Thoả ước cam kết nhận người Việt tại Hoa Kỳ bị trục xuất
2008.01.29
Phương Anh, phóng viên đài RFA
Vào những ngày cuối năm Đinh Hợi, một tin không được vui đến với một số gia đình người Việt ở Hoa Kỳ, nhất là những ai đang nằm trong danh sách bị trục xuất của chính phủ Mỹ. Và, cách đây không lâu, Phương Anh cũng đã trình bày cho quí vị nghe về tình trạng của những người này hiện đang sống trong vô vọng vì nhà nước Việt Nam không nhận về.

Chính vì thế, họ hy vọng sẽ được chính phủ Mỹ khoan hồng huỷ bỏ lệnh trục xuất. Thế nhưng, cách đây một tuần, sau 10 năm thương thảo giữa Washington và Hà Nội, nhà nước Việt Nam đã đồng ý nhận tất cả những ai bị Hoa Kỳ trục xuất. Kỳ này, Phương Anh xin gửi tới quí vị những thông tin liên quan đến thoả hiệp này cùng ý kiến của một số người hiện làm việc trong lãnh vực di dân từ bao lâu nay.
Theo lời luật sư Phạm Đức Tiến, hành nghề ở thành phố Falls Church, Virginia, từ nhiều năm qua, chuyên bênh vực cho những người Việt bị trục xuất, thì:
“Ngày 22 tháng giêng vừa qua, bà Julie Myer, thứ trưởng của Bộ An Ninh Quốc Gia, đặc trách về Immigration đã ký với với thứ trưởng Ngoại Giao Việt Nam là ông Đào Việt Trung một thoả ước là chính phủ Việt Nam sẽ bắt đầu nhận những người Việt Nam bị chính phủ Hoa Kỳ trục xuất.
Điểm naỳ rất quan trọng bởi vì từ trước đến giờ, có nhiều người Việt Nam bị trục xuất, nhưng theo luật là trong vòng 90 ngày, vì lý do chính phủ mà nơi người đó là công dân trước đây không chịu nhận thì bắt buộc phải thả người đó ra.
Cho nên, trong nhiều năm vừa qua, những người Việt Nam bị trục xuất, Việt Nam không chịu nhận thì họ đã được thả ra và đi làm việc trở lại. Bây giờ, với thỏa ước đặc biệt này, những người đã được lệnh trục xuất “final decision” thì sở di trú sẽ tìm cách bắt giữ và sau đó sẽ trục xuất.”
Được biết, theo bản thoả hiệp, một khi nhà nước Việt Nam cấp giấy chứng nhận cho người bị trục xuất trở về, thì trong vòng 15 ngày, chính phủ Hoa Kỳ sẽ thông báo chuyến bay và chịu phí tổn vé máy bay.
Điểm naỳ rất quan trọng bởi vì từ trước đến giờ, có nhiều người Việt Nam bị trục xuất, nhưng theo luật là trong vòng 90 ngày, vì lý do chính phủ mà nơi người đó là công dân trước đây không chịu nhận thì bắt buộc phải thả người đó ra.
Ngoài ra, theo sự thoả thuận của hai chính phủ, thì thoả ước này chỉ áp dụng cho những người đến Mỹ sau ngày 12 tháng 7 năm 1995. Luật sư Tiến nói tiếp:
“ (Về )thời gian, luật “MOU” sẽ có hiệu lực 60 ngày kể từ ngày ký (tức là) ngày 22 tháng giêng năm 2008. Thoả ước này sẽ có hiệu lực trong vòng 5 năm. Sau 5 năm, thoả ước sẽ được gia hạn thêm 3 năm nữa và nó tự động gia hạn, không cần phải ký lại. Trong thời gian đó tất cả những điều khoản nào thêm bớt thì hai chính phủ sẽ gặp nhau để thảo luận riêng.
Thoả ước này đặc biệt là chỉ nhắm vào những người đã bị trục xuất, (nhưng họ) tới nước Mỹ sau ngày 12 tháng 7 năm 1995. Tức là những người tới trước 12 tháng 7 năm 1995 mà đã được lệnh trục xuất thì sẽ không bị ảnh hưởng bởi luật này. Thí dụ, một người sang đây năm 1975 mà sau đó có thể bị vi phạm luật nào đó mà bị trục xuất năm 2000 chẳng hạn thì người đó vẫn không bị trục xuất vì người đó đã đến Mỹ trước ngày 12 tháng 7 năm 1995.”
Cũng theo lời luật sư Tiến, trường hợp những người đã lập gia đình, con cái, thì dầu cho người phối ngẫu có là công dân Hoa Kỳ và đứng ra bảo lãnh cho người có lệnh bị trục xuất đi chăng nữa, thì sở di trú Hoa Kỳ vẫn không chấp nhận. Ông cho hay:
“Cái cơ hội đó là khi ra toà, ngay lúc đó phải xin để có cơ hội, có tất cả những điều kiện để xin không bị trục xuất hay không, và những điều kiện để giảm…thì giai đoạn đó là cần thiết. Một khi lệnh đã xuống, đã “final” và “order” rồi thì không thể làm gì được hết. Có thể tùy trường hợp, nhưng ngay cả lúc đó họ có vợ con, mà có lệnh xuống rồi thì cũng không giải quyết được.
Điều này hơi phức tạp vì tùy theo cái án họ vi phạm, người chồng hay người vợ đứng ra bảo lãnh cho người đó ở lại hay không. Nếu những án đó không phải là hình sự gia trọng. Thí dụ như bạo hành chẳng hạn, với người khác, có án trên một năm. Hoặc là những tội dính dáng đến tài sản của người khác mà cái án đó trên một năm.
Thí dụ, một người “shop lifting”, đó là tội trộm dính đến tài sản của người khác. Thường thì người ta nghĩ nó nhẹ, nhưng nếu cái án bị trên 12 tháng thì cái đó gọi là hình sự gia trọng đối với luật di trú.”
Khi Bộ An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ loan báo về bản thoả hiệp này, lập tức, có hai luồng dư luận chung quanh vấn đề này, nhất là đối với những tổ chức hoạt động trong lãnh vực di dân.
Một bên thì cho rằng những ai đã từng đến Mỹ theo diện tị nạn thì nay, nếu trục xuất họ về nguyên quán, thì họ sẽ gặp rất nhiều trở ngại với nhà nước Việt Nam. Một bên thì lại đồng ý phải trục xuất càng sớm càng tốt vì những người này đã vi phạm luật lệ Hoa Kỳ. Ông Mike Krikorian, giám đốc trung tâm “Washington- based Center for Immigration Studies” phát biểu:

“Sự thoả hiệp này kéo dài lâu quá rồi ! Đáng lý ra chính phủ Hoa Kỳ không nên có quan hệ bình thường với Việt Nam cho đến khi nào Việt Nam đồng ý nhận những người nhập cảnh vào Mỹ bất hợp pháp hay những người đã phạm tội hình sự. Trên thế giới, hiện giờ chỉ có vài ba quốc gia như Việt Nam, Cuba, và một vài nước khác không nhận những người công dân của họ trở về. Chính vì điều này mà có nhiều rắc rối xảy ra cho vấn đề di dân của đất nước chúng ta .”
Khi đề cập đến vấn đề người Việt bị trục xuất đến Mỹ theo diện con lai, hay tị nạn trước đây, liệu khi trở về Việt Nam sẽ có an toàn hay không? Và tại sao không nên cho họ có cơ hội lần thứ hai, ông cho rằng:
“Tôi không nói là Việt Nam là một nơi có tự do dân chủ. Nhưng nếu chúng ta chỉ trục xuất những người nào thuộc về quốc gia có dân chủ, thì cuối cùng, chúng ta lại phải chứa chấp rất nhiều người không phải là công dân Hoa Kỳ, phạm tội hình sự. Chính phủ Mỹ đã trục xuất khá nhiều những người Phi Châu, Trung quốc, Ả Rập… v..v..thế thì tại sao chúng ta lại không trục xuất những người Việt Nam được?
Theo tôi, những người không phải là công dân Hoa Kỳ, đã phạm tội hình sự thì phải trục xuất hết. Chính họ đã tự gây ra lỗi lầm, vi phạm luật lệ và phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Tôi không có sự thông cảm nào cho họ cả. Chúng ta đã cho họ có cơ hội lần thứ hai rồi. Đó là đón nhận họ với tư cách là người tị nạn.
Con số này không phải là nhỏ. Tính trên toàn thế giới thì Hoa Kỳ là người đã đón nhận nhiều người tị nạn nhất. Sau đó, họ được trở thành thường trú nhân. Nếu họ đã giết người, cướp của, cưỡng hiếp… thì tôi nghĩ rằng chúng ta không nên thông cảm cho họ được nữa.”
Trong khi đó, cô Thor Dua, giám đốc điều hành Trung Tâm Tác Vụ Đông Nam Á, hay còn gọi tắt là “SERAC” thì cho rằng:
“Từ bao lâu nay, tổ chức của chúng tôi đã không đồng ý với việc trục xuất những người là tị nạn. Mặc dù đã 30 năm trôi qua, và Việt Nam có thay đổi như thế nào đi chăng nữa, chúng tôi vẫn tin là những người tị nạn thì không thể bị trục xuất về quốc gia mà họ đã ra đi.
Chẳng hạn như ở Cambodia, chúng tôi được biết rằng khi họ trở về nước, thì họ lại tiếp tục bị giam giữ, gia đình của họ bị làm tiền nếu muốn họ được thả. Nhiều người rất khó hội nhập với cuộc sống mới vì họ đã sinh sống ở Hoa Kỳ thời gian quá dài. Tôi nghĩ rằng Việt Nam cũng giống như Cambodia mà thôi.”
Trở lại với luật sự Phạm Đức Tiến, với cái nhìn bi quan, ông cho rằng, việc xin hủy bỏ lệnh trục xuất cho những người tị nạn hay con lai rất khó. Ông nói:
Sự thoả hiệp này kéo dài lâu quá rồi ! Đáng lý ra chính phủ Hoa Kỳ không nên có quan hệ bình thường với Việt Nam cho đến khi nào Việt Nam đồng ý nhận những người nhập cảnh vào Mỹ bất hợp pháp hay những người đã phạm tội hình sự.
“Tôi không nghĩ là có tác dụng gì một khi luật đã thành hình. Nó sẽ ảnh hưởng đến khoảng 1500 người Việt Nam, tức là những người đã bị lệnh trục xuất. Tôi không nghĩ là họ gia giảm, vì nếu họ gia giảm thì họ đã thực hiện khi ra tòa.
Một khi nó đã thành lệnh trục xuất rồi thì không phủ quyết được, trừ một số trường hợp. Ví dụ những người con lai tìm được người bố. Hoặc, có một cái luật mà họ đang vận động quốc hội nhiều năm mà chưa thành hình, đó là tất cả những người con lai đó đều tự động có quốc tịch Mỹ. Trong trường hợp đó, mình có thể xin “reopen” case (xin mở lại hồ sơ) thì người đó không bị trục xuất vì đã có quốc tịch Mỹ.
Hầu hết những người con lai sang bên này đều không tìm được bố, thành ra, không chứng minh được quốc tịch Mỹ. Đã có cuộc vận động luật cho những người con lai, dù không tìm được bố vẫn được tự động có quốc tịch Mỹ, nhưng mặc dù vận động rất nhiều năm nhưng đến giờ vẫn chưa thành hình.”
Nhưng, thưa quí vị, đối với cô Thor Dua, thì điều cần thiết phải làm hiện nay để giúp cho những ai đã từng đến Mỹ theo diện tị nạn, hay con lai, không may lỡ vi phạm luật lệ và nay bị lệnh trục xuất, là phải vận động để thay đổi điều khoản trong bản thoả hiệp. Cô nói:
“Nếu chiếu theo từng trường hợp để xin huỷ bỏ lệnh trục xuất thì khó lắm. Do đó, chúng tôi luôn cố gắng vận động để thay đổi điều khoản trục xuất những người đã từng đến Mỹ theo diện tị nạn, nhất là những ai đã có gia đình.
Việc này đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn. Cộng đồng Việt Nam có thể yệu cầu các vị dân biểu can thiệp. Trong quá khứ chúng ta đã thấy có nhiều luật lệ đã sửa đổi được nhờ vào sức mạnh của cộng đồng nên tôi vẫn có hy vọng cho những người tị nạn mà không may bị lệnh trục xuất.”
Quí vị vừa nghe các thông tin liên quan đến việc Việt Nam đã ký bản thoả ước với Hoa Kỳ để nhận những người Việt bị trục xuất. Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn vào kỳ sau.
Thông tin trên mạng
- ICE Assistant Secretary Myers signs historical MOU with Vietnam
Các tin, bài liên quan
- Giải thích của ông Nam Lộc về việc hàng ngàn người Việt có thể bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ
- Quan điểm của tân Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ về vấn đề Hoàng Sa-Trường Sa
- Những thành phần người Việt nào có thể bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ?
- Hoa Kỳ có thể trục xuất hàng ngàn người Việt định cư bất hợp pháp
- Gói bánh Chưng, bánh Tét, sinh hoạt Tết của giáo xứ Việt tại Texas
- Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ hủy bỏ chuyến thăm Việt Nam vì lý do thời tiết
- Thành quả của dự án Học Liệu Mở do Hoa Kỳ tài trợ cho Việt Nam
- Tổ chức từ thiện giúp học sinh nghèo ở Việt Nam
- Phái đoàn Hạ viện Hoa Kỳ viếng thăm Việt Nam
- Nhìn lại phẩm chất nhà giáo trong năm qua
- Niềm mơ ước trong mùa Giáng sinh của giáo phận TPHCM và Hà Nội
- Nhà văn Nguyễn Viên: giới cầm bút VN cần lên tiếng về vụ Hoàng Sa-Trường Sa
- Biểu Tình Chống Trung Quốc tại Houston