Đoàn Chuẩn - Từ Linh, tình bạn tri kỷ trong âm nhạc (phần 1)


2007.11.26

Thy Nga, phóng viên đài RFA

Vào cuối Thu, lá vàng rơi rụng khắp lối… cảnh sắc tuyệt đẹp nhưng rất đỗi mong manh, chẳng bao lâu nữa, lá sẽ tản mác bay, để lại cây cành đơn lạnh khi gió đông về.

DoanChuanTuLinhMau200.jpg
Đoàn Chuẩn sang Canada năm 1990 để thăm con trai là Đoàn Chính. Hình do gia đình cung cấp. >> Xem hình lớn hơn

Giữa khung cảnh ấy, có lẽ không gì thú vị cho bằng lặng nghe những tình khúc mùa Thu của Đoàn Chuẩn - Từ Linh, đôi bạn nghệ sĩ đã nắm bắt được những rung động của thiên nhiên để làm xao xuyến bao trái tim người nghe.

“Gửi gió cho mây ngàn bay” … Trần Thái Hòa và Quang Tuấn cùng hát …

Mục “Âm nhạc cuối tuần” này, trong vài chương trình, Thy Nga đã có gửi đến quý thính giả những ca khúc tuyệt vời ấy, cũng như viết về nhạc sĩ Đoàn Chuẩn nhưng vẫn còn nhiều điều chưa nói hết…

Cuộc hạnh ngộ Đoàn Chuẩn – Từ Linh

Trong các năm đầu kháng chiến, Đoàn Chuẩn gặp Từ Linh trong trường hợp như sau:

Thoạt tiên, Đoàn Chuẩn quen người anh nhưng rồi hợp với người em vì chú này tình tình cũng nghệ sĩ, lại có chút kiến thức về âm nhạc, thích nhiếp ảnh, yêu thiên nhiên. Hơn 4 tuổi tuy nhiên, Đoàn Chuẩn thân thiết ngay với chú em này.

“Chàng công tử Hà Thành” mang đàn đi kháng chiến, và giữa thời ly loạn, chàng không hề rũ bỏ tính chất lãng mạn của mình mà viết các nhạc bản chan chứa tình yêu.

Sáng tác đầu tay là vào mùa Thu 1947 đề tặng cô hàng cà-phê một quán trên đường tản cư.

Trong một cuộc phỏng vấn sau này, Đoàn Chuẩn cho biết là viết xong, ông liền đưa cho chú em đó xem để bàn thảo, rồi ký tên chung. Nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha thuật lại về sự xuất phát cái tên “Từ Linh”:

Thực ra, ông ấy tên là Tư. Theo như nhạc sĩ Đoàn Chuẩn nói thì ông ấy có cái tình rất lì, từ hồi bé. Bạn bè hay gọi là “Tư lì”. Độ thân của hai người này đến mức Đoàn Chuẩn rất muốn sự đóng góp đó hiện diện, và các ông nghĩ ra một cái tên rất đẹp là “Từ Linh”.

“Tư lì” thành ra “Từ Linh”.

Kể từ đấy, tên ghép Đoàn Chuẩn - Từ Linh ra đời, đầu tiên là trên nhạc bản “Tình nghệ sĩ”

“Tình nghệ sĩ” qua giọng hát Hồng Nhung …

Những sáng tác bất hủ

Kế đến, các sáng tác (mà sau, trở nên các nhạc phẩm bất hủ) liên tiếp ra đời: “Đường về Việt Bắc” viết cho người vợ trong những ngày ly tán, Vũ Tuấn Đức và Nguyên Khang cùng hát …

Đã có vợ con tuy nhiên, chàng nhạc sĩ đa tình vẫn xao xuyến trước những bóng hồng. Chàng ghi lại tình cảm bằng các nhạc bản, đề tặng đối tượng tình yêu của mình (các tên viết tắt thành ra người khác phải đoán mò)

“Lá thư” mời quý vị nghe Đoàn Chính, con trai ông hiện ở Canada trình bày …

Tiếp theo “Thu quyến rũ”, là

“Chuyển bến” (âm thanh thâu vào năm 1970, giọng hát Mộc Lan, người ca sĩ mà Đoàn Chuẩn say mê, gửi tặng bao nhiêu là bó hoa, như lời ca trong bài “Dạ Lan Hương”

“Từ một nơi xa xôi cách bao núi rừng suối đồi Anh gửi mấy cánh hoa về người yêu Hoa Lan hương màu trắng như duyên em thầm kín Trong hương Thu màu tím buồn …”

Kèm với nhạc bản “Gửi gió cho mây ngàn bay” nhưng rồi “Lá đổ muôn chiều” khi nghe tin Nàng lấy chồng, chàng nhạc sĩ đa tình viết bài “Dang dở” (tức “Tà áo xanh”), “Chiếc lá cuối cùng”, “Vàng phai mấy lá”, “Tâm sự”, và “Gửi người em gái miền Nam”. Nạc bản này, Đoàn Chuẩn viết vào mùa Xuân 1957 (tức là đặc biệt khác những bài mà ông viết trước đó, đều vào mùa Thu). Nàng vào ở trong Nam mà miền Bắc đã khép lại sau tấm màn sắt, chia cắt đôi ngã.

“Gửi người em gái” qua giọng hát Trần Thu Hà …

Lúc này, thời cuộc đã khiến đời sống của Đoàn Chuẩn bị thay đổi nghiêm trọng. Mời quý vị nghe tiếp phần sau vào kỳ tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.