Phương Anh, phóng viên đài RFA
Theo thông tin trên VNExpress vào ngày 11 tháng 11vừa qua, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1, 4 triệu ca nạo phá thai, trong đó có 500 ngàn ca ở tuổi vị thành niên, 25% số ca chưa lập gia đình và 20% ca khi còn ở tuổi vị thành niên. Điều rất đáng lo ngại là số trẻ vị thành niên đi nạo phá thai ngày càng nhiều.

Chỉ riêng tại bệnh viên Từ Dũ ở TPHCM, trong chín tháng đầu năm 2006, đã có tới gần 19000 ca nạo phá thai và số trẻ vị thành niên đến đây rất nhiều. Tình trạng này khiến cho phụ huynh cũng như các giới chuyên môn về y khoa, cùng những nhà xã hội rất băn khoăn. Nguyên nhân vì đâu càng ngày càng có nhiều trẻ vị thành niên đi nạo phá thai như thế? Mời quí vị nghe những ý kiến của họ trong chương trình kỳ này.
Trước hết, Phương Anh đã liên lạc với một nữ hộ sinh xin được dấu tên, làm việc ngay tại bệnh viện Từ Dũ và được chị cho biết:
“Tình hình nạo phá thai ở lứa tuổi 13 hiện tại rất nhiều, cặp bồ thì nữ mới 13, trai thì 14,15, mới lớp 6, lớp 7 thôi. Có khi là mẹ đưa đi phá thai, có khi là bạn trai đưa đi…Đó là chưa kể phòng khám tư nhân, khi phát hiện có thai sớm, tụi nó đến xin hút thai ra. Thai mà lớn thì mới vô bệnh viện.”
Thực trạng đáng buồn
Theo lời chị kể, có lần, một em gái 13 tuổi, đến xin nạo thai và khai là có chồng đàng hoàng. Hỏi ra, thì ông “chồng” mới chỉ 15 và học trên em có hai lớp, cùng trường. Khi hỏi chị rằng khi đến nạo thai như thế, bệnh viện có đòi hỏi giấy tờ gì không? Chị cho hay:
Tình hình nạo phá thai ở lứa tuổi 13 hiện tại rất nhiều, cặp bồ thì nữ mới 13, trai thì 14,15, mới lớp 6, lớp 7 thôi. Có khi là mẹ đưa đi phá thai, có khi là bạn trai đưa đi…Đó là chưa kể phòng khám tư nhân, khi phát hiện có thai sớm, tụi nó đến xin hút thai ra. Thai mà lớn thì mới vô bệnh viện.
“Không, người ta chỉ hỏi là “xin nạo thai phải không” Có trường hợp tụi nó đi ngoài giờ nữa, khai tuổi giả, nhưng khi hỏi thẻ thì người ta biết được tụi nó còn quá nhỏ. Một ngày có khoảng 200 ca xin nạo thai, con số đó là ở bệnh viện Từ Dũ thôi, em chưa tính ở các bệnh viện tư nhân…
Từ 15 đến 50 tuổi mà xác xuất 13 tuổi thì nhiều hơn, tình hình trẻ vị thành niên đi nạo thai nhiều lắm. Phòng khám tư nhân thì không đòi hỏi giấy tờ gì hết. Ngoài ra còn có những em sợ không dám vô bệnh viện, gặp những người cò mồi ở trước bệnh viện chở đi, thế là bị nhiễm trùng tử cung luôn.”
Ngoài ra, chị cũng cho biết rằng các em đều không có một ý thức gì về việc mình làm, ngay cả kiến thức căn bản về vấn đề thai nghén cũng không hề có. Chị kể:
“Tụi nó lén, dấu, khó kiểm soát được lắm. Có trường hợp, em đó mới học lớp 6, lớp 7 gì đó, có bầu mà em đó cũng không biết là có bầu. Một bữa gia đình mới hỏi em đó là sao mà nó bịnh nằm hoài…Thế là gia đình mới đưa em đó đi khám bệnh và mới biết là em đó có thai.”
Với những người làm công tác chuyên môn, chị cùng và các đồng nghiệp vô cùng bức xúc trước một thực trạng đáng buồn như thế. Chị nói:
“Em thấy rùng mình luôn, em cũng không ngờ là tụi nó còn trẻ mà lại làm như vậy. Giới trẻ bây giờ coi phim ảnh nhiều, rồi tập tành bắt chước, nếu biết thì chắc cũng không làm như vậy. Theo em, nhà trường cũng dậy về giới tính nhưng không có chuyên sâu, nên nó đi vào con đường như vậy. Có nhiều em thuộc gia đình có địa vị trong xã hội, nhưng cha mẹ lo đi làm ăn…”
Phương Anh cũng liên lạc với bệnh viên Phụ Sản ở Hà Nội và được một nhân viên làm việc ở phòng kế hoạch tổng hợp cho hay: "Có, lứa tuổi vị thành niên đi nạo thai là có…Tình hình chung thì là có, nhưng cụ thể như thế nào thì chúng tôi không thể nói được. Tình trạng vị thành niên nạo thai rất nhiều, ở đâu cũng diễn ra chuyện đấy."
Thiếu hiểu biết về giáo dục giới tính
Một thực tế mà các chuyên viên y tế đều nhận thấy rằng, vì các em thiếu hiểu biết về giáo dục giới tính nên khi có quan hệ tình dục đã dẫn đến chuyện mang thai. Khi biết ra, thì mọi chuyện đã muộn màng. Chị Trang, giáo viên cấp 3 tại quận 10, TPHCM cho biết rằng cũng không rõ giáo dục giới tính có đưa vào nhà trường hay không. Chị nói:
Em thấy rùng mình luôn, em cũng không ngờ là tụi nó còn trẻ mà lại làm như vậy. Giới trẻ bây giờ coi phim ảnh nhiều, rồi tập tành bắt chước, nếu biết thì chắc cũng không làm như vậy. Theo em, nhà trường cũng dậy về giới tính nhưng không có chuyên sâu, nên nó đi vào con đường như vậy. Có nhiều em thuộc gia đình có địa vị trong xã hội, nhưng cha mẹ lo đi làm ăn…
“Hình như có lồng vô chương trình dậy môn sinh vật…lâu lâu một vài trường tổ chức những chuyên đề. Em chỉ biết vậy thôi. Làm cha mẹ, bây giờ ai cũng lo hai cái: con gái thì sợ mang bầu, con trai thì sợ ma tuý, nhưng theo em thì nề nếp gia đình cũng là một cơ sở…làm cha mẹ lúc nào cũng canh cánh bên lòng, sợ lắm, con cái bây giờ cũng học theo lối sống đòi bình đẳng tự do, chúng nó cứ nửa vời, chưa đủ khôn để tự lập, thành ra cuối cùng có cái dở trong đó.”
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, giám đốc Viện Nghiên Cứu Phát Triển Xã Hội, có trụ sở ở Hà Nội, cho hay: "Giáo dục giới tính bắt đầu thử nghiệm trong nhà trường từ những năm 1994. Nó có được phổ biến nhưng nói chung chưa nhiều, có thể nói là nó chưa đầy đủ và nói chung là nó giáo điều.
Chính vì thế, học sinh biết thông tin nhưng không biết được kỹ năng. Ví dụ như người ta chỉ nói là “hãy nói không với tình dục” chẳng hạn, trong độ tuổi còn nhỏ thì không nên có quan hệ tình dục, quan hệ tình dục phải dựa trên tình yêu trong sáng…đại loại như thế. Còn kỹ năng người ta cũng nói cho các em biết là phương pháp tránh thai nào, nhưng người ta cũng không hướng dẫn cụ thể, xử dụng từng phương pháp như thế nào…”
Cũng theo lời tiến sĩ Khuất Thu Hồng, vì thực tế xã hội ngày nay đã thay đổi rất nhiều. Ngay cả quan niệm về giá trị truyền thống, đạo đức cũng đã khác xưa:
“Xã hội thay đổi nhiều, trở nên cởi mở, các giá trị truyền thống như trinh tiết, giá trị hôn nhân cũng đã thay đổi…Ví dụ như trinh tiết, trước đây người ta cho là rất quan trọng, bây giờ đối với lớp trẻ nó không quan trọng như trước đây nữa.
Trong gia đình, trước đây cha mẹ có nhiều thời gian để quan tâm đến con cái hơn, nhưng bây giờ xã hội thay đổi, gia đình trở thành đơn vị kinh tế, cha mẹ dành rất nhiều thời gian để làm việc để kiếm tiền, ít có thời gian dành cho con cái, cho nên con cái có nhiều tự do hơn, mối quan hệ bạn bè cũng ít bị cha mẹ kiểm soát hơn. Đấy là một thực tế của xã hội.”
Chị cho rằng, nội dung giáo dục giới tính ở nhà trường hiện nay không phù hợp với thực tế xã hội vì trẻ em bây giờ biết nhiều thông tin từ internet, sách báo, tự tìm hiểu nhiều hơn trong lãnh vực tình dục…Và điều nguy hiểm là không một ai hướng dẫn các em cho đúng hướng cả. Chị nói tiếp:
“Thầy cô giáo cũng lo lắng nhưng thực sự thầy cô cũng không được chuẩn bị về mặt tư tưởng để dậy như thế nào, thầy cô rất ngại nói về vấn đề này, mặc dù chương trình giáo dục có đưa vào nhà trường, nhưng thầy cô không muốn giảng về điều này.
Xã hội VN mình có một cái lạ là người ta rất ngại nói về vấn đề tình dục một cách chính thức, mẹ rất ngại nói với con, thầy cô rất ngại nói với học sinh, xã hội cũng rất ngại đặt vấn đề này ra để thảo luận cởi mở và thẳng thắn. Hơn nữa, thầy cô và cha mẹ cũng không đủ kiến thức và phương pháp nói như thế nào cho lớp trẻ hiểu cần như thế nào, mà chỉ nói “ không được”.
Trong gia đình, trước đây cha mẹ có nhiều thời gian để quan tâm đến con cái hơn, nhưng bây giờ xã hội thay đổi, gia đình trở thành đơn vị kinh tế, cha mẹ dành rất nhiều thời gian để làm việc để kiếm tiền, ít có thời gian dành cho con cái, cho nên con cái có nhiều tự do hơn, mối quan hệ bạn bè cũng ít bị cha mẹ kiểm soát hơn. Đấy là một thực tế của xã hội.
Chính vì những phương pháo không phù hợp như vậy dẫn đến tình trạng lớp trẻ quan hệ tình dục nhiều hơn và hậu quả đáng tiếc là có thai, lây nhiễm bệnh qua đường tình dục nhiều hơn trước đây.”
Cần phải thay đổi tư duy
Với tư cách là nhà nghiên cứu xã hội trong nhiều năm qua, theo chị, điều duy nhất để hạn chế bớt về vấn nạn trẻ vị thành niên nạo phá thai là các bậc làm cha mẹ và những người có trách nhiệm cần phải thay đổi tư duy, chị phát biểu:
“Trước hết, chúng ta phải thừa nhận một điều là xã hội đã thay đổi và chúng ta phải thay đổi. Đừng hy vọng lớp trẻ sẽ thay đổi theo cách của chúng ta như xưa, mà chúng ta phải thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh bây giờ. Chúng ta phải biết là thông tin bây giờ rất nhiều và lối sống lớp trẻ đã thay đổi.
Chúng ta phải lựa chọn cách nào cho phù hợp nhất, phải thẳng thắn và cởi mở với trẻ em, đừng nghĩ là chúng nó không biết gì hết. Và phải trao đổi với chúng như thế nào, nếu không thể nói không với tình dục thì phải có biện pháp an toàn như thế nào, phải cho bọn trẻ hiểu hết những thứ ấy, có dịch vụ cung cấp đầy đủ và hướng dẫn cụ thể.
Cha mẹ và thầy cô phải thẳng thắn về chuyện này chứ không thể lảng tránh được. Xã hội Việt Nam từ trước đến giờ muốn nhắm mắt không nhắc đến, nhưng bây giờ thì không nên như thế.”
Quí vị vừa nghe những thông tin liên quan đến tình trạng trẻ vị thành niên nạo phá thai. Mong rằng các bậc làm cha mẹ cùng những cơ quan hữu trách sớm tìm ra giải pháp để ngăn ngừa tình trạng này. Mục Câu Chuyện Hàng Tuần xin ngừng nơi đây. Hẹn gặp quí vị vào chương trình kỳ sau.