Đón mừng Giáng Sinh 2007!

ChristmasSantaIndia150.jpg
Ông già Noel ở Ấn Ðộ hôm 24-12-2007. AFP PHOTO>> Xem hình lớn hơn

Thy Nga, phóng viên đài RFA

Đêm mai, lễ Giáng Sinh lại đến với nhân loại. Trong cái giá lạnh cuối năm, giữa tình hình bất ổn trên thế giới, lễ mừng Chúa Cứu Thế ra đời, đến thoa dịu và sưởi ấm muôn lòng. Thông điệp Giáng Sinh tựa như tia ấm áp của tình thương và lòng khoan dung để mọi người hướng tới.

“Vinh danh Chúa Cả trên trời Bình an dưới thế cho người thiện tâm”

Bản “Hang Bê-lem” của Hải Linh là ca khúc Giáng Sinh không thể thiếu của người Việt mình, quý vị đang nghe Ngọc Huệ trình bày

“Hang Bê-lem” …

Trong khi chờ đón lễ, Thy Nga mời quý vị và các bạn cùng nghe một số ca khúc mừng Giáng Sinh, từ các bài truyền thống, quen thuộc, đến các bài mới sáng tác và đưa ra thị trường.

“Trời hân hoan” do nhóm 5 Dòng Kẻ trình bày …

Giờ này các nơi, những cửa hàng chắc vẫn rộn rịp người mua kẻ bán. Khách cố gắng tìm món quà sao cho vừa ý người nhận. Trao quà cho nhau là một phong tục mang nhiều ý nghĩa vào dịp lễ hội này: nó thể hiện sự chăm sóc giữa những người trong gia đình; tình thân mến giữa bạn bè; hay lòng thương người, chia sớt cho kẻ không được may mắn bằng mình.

“Noel đã về rồi” …

Với trẻ em thì phải ngoan và siêng học suốt năm, mới được Ông Già Noel thưởng quà. Từ một làng nhỏ bé miền Bắc Cực, Ông đã chuẩn bị danh sách những trẻ ngoan ở khắp nơi, và xếp quà đầy cái bị rồi. Cỗ xe và đàn tuần lộc cũng đã sẵn sàng, chỉ chờ giờ lên đường thôi.

“Rudolph mũi đỏ” Kiều Nga hát …

“Ông Già Noel” mà người Mỹ gọi là “Santa Claus” có thật hay không, còn tùy vào lòng tin yêu của người đời, như chuyện kể sau đây, Thy Nga thuật lại quý vị và các bạn nghe nhé.

Vào năm 1897, bé gái Virginia lên 8, hỏi Bố: "Santa Claus có thật không Bố, mà sao vài đứa bạn con nói là làm gì có?"

Ông bố khuyên con viết thư đến tờ New York Sun để nhà báo trả lời. Người viết bài trả lời, là ông Francis Church từng làm phóng viên chiến trường và chứng kiến nỗi thống khổ của dân chúng thời ly loạn.

“Ông nói rằng các bạn đó sai, họ bị nhiễm sự hoài nghi của thời đại hoài nghi, chỉ tin khi nào nhìn thấy. Thế nhưng, đầu óc con người thì quá nhỏ bé. Trong vũ trụ này, thế giới bao la này, con người chỉ là một côn trùng, một con kiến.

Không ai nhìn thấy Santa Claus, đúng thế! nhưng điều này không có nghĩa là không có Santa! Em không tin là có Santa Claus à. Nếu vậy thì phải chăng, em cũng không tin là có tiên ư ?

ChristmasSantaKorea150.jpg
Những người tham gia cuộc chạy Santa Claus marathon ở Seoul 22-12-2007. AFP PHOTO>> Xem hình lớn hơn

Chỉ với niềm tin, trí tưởng tượng, thi ca, và tình yêu lãng mạn, người ta mới thấy được cái đẹp rạng ngời …”

“Có Santa Claus, em Virginia à. Ông ấy hiện hữu, như Tình thương, sự quảng đại và lòng thành hiện hữu. Những điều này kết hợp lại để cho nét đẹp và niềm vui lớn lao nhất cho cuộc sống.

Có thực không? a, Virginia, trên thế giới này, không có gì thực hơn và tồn tại hơn là Santa. Ông ấy sống và sống mãi.”

Bài viết này làm xúc động nhiều người. Hằng năm, lá thư của Virginia và bài xã luận của ông Church được đọc lên vào lễ Giáng Sinh tại đại học đường Columbia, nơi ông từng theo học. Và tới giờ, hơn một thế kỷ sau, đó là bài được in lại nhiều nhất trên báo Anh ngữ.

Thư từ các nơi gửi đến Virginia không ngớt. Khi phúc đáp, Virginia đều kèm theo bài xã luận của ông Church. Trong một cuộc phỏng vấn sau này, Virginia nói rằng bài ấy đã định hướng cho cuộc đời bà một cách tốt đẹp.

“Santa Claus is coming to town” …

Santa Claus xuống phố … Thật thế! để ông đưa thông hành ra cho quý vị xem nhé. Sổ thông hành của Hoa Kỳ ghi tên là “Santa Claus” đàng hoàng.

Câu chuyện ngộ nghĩnh này được ký giả Diane Wright thuật lại trong bài viết, đăng trên tờ “Seattle Times” hôm 20 vừa qua. Không biết tên cha sinh mẹ đẻ của ông ta là gì nhưng hiện nay, tên ông là “Santa Claus”.

Ông già 60 tuổi này kể lại là từ hơn 20 năm nay, cứ đến tháng 11 là ông tới thành phố Marysville để làm Santa Claus trong hai tháng, cho trẻ nhỏ chụp hình. Ông nói:

“Trẻ con hay hỏi tôi có phải là Santa Claus thật không? Tôi không muốn nói dối chúng vì thế, khoảng 8, 9 năm sau thì tôi ra tòa, xin đổi tên.

Khi đó, ai cũng đã quen gọi tôi là Santa rồi, thành ra ông Tòa chấp thuận liền. Thế là tôi có bằng chứng, trưng ra cho lũ trẻ xem tên “Santa Claus” ghi trên giấy phép lái xe này, thẻ tín dụng này, thông hành nữa này, …

Buồn cười là khi tôi sang nước khác, phải trình sổ thông hành. Nhân viên soát giấy tờ, mặt nghiêm chỉnh mà khi xem thấy tên tôi, cũng phải nhoẻn cười!”

Với câu chuyện vui này, Thy Nga thân mến chúc quý vị và các bạn mùa lễ Giáng Sinh đầm ấm hạnh phúc, tràn đầy phước lành.

“Feliz Navidad”, “We wish you a merry Christmas” …