Canada nhận cho định cư những người Việt tị nạn còn sót lại ở Philippines


2007.05.29
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Vào ngày 22-5 vừa qua, Bộ Công Dân Vụ và Di Trú Canada đã loan báo chính thức rằng chính phủ Canada sẽ nỗ lực để cứu xét đơn xin nhập cư của những người Việt tị nạn hiện còn đang kẹt lại tại Philippines. Đây là một tin thật vui cho cộng đồng người Việt tại Canada nói chung và những người Việt còn sót lại tại Phi nói riêng.

Tưởng cũng nên nhắc lại, những người Việt này đã đến trại tị nạn Palawan, Philippines vào năm 1989, và không được Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc UNHCR công nhận quyền tị nạn.

Nhờ vào công lao vận động không ngừng nghỉ của luật sư Trịnh Hội, và một số hội đoàn ở Hoa Kỳ sau rất nhiều năm, năm ngóai, chính phủ Hoa Kỳ đồng ý tái phỏng vấn và chấp thuận cho 1.600 người định cư tại Mỹ theo diện tị nạn nhưng bên cạnh đó, vẫn còn một số người không được cứu xét theo tiêu chuẩn của Bộ Di Trú Hoa Kỳ. Do đó, hiện nay vẫn còn một số người Việt bị kẹt lại.

Nhân việc chính phủ Canada vừa đồng ý tiếp nhận những người Việt này, Phương Anh đã liên lạc với tiến sĩ Lê Duy Cấn, là chủ tịch Liên Hội Người Việt Canada để hỏi thăm về sự kiện này và xin gửi đến quí thính giả trong chuyên mục Câu Chuyện Hàng Tuần kỳ này.

Các nỗ lực vận động

Thưa quí thính giả, theo lời Tiến sĩ Lê Duy Cấn, trong suốt thời gian từ năm 2002 đến nay, Liên Hội Người Việt Canada đã nỗ lực làm việc với tổ chức SOS Việt Phi, có trụ sở tại Toronto, một tổ chức bất vụ lợi để vận động với chính phủ Canada xin cho những người Việt còn sót lại tại Phi Luật Tân được tái định cư ở nước này. Tiến sĩ Cấn cho hay:

“Hiện giờ ở Phi Luật Tân có khoảng 156 người Việt tị nạn còn kẹt lại từ khoảng 20 năm nay. Những người này không được chính phủ nào nhận hết. Đợt cuối cùng, chính phủ Hoa Kỳ nhận khoảng 1600 người trong số 2000 người kẹt lại.

Theo chúng tôi hiểu thì những người này vì đã có người phối ngẫu là người bản xứ. Liên Hội Người Việt Canada đã làm việc với luật sư Trịnh Hội, và tổ chức Việt Phi SOS từ năm 2002 cho đến nay để xin chính phủ Canada cho họ định cư ở xứ này.

Sau 5 năm vận động, vào tháng trước, chúng tôi được bà Bộ Trưởng Di Trú Canada mời lên họp và chính thức thông báo là Bộ Di Trú Canada sẽ tạo điều kiện thuận lợi để cứu xét những người Việt còn kẹt tại Phi định cư tại Canada dựa trên căn bản nhân đạo và bác ái. Đây là chương trình đặc biệt dùng trong trường hợp ngọai lệ để giúp cho những người không hội đủ tiêu chuẩn di dân vào Canada.”

Như vậy, theo chương trình đặc biệt này của chính phủ Canada, tất cả những người Việt cùng với người phối ngẫu của họ là người Phi thì cũng được nộp đơn xin định cư tại Canada. Ông nói tiếp:

“Trong chương trình này thì tất cả những người Việt còn kẹt tại Phi và người phối ngẫu của họ cùng con cái sẽ được nộp đơn. Nhân viên di trú Canada sẽ xét đơn từng trường hợp một và quyết định. Những điều kiện này chẳng hạn như những người này có thân nhân sẵn sàng bảo trợ cho họ hay không, nếu không có thân nhân thì có hội đoàn nào đứng ra hỗ trợ họ hay không…

Việc hỗ trợ này không phải là ký kết với chính phủ mà chỉ là việc mà tôi gọi là đỡ đầu. Nhiệm vụ của nhóm đỡ đầu là tìm chỗ ở, tìm việc làm, giúp con em của họ đi học sinh ngữ hay học nghề.”

Khi được hỏi về tình trạng những người Việt còn kẹt tại Phi hiện nay ra sao và nguyên nhân vì sao lại không được chính phủ Canada đồng ý chấp thuận cho tái định cư theo diện tị nạn, ông trả lời:

“Trong 156 người này thì có một số độc thân, một số có gia đình, và con cái. Những người này chính phủ Canada không coi họ là những người tị nạn vì theo lý lẽ của họ thì Liên Hiệp Quốc không chấp nhận những người này là tị nạn, nếu được cấp qui chế tị nạn thì chính phủ Canada sẽ trả hết những chi phí.

Và đây cũng là điểm mà chúng tôi đưa ra với chính phủ Canada từ năm 2002, chúng tôi cho họ biết rằng họ không được Liên Hiệp Quốc công nhận vì mặc dù họ đã trải qua quá trình thanh lọc, nhưng rất nhiều người bị oan uổng vì những người phụ trách về chương trình thanh lọc không làm việc một cách thẳng thắn và công bằng.

Đó là điểm chính chúng tôi nói với chính phủ Canada, sau khi chúng tôi nói rất nhiều lần, và có ra điều trần tại quốc hội hai lần, và trải qua rất nhiều phiên họp với Bộ Di Trú để thuyết phục họ cho phép người Việt tị nạn tại Phi được định cư.

Sau 5 năm, tuy kết quả không đạt được 100% mục đích ban đầu tức là thuyết phục chính phủ Canada chấp nhận những người này theo diện tị nạn, nhưng sau cùng họ cũng nhượng bộ bằng cách đồng ý chấp nhận theo điều khoản đặc biệt, tức là xét đơn theo nhân đạo và bác ái. Đây là trường hợp rất đặc biệt, ít khi họ dùng trường hợp này lắm!”

Những vấn đề còn lại

Thưa quí vị, theo luật của chính phủ Canada, nếu không được chấp thuận là tị nạn thì việc giúp đồng bào tái định cư rất tốn kém, đây cũng là điều Liên Hội Người Việt Canada hết sức quan tâm và phải chuẩn bị thật kỹ càng, ông nói:

“Có hai phần chi phí trong việc này là lệ phí xét đơn, thủ tục xét đơn vào thường trú Canada, ngay cả trường hợp xin tị nạn tại Canada thì cũng phải nộp một lệ phí gọi là lệ phí xét đơn. Lệ phí này nếu hai vợ chồng và hai đứa con thì tốn vào khoảng 1000 đô la Canada.

Chúng tôi cũng nói với chính phủ là đây là khoản tiền rất lớn với những người Việt tị nạn Phi Luật Tân, vì họ không được phép chính thức đi buôn bán, họ rất vất vả mới kiếm ăn được. Chúng tôi đã đạo đạt lên Bộ Trưởng Di trú xem họ có thể bỏ số tiền này hay không. Nếu không được thì chúng ta sẽ phải tìm cách để giúp cho đồng bào tại Phi số tiền này.

Ngoài ra, họ còn phải trả số tiền chuyên chở. Đó là số tiền rất lớn vì đi từ Phi sang Canada. Tôi nghĩ cũng phải tốn 3000 đô la cho một gia đình ví dụ hai vợ chồng và hai đứa con. Số tiền chuyên chở này có thể giúp họ cho vay không có lời, sau khi họ ổn định thì họ sẽ trả lại. Một phí tổn khác nữa là phí tổn định cư, tiền thuê nhà, tiền ăn uống, ít ra là hai ba tháng đầu.

Theo kinh nghiệm của chúng tôi tại Canada thì trong vòng hai ba tháng đầu, nếu mình ráo riết tìm việc cho họ thì họ sẽ tự lập được về tài chính. Chúng tôi hy vọng là những người tị nạn tại Phi sau gần 20 năm phấn đấu thì họ đã có nghị lực để tái lập cuộc sống tại Canada, hy vọng là chỉ trong vòng hai ba tháng thì họ sẽ tự lập được.

Thời gian đầu, chắc chắn Cộng Đồng Người Việt tại Canada phải nhờ vào sự hỗ trợ của đồng bào tại Hoa Kỳ, tại Âu Châu, Úc Châu đóng góp để những người Việt còn lại tại Phi sau 20 năm có thể tái tạo cuộc sống mới tại Canada”.

Để chuẩn bị cho việc tái định cư của những người Việt còn sót lại, Liên Hiệp Người Việt Canada đã cùng tổ chức SOS Việt Phi và đặc biệt là luật sư Trịnh Hội, từ bao lâu nay, đã ra sức vận động các hội đoàn, đoàn thể giúp bảo trợ cho những người này. Ông cho biết:

“Chúng tôi đã có danh sách vào tháng 3 năm nay khi chúng tôi vận động với chính phủ Canada. Nhưng chính phủ Canada đòi hỏi thêm một số chi tiết, chẳng hạn như những người tị nạn đó có thân nhân sẵn sang bảo lãnh không… nếu hội đoàn bảo trợ thì cần phải viết thêm một thư giải thích là sẽ làm cách nào để giúp đỡ những người Việt này, và kèm vào đơn xin định cư tại Canada…

Trước đây, qua sự vận động của luật sư Trịnh Hội và nhóm SOS Việt Phi, đã có một số hội đoàn, nhất là các tổ chức tôn giáo, các chuà, nhà thờ Tin Lành, Thiên Chuá Giáo, có nhã ý trợ giúp một số. Những người còn lại chúng tôi sẽ vận động với môt số hội đoàn trong Liên Hội. Chúng tôi hy vọng rằng sẽ tìm được những người đỡ đầu cho số 156 người. “

Cũng theo lời tiến sĩ Lê Duy Cấn thì hàng năm, chính phủ Canada nhận cả trăm ngàn hồ sơ xin nhập cư vào nước này. Do đó, những người Việt tị nạn phải nộp đơn sớm, và phải nói rõ về tình trạng của mình, để được cứu xét nhanh chóng hơn. Ông nói:

“Bộ Di Trú nói rằng nếu những người này nộp đơn trước ngày 31 tháng 12 năm nay thì những đơn đó sẽ được cứu xét nhanh chóng. Và họ có hưá với chúng tôi là trong vòng một năm sẽ có quyết định về các đơn đó.”

Quí thính giả vừa theo dõi các chi tiết liên quan đến việc chính phủ Canada đồng ý tiếp nhận những người Việt còn sót lại tại Phi Luật Tân qua lời của tiến sĩ Lê Duy Cấn, chủ tịch Liên Hội Người Việt Canada.

Mong sao những người Việt còn kẹt tại Phi sau gần 20 năm kiên trì chờ đợi, sẽ nhanh chóng thóat khỏi cảnh vô tổ quốc, vô gia cư để đến được vùng đất tự do mà họ ngày đêm mơ ước, Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại qúi vị trong chương trình kỳ sau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.