Như thường lệ mỗi tối Thứ Bảy, tạp chí Văn Học Nghệ Thuật do Phạm Điền phụ trách lại được gửi đến quý thính giả. Tuần trước Soạn gia lão thành Nguyễn Phương đã trình bày khái quát về sân khấu Cải Lương Việt Nam, giá trị của sân khấu này và ảnh hưởng lớn rộng của nó đối với người thưởng ngoạn. Tuần này, trong phần II , ông Nguyễn Phương nêu ra một số trở ngại mà dẫu nhiều người muốn, cũng không ai có thể xây dựng lại một sân khấu kịch nghệ như thế nữa tại Hoa Kỳ.
Bấm vào đây để nghe tiết mục này
Rightclick to download this audio
Tuần trước soạn giả nổi tiếng cho các tuồng tích cải lương Nguyễn Phương, 84 tuổi, hiện sinh sống ở Canada đã có dịp nói chuyện với quý thính giả về cái hay, cái đẹp, tính chất phong phú của sân khấu Cải Lương đặc biệt của miền nam Việt Nam. Kinh nghiệm trường trải của soạn giả Nguyễn Phương càng làm đậm hơn sắc thái độc đáo của nghệ thuật nay đã gần như tàn lụi. Tuần trước, ông Nguyễn Phương đã nói tổng quát về lịch sử của ngành sân khấu mà ông gọi là kỳ diệu này cũng như nhắc đến các nghệ sĩ lừng danh của sân khấu này.
Hôm nay, chúng tôi có dịp hỏi soạn giả về một vài quan điểm khác nữa về Cải Lương, trong đó có vấn đề khôi phục sân khấu Cải Luơng ở nước ngòai để ngành nghệ thuật đặc sắc này tránh khỏi bị mai một. Trả lời về vấn đề này, soạn giả Nguyễn Phương cho rằng việc thành lập một sân khấu cải lương là một việc đòi hỏi nhiều điện kiện, không đơn giản như nhiều người lầm tưởng. Ông cho biết về những khó khăn đó ở Việt Nam có thể vượt qua được, nhưng sống ở Mỹ, Canada rất khó xây dựng được sinh hoạt của sân khấu cải lương. Mời quý thính giả theo dõi
(audio clip) Vừa rồi là nghệ sĩ nổi tiếng Việt Hùng trong một đoạn cải lương ông ca về tâm sự kẻ ly hương dĩa do Viet production thưc hiện
Phạm Điền: Tạp chí Văn Học Nghệ Thuật cám ơn soạn giả Nguyễn Phương tuần trước đã cho thính giả được hiểu những nét đặc sắc của nghệ thuật sân khấu cải lương Việt Nam. Không hiểu hiện nay sinh hoạt sân khấu cải lương tại Việt Nam ra sao? Tại hải ngoại, thưa ông liệu có ai có khả năng tái tạo một sân khấu cải luơng như thời trước không?
Soạn giả Nguyễn Phương: Về trong nước thì tui đi lậu quá rồi tôi không hiểu cái tình thế nó ra làm sao, nhưng mà tôi có thể nói với ông Phạm Điền biết là, muốn làm một cái đòan hát mà nó tồn tại lâu dài đó phải có 5 điều kiện.
Bây giờ tôi kể năm cái điều kiện đó ra, căn cứ trên kinh nghiệm của Bầu Long của đòan Kim Chung , Bầu Thơ của đòan Thanh Minh Thanh Nga, bầu Chưởng với bầu Xuân Dạ Lý Hương. Lúc đó tui theo mấy đòan đó mà thì tôi biết là có 5 điều kiện.
Phạm Điền: Xin cho nghe 5 điều kiện đó.
Soạn giả Nguyễn Phương: Nếu mà bên này ở hải ngoại , từng điều kiện một mà mình phân tích mà nó vô khớp thì tui rằng mình có thể làm được. Trong năm điều kiện đó là như thế này:
Thứ nhất, nói về người chủ bầu. Người chủ bầu là người bỏ tài chánh ra, biết tổ chức gánh hát, biết khám phá tài năng, nuôi dưỡng tài năng, tổ chức cho họ tập tuồng, làm sao họ sống được rồi biết quảng cáo , biết khán giả thích cái gì thì để cho soạn giả viết . Cái người chủ bầu là cái người điều khiển tòan bộ cái đòan hát . Nếu mà ở ngoại quốc mà mình không có một cái người có cái khả năng tài chánh mà không có cái khả năng tổ chức, điều khiển gánh hát thì coi như là mình không có cái đầu tàu . Không đầu tàu, cái xe đâu có chạy .
Cái điều kiện thứ hai là nói về việc tìm những nghệ sĩ. Hễ nói tới cải lương là nói đến những nghệ sĩ đờn, những người nghệ sĩ, một cặp đào kép nào đó ăn khách, xứng lứa vừa đôi nhe. Phải có soạn giả , soạn giả mới viết sáng tác, đáp ứng theo những cái nhu cầu của khán thính giả đúng theo khả năng của diễn viên mới có thể hát được.
Phạm Điền: Nhất là những soạn giả thạo nghề như ông?
Soạn giả Nguyễn Phương: Người ta thường nói kiếp tằm nhả tơ , nhưng mà con tằm muốn nhả tơ đó ăn dâu chớ. Thành ra nghệ sĩ ở nước ngòai phải sống bằng cái nghề tay mặt, thành ra tự nhiên làm cái nghề tay trái thì đâu có hay được. Phải sống chuyên về cái nghề đó , được nuôi bằng cái nghề đó thì nghề nghiệp mới có thể phát triển được.
Và cái điểm thứ ba là cái điểm quan trọng vô cùng, nó quyết định cái vận mạng gánh hát, đó là phải có rạp hát, phải có địa điểm để mà trình diễn . Giả tỉ một cái rạp lớn thì nó mới có thể thành ra một cái tuồng được. Mà hãy diễn các rạp lớn thì cái chi phí rất rộng , nghệ sĩ phải đông, khán giả phải đến xem đều thì nó mới có thể tồn tại, nếu không thì không được.
Phạm Điền: Nhưng có thể nào hát trong các tiệm ăn rộng rãi?
Soạn giả Nguyễn Phương: Còn như hát ở mấy cái restaurant thì chỗ đó chỉ có thể diễn, ít đoạn hày là ca mấy câu vọng cổ hay gì thôi chứ đâu có thể người ta vừa ăn vừa hát một tuồng dài như là người ta vô rạp coi đâu. Cho nên cái địa điểm, cái rạp hát đó hễ chỗ nào mà giải quyết được chỗ hát vừa thuận tiện xe cộ di chuyển, vừa thuận tiện giá cả cho khán giả xem. Vừa thuận tiện cho đòan hát tập trung hát. Có một cái địa điểm như vậy thì là cái chỗ đó có thể phát triển được sân khấu.
Mình lấy như Việt Nam đó , có lúc Hát bội hát đình hát miễu có thể là phát triển được tới Sài Gòn có nhiều cái rạp lớn thì hát mới đông khách . Qua bên Mỹ hay là Canada, rạp hát thiệt lớn mà thiệt mắc, mình mướn không nổi, nghệ sĩ không thể vô diễn thì làm sao có khán giả. Cái điều kiện thứ ba là cái điều kiện rạp hát cũng rất là quan trọng, có thể nói rằng, nó dính liền, giống như cái người mua bán là phải có cửa hàng vậy đó thì mới bán được. Chớ còn không thì cũng không có thể phát triển được.
Phạm Điền: Thưa soạn giả, nếu đã có những điều kiện đó, các điều kiện căn bẳn đã đủ để tổ chức một sân khấu ra trò rồi phải không?
Soạn giả Nguyễn Phương: Cái điều kiện thứ tư là công chúng khán giả. Ở nước ngòai, người ta đi làm tỉ như ở Mỹ hay Canada làm nhiều thì giờ, rồi người ta giải trí thì cũng đâu có thể coi liên tù tì mỗi đêm giống như Việt Nam, hay là coi thứ Bảy, coi một tuồng hai ba tiếng đồng hồ cũng rất là mệt. Thành ra, cái hòan cảnh của dân chúng khán giả đó, họ là người trả tiền cho nghệ sĩ mà, mà khán giả không có điều kiện và không có cơ hội đi xem hát được giống như ở Việt Nam thì cũng rất là khó. Hãy biết tại chỗ, cái người khán giả đó, công chúng khán giả đó làm ăn ra sao, công chuyện ra sao, có thể tập trung được vào những giờ nào và có thể thưởng thức cái thời lượng đó bao lâu, từ chỗ đó mới có thể tìm cách mà thực hiện được.
Và chót hết thì tôi nghĩ cái vấn đề khí hậu, rồi cái môi trường hoạt động của cái chỗ gánh hát đó. Như ở Canada, sáu tháng lạnh . Mùa hè là người ta đi hết rồi thì chỉ có mấy tháng mùa thu , thành ra muốn có một cái đòan hát tồn tại như của Việt Nam không thể thực hiện được như Việt Nam. Thành cái khí hậu hay giao thông , cái thói quen sinh hoạt của địa phương cũng ảnh hưởng không nhỏ tới cái chuyện phát triển sân khấu .
Tôi thấy rằng người tại chỗ nghiên cứu kỹ thì mới giải đáp được là làm sao ở nước ngòai mình có thể làm thành một đòan hát cho nó có kết quả, chứ không phải là nói chuyện sân khấu, không phải nói tuồng không, hay là nói về nghệ sĩ không. Nếu mà chỉ nghĩ tới nghệ sĩ không thì nghệ sĩ chỉ hát ba cái tuồng cũ, với hát trích đoạn thôi chứ giả tỉ hát một tuồng dài không được.
Phạm Điền: Xin cám ơn soạn giả Nguyễn Phương đã cho nghe câu chuyện lý thú về sân khấu cải lương trong hai kỳ liên tiếp để mọi người hiểu thêm về sân khấu cải lương của nước ta.
Soạn giả Nguyễn Phương: Xin cám ơn Phạm Điền, xin cám ơn thính giả Đài Á Châu Tự Do đã chịu khó nghe Nguyễn Phương nói chuyện.