Họa sĩ Nguyễn Quỳnh được Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ tức VAALA cùng trường đại học cộng đồng Cypress ở nam California đồng tổ chức một cuộc trưng bày tranh và nói chuyện vể hội họa. Tạp chí Văn Học Nghệ Thuật của Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do xin gửi đến thính giả một số chi tiết về cuộc triển lãm đặc sắc này.
Là một trong số các sáng lập viên của Hội Hoa Sĩ Trẻ Việt Nam, họa sĩ Nguyễn Quỳnh đã nổi tiếng từ những năm đầu thập niên 60. Tranh ông được giới thưởng ngọan thế giới tạo hình ngưỡng mộ vì được vẽ với kỹ thuật rất cao. Sự điêu luyện hiển lộ trên khung vải, không những chứng tỏ bản lĩnh của ông khi cầm cọ mà còn chứng tỏ kiến thức tận tường của ông trong lãnh vực hội họa.
Ông đã từng dạy về hội họa cho những trường đại học tại Mỹ cũng như diễn thuyết và triển lãm tranh tại nhiều nơi. Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ, một tổ chức tích cực họat động trên các lãnh vực nhân văn, nghệ thuật ở vùng Nam California, cùng với đại học Cypress College đã tổ chức một cuộc triển lãm kéo dài trong 2 tuần lễ cho Nguyễn Quỳnh. Cuộc triển lãm mang chủ khai mạc vào hôm Thứ Bảy 14 tháng 8 chấm dứt vào ngày 22 tháng 8 với buổi nói chuyện bằng hai thứ tiếng do họa sĩ Nguyễn Quỳnh thực hiện bằng hại thứ tiếng Anh- Việt ở Cypress College Fine Arts Gallery.
Cô Y Sa, Tổng Thư Ký của Vaala đã dành cho tạp chí một cuộc phòng vấn ngắn về sinh họat này
Phạm Điền: Chào cô Y Sa, năm nào Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ cũng tổ chức các sinh họat lúc thì kịch nghệ, phim ảnh, nhạc hội, lúc thì hội họa, triễn lãm sách báo. Đây là sinh họat thứ mấy của Vaala năm nay?
Y Sa: Kính chào quý thính giả của RFA. Đây được xem là sinh họat thứ hai của VAALA. Sinh họat đầu là kịch mang chủ đề là Love Stories do nhóm kịch Club & Noodles thực hiện và đến nay sinh họat triển lãm bắt đầu từ ngày 14 tháng 8, VAALA chúng tôi hân hạnh được giới thiệu quý vị thưởng ngọai hội họa cuộc triển lãm tranh của họa sĩ Nguyễn Quỳnh với chủ đề là Space and Time tức Không Gian và Thời Gian hiện đang được tổ chức tại Cypress College ở California.
Hiện giờ họa sĩ Nguyễn Quỳnh đang trưng bày 30 tác phẩm vẽ trong 2 thập niên qua vừa sơn dầu vừa màu nước với nhiều đề tài khác nhau. Tấm thứ nhất đã được thực hiện ngay trong năm nay.
Trong cuộc triển lãm này thì giới thưởng ngọan được xem hai lọai tranh đó là lọai trừu tượng và một lọat khác người xem có thể thấy hai thế giới thực và ảo trong tranh Nguyễn Quỳnh vì đó là hai lọat tranh mà kỳ này họa sĩ Nguyễn Quỳnh muốn trưng ra cho giới thưởng ngọan xem.
Phạm Điền: Họa sĩ Nguyễn Quỳnh là một họa sĩ nổi tiếng trong làng họa Việt Nam từ thập niên 1960 cho đến nay, hẳn buổi tiếp tân khai mạc phòng triển lãm được rất nhiều sự chú ý.
Y Sa: Thì buổi tiếp tân khai mạc được diễn ra vào Chủ Nhật vừa rồi ngày 15 tháng 8 và đã có khá đông những thân hữu của họa sĩ Nguyễn Quỳnh đến tham dự như là có các họa sĩ Khánh Trường, họa sĩ Nguyên Khai, họa sĩ Lương Văn Tỷ, Nguyễn Việt Hùng, Ann Phong rồi các nhà văn nhà báo như là Trần Dạ Từ, Nhã Ca, Đỗ Quý Tòan, nữ tài tử Kiều Chinh đều đã đến chung vui với họa sĩ Nguyễn Quỳnh, nhân dịp ông từ San Antonio, Texas, thực hiện cuộc triển lãm này.
Phạm Điền: Ngòai việc trưng bày tranh, nghe nói trong lần triển lãm kỳ này đó, họa sĩ Nguyễn Quỳnh có ý định nói chuyện với đề tài về Văn Hóa Hình Tượng.
Y Sa: Vào cái ngày cuối cùng của cuộc triển lãm tức là ngày 22 thì họa sĩ Nguyễn Quỳnh sẽ thuyết trình về đề tài Pop Art and Visual culture là Nghệ Thuật Đại Chúng và Văn Hóa Hình Tượng, thì đây là một bài nói chuyện dài khỏang 1 tiếng đồng hồ và có trình chiếu slides để minh họa cho bài nói và được thực hiện bằng hai thứ tiếng để mà thế hệ thứ nhất cũng như thế hệ thứ hai có thể đều tham dự cuộc nói chuyện này.
Phạm Điền: Thưa cô Ysa, hội họa vẫn được mọi người xem là một thứ ngôn ngữ quốc tế, trong trường hợp này thì cái giới thưởng ngọan người Mỹ xem tranh của họa sĩ Nguyễn Quỳnh, họ cảm thấy như thế nào?
Y Sa: Về người Mỹ thì chúng tôi được dịp tiếp chuyện với một vài người thì họ cũng lấy làm thích thú vì có lẽ là cũng như họa sĩ Võ Đình đã có lần nhận xét về tranh của Nguyễn Quỳnh, nó là sự kết hợp giữa Đông và Tây , thì có lẽ vậy thành ra những người bản xứ họ cũng cảm nhận được trong tranh Nguyễn Quỳnh điều nào đó mà người ta cảm thấy gần gũi chăng. Chúng tôi nhận thấy rằng có một sự thích thú. Trường thì đang vào mùa hè thành ra cũng không được đông các giáo sư lắm và khi mà họ trở lại tức là vào cuối tuần này thì sẽ nhiều người đến xem tranh của Nguyễn Quỳnh hơn. Những người trong trường đại học, còn một số người mà khách mời mà chúng tôi nhận thấy thì họ có vẻ thích thú với lọai tranh này của họa sĩ Nguyễn Quỳnh.
Phạm Điền: Thưa cô Y Sa chúng tôi tò mò muốn biết là giá cả của những họa phẩm mà họa sĩ Nguyễn Quỳnh trưng bày trong kỳ này như thế nào?
Y Sa: Về giá cả thì nói một cái range thì từ 500 mỹ kim tức bức nhỏ nhất cho đến 28 ngàn Mỹ kim. Bức 28 ngàn thực ra nó là 4 bức mà đó là một bức continous painting liên hòan tức là 4 tấm ghép lại và nó mang chủ đề chính của cuộc triển lãm này là Space and Time là không gian và thời gian. Cũng rất may là Cypress College Fine Arts Gallery có một bức tường khỏang trống lớn đủ để mà dựng cái bức tranh này lên. Bức tranh này chiếm một khỏang lớn trong phòng. Cái sự hiện diện diện của nó làm cho cuộc triển lãm tăng thêm vẻ chất lượng cũng như kỹ thuật.