Chuyện nhạc trong nước, nhạc hải ngoại
2004.06.21


Quý vị đang nghe âm điệu bản “Dường như” của Bảo Chấn. Nhạc sĩ này bị cáo giác là chép nhạc của người khác, và đây là một trong các bài bị nêu nghi vấn. Hẳn quý vị chưa quên, vụ đó bùng ra hôm đầu tháng Tư, Bảo Chấn không đưa ra được bằng chứng mình là tác giả bản “Tình thôi xót xa” và bản “Dường như” cũng không trả lời thoả đáng cho những câu hỏi là sao chúng lại quá giống nhạc bản “Frontier” và “Crescendo” của Keiko Matsui.
Giống từ giai điệu, hòa âm, luôn cả phần đàn dạo đầu nữa. Keiko Matsui là một nữ nhạc sĩ nổi tiếng trên trường quốc tế.
Để xem xét vấn đề, ban Kiểm tra của hội Nhạc Sĩ Việt Nam đã họp và làm việc với nhạc sĩ Bảo Chấn trong ba ngày 29, 30 và 31 tháng 5 vừa qua. Sau khi cùng ban Kiểm Tra nghe các nhạc bản liên hệ trong vụ này, nhạc sĩ Bảo Chấn đã phải thừa nhận: “Lần đầu tiên được nghe trọn vẹn cả ba ca khúc một lúc: - “I’ve never been to me” của Charlene người Mỹ viết vào năm 1982; - “Frontier” của Keiko Matsui viết năm 1992; và - “Tình thôi xót xa”, tôi thấy rằng đứa con tinh thần giống một trong hai ca khúc trên đến 99%. Tôi thực sự lấy làm tiếc và xin lỗi bạn nghe nhạc vì những sự cố không mong muốn này…”
Trong chương trình phát vào ngày 11 tháng Tư, Thy Nga đã trình bày cùng quý thính giả các nhạc bản đang gây tranh luận đó để quý vị thẩm định. Kỳ này, thể theo yêu cầu của một số quý vị chưa có dịp nghe, Thy Nga xin phát lại.
Tuy nhiên, vì thời lượng có hạn, chỉ có thể phát một khúc của bản nhạc mà thôi. Trước tiên, mời quý vị nghe bài
“I’ve never been to me” của Charlene (audio clip)
Kế đến, là nhạc bản “Frontier” của Keiko Matsui (audio clip)
Bây giờ thì mời quý vị nghe “Tình thôi xót xa” của Bảo Chấn (audio clip)
Quý vị nhận thấy thế nào? Ban Kiểm tra Hội Nhạc Sĩ Việt Nam thì khẳng định “Tác phẩm của nhạc sĩ Bảo Chấn có sự giống nhau với một trong hai ca khúc trên” nhưng không nói rõ là giống ca khúc nào, và ai chép của ai.
Hội ra quyết định chính thức “Cảnh cáo nhạc sĩ Bảo Chấn và thông báo đến toàn thể hội viên vì thiếu tinh thần trách nhiệm trong hoạt động nghề nghiệp, góp phần gây hậu quả xấu trong công chúng yêu nhạc.
Đề nghị nhạc sĩ Bảo Chấn tiếp tục thu thập các tài liệu liên quan tới quá trình hình thành các ca khúc của nhạc sĩ để Hội và các cơ quan chức năng có thể xem xét và làm rõ hơn khi cần thiết."
Thưa quý thính giả, Bảo Chấn còn bốn nhạc bản nữa bị đặt nghi vấn. Chưa nghe phản ứng gì từ phía Keiko Matsui về diễn biến vừa kể, nhưng người ta mong rằng hội Nhạc Sĩ Việt Nam xét xử vụ này cho minh bạch vì nó có thể phương hại tới nền âm nhạc cùng danh dự nước nhà.
“Tình thôi xót xa” ... (audio clip)
Từ “quả nổ Tình thôi xót xa”, hàng loạt nhạc sĩ trong nước bị phanh phui là chép nhạc của người khác.
Trong khi đó thì lại có chuyện một bài của nhạc sĩ Quốc Bảo mà người ta đọc thấy trên hệ thống tin VN Express, nội dung viết rằng việc sáng tác nhạc của người Việt ở hải ngoại đi đến chỗ “kiệt quệ”, ý tưởng thì nghèo nàn vì vốn tiếng Việt ít ỏi.
Thưa quý thính giả, Quốc Bảo là một nhạc sĩ trong nước hay viết các bài phê bình về âm nhạc. Bài này đưa ra chiều 24 tháng 5, có phản hồi ngay. Các ngày liên tiếp sau đó, Thy Nga đọc thấy trên VN Express 16 e-mail phản hồi gởi tới ban Văn Hoá. Trong số này, chỉ duy nhất một e-mail từ trong nước là đồng ý với Quốc Bảo.
15 e-mail kia gồm nhiều lá từ trong nước và một số ở hải ngoại, nói chung cho rằng cách đánh giá của nhạc sĩ Quốc Bảo chứng tỏ là anh ta có kiến thức nông cạn, vô tình cho người đọc thấy thành kiến của anh đối với người Việt hải ngoại, không chỉ riêng vấn đề âm nhạc.
Có các e-mail như của Vũ Phương Thúy, của Phan Tuyên khuyên Quốc Bảo hãy nhìn lại mình trước khi phê phán. Anh chỉ trích những nhạc bản mà người Việt hải ngoại chuyển sang lời Việt, là rẻ tiền; thế các bài “nửa tây nửa ta” mà anh sáng tác cho Ngô Thanh Vân hát thì sao?
Có người lại cho rằng Quốc Bảo chỉ là nhạc sĩ thị trường, ăn theo ca sĩ và người mẫu, cụ thể là Ngô Thanh Vân. Quốc Bảo từng phê phán nạn hát nhép, vậy mà ca sĩ nòi của anh cũng thế trên sân khấu.
Và ít ra là ba nhạc bản của anh còn trong vòng nghi ngờ là đạo nhạc của nước ngoài. Quý vị nghe thử bài “Ngồi hát ca bềnh bồng” của Quốc Bảo nhé
“Ngồi hát ca bềnh bồng” … (audio clip)
liệu nó có giống nhạc bản “The clock ticks on” sau đây hay không?
“The clock ticks on” … (audio clip)
Quý vị thấy sao? E-mail của một bạn trẻ gởi tới ban Văn Hóa viết rằng: “Chuyện nhạc của anh sao chép, hay không sao chép nhạc nước ngoài, tới giờ vẫn còn là dấu chấm hỏi lớn. Anh chưa lấy lại được danh dự thì xin hãy viết với lời lẽ nhã nhặn và tôn trọng người khác.”
Trong số e-mail phản đối Quốc Bảo, có một lá đề là của nhạc sĩ Huỳnh Nhật Tân. Thy Nga đã điện sang Nam California hỏi Huỳnh Nhật Tân về chuyện ấy. Anh nói rằng e-mail đó không phải do anh viết, mà có lẽ là của bạn hữu trong giới nhạc tuy nhiên, anh đồng ý với những điều viết trong đó. Anh đã thông báo chuyện này trong e-mail gởi về Việt Nam, tới ban Văn Hóa cũng như tòa soạn VN Express: (audio clip)
Và cuối cùng, trái với điều mà Quốc Bảo nói về nhạc hải ngoại; trên xứ người cũng có nhiều nhạc bản như của Diệu Hương, Mai Anh Việt, Vũ Tuấn Đức, Phạm Anh Dũng chẳng hạn, là khá hay. Nhất là Diệu Hương, một nữ nghệ sĩ nghiệp dư nhưng nhạc của cô đã góp phần làm nên tên tuổi ca sĩ Quang Dũng, và rất được người trong nước ưa chuộng, như bài “Vì đó là em”
“Vì đó là em” … (audio clip)
Trong âm thanh ca khúc “Vì đó là em” của Diệu Hương với giọng hát Quang Dũng, Thy Nga xin chấm dứt tạp chí kỳ này … Chào tạm biệt quý thính giả.