Hoàng Cầm với Lá Diêu bông


2007.05.20

Thy Nga, phóng viên đài RFA

Thy Nga xin gửi đến quý thính giả câu chuyện thơ nhạc về thi sĩ Hoàng Cầm. Thơ của ông rất giàu nhạc điệu. Hoàng Cầm từng nói trong một cuộc phỏng vấn: Nhạc điệu như là thứ đã hình thành sẵn trong lòng ông nên vang lên rất tự nhiên qua những vần thơ. cũng là điểm đặc biệt của thơ Hoàng Cầm …

HoangCam200.jpg
Nhà thơ Hoàng Cầm.

Nói đến Hoàng Cầm là mọi người nghĩ ngay đến “Lá diêu bông” , bài thơ độc đáo trong thi đàn Việt Nam nhưng đã gây khốn khổ cho tác giả của nó suốt ba mươi năm trời.

So tuổi yêu đương thì có lẽ, Hoàng Cầm dẫn đầu, không những với người thường, mà cả với giới nghệ sĩ: lên 8, Hoàng Cầm đã biết yêu, say mê một thiếu nữ gần gấp đôi tuổi mình! Một mối tình đơn phương nhưng mê đắm.

Ông thuật lại câu chuyện (mời quý vị nghe Việt Long tóm lược như sau):

“Ngày ấy, mẹ tôi bán hàng xén. Một lần từ tỉnh lỵ trọ học về thăm nhà, tôi nhìn thấy chị mua hàng. Trong ánh nắng chiều, chị hiện ra trước mắt tôi, đẹp rực rỡ như một thiên thần! Từ đó, trái tim tôi lao đao, choáng ngợp vì chị.

Lúc trước, mỗi thứ Bảy, tôi về thăm nhà một lần. Từ khi biết chị Vinh thì cứ đến thứ Tư và thứ Bảy là tôi mua vé tàu về quê, để được gặp chị, để lẽo đẽo đi theo, chỉ để ngắm thôi!

Cứ thế … đến năm tôi 12 tuổi, một hôm, thấy chị rẽ xuống ruộng, bới các bụi cây ven bờ. Tôi hỏi chị tìm gì. Chị nhìn vào mắt tôi, nói “Chị tìm cái lá … (tôi không nhớ là chị gọi cái lá gì nữa) đứa nào tìm được, ta gọi làm chồng” .

Tôi cảm thấy người nóng ran lên, nghĩ đó là một cái lá gì kỳ diệu lắm …”

“Lá diêu bông” Đoàn Gia Linh ngâm thơ …

Và rồi, chị Vinh đi lấy chồng, lấy lẽ một ông Quản khố xanh. Năm năm sau, tình cờ gặp lại, chị Vinh cho biết đã có con với ông Quản nhưng rồi, ông theo người khác, ruồng bỏ và đuổi mấy mẹ con đi.

“Tôi ái ngại nhìn chị. Lúc này trong tôi không còn cái tình yêu say mê của thời thơ ấu, tôi chỉ cảm thấy thương cho một con người tiều tụy, nhan sắc tàn phai …”

“Lá Diêu bông” Phạm Duy phổ nhạc, Thái Hiền hát …

Mối tình u uẩn đó, Hoàng Cầm giữ trong lòng mãi tới năm 1959, tức là 25 năm sau, mới ghi lại qua những dòng thơ bài “Lá Diêu bông” .

“Lá Diêu bông” hay là chiếc lá huyễn hoặc, người đời theo đuổi mãi … hình như Hoàng Cầm đôi lần tìm thấy, nhưng người con gái mà ông yêu đến mức tôn thờ, vẫn bảo không phải …

Tôi thấy … thì cũng là một công việc tốt đẹp về phía Nhà nước ấy. Thế còn về phía chúng tôi, những người mà được giải thưởng đó, thì thấy nó là cái việc tất yếu phải đến, chỉ có cái nó đến hơi chậm! thế nhưng mà giờ, nó đến rồi thì cũng là rất vui thôi.

Bài thơ chưa in nhưng đã lọt ra ngoài. Có người suy diễn là bài thơ này mang ẩn ý, Hoàng Cầm ám chỉ Đảng là “Chị” , nghệ sĩ là “Em” : người nghệ sĩ đem hết tâm sức ra giúp Đảng trong công cuộc kháng chiến nhưng rồi sau, đều cảm thấy như lý tưởng bị đánh mất! Do có sự diễn giải như vậy mà gây khổ cho tác giả.

Bài thơ “Lá diêu bông” bị coi là có “vấn đề” , Hoàng Cầm phải làm tờ kiểm điểm, rồi ở tù 18 tháng, bị đuổi khỏi Hội Nhà văn, cấm in và lưu hành tác phẩm.

Thọ bản án “Nhân văn Giai phẩm” Hoàng Cầm không sáng tác được gì. Mãi tới năm 2003, một số tác phẩm của ông gồm có thơ, truyện thơ kịch, và văn xuôi mới được in.

Trong tập Thơ, lại không có bài “Lá Diêu bông” mà chỉ có bài “Bao giờ nói hết chuyện Diêu Bông”

“Dẫu anh biết Diêu Bông không thực sao Diêu Bông cứ thức hồn em cứ sao băng mãi đường đêm cứ trăng lên đậu cành mềm xuân quê …”

“Lá diêu bông” Trần Tiến phổ nhạc, quý vị đang nghe Mạnh Đình hát với Như Quỳnh …

Ca khúc này không sát nguyên văn bài thơ, như là nhạc bản do Phạm Duy ở hải ngoại phổ vào năm 1985. Phải chăng vì Trần Tiến là người ở trong nước? tuy nhiên âm điệu dân ca, dễ hát đã làm cho bài của Trần Tiến (viết vào đầu các năm 90 khi đã có chính sách “Đổi mới” ) phổ biến rộng rãi.

“Lá diêu bông” (Trần Tiến) cont’ …

Đến tháng Ba năm nay, 2007 thì đột nhiên có tin là Hoàng Cầm cùng với Lê Đạt, và Trần Dần, Phùng Quán (hai người này đã qua đời) được trao giải Văn học Hồ Chí Minh.

Món tiền thưởng là 60 triệu đồng, không hiểu có mua lại được mấy mươi năm đời người, nhất là đối với người nghệ sĩ không được phô triển tài năng của mình. Thật đáng tiếc cho tinh hoa nước nhà!

Nay đã 85 tuổi, sức khỏe suy yếu, lại không nghe rõ nhưng nhà thơ Hoàng Cầm đã vui vẻ trả lời các câu hỏi của chúng tôi. Cảm tưởng khi lãnh giải Hồ Chí Minh? ông nói: “Tôi thấy … thì cũng là một công việc tốt đẹp về phía Nhà nước ấy. Thế còn về phía chúng tôi, những người mà được giải thưởng đó, thì thấy nó là cái việc tất yếu phải đến, chỉ có cái nó đến hơi chậm! thế nhưng mà giờ, nó đến rồi thì cũng là rất vui thôi.”

Thy Nga: Vâng thưa Cụ, thế còn với hai người đã khuất, không có mặt để mà lãnh thì gia đình của họ có đến nhận lãnh giải thưởng, hay như thế nào ạ?

Hoàng Cầm: À … những người đã khuất thì cũng là những bạn thân của tôi: ông Trần Dần và ông Phùng Quán. Sau khi nhận cái giải thưởng đó thì tôi cũng rất buồn.

Buồn là vì hai bạn đó không còn sống để mà được thấy cái giải thưởng Nhà nước phát cho mình vì như thế nghĩa là Nhà nước thừa nhận những tài năng, những khả năng ở trong thơ ca, nhất là trong Văn, không còn cái gì vướng mắc nữa, thì đó là cái mà tôi, khi mất hai bạn đó rồi, tôi cũng rất buồn.

Còn thì tôi thấy gia đình, nhất là vợ con ông Trần Dần và ông Phùng Quán rất vui thành ra tôi cũng rất cảm động.

Thy Nga: Thưa Cụ, từ cái vụ án Nhân văn Giai phẩm, tới khi nào thì cuộc sống của Cụ và gia đình Cụ mới khả quan hơn?

Hoàng Cầm: Nó là cái vụ án mà đã gây cho chúng tôi những cái kỷ luật đấy! coi như là xóa đi rồi. Sau cái giải thưởng thì tất cả những cái gì gọi là còn thành kiến, cũng được xóa đi. Những cái gì mà người ta có thể hiểu nhầm về chúng tôi thì đến sau cái giải thưởng này, đã được giải tỏa hết.

Qua những lời hiền lành, nhà thơ Hoàng Cầm đã cho thấy tâm hồn chan chứa nhân bản, và nặng tình dân tộc … mời quý vị đón nghe phần tiếp theo, vào chương trình kỳ tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.