Hậu giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2006


2006.11.12

Minh Thùy, phóng viên đài RFA

Thưa quý thính giả, ngày 13.10 vừa qua Hội nhà văn Việt Nam đã công bố trao giải thưởng năm 2006 cho tập thơ ‘Thương lượng với thời gian’ của Hữu Thỉnh; truyện ‘Cánh đồng bất tận’ của Nguyễn Ngọc Tư; và tặng thưởng cho các tác phẩm ‘Thượng Đức’, tiểu thuyết của Nguyễn Bảo; ‘Gia đình bé mọn’, tiểu thuyết của Dạ Ngân; ‘Paris 11 tháng 8’, tiểu thuyết của Thuận và ‘Lô lô’, tập thơ của Ly Hoàng Ly.

LyHoangLy150.jpg
Nhà thơ Ly hoàng Ly, từ chối tặng thưởng HNVVN vì "không thấy sự nghiêm túc".

Tuy nhiên đến nay giới văn học trong nước vẫn tiếp tục đưa ra những ý kiến khác nhau về việc bình chọn xét giải của Hội nhà văn Việt Nam. Minh Thùy nói chuyện về đề tài này với nhà phê bình Phạm xuân Nguyên, làm việc tại viện Văn học thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam, ông cũng là phó chủ tịch Hội nhà văn Hà nội.

Minh Thùy: Dư âm về giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam (HNVVN) đến hôm nay vẫn chưa chấm dứt, hầu như giới văn học trong nước đều bày tỏ sự bất đồng ý kiến, không tâm phục với quyết định của Hội nhà văn. Sự kiện này không phải mới xảy ra, hình như năm nào khi HNVVN công bố quyết định giải thưởng đều có tiếng nói phản bác, như vậy là tại sao, thưa anh?

Phạm xuân Nguyên: Giải thưởng thường niên của HNVVN bắt đầu từ năm 1979, gần 30 năm qua có những thành tựu nhất định, ghi được dấu ấn là đã trao giải thưởng cho một số tác phẩm có giá trị.

Đặc biệt năm 1991 đã trao giải thưởng cho tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, tập Lý luận và Văn học của Lê ngọc Trà, hay cuốn Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn khắc Trường, Bến không chồng của Dương Hướng, đã làm sáng giá cho Hội nhà văn.

Nhưng mấy năm gần đây thì có vấn đề khiến mọi người cảm thấy việc xét giải chưa tinh lắm, chưa chọn lọc lắm, hơi nặng về số lượng.

Thiên vị hay nể nang, tôi cho là có. Nhất là năm nay, gần như một giọt nước làm tràn ly gây phản ứng, vì năm nay giải thưởng lại trao cho ông chủ tịch Hội nhà văn, như vậy là ông chủ tịch đã 3 lần ăn giải của Hội nhà văn.

Minh Thùy: Dường như từ năm 2003 thì việc trao giải thưởng bắt đầu có nhiều vấn đề gay gấn, làm xôn xao dư luận nhiều hơn?

Phạm xuân Nguyên: Năm 2003 lần đầu tiên có người từ chối giải thưỏng, đó là nhà văn Hồ anh Thái, tác phẩm “Tự sự 265 ngày’’ của anh bị xếp vào tặng thưởng. Cơ cấu giải thưởng của HNVVN khá lộn xộn, năm thì trao giải đồng hạng, không có thứ bậc, năm thì có giải thưởng A,B,C, mấy năm gần đây thì có giải thưởng và tặng thưởng.

Đến năm nay thì nhà thơ Ly hoàng Ly cũng từ chối tặng thưởng, vậy là tại sao? Vì người ta cảm thấy cách xét giải, trao giải chưa công bằng, chưa chính xác, chưa thật sự trao giải thưởng xứng đáng cho tác phẩm.

Minh Thùy: Hình như có sự thiên vị trong việc xét giải thưởng?

Phạm xuân Nguyên: Thiên vị hay nể nang, tôi cho là có. Nhất là năm nay, gần như một giọt nước làm tràn ly gây phản ứng, vì năm nay giải thưởng lại trao cho ông chủ tịch Hội nhà văn, như vậy là ông chủ tịch đã 3 lần ăn giải của Hội nhà văn.

Điều quan trọng hơn theo tôi là tập thơ Thương lượng với thời gian của ông Hữu Thỉnh, tức là chủ tịch Hội, so với các tác phẩm khác thì không xứng đáng được giải.

Minh Thùy: Anh có nhận xét gì khi HNVVN trao giải thưởng cho tác phẩm Cánh đồng bất tận với lý do là tác phẩm đó gây hiện tượng trong năm?

Phạm xuân Nguyên: Đìều này khi công bố đã làm giới văn học và bạn đọc đều ngạc nhiên, khó hiểu và tự hỏi tại sao không trao giải thưởng cho phẩm chất, chất lượng nghệ thuật của tác phẩm, mà là vì tác phẩm gây được hiện tượng trong năm?

Bởi vì truyện Cánh đồng bất tận của Nguyễn ngọc Tư xuất hiện năm ngoái đã trở thành hiện tượng trong đời sống văn học, có phần nào về chính trị. Nhưng theo tôi tác phẩm này là một thành công, bước tiến mới của Nguyễn ngọc Tư.

PhamXuanNguyen200.jpg
Nhà phê bình Phạm xuân Nguyên, phó chủ tịch HNV Hà Nội.

Tôi cảm giác ở đây như là vừa xoa dịu, vừa né tránh, tức là không thể không thừa nhận Nguyễn ngọc Tư, nhưng muốn né tránh nên nghĩ ra cách trung dung, một tiêu chí mới là tác phẩm gây được hiện tượng văn học trong năm?

Hiện tượng, hiểu theo nghĩa là gây được dư luận, gây ra sự bàn tán khen chê, thì Bóng đè của Đỗ hoàng Diệu cũng gây được hiện tượng không kém. Những thắc mắc này có lẽ chỉ có Hội đồng chung khảo mới trả lời thỏa đáng, nếu như họ có được câu trả lời.

Minh Thùy: Năm nay sau khi tuyên bố quyết định giải thưởng vừa xong thì HNVVN lại có ý kiến là thật sự không có tác phẩm nào nổi trội. Như vậy cách làm việc, xét giải của HNV như thế nào? Riêng đối với tập thơ Lô Lô của nhà thơ Ly hoàng Ly được hội đồng thơ đồng ý trao giải thưởng, nhưng Ban chung khảo lại phản bác, chọn tập thơ của ông chủ tịch HNV là Hữu Thỉnh, phải chăng điều này đã gây bất đồng trong HNV?

Phạm xuân Nguyên: Đây chính là vấn đề gây phản ứng. Cách thức xét giải của HNVVN là chọn lọc trong các tác phẩm ra từ năm trước qua sự giới thiệu của các nhà xuất bản, báo chí và hội viên, trong đó có các hội đồng thơ, văn xuôi, lý luận phê bình, dịch thuật, bỏ phiếu chọn lựa và đưa lên hội đồng chung khảo gồm có ban chấp hành, 4 ông chủ tịch hội đồng và mời thêm vài người. Năm nay ông Phan hồng Giang là người được mời xét giải.

Sau bài báo của tôi trên báo Thể thao văn hóa, báo này cũng phỏng vấn ông Phan hồng Giang, thì ông đã trả lời là: “không có tác phầm nổi trội’’, nhưng xét thấy tập thơ Thương lượng thời gian cũng là bước tiến so với ông ấy’’. Nhà thơ Ly hoàng Ly thấy là không có sự nghiêm túc, quyết định viết đơn từ chối tặng thưởng.

Bạn đọc cũng cảm thấy Hội đồng chung khảo làm việc không nghiêm túc, nếu không có tác phẩm nổi trội thì không cần trao giải. Tập thơ Lô Lô ở Hội đồng thơ được phiếu cao hơn tập thơ của Hữu Thỉnh, như vậy kết quả của Hội đồng chuyên môn không được tôn trọng, không có ý nghĩa quyết định, bởi vì người có quyết định sau cùng là của ban chấp hành.

Điều này nhà thơ Chim Trắng và Thanh Thảo ở hội đồng thơ đã phát biểu thẳng trên báo. Như vậy người ta suy nghĩ: cách thức chấm giải không nghiêm túc, có thiên vị, nể nang như vậy là giải thưởng không xứng đáng, do đó người được trao giải không lấy làm vinh dự, nếu không nói là bị xúc phạm.

Minh Thùy: Nhà thơ Chim Trắng và Thanh Thảo thuộc hội đồng thơ đã không tham dự được buổi chung kết xét giải vì HNVVN trả lời rằng “không có tiền đài thọ chuyến đi cho hai người ra Hà nội’’ vì thế hai người phải bỏ phiếu bằng...miệng qua điện thoại !? Chính nhà thơ Thanh Thảo cũng nói rằng: “ Tôi không bỏ phiếu cho ông Hữu Thỉnh vì... thương ông ấy.’’ Nhưng ông chủ tịch vẫn được giải. Theo tôi giải thưởng năm nay có nhiều vấn đề kỳ lạ và độc đáo, tôi chưa từng biết có một giải thưởng nào lại trao cho người trong ban xét giải, hơn nữa đó lại là chủ tịch của Hội nhà văn đang bình chọn giải thưởng. Vậy theo anh, giải thưởng văn học VN muốn đạt được giá trị cao đẹp, có tính văn học đích thực, thì việc xét giải cần có những tiêu chuẩn nào?

Phạm xuân Nguyên: HNVVN là một tổ chức nghề nghiệp lớn nhất nước, mang địa vị của quốc gia. Nói gì thì nói giải thưởng này được trông chờ và có tầm vóc cả nước. Vì thế phải cải tiến cách thức xét giải, theo tôi thì mỗi nhiệm kỳ 5 năm của HNV cần có một hội đồng xét giải riêng.

bookcanhdongbattan150.jpg

Các thành viên của Hội đồng xét giải không tham dự giải thi hằng năm. Giải chỉ trao cho mỗi tác giả một lần, tôi rút kinh nghiệm từ giải Goncourt của Pháp, tức là mỗi tác giả trong đời mình, chỉ được xét và nhận giải một lần, mỗi bộ môn chỉ trao cho một tác phầm không phân chia thứ hạng, nếu bộ môn nào: văn, thơ, dịch, lý luận phê bình không có tác phầm xứng đáng thì không trao.

Vì một nền văn học, vì sự phát triển của văn chương, cần đề cao tính trách nhiệm đó thì mới bảo đảm cái độ đúng đắn, độ chính xác tương đối cao nhất của giải thưởng. Bây giờ mong chờ sự tiếp thu, sự thay đổi của HNVVN thì không biết đến bao giờ và tôi ngờ rằng rất chậm.

Minh Thùy: Xin cám ơn nhà phê bình Phạm xuân Nguyên.

Theo dòng câu chuyện:

- Về công tác phê bình văn học

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.