Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
Trong chương trình hôm nay Mặc Lâm tiếp tục đề tài phim ảnh mà hai kỳ vừa rồi quý vị đã nghe hai đạo diễn trong nước là Phan Huyền Thư và Đỗ Minh Tuấn nói qua những kinh nghiệm của họ về sản xuất một bộ phim tại Việt Nam như thế nào.
Kỳ này Mặc Lâm xin quý vị tạm rời Việt Nam để nghe một người bạn trẻ đang theo học ngành đạo diễn phim tại Hoa Kỳ để biết thêm cách thức thực hiện một bộ phim tại khu thánh địa phim ảnh của thế giới là Hollywood.
Kính thưa quý vị, để đào tạo những con người trực tiếp tham dự vào việc sản xuất phim, Hollywood đã liên kết với các trường chuyên nghiệp về ngành điện ảnh để hướng dẫn sinh viên làm việc trực tiếp với nền công nghệ phim tại các studio trong khuôn viên bao la của mình.
Một trong những sinh viên Việt Nam đang theo đuổi chương trình này là Roland Nguyễn hiện đang theo học năm cuối cùng tại trường Đại Học Southern California về bộ môn đạo diễn phim. Chúng tôi có cuộc trao đổi với anh xoay quanh đề tài là một người sinh viên phải học bao lâu và học bằng cách nào để trở thành một đạo diễn chuyên nghiệp. Mời quý vị theo dõi. Mặc Lâm : Trước tiên xin cảm ơn Roland đã dành thời gian cho buổi nói chuyện ngày hôm nay. Xin Roland cho biết là để bắt đầu một cuộn phim thì điều gì mình cần phải có trước tiên?
Roland : Mình phải có một ý tưởng thật rõ ràng là tại sao mình muốn làm.
Mặc Lâm : Và điều gì mình sẽ làm tiếp sau khi mình có ý tưởng? Chẳng hạn như diễn viên nào sẽ phù hợp với vai diễn hay cuộn phim sẽ được thực hiện dưới hình thức nào và thể loại gì, phải không?
Roland : Có ý tưởng đó rồi thì mình phải v iết một kịch bản. Kịch bản khác với tiểu thuyết tại vì mình viết rất là nhanh, mình không cần describe (diễn tả), mình không cần giải thích nhiều. Tại vì sự giải thích trong phim ảnh là do đạo diễn chứ không do kịch bản. Thường người ta viết kịch bản khoảng một năm trời. Có người viết rất là nhanh, viết mấy tuần là xong, nhưng mà phải viết đi viết lại thì mất ít nhất 9 tháng đến một năm. Phải viết đi viết lại.
Mặc Lâm : Thường các nhà tài trợ rất khó khăn trong việc đầu tư cho một cuốn phim. Ngay cả những người đã nổi tiếng rồi đó mà đôi khi cũng vẫn bị từ chối. Là một sinh viên mới ra trường thì làm sao có thể tìm được nguồn tài trợ? Và để tìm nguồn tài trợ lớn như vậy thì sinh viên phải bắt đầu từ đâu?
Roland : Mình có kịch bản rồi đó thì mình có thể đưa cho người ta đọc, đưa cho những nhà làm phim, nhà sản xuất, những người đầu tư. Ai mà muốn bỏ tiền ra làm cái phim đó thì mình phải cũng như là mình bán, gọi là pitch (mình pitch cái phim đó).
Có nhiều cách "pitch". Có nhiều người họ quen người ở trong Hollywood, họ quen mấy nhà sản xuất thì họ đưa kịch bản để nhờ phân phối đến các nhà đầu tư. Nếu mình có kinh nghiệm, tức đã làm phim rồi mà còn đang đi học thì mình có thể làm mấy phim ngắn. Bấy giờ phim ngắn đó giống như kịch bản của mình, rồi mình đưa ra.
Người mà không làm phim thì họ không có kinh nghiệm đọc kịch bản, cho nên họ đọc kịch bản họ không hiểu. Nhưng nếu mình đã làm một phim ngắn, mình nói đây, cái phim ngắn này nó là cái style của mình. Mình đạo diễn những câu chuyện mình thích, kể cho khán giả thấy trong phim ngắn. Vậy nếu làm được một phim truyện dài thì nó sẽ theo cái style của mình ở phim ngăn này. Mình dùng mọi cách để mình có người muốn đưa tiền ra để làm cái kịch bản của mình thành phim.
Ban đầu coi như là khó nhứt tại vì có người muốn bỏ tiền ra nhưng họ nói "Tôi thích kịch bản này nhưng tôi muốn đổi chi tiết này" thì mình phải viết lại sao cho họ đồng ý để đưa tiền cho mình làm phim. Cái đó gọi là development, tức là trong lúc mình viết đi viết lại mà mình tìm funding thì nó gọi là development.
Có nhiều phim ở Mỹ là 5 năm trời, 10 năm trời cũng chưa development xong. Có nhiều anh viết kịch bản chuyên nghiệp, viết kịch bản rất là hay nhưng mà bán xong rồi song phim vẫn không được làm vì nó đang ở trong development.
Sau khi mình có funding để mình làm phim rồi thì thường mình quay phim (gọi là production) khoảng từ 2 tháng đến 3 tháng. Quay xong thì mình vô cái post-production lúc mình dựng phim, edit, rồi sau đó mình làm âm thanh. Cái đó cũng khoảng 5-6 tháng mới xong. Đó là nói trung bình thôi.
Khi mình có phim rồi thì nhiệm vụ của đạo diễn kể như là xong. Sau khi mình có cái phim rồi đó thì nhiệm vụ của mình xong. Nhưng mà mình phải tìm người để distribute, tức mình đưa cái phim của mình đi tham dự mấy liên hoan phim, hay là mình gửi đi cho nhà phân phối, mấy nhà distributor muốn mua đó. Mình chiếu được phim của mình càng nhiều càng tốt. Lúc đó người ta coi phim của mình mà người ta thích thì người ta nói "Ờ, ờ tôi sẽ mua cái phim của anh. Tôi sẽ tìm funding cho anh làm thêm cái phim khác". Cái đó cũng rất là khó. Có thể ngưòi ta nói khó hơn là tìm cái funding đầu.
Mặc Lâm : Thông thường thì một cuốn phim trên thị trường hiện nay cần đến rất là nhiều chuyên viên như là hoá trang, ánh sáng, quay phim, hay là những người chuyên môn trong các lãnh vực khác như là tìm kiếm đạo cụ v.v. Như vậy những chi phí này thì ai là người chịu trách nhiệm? Có phải là đạo diễn không?
Roland : Nếu mình là đạo diễn thì thường mình có một người producer. Tiếng Anh mình gọi là producer nhưng mà tiếng Việt củarmình hình như gọi là chủ nhiệm. Chủ nhiệm là người project manager của phim vậy. Giống như là chef (xếp) của phim về những điều không phải là ...... chẳng hạn như là một ngày quay phim khoảng 12 tiếng (ở Mỹ nó giới hạn là một ngày phải 12 tiếng) thì mình phải tìm đồ ăn, tìm những đoàn phim, trả tiền lương cho đoàn phim, v.v. thì cái đó producer (chủ nhiệm) lo.
Có thể nói 3 cái vai rất là quan trọng: (1) người viết kịch bản, (2) đạo diễn, (3) chủ nhiệm. Ba người đó có thể nói họ là quan trọng nhứt. Trong khi làm phim người chủ nhiệm sẽ lo cái gọi là DP (photographer), ở Việt Nam gọi là quay phim, nhưng họ là nhóm camera, thì mình phải tìm DP, rồi DP thường họ đem đoàn phim của họ, tại họ làm chung với system cameraman (caraman 1, 2, 3). Mình thuê một DP thì họ sẽ thuê thêm đoàn phim của họ.
Bên đạo diễn thì mình cần thuê system director, mình cần thuê costom designer. Thường mấy chi tiết như tiền lương, tiền ăn, rồi mình làm bao nhiêu một ngày, mình làm bao nhiêu, rồi quay mấy ngày v.v. thì cái đó đạo diễn và chủ nhiệm phải ngồi bàn cái đó.
Mặc Lâm : Trong khi Roland theo học tại trường thì họ có tổ chức các cuộc field-trip để sinh viên thực tập hay là làm đạo diễn tại những phim trường nổi tiếng hay không? Và công việc này có thường xuyên hay không?
Roland : Cái đó rất là quan trọng, chẳng hạn như quay phim đắt tiền nhứt vì mình phải có tiền phim, máy quay, phải có tiền đèn. Nếu mà thầy của mình dẫn mình đi một cáí field-trip như vậy, đi coi cũng như là television một nhà sản xuất, máy quay. Đi một cái field-trip như vậy thì mình quen được những người làm trong cái công ty đó. Họ rất muốn làm quen với sinh viên, vì sau này nếu mình chọn máy quay đó là họ sẽ có rất là nhiều tiền đổ vô cho họ. Nhiều lúc mình là sinh viên hay là mình mới ra trường và mình làm cái phim truyện đầu tay là mấy cái hãng quay phim họ sẽ cho mình discount rất là lớn, tại vì họ muốn xây dựng mối liên hệ.
Ngành phim ảnh là một ngành professional chứ không phải là academic, cho nên nói chung là mấy trưòng dạy về phim ảnh mà làm phim thì họ rất trọng điều mình làm quen với người khác. Cũng tuỳ trường thôi nhưng mà USC chẳng hạn là một cái trường mà Hollywood khuyên mình nên tham dự mấy liên hoan phim, nó dạy mình cách nào để mình gặp người ta mình nói chuyện, bằng cách nào mình đưa ra cái ý tưởng của mình, và mình pitch bằng cách nào, v.v. Cái đó rất là quan trọng.
Mặc Lâm : Chương trình mà bạn đang theo học hiện nay thì thời gian để hoàn thành môn đạo diễn phim là bao lâu? Và trong chương trình này có buộc một đạo diễn biết luôn các lãnh vực viết kịch bản hay những kiến thức có liên quan khác với ngành diện ảnh hay không?
Roland : Thường thì chương trình về phim ảnh là khoảng 3 năm. Em học ở Berkely một năm về lý thuyết, còn USC là 3 năm. Hơn 90% người đi học phim ảnh là muốn ra làm đạo diễn, nhưng trong khi đang học thì sẽ có rất là nhiều người biết là mình không có năng khiếu về đạo diễn mà là về quay phim chẳng hạn, hay là về dựng phim, hay là về viết kịch bản, hay là về makeup hay là production gì đó.
Tuỳ trường, còn trường USC thì nó là trường Hollywood nên nó muốn đưa ra những người vô mấy ngành như vậy đó, thì nó cho mình học về mọi thứ. Sau năm thứ nhì mình mới bắt đầu chuyên vô ngành của mình như học về đạo diễn, hay học về quay phim, hay học về thiết kế (production design). Cũng có người vừa học đạo diễn vừa học viết kịch bản, dựng phim. Nhưng mà một phim anh coi xong thấy mấy trăm người làm cái phim đó thì không cách nào mình học được hết cả cái đó, nhưng mà đạo diễn là một người phải biết hết, phải biết một chút về mọi cái department.
Mặc Lâm : Hiện nay công nghệ phần mềm đã tiến vượt bực và giúp cho các nhà làm phim những kỹ năng tạo hình, những kỹ xảo rất là tinh vi, liệu một đạo diễn có cần phải biết hết cả những chức năng của các phần mềm như photoshop hay là maya để hợp tác với các chuyên viên kỹ thuật .... hay không ạ?
Roland : Hai cách mình có thể làm. Thường mình muốn làm những phim có kỹ xảo như vậy thì cũng có lớp dạy mình mấy cái đó. Nhưng trên nguyên tắc là đạo diễn thì mình không cần học mấy chi tiết đó tại vì mình sẽ có một người rành photoshop, rành mấy chương trình phần mềm kỹ xảo đó. Trên nguyên tắc, đạo diễn không cần biết mấy cái đó. Đạo diễn chỉ cần biết cách nào mình diễn tả được ý tưởng của mình cho người khác hiểu.
Mình có thể điều chỉnh. Cái đó là trên nguyên tắc thôi, nhưng mà thực tế thì làm đạo diễn mà càng rõ mấy cái đó thì càng tốt. Cũng như nếu mình đưa ra cái ý tưởng mà tự mình biết nó sẽ rất là khó thì nếu mình nghĩ cái gì cũng dễ thì mình nói "Ờ làm cái này ngày mai tôi coi", nhưng nếu thực tế mình đưa ra cái ý tưởng khó và mình biết là nó khó thì mình có thể nói "Ờ, tôi biết cái này khó. Thay vì ngày mai tôi coi thì để hôm sau". Đó là thí dụ thôi.
Mặc Lâm : Xin cảm ơn Roland về cuộc nói chuyện ngày hôm nay.
Chương trình Văn Học Nghệ Thuật tuần này Mặc Lâm xin được phép dừng lại tại nơi đây. Hẹn gặp lại quý vị vào chương trình tuần tớí cũng trên băng tần thường lệ phát thanh vào sáng chủ nhật hàng tuần của Đài Á Châu Tự Do.