai cuốn cuối cùng. Bởi vì chúng tôi nghĩ rằng đây là thành tựu sau cùng nhất của Nhất Linh. Sau những trăn trở về văn học về lập thuyết thì tôi nghĩ đây là những thành tựu cuối cùng của ông và hơn nữa bởi vì hai cuốn tiểu thuyết này nó sẽ ra sau cùng nên ít được người biết hơn là những cuốn tiểu thuyết trước kia của ông như Đọan Tuyệt, Đôi Bạn, Bướm Trắng v.v.

Phạm Điền: Ở trong nước những giai đọan gần đây dường như đã có sự nhìn nhận giá trị của những nhà văn lớp trước và của Tự Lực Văn Đòan, họ in lại nhiều tác phẩm trước kia bị đốt, ông có nghĩ sẽ bán được tuyển tập Nhất Linh trong nước hay không?

Phạm Phú Minh: Như về vấn đề trong nước thì tôi không chắc lắm. Chúng tôi cũng nhận thấy ở trong nước thời gian sau này đã cởi mở và có in lại tác phẩm của Nhất Linh và các tác giả khác của Tự Lực Văn Đòan, nhưng mà có một điều, những cuốn sách mà Nhất Linh viết sau thời kỳ Tự Lực Văn Đòan tức là khi ông viết ở miền Nam Việt Nam như là Xóm Cầu Mới hay là Giòng sông Thanh Thủy thì không những người ta không tái bản, người ta không in mà trong tài liệu viết về Nhất Linh, người ta cũng không nhắc về những tác phẩm đó nữa.

Tôi thấy đó là một cái thái độ một cái vẻ gì đó mà còn kỵ ông Nhất Linh về giai đọan sau. Tôi không nghĩ là cuốn sách này với những lời phát biểu do về tác giả này và những cái đọan chúng tôi trích của ông viết về giai đọan sau mà được chính quyền Việt Nam cho phép hay lưu hành ở Việt Nam.

Phạm Điền: Xin cám ơn nhà văn Phạm Phú Minh. Chúng tôi vui được đài chiế`u cố và cho chúng tôi phát biểu một số ý kiến về cuốn sách vừa xuất bản. Cám ơn.