Nỗi lòng giới lao động khi nhà nước cấm xe 3 bánh và bán hàng rong

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Trong thời gian gần đây, nhà nước Việt Nam đã đưa ra hai nghị định gây cho giới lao động nghèo vô cùng lo lắng. Đó là việc cấm lưu hành xe ba bánh tự chế trên toàn quốc và cấm bán hàng rong ở Hà Nội. Đáng lý, ngày 1 tháng 1 vừa qua là ngày chính thức khai tử các loại xe này.

WtoVietnam200.jpg
Photo: AFP

Nhưng bất ngờ, vào ngày 31 tháng 12, thì chủ tịch UBNDTPHCM, ông Lê Hoàng Quân đã đồng ý gia hạn thời gian lưu hành xe ba bánh trên địa bàn TPHCM đến ngày 30 tháng 6. Cùng lúc, cũng có một vài tỉnh như Trà Vinh, Gia Lai cũng quyết định tạm hoãn việc thi hành nghị quyết này.

Thành phần xử dụng xe ba bánh tự chế hay bán hàng rong ở Hà Nội, là những người nông dân nghèo khổ, từ các vùng quê kéo về thành phố hay vào TPHCM tìm kế sinh nhai. Trước mắt, việc hoãn thi hành nghị quyết của các cơ quan chức năng để tìm giải pháp hỗ trợ cho họ vẫn không làm giảm nỗi lo đau đáu đêm ngày trước tương lai mờ mịt.

Kỳ này, Phương Anh mời quí vị nghe tâm tư của một số người đang hành nghề bán rong trên những chiếc xe ba bánh tự chế và ý kiến của một chuyên gia thuộc viện kinh tế TPHCM.

Từ bao lâu nay, người dân thành phố HCM đã quá quen thuộc với cảnh những chiếc xe ba gác tự chế, trên đó là nồi bắp luộc nóng hổi, cùng các trái bắp chín vàng treo lủng lẳng như để mời gọi khách qua đường. Đó là chưa kể những xe “khoai nướng, bắp nướng” với lò than hừng hực lửa hồng.

Cứ mỗi chiều đến, các xe ba gác tự chế với đầy đủ dụng cụ nồi niêu, than củi, khoai lang, bắp luộc… như thế được người bán mướt mồ hôi đẩy đi bán giữa dòng xe cộ hối hả, xen lẫn với các chiếc xe hơi bóng lộn, hay những chiếc Honda đời mới vô tình nhả khói làm họ càng cay mắt thêm. Những người bán rong như thế ngày ngày nhẫn nại, cần cù, chịu khó chắt chiu từng đồng bạc để dành dụm gửi về quê nuôi gia đình.

Nhiều người nghèo gặp khó khăn

Trước tin nhà nước cấm lưu hành xe ba bánh tự chế, vợ chồng anh Tân, ở Hưng Yên, mới vào Nam được hai năm nay, vô cùng lo lắng. Theo lời anh cho biết, ở quê, ruộng đất thì ít, cả nhà 5 miệng ăn mà chỉ có 2 sào đất. Đời mình đã khổ, thất học thì không sao, chỉ mong cho con cái sau này có cái chữ để chúng thoát được cảnh nghèo.

Nói chung, đa số những người bán rong vệ đường là dân nhập cư nhiều, toàn bộ cuộc sống khó khăn cả. Nếu mà nhà nước dẹp thì dân phải chịu, không chống lại được, dẹp thì nhiều người sẽ thất nghiệp, sinh ra nhiều tệ nạn xấu. Nếu họ dẹp thì chắc không thể nào bán được nữa..

Suy đi tính lại, hai vợ chồng quyết định để con cho ông bà nội trông nom và vào Nam kiếm ăn. Anh đi trước và được sự giúp đỡ của những người cùng quê, anh mua được chiếc xe ba bánh cũ và đi bán khoai nướng, bắp nướng.

Nửa năm sau, anh nhắn vợ vào TPHCM để cùng anh đẩy xe đi bán. Thu nhập mỗi ngày cũng được vài chục ngàn, chắt chiu dành dụm cũng đủ tiền về cho ông bà nuôi các cháu ăn học. Nay nghe tin nhà nước cấm như thế, anh rưng rưng nói:

“Nói chung, đa số những người bán rong vệ đường là dân nhập cư nhiều, toàn bộ cuộc sống khó khăn cả. Nếu mà nhà nước dẹp thì dân phải chịu, không chống lại được, dẹp thì nhiều người sẽ thất nghiệp, sinh ra nhiều tệ nạn xấu. Nếu họ dẹp thì chắc không thể nào bán được nữa..

Bây giờ không thể tính trước được…Trước mắt thì cứ bám trụ trong Nam, chứ về quê thì không thể sống được vì quê chỉ trồng lúa, ở ngoài Bắc thì ít lắm, chứ không như ở trong Nam…Ngoài Bắc, một đầu người chỉ có một sào Bắc bộ, 360 m2 thôi…”

Một người bán bắp luộc ở chợ Tân Bình, tên Toan, cũng đồng cảnh ngộ. Anh cho biết: "Em ở ngoài miền Bắc, Hà Tây, vào Nam năm ngoái, hoàn cảnh gia đình thiếu thốn, không đáp ứng được cho các cháu ăn học, vì điều kiện kinh tế nên phải vào đây. Em được 3 cháu, lớn nhất 15 tuồi, đang học lớp 10, nhỏ nhất đang học lớp 5.

Các cháu gửi ở nhà cho các bác và ông bà nội. Chúng em gọt khoai mì, khoai lang và làm bắp. Mỗi ngày, trừ tiền nhà, trừ hết mọi thứ, chỉ được vài chục ngàn. Ngày nào may lắm thì được 5, 6 chục ngàn, trung bình chỉ được 4 chục ngàn. Trời mưa gió thì mang ít hàng thôi, không dám bán nhiều và kể cả bây giờ cũng thế. Năm nay bắp cũng lên cao, lãi suất cũng chỉ được phần nào.”

Không biết trông vào đâu

Khi hỏi anh có suy tính gì khi nhà nước chỉ gia hạn cho thêm vài tháng nữa? Anh buồn rầu cho biết rằng cả gia đình gồm ông bà nội và 3 con ở Hà Tây đang trông vào xe bắp của hai vợ chồng anh. Nếu sau này, nhà nước cấm thì anh cũng không biết trông vào đâu. Có lẽ, anh phải đành để cho các con nghỉ học mà thôi, anh nói:

TouristCyclo200.jpg
Xích-lô chở du khách, hình ảnh thường thấy trên đường phố Việt Nam. RFA file photo.

Chúng em nghe tin và thấy khó khăn cho chúng em lắm vì chúng em ở nông thôn, làm ăn khó khăn, nên phải từ Bắc vào trong Nam để làm ăn, kiếm thêm để nuôi các cháu ăn học. Nếu mà nhà nước cấm thì cuộc sống nay mai sẽ không biết ra sao, khó khăn lắm. 3 cháu ăn học mà không có tiền đóng học phí thì khó khăn lắm.

Không chỉ có những người từ ngoài Bắc vào TPHCM đi bán rong mà thôi. Chị Sen, quê ở Bến Tre, nhà chỉ có ít đất mà anh em thì đông nên không đủ chia nhau canh tác. So đi tính lại, chỉ còn một cách là lên thành phố bán trái cây dạo. Sau khi có chút tiền dành dụm, chị sắm được chiếc xe ba gác.

Mỗi ngày, dậy từ hai giờ sáng để đi lấy trái cây từ các vựa về bán. Muà nào thức đó. Hàng ngày, sau khi trừ mọi chi phí, cũng kiếm được vài chục ngàn. Dành dụm được bao nhiêu lại gửi hết về nuôi mẹ già và con thơ còn ở dưới tỉnh. Đã qua hai cái tết, nhưng vẫn chưa dám về thăm nhà vì sợ mất mối hàng. Chị tâm sự:

“Anh em thì đông mà nhà chỉ có chút đất vườn, nên không biết làm sao, đành đi buôn bán để lo cho con và bà già. Cuộc sống khó khăn, chừng nào họ kêu dẹp thì mình dẹp. Em có một cháu và nuôi bà già hơn 80 tuổi.

Một ngày trung bình kiếm vài chục, đủ sống qua ngày. Chắc phải kiếm công chuyện khác để làm…Xe ba gác, xe gì cũng cấm, không cho chở hàng trong thành phố…hai giờ khuya là phải đi lấy hàng về bán rồi, tối bán đến 10 giờ đêm mới dọn về nhà trọ nghỉ. Em định đến chừng đó rồi hẵng hay, chắc lúc đó về quê sống thôi.”

Đó là tình cảnh của một số người bán rong ở TPHCM, còn ở Hà Nội, thì cũng không khá gì hơn. Anh Hùng, một cư dân ở quận Đống Đa cho biết rằng:

“Những hàng rong ấy bán ở trên vỉa hè, làm tắc nghẽn giao thông.. Hiện tại thì cấm bán ở những phố chính, phố lớn như Hàng Ngang, Hàng Đào, mang tính chất là dân du lịch đi đông và đưa vào những phố nhỏ. Nhưng sắp tới đây, thì sẽ cấm hẳn.”

Cần có dự án

Cũng theo lời anh cho hay, có lẽ, chỉ thị cấm bán hàng rong của nhà nước đưa ra là để làm cho cảnh quan đô thị đẹp hơn và giao thông không bị tắc nghẽn, thế nhưng:

Người Việt Nam mình thì vẫn có thói quen tiện đâu mua đấy, tiện đâu bán đấy, và người ta đứng ở trên xe máy người ta mua luôn…người ta cũng ngại gửi mũ, gửi xe đi vào chỗ qui hoạch. Vô hình chung, người bán và người mua làm tắc nghẽn giao thông đô thị.

“Người Việt Nam mình thì vẫn có thói quen tiện đâu mua đấy, tiện đâu bán đấy, và người ta đứng ở trên xe máy người ta mua luôn…người ta cũng ngại gửi mũ, gửi xe đi vào chỗ qui hoạch. Vô hình chung, người bán và người mua làm tắc nghẽn giao thông đô thị.

Cấm bán hàng rong là cấm các xe thồ, xe chở hàng đỗ ở lề đường, hàng gánh rong, chiếm dụng vỉa hè...Bây giờ cấm như thế thì vô hình chung chính quyền đánh vào những người nghèo vì đa số những người bán hàng rong là những người nghèo hay nông thôn, họ ra thành phố bán.”

Mặc dù biết rằng chuyện cấm lưu hành xe ba bánh tự chế và cấm bán hàng rong sẽ ảnh hưởng nhiều đến giới lao động nghèo, và con số này cũng không nhỏ, thế mà cho đến nay, vẫn chưa có một giải pháp nào hữu hiệu hầu giúp đỡ cho những người đã nghèo mà nay mai, lại càng nghèo hơn nữa. Một chuyên viên kinh tế, từng nghiên cứu đề tài “Kinh Tế Viả Hè” tại TPHCM, xin không được nêu danh tánh cho biết:

“Để có thể thực hiện được thì phải nghiên cứu và xem coi quá trình làm như thế nào. Kinh tế vỉa hè ở các nước châu Á khác với các nước ở châu Âu, nên phải làm sao hài hoà giữa việc quản lý đô thị và buôn bán.

Tôi nghĩ là phải làm sao có sản phẩm để thay thế hàng rong, như cơm văn phòng, chợ đêm như ở Bến Thành, những khu dành riêng cho những người bán giá rẻ, làm sao cho những người đến buôn bán mà không cần phải đóng phí tổn nhiều. Tôi nghĩ rằng không nên xoá bỏ liền mà phải có dự án, có kế hoạch, làm từng bước, nghiên cứu…”

Quí vị và các bạn vừa nghe một số tâm tư của giới lao động và một chuyên viên kinh tế liên quan đến việc cấm bán hàng rong và cấm lưu thông xe ba bánh tự chế.

Mong rằng rồi đây, những người đang kinh doanh trên những chiếc xe ba gác tự chế, những người bán rong sẽ sớm được các cơ quan hữu trách tìm ra giải pháp hỗ trợ, để họ có thể tiếp tục nuôi sống gia đình bằng chính những giọt mồ hôi, những nỗi nhọc nhằn cơ cực của mình. Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn vào kỳ sau.