Cuốn "Chuyện Tướng Độ" do Nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân ấn hành


2007.12.03
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA

Trong chương trình Văn học Nghệ thuật hôm nay Mặc Lâm mời quý vị theo dõi buổi nói chuyện với ông Bùi Tín về quyển sách mới được xuất bản trong nước mang tên "Chuyện Tướng Độ" của tác giả Võ Bá Cường do nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân ấn hành. Tác phẩm này đang được ráo riết tìm đọc trong nước nhưng đợt xuất bản đầu tiên không còn nữa và người ta không trông đợi gì nó sẽ được tái bản trong tương lai gần.

BookTuongDo200.jpg
Sách Chuyện Tướng Độ.

Tưởng cũng xin nhắc lại ông Bùi Tín nguyên là phó tổng biên tập của báo Quân Đội Nhân Dân, đồng thời phụ trách báo Nhân Dân Chủ Nhật. Ông cũng là Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đến năm 1990, nhà báo Bùi Tín sang tị nạn chính trị tại Pháp, và hiện đang định cư tại đây. Trước hết ông Bùi Tín cho biết cảm tưởng của ông khi cầm quyển sách này trong tay ông nói:

Bùi Tín: Cảm tưởng đầu tiên của tôi là tôi hơi ngở ngàng nhưng mà cũng không bất ngờ. Ta đều biết rằng Tướng Độ là đã bị khai trừ từ cuối năm 1999. Ta cũng biết rằng từ đó đến nay có rất nhiều thông tin của quân đội nhưng đều được giải thích rằng Trần Độ là một phần tử phản động, đã phản bội và do đó đã bị đuổi ra khỏi đảng, bị khai trừ khỏi đảng. Và điều đó là điều đúng đắn, không có gì phải xét lại, phải luận bàn cả.

Việc xuất bản này rõ ràng là một hành động có thể gọi là lên án đấy, đề cao tất cả mọi hoạt động của Tướng Trần Độ. Trong cuốn sách này không có phê phán một sai lầm nào cả. Do đó mà tôi thấy đây là một việc chưa từng có ở nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân.

Tôi nghĩ là từ 4-5 năm nay đã có phong trào gần như là đòi xét lại vụ án Trần Độ và thanh minh cho ông ta, rằng ông Trần Độ là một con người đổi mớí, một con người trung thực, không phải là con người phản bội lại nhân dân và do đó bị đuổi ra khỏi đảng gì cả.

Đây là một hiện tượng xé rào, mà ở Việt Nam thì dưới sự lãnh đạo chặt chẽ rất là hà khắc của đảng cộng sản thì thường thường hiện tượng xé rào như thế là vẫn thường có, như là thời khoán chui, thời hợp tác xã, v.v... Nhưng mà cái xé rào lần này của sách Tướng Độ là ngoạn mục, nổi bật, bởi vì quyển sách này in đẹp lắm, ít có quyển sách nào in giấy trắng tinh, bìa chạy chữ rất là trân trọng. Sách vừa được xuất bản xong một cái là sau một tháng đã bán hết vèo ngay. Và bây giờ trở nên quyển sách rất là hiếm và được truyền tay nhau rất nhiều ở tại hà Nội cũng như ở trong nước.

Một trào lưu mới?

Mặc Lâm: Theo như ông nhận xét là nó rất hiếm quý và được truyền tay rất nhiều, nhưng tại sao báo chí Việt Nam im lặng hoàn toàn, không có một bản tin nhỏ nào về cuốn sách này vậy, kể cả sự chống đối?

Bùi Tín: Vâng. Theo như thông lệ, báo chí buộc phải tuân theo cái chỉ thị của Ban Tuyên Huấn (Ban Tư Tưởng Văn Hoá cũ) và đặc biệt là của Bộ Thông Tin Viễn Thông (tức Bộ Văn Hoá Thông Tin cũ) là thay mặt cho bộ máy của đảng cộng sản để nắm chặt các cơ quan xuất bản. Nhưng mà không phải mọi người đều tuân theo đâu. Nếu ai tinh ý thì thấy ngay trên báo Tuổi Trẻ, tờ báo của thanh niên đó, cũng đã có một bài nói về quyển sách này và trích một đoạn dài của "Chuyện Tướng Độ" này của Võ Bá Cường.

Cũng như là mới đây, hồi tháng trước, khi 3 cái thư tâm huyết của ông Võ Nguyên Giáp chóng lại việc phá Hoàng Thành Thăng Long để xây dựng trụ sở quốc hội mới, thì các báo đều không đăng, nhưng vẫn có một tờ là Đại Đoàn Kết vẫn đăng cái này. Sau này trên báo mạng mới đây tôi vừa đọc là Giáo sư Tương Lai (một trí thức nổi tiếng) cũng viết một bài trên mạng Vietnamnet để ca ngợi bức thư của Tướng Giáp và yêu cầu Bộ Chính Trị và Quốc Hội phải xét lại việc phá di tích lịch sử Hoàng Thành Thăng Long để xây dựng trự sở quốc hội mới. CHo nên cái tình hình nó đang thay đổi đấy. Không phải mọị tờ báo đều im lặng cả đâu.

Mặc Lâm: Thưa ông, theo chúng tôi được biết thì nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân nằm dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Cục Chính Trị. Như vậy ông giải thích thế nào về vấn đề này?

Bùi Tín: Tôi cũng được các bạn ở Câu Lạc Bộ Quân Nhân Hà Nội báo tin rằng là khi được tin này thì ông Đỗ Mười , là con người xưa kia từng là thủ tướng, sau đó là tổng bí thư, tuy hiện nay ổng không còn chức quyền, không còn là cố vấn gì nữa, nhưng đây là con người vẫn giật dây ở đàng sau, thế mà khi được biết cuốn sách này ra thì ổng đã đập bàn đập ghế quát tháo và ổng hỏi "Đứa nào đã cho phép xuất bản sách này?"

Tôi được biết anh giám đốc của nhà xuất bản quân đội tên là Phạm Quang Nghị đã trả lời ngay rằng là "Thưa, chúng tôi đã được sự đồng ý của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết". Thế là ông Đỗ Mười đã im, không dám nói gì nữa. Như vậy tức là quyển sách này nó được sự đồng thuận từ bên trên đấy. Nhất định là Bộ Chính Trị và Ban Bí Thư đã biết chuyện này rồi.

Mặc Lâm: Thưa ông, chúng ta đang nói về chuyện sách vở thành ra mình nhấn mạnh tới chuyện văn học nhiều hơn, nhưng mà theo như tinh thần cuốn sách này thì đặt nặng vấn đề chính trị, mà đã là vấn đề chính trị rồi thì thưa ông, ông cảm nhận được quyết định của chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đưa ra lời giải thích nào nếu mà nói cho ngắn gọn, thưa ông?

Bùi Tín: Tôi nghĩ là hiện nay cái đấu tranh đang còn tranh tối tranh sáng và sự lãnh đạo bảo thủ giáo điều cũng đang bị lung lay. Thế mà đây là sức ép của một bộ phận trong Quân Đội Nhân Dân. Một số các tường lĩnh, một số đông đảo cự chiến binh và một số ngay trong đảng đã có một bộ phận không phải là ít đâu, và trong số trí thức và văn nghệ sĩ, như tiếng nói của giáo sư Tương Lai chẳng hạn, và gần đây là giáo sư Nguyễn Huệ Chi rất là nổi tiếng cũng lên tiếng chống lại việc phá thành Thăng Long và chống tất cả những bất công. Đấy là những vị có tiếng tăm cũng đã lên tiếng.

Và khi nhà xuất bản này ra sách này thì tôi được biết là ông Giáp đã có ý kiến hoan nghênh ngay. Ông Phạm Hồng Cư, trước đây là Cục Trưởng Cục Tuyên Huấn, cũng đã lên tiếng khen ngợi ngay việc xuất bản sách Chuyện Tướng Độ là rất tốt. Ở khu Lý Nam Đế, một số bạn tôi ở Lý Nam Đế cũng gọi điện sang nói là cả cái đường phố đó như là phố của quân đội, của sĩ quan, đều hoan hỉ và tìm mua và tìm đọc cuốn sách này.

Đây là cả một trào lưu, mà cả một số không ít đâu, ngày càng đông đảo những người có tinh thần dân chủ, có tinh thần công lý, có tinh thần ngay thật, đòi việc kỷ luật và khai trừ ông Trần Độ là vô lý, và việc thoá mạ ông Trần Độ là phản bội đất nước là điều không thể chấp nhận được. Do đó mà ông Giáp, ông Cư, một loạt tướng cũng đã lên tiếng, hoan nghênh việc xuất bản này

Tác giả Võ Bá Cường

Mặc Lâm: Thưa ông, để trở lại cuốn sách, theo như chúng tôi được biết, tác giả là ông Võ Bá Cường. Ông có thể nói rõ hơn về tác giả này hay không? Ông ta là một người thường hay là một nhà báo, thưa ông?

Bùi Tín: Ông Võ Bá Cường là một sĩ quan trẻ ở nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân. Ảnh biên tập cái này. Nhưng khi tôi đọc thì tôi cảm thấy ngay anh này rất là quý mến ông Trần Độ. Từ trước tới nay theo dõi từ lâu rồi cho nên dưới ngòi bút của ảnh làm sống lại cuộc đời của ông Trần Độ.

Đọc thì cuốn hút lắm. Từ khi sinh ra như thế nào, đến khi đi học tính ông cũng ngổ ngáo, hai lần vào tù của đế quốc ở Sơn La, ở Hoả Lò, trong điều kiênh như thế ông luôn luôn bất khuất và lạc quan. Khi cách mạng tháng 8 năm 1945 thì ông tham gia ngay ở Hà Nội và mới chưa đầy 30 tuổi đã làm chính uỷ của mặt trận Hà Nội. Sau đó lên làm chính uỷ của Sư Đoàn 312. Rồi tham gia trận Điện Biên Phủ, là người trực tiếp dẫn quan vào bắt tướng Castries. Sau này lại vào tham gia cả chiến dịch trước đó là biên giớí, rồi Điện Biên Phủ.

Sau đó vào Nam chiến đấu trong thời "chống Mỹ" đó. Ảnh ở trong Nam đến hơn 10 năm. Thế kể chuyện tin ổng bị bắt là tin vịt sau này phải đính chính đó. Sau này ổng làm trưởng ban Văn Hóa Văn Nghệ Trung ương cởi trói để cho Nguyên Ngọc, rồi cho bao nhiêu chuyện khác Nguyễn Huy THiệp, Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương, v.v.

Anh Võ Bá Cường này là người rất quý mến, đã bám chặt và đã từng một thời dưới sự chỉ huy của ông Trần Độ. Anh viết với tấm lòng quý mến ông Trần Độ. Võ Bá Cường còn hẹn sẽ ra tiếp theo nữa bởi vì đây mới chỉ nói đên thời kỳ là năm 1975, khi kết thúc xong cuộc chiến tranh thôi. Còn ở cương vị của ông ở phần sau còn lý thú hơn nữa.

Mặc Lâm: Thưa ông, chúng tôi cũng được biết ông là một trong những người bạn của Tưóng Trần Độ, xin ông có thể cho biết một vài kỷ niệm của ông vớí ông ấy không ạ?

Bùi Tín: Tôi nhớ là ảnh đã gọi điện sang cho tôi và nói là "Tao đã được khai trừ". Ảnh cười rất là khoái chí. Thời ký ổng đấu tranh cho dân chủ rất quyết liệt và từ đó dòi hỏi dân chủ và thay đổi lãnh đạo, từ độc quyền độc đảng sang đa nguyên đa đảng, rồi đi đến chỗ ổng bị khai trừ, thì ổng nói là "Tôi đã được khai trừ" chứ không bị khai trừ.

Nhất là cuốn Nhật Ký Rồng Rắn mà ảnh viết trước khi mất là năm 2002, là năm đầu thế kỷ và năm cuối thế kỷ, cái đó mới nói lên cái bức xúc, cái ý kiến mạnh mẽ của ổng đối với độc đảng như thế nào, còn những kiến nghị về dân chủ thì rất triệt để. Thế thì cái này ta sẽ chờ cuốn sách tiếp nữa. mới bàn thảo được.

Mặc Lâm: Quý vị vừa theo dõi cuộc nói chuyện với ông Bùi Tín về tác phẩm mang tên "Chuyện Tướng Độ" của tác giả Võ Bá Cường.

Chúng tôi cũng xin được nhắc lại tất cả những ý kiến của nhà báo Bùi Tín trong bài viết hôm nay không nhất thiết là quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Chương trình văn học nghệ thuật kỳ này xin được chấm dứt nơi đây. Hẹn quý thính giả vào chương trình kỳ tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.