Nhìn lại phẩm chất nhà giáo trong năm qua
2008.01.01
Phương Anh, phóng viên đài RFA
Trong những tháng vừa qua, các thông tin về nạn bạo hành trong học đường ngày càng nhiều. Việc trừng phạt học sinh nặng tay liên tiếp xảy ra ở một số trường cấp 1, cấp 2 ở thành phố Hồ Chí Minh và ở Hà Nội. Cụ thể là vào ngày 6 tháng 12, ở một trường tiểu học tại Hà Liêm, Hà Nội một cô giáo cho học sinh lớp 5 tát trò lớp 2 để các em khỏi nghịch ngợm.
Trước đó, tại một trường khác, một học sinh 8 tuổi đã bị cô giáo dùng thước quật vào tay rồi tát mạnh vào mặt. Tại tỉnh Thái Bình, một em học sinh lớp 4 bị cô chủ nhiệm bắt đứng trước lớp để 32 bạn khác trong lớp tát vào mặt vì quên đem sổ thi đua. Đó chỉ là một vài thí dụ trong hàng chục sự việc đáng tiếc đã xảy ra. Bên cạnh đó, ở cấp Mẫu Giáo, Mầm Non, cũng xảy ra tình trạng bạo hành tương tự.
Cụ thể là gần đây nhất, vụ cô bảo mẫu dùng băng keo dán miệng trẻ để trẻ nín khóc đã gây chấn động tại Sàigòn. Có một số ý kiến cho rằng đạo đức thầy cô đang dần dần bị suy đồi. Nhân dịp cuối năm, Phương Anh mời quí vị và các bạn nghe những ý kiến của một số giáo chức cùng phụ huynh chung quanh vấn đề này.
Cái “tâm” ngày xưa cao hơn
Khi đề cập đến chuyện một số thầy cô giáo đã phạt học sinh quá nặng tay, phản giáo dục đã xảy ra tại một số trường, anh Doanh, một phụ huynh hiện có con theo học tại một trường cấp 1 ở quận Bình Thạnh, cho biết:
“Chính vì việc giáo dục các cô không đến nơi đến chốn nên không hiểu rõ nghiệp vụ. Rõ ràng, với vai trò của phụ huynh thì rất bức xúc, mất niềm tin, từ đó sẽ ảnh hưởng uy tín. Nền giáo dục hiện giờ, nếu như so với giai đoạn trước đây, so với nền kinh tế thị trường bây giờ, thì nó chuyển biến khác.
Ngày xưa thầy cô giáo rất được quí trọng. Nhưng ngày nay, nó bị ảnh hưởng, tình trạng dậy thêm, học thêm, tác động đến đời sống thu nhập, ảnh hưởng đến quan điểm giáo dục. Nhìn chung, cái “tâm” ngày xưa cao hơn.” Riêng với chị Ánh Tuyết, có con gửi tại trường một Mầm Non ở quận 3, thì rất lo lắng sau vụ cô bảo mẫu dán băng keo vào miệng trẻ. Chị nói:
“Những trường công thì có qui định chế độ theo phương pháp sư phạm đàng hoàng. Việc giáo viên đánh học trò thì lo lắng, nhưng bây giờ tình trạng phải gửi con thôi, chứ đâu có giữ được ở nhà. Vợ chồng đi làm hết trơn rồi. Có con khoảng 6 tháng là phải gửi nhà trẻ rồi, nhưng chỉ gửi được trường tư thôi, còn trường công thì không gửi được.”
Vừa rồi là ý kiến của phụ huynh về phẩm chất, tư cách đạo đức của thầy cô giáo. Thưa quí vị và các bạn, theo lời của bà Nguyễn thị Kim Thanh, Trưởng Phòng Mầm Non Sở Giáo Dục TPHCM, thì hiện nay, trên địa bàn thành phố, có cả thảy 602 trường Mầm Non, nuôi dậy tổng cộng 250.000 trẻ. Các trường đều nuôi dậy tốt, khác hẳn với các nhà giữ trẻ tư nhân, hay còn gọi là “nhóm trẻ gia đình”. Bà nói:
“Nói chung, các trường tư thục của chúng tôi được cấp phép hoạt động thì cũng tương đối tốt, không như nhóm trẻ gia đình, thiếu giáo viên thì phải tuyển thêm một số giáo viên, một số người không có chuyên môn, không biết cách xử trí các trường hợp đặc biệt, một số trẻ đặc biệt hoặc là một số tình huống, họ không xử trí được, họ không biết cách…nên phạm phải những sai lầm đáng tiếc và gây ra hậu quả.
Chúng tôi có 10000 giáo viên trực tiếp, khoảng 5000 công nhân viên trong ngành, nuôi dậy trẻ tương đối bảo đảm, hàng năm trẻ phát triển tương đối tốt, chống suy dinh dưỡng, chống béo phì cho trẻ, phát triển tương đối toàn diện.”
Đạo đức nhà giáo, nói chung, vẫn tốt, vẫn tận tụy
Sau sự việc đáng tiếc vừa xảy ra tại trường Mầm Non Thiên Thơ, về vụ cô bảo mẫu dán băng keo vào miệng trẻ, bà Kim Thanh cho hay:
“Chúng tôi luôn luôn nhấn mạnh vào việc giữ đạo đức, tư cách của thầy giáo trong các ngành học. Trong ngành Mầm Non, tiêu chí của chúng tôi là giữ an toàn cho trẻ, trong đó an toàn thể chất và tinh thần. Trong năm 2008, chúng tôi có nhiều biện pháp để chấn chỉnh, xiết chặt hơn nữa việc bảo đảm an toàn cho trẻ về cả tâm lý và thể chất.
Chúng tôi sẽ nâng cao tiêu chuẩn với các nhóm trẻ cũng như sẽ yêu cầu là các lao động mà không qua đào tạo từ trung cấp, tối thiểu là trung cấp sư phạm Mầm Non, thì không được đứng lớp. Còn người bảo mẫu hoặc là phục vụ trong nhóm trẻ thì cũng phải qua đào tạo cấp tốc. Chúng tôi sẽ nâng yêu cầu trước khi cấp phép cho nhóm trẻ.
Còn trường tư thì phải có Trung Cấp Sư Phạm Mầm Non, tức là 12+2, giáo viên phải học ít nhất là hai năm để hiểu được tâm sinh lý trẻ và có các biện pháp bảo đảm an toàn cho trẻ. Thực sự người ta có tình thương thì người ta mới vào nghề sư phạm, đặc biệt là sư phạm mẫu giáo hay tiểu học. Chúng tôi sẽ tăng cường việc thanh tra, kiểm tra và động viên các cô giáo trong việc chăm sóc trẻ, giáo dục trẻ.
Ngoài ra, cũng có những biện pháp để tăng, cải thiện đời sống giáo viên, cải thiện cường độ làm việc để giáo viên không bị áp lực nhiều quá. Chúng tôi hy vọng sẽ có những tiến bộ hơn trong việc bảo đảm sức khoẻ và an toàn tâm lý cho trẻ.”
Nhân đây, khi đề cập đến việc dư luận cho rằng phẩm chất đạo đức nhà giáo đang xuống cấp, bà Kim Thanh phát biểu rằng:
“Phần lớn người ta vẫn tận tụy với công việc, thầy cô dậy dỗ rất chu đáo. Một số người như thế chỉ tính trên đầu ngón tay, nhưng do thông tin của chúng ta quá nhanh… tất cả những việc đấy được đưa trên các phương tiện thông tin thì chúng ta cảm thấy nhiều hơn hồi xưa…
Trước giờ có nhiều chuyện này chuyện khác, trong gia đình cũng thế, có nhiều người xử nặng với con, dẫn đến hậu quả nặng cho trẻ, chứ không riêng gì với giáo viên, một số người nóng nẩy, hoặc thiếu sư phạm, thiếu kiềm chế, thì ở đâu và thời nào cũng có như thế.
Nhưng tỉ lệ đấy không phải là nhiều. Cho nên, tôi nghĩ là đạo đức nhà giáo, nói chung, vẫn tốt, vẫn tận tuỵ, vẫn giữ được phẩm chất của nhà giáo…nếu nói là đạo đức nhà giáo xuống cấp là quá đáng và thổi phồng.”
Cô giáo Diệp Lan, giáo viên giỏi trường PTCS Phan Đình Giót ở Hà Nội cũng đồng quan điểm:
“Con số cực kỳ ít ỏi, bởi vì hiện nay có hiện tượng là nhiều khi cái tốt thì ít được nhìn đến, còn những cái cá biệt thì người ta chĩa mũi dùi, hay săm soi đến. Thực lòng, khi có những sự việc ấy xảy ra thì những người làm giáo dục như chúng tôi rất buồn vì nó không phải là phổ biến trong ngành.
Cái chuyện tát hay đánh học sinh rất hãn hữu. Việc đánh hay chửi học sinh, đối với bản thân mình và các đồng nghiệp thì rất ít xảy ra…Bây giờ, người ta đề cập đến “nhân quyền” nhiều nên sự đòi hỏi của học sinh, sự chăm lo của gia đình học sinh, giáo viên cũng không thể tùy tiện mắng học sinh, chứ không thể nào tát hay đánh. Cho nên, sự việc xảy ra chỉ là rất cá biệt, chứ không phổ biến, chuyện như thế hiếm lắm.
Do môi trường xung quanh
Theo cô, giáo viên cũng có cuộc sống giống như những người khác. Nhiều khi vì do ảnh hưởng của gia đình, xã hội, có những bức xúc mà không giải toả với ai được. Vì thế, đến khi đứng lớp, gặp những tình huống khó khăn đã không tự kiềm chế được mình. Cô nói tiếp:
“Có thể môi trường xung quanh làm người ta quá bức xúc, nên xử sự không được đẹp, không hợp lắm với sư phạm, nên đã không thể tránh được những ngoại lệ cho dù là nhỏ…Và cũng không thể nhắc đến việc hạn chế về kinh nghiệm xã hội. Bởi vì học đại học thì học, nhưng chưa chắc tầm hiểu biết chưa được ngang bằng với trình độ học vấn.”
Khi được hỏi cô suy nghĩ như thế nào về những trường hợp bạo hành xảy ra tại một số trường phổ thông cơ sở, và cô có hy vọng gì cho trong năm 2008, cô phát biểu:
“Khi đọc những tin tức đó thì chúng tôi luôn luôn nói với nhau rằng: người ta chỉ nhìn thấy mặt tồn tại của giáo dục, dĩ nhiên còn nhiền điều chúng ta phải cố gắng. Những người đi dậy học như tôi chẳng hạn, thì cảm thấy rất xúc phạm. Nhìn vào con số rất nhỏ ấy mà để đánh giá và chụp mũ cả ngành giáo dục như thế thì mình thấy đó chỉ là một đánh giá chủ quan và thiển cận.
Nói chung, mỗi sự việc xảy ra thì ở trong hay ngoài đều rút cho mình kinh nghiệm hay bài học nào đó, nhất là những người trong nghề. Tôi nghĩ là với những sự việc xảy ra như thế thì sẽ có những bài học rất đắt giá để không bao giờ vấp phải những bài học như thế. Những người trong ngành đã có những nỗ lực lớn để cải thiện sự tồn tại như thế. Bằng chứng là những sự việc đã xảy ra được điều tra, làm rõ kịp thời. Tình hình chắc chắn sẽ sáng sủa hơn.”
Thưa qúi vị và các bạn, vừa rồi là những ý kiến của một số phụ huynh và nhà giáo khi đề cập đến đạo đức thầy cô giáo trong năm qua. Có ý kiến cho rằng vì ảnh hưởng kinh tế thị trường nên quan niệm về sư phạm, giáo dục đã thay đổi. Bên cạnh đó, cũng có quan điểm rằng ngành giáo dục Việt Nam đã lạc hậu nhiều năm qua, khiến việc đào tạo giáo viên sư phạm thiếu chất lượng.
Dẫu sao thì cũng không thể phủ nhận rằng: tình trạng bạo hành học đường trong năm qua có chiều hướng gia tăng. Mong rằng, tình trạng này sẽ chấm dứt hẳn trong năm 2008, hầu uy tín của các thầy cô giáo được nâng cao hơn, được tôn trọng hơn. Mục CCHT xin chấm dứt nơi đây. Hẹn gặp lại các bạn vào kỳ sau.
Những bài liên quan
- Niềm mơ ước trong mùa Giáng sinh của giáo phận TPHCM và Hà Nội
- Sơ kết chương trình Humanitarian Resettlement- Tái Định Cư Nhân Đạo.
- Người khuyết tật ở Việt Nam được hỗ trợ ra sao?
- Khi sinh viên “học chui”
- Ý kiến về đề nghị tăng học phí của Bộ Giáo Dục- Đào Tạo Việt Nam
- Những khía cạnh mà đại học Việt Nam hiện đang phải đối diện
- Ý nghĩa Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20-11
- Phải chăng đã đến lúc Việt Nam cần phải có giáo dục giới tính?
- Giáo dục Giới Tính tại Hoa Kỳ