Phương pháp sáng tác hiện thực Xã hội chủ nghĩa (phần 2)


2006.08.27
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp

Nguyễn An, phóng viên đài RFA

Cuối chương trình là tạp chí Văn Học Nghệ Thuật, kỳ này là phần hai cuộc trao đổi giữa BTV Nguyễn An của ban Việt ngữ và nhà văn Tam Nguyên ở trong nước về phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa mà ông cho là nguyên nhân chính, khiến văn học Việt Nam suốt mấy chục năm trời hiếm khi có sáng tác nào đạt được mức, mà ông nói ngang tầm thời đại.

BenKiaBoAoVong150.jpg
Tác phẩm Bên Kia Bờ Ảo Vọng của nhà văn Dương Thu Hương được dịch sang tiếng Nhật.

Nguyễn An: Thưa nhà văn Tam Nguyên, hồi giữa thập niên 1980, khi ông Nguyễn Văn Linh là tổng bí thư đảng Cộng sản, thì có nghị quyết 5 tức là nghị quyết cởi trói cho văn nghệ. Nếu nghị quyết ấy tiếp tục được thực hiện, thì văn học Vịêt Nam sẽ có những tác phẩm ngang tầm thời đại, phải không?

Nhà văn Tam Nguyên: Đúng. Thời đó, văn học Việt Nam khởi sắc được mấy năm. Nhiều tác phẩm mà tôi cho là ngang tầm thời đại đã được ra đời, nhưng tiếc là nghị quyết bị thu hồi ngay. Trong những tác phẩm của giai đoạn này, có những tác phẩm của Dương Thu Hương như là “Bên kia bờ ảo vọng” hay “Những thiên đường mù”.

Những tác phẩm ấy thời đó đã in được hàng chục ngàn cuốn, phải nói là hết sức thắng lợi, so với hiện nay một tác phẩm hay cũng chỉ in được một nghìn hay một nghìn rưởi cuốn là nhiều. Chủ yếu là những tác phẩm của Dương Thu Hương nói lên được những điều rất bức xúc, những điều rất thật trong xã hội ta, nhưng nó chạm, chạm lung tung đến các ông ấy, mà chạm là các ông ấy đi thu hồi lung tung hết.

Sau này thì Bùi Ngọc Tấn cũng viết theo đường lối như Dương Thu Hương thì bị chặn ngay. Phải thay đổi như ông Nguyễn Văn Linh đã đề ra hồi đó, nhưng chỉ được vài năm thì các thế lực thủ cựu lại hạ bệ cái cởi trói ấy, phá bỏ cái chủ trương của ông Linh đi, và lại…như cũ, tức là lại …trói lại.

Nguyễn An: Ông phân tích thì thuyết phục, nhưng vấn đề là phải giải quyết cái tình trạng này như thế nào? Quan điểm của Maxim Gorki cho đến nay đã hơn 80 năm mà không lẽ lại cứ vẫn là nguyên tắc chỉ đạo hay sao?

Thời đó, văn học Việt Nam khởi sắc được mấy năm. Nhiều tác phẩm mà tôi cho là ngang tầm thời đại đã được ra đời, nhưng tiếc là nghị quyết bị thu hồi ngay. Trong những tác phẩm của giai đoạn này, có những tác phẩm của Dương Thu Hương như là “Bên kia bờ ảo vọng” hay “Những thiên đường mù”.

Nhà văn Tam Nguyên: Thưa ông hiện nay, theo tôi biết thì trong thâm tâm các nhà văn không thích viết như thế nữa vì viết như thế nó không sáng tạo được cái gì. Tác phẩm nào cũng như tác phẩm nào. Tác phẩm nào cũng giống nhau, thì không phải là văn học nghệ thuật nữa rồi!

Bây giờ thì tôi cũng như các anh em văn nghệ sĩ thì cứ cố mà lách một tí, cho nó gột rửa bớt cái gọi là hiện thực xã hội chủ nghĩa đi. Tuy nhiên, toàn bộ các nhà văn mà đứng lên đồng loạt nói là bỏ phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa đi thì chưa ai dám nói như thế.

Trong thâm tâm các ông lãnh đạo thì cũng biết rằng hiện thực xã hội chủ nghĩa là lạc hậu rồi, nhưng bảo rằng hô hào, các đồng chí nhà văn ơi bỏ nó đi, thì không ông nào dám nói cả, vì ông lãnh đạo trên nữa lỡ mà cho thẻ đỏ một cái thì lại chết, chết ngay thôi. Thế mới khổ chứ!

Nguyễn An: Nếu mọi người đều thấy thế cả, thì chuyện thay đổi chỉ còn là vấn đề thời gian thôi.

Nhà văn Tam Nguyên: Vâng, tôi tin rằng thế nào cũng xoá bỏ được cái này. Thời gian thôi, một tháng, một năm, người này bỏ đi một ít, người kia bỏ đi một ít…Thực ra thì cũng có những tác phẩm viết về một dòng họ, và có nói đến cải cách ruộng đất cũng đã chịu cho in rồi, nhưng tất nhiên là cũng có góp ý cho nhà văn chẳng hạn như không nên để cho nó máu mê, xử án xử ung này khác. Thế nhưng đã bắt đầu có những dấu hiệu để cho nó hơi thoáng một chút rồi.

Nguyễn An: Theo như ông nói thì nếu tác phẩm không theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa thì sẽ bị ngăn chặn. Nhưng ngăn chặn thì ngăn chặn như thế nào?

Nhà văn Tam Nguyên: Chủ yếu là từ biên tập, từ đội ngũ biên tập, từ nhà xuất bản. Nếu nhà xuất bản đọc, rồi lấy đèn đỏ chính trị chiếu vào thấy chỗ này phạm, chỗ kia phạm thì gạt ra thôi! Họ góp ý với tác giả, nếu mà chịu sửa thì cho in sớm, còn nếu không thì cứ ngâm dài dài, Thế.

Còn lỡ tác phẩm nào may mà lọt lưới thì lại đi thu hồi. Chẳng hạn ở Sàigòn vừa rồi có tập thơ tên là “Dự báo phi thời tiết,” in rồi lại thu hồi vì thấy không thích hợp. Hay như tác phẩm “Chuyện kể năm 2000” của anh Bùi Ngọc Tấn cũng vậy. Ông Tấn ông ấy đang đe kiện thứ trưởng bộ văn hoá thông tin về cái chuyện ấy, thu hồi bất hợp pháp. Chuyện của ông ấy không kích động nổi dậy chống phá chế độ, mà cũng không kích dâm, đồi truỵ mà tịch thu là phạm luật rồi.

Nguyễn An: Chúng ta đã thảo luận về phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa trong văn học Vịêt Nam. Phương pháp ấy cùm trói sức sáng tạo và khiến Việt Nam không có những tác phẩm hay. Nhưng dấu hiệu tích cực là hiện nay ai cũng biết điều đó, dù rằng chưa ai dám nói ra công khai thôi.

Còn lỡ tác phẩm nào may mà lọt lưới thì lại đi thu hồi. Chẳng hạn ở Sàigòn vừa rồi có tập thơ tên là “Dự báo phi thời tiết,” in rồi lại thu hồi vì thấy không thích hợp. Hay như tác phẩm “Chuyện kể năm 2000” của anh Bùi Ngọc Tấn cũng vậy. Ông Tấn ông ấy đang đe kiện thứ trưởng bộ văn hoá thông tin về cái chuyện ấy, thu hồi bất hợp pháp. Chuyện của ông ấy không kích động nổi dậy chống phá chế độ, mà cũng không kích dâm, đồi truỵ mà tịch thu là phạm luật rồi.

Nhà văn Tam Nguyên: Đúng, chưa ai nói ra thôi. Cũng có người làm cái này cái khác để chứng tỏ rằng cái phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa là lỗi thời rồi.

Đại khái bây giờ nó là như thế này: tất cả nhà văn đều nhận thấy rằng phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa là dở rồi, và bây giờ họ đang cố gắng đi đúng theo đường lối sáng tác như thế giới đã làm vì ta hội nhập vào với thế giới thì cũng phải theo đường lối như thế giới đã làm chứ.

Tình hình chung của các nhà văn là như vậy. Cho đến giờ cũng đã có khá nhiều tác phẩm đạt đấy, cũng nhờ ban biên tập bây giờ không nghiệt ngã, không gay gắt đòi hỏi phải hiện thực xã hội chủ nghĩa như mấy chục năm trước nữa rồi. Họ để cho nhà văn được thoáng một chút. Tuy nhiên, vẫn chưa đến mức độ bùng phát, tung hê tất cả đâu.

Nguyễn An: Vậy thì chưa cởi trói, nhưng bây giờ thì đã “nới trói”, có thể dùng chữ đó được không?

Nhà văn Tam Nguyên: Vâng, có thể nói như thế. Chưa cởi hẳn, nhưng có nới.

Nguyễn An: Xin cảm ơn nhà văn Tam Nguyên.

Theo dòng câu chuyện:

- Phương pháp sáng tác hiện thực Xã hội chủ nghĩa (phần 3)

- Phương pháp sáng tác hiện thực Xã hội chủ nghĩa (phần 1)

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.