5 phóng viên Mỹ gốc Việt thắng giải truyền thông cho người thiểu số ở Hoa Kỳ


2006.11.16

Thanh Trúc, phóng viên đài RFA

Giải báo chí xuất sắc dành cho phóng viên các cộng đồng thiểu số tại Hoa Kỳ, do tổ chức New America Media trao tặng, đã diễn ra hôm thứ Ba vừa rồi tại thủ đô Washington. Thanh Trúc có mặt tại chổ để mong tường trình lại cùng quí vị trong mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi hôm nay. Đây là lần đầu tiên New America Media, một hiệp hội truyền thông ở Hoa Kỳ, đưa về thủ đô Washington DC một buổi tiếp tân long trọng và cũng là lần đầu tiên trao giải thưởng danh dự về tác nghiệp cho các ký giả, bình luận gia, phóng viên truyền thanh, phóng viên truyền hình thuộc các báo, đài, TV của những cộng đồng thiểu số đang sinh sống ở Mỹ.

HillaryClinton200.jpg
Thượng nghị sĩ của New York, bà Hillary Rodham Clinton tại New America Media Reception. PHOTO RFA/Thanh Truc.

Khoảng một ngàn người thuộc giới truyền thông nằm ngoài giòng chính, trong đó có truyền thông Mỹ gốc Việt, đã tham dự buổi lễ trao giải mà mục đích là ghi nhận giá trị và vai trò quan trọng cần thiết của báo giới thuộc các cộng đồng thiểu số trên đất Hoa Kỳ, khẳng định rằng thông tin trên báo đài, nêu lên những vấn đề mà truyền thông giòng chính ít khi đề cập tới là những nguồn ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống, quan điểm và chính kiến của những cộng đồng ấy.

Đó là những vấn đề như Di Dân Và Trở Ngại Hội Nhập, Học Sinh Nước Ngoài Với Học Đường Nước Mỹ, Tệ Nạn Buôn Người Từ Ngoài Vào Mỹ, San Bằng Dị Biệt Để Phát Triển Trong Một Xã Hội Đa Văn Hoá, Quyền Lợi Của Người Được Nhập Cư Hoa Kỳ vân vân…

Phóng sự về thảm trạng của cuồng phong Katrina

Có thể nói thí dụ nổi bật nhất mà New America Media nhắm tới khi tổ chức lễ trao giải là phóng sự của báo đài không nói tiếng Mỹ về những thảm trạng của cuồng phong Katrina quét qua vùng Vịnh cuối tháng Tám năm ngoái.

New America Media nhận định là nếu không có những thông tin đó trên các báo các đài phát thanh hay đài truyền hình của những sắc dân thiểu số thì cả nước Mỹ không hiểu được nạn nhân Katrina ở vùng Vịnh bị mất mát và phải chống chọi như thế nào để bắt đầu lại cuộc sống ở vùng bị tàn phá, cả nước Mỹ sẽ không nhận ra được rằng chính phủ, Cơ Quan Cứu Trợ Khẩn Cấp FEMA và Hội Chữ Thập Đỏ Hoa Kỳ đã tắc trách chậm chạp như thế nào trong công tác uỷ lạo và hổ trợ nạn nhân Katrina từ bấy đến giờ.

NXNghiaDAThai200.jpg

Đó cũng là ý kiến của ông Carl Pope, giám đốc điều hành Câu Lạc Bộ Báo Chí Sierra Club rất có tầm cỡ ở Washington DC. Lên tiếng mở đầu buổi thuyết trình về vai trò và sứ mạng người làm báo trong giới truyền thông thuộc các cộng đồng thiểu số ở Mỹ, ông nói:

“Vai trò quan trọng của báo giới thuộc các sắc tộc thiểu số mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây không gì khác hơn là đáp ứng cấp kỳ mọi thông tin cần thiết cho chính cộng đồng của các bạn trong tình thế khẩn trương nhất. Đó là điều kỳ diệu mà ta có thể tin tưởng được.

Từ điểm này, tôi mong được nhắc lại cái mà các bạn đang làm hàng ngày, đó là khi thông tin đến người nghe, báo giới đang giữ một vai trò chủ xướng quan trọng bởi có thể kết hợp với cộng đồng để lôi kéo sự lưu tâm của chính phủ khiến họ phải thay đổi hay cảo thiện chính sách đối với người thiểu số.”

Tại buổi thuyết trình có hình thức như một buổi họp báo trước lễ trao giải New America Media, bốn thuyết trình viên thuộc bốn cơ sở truyền thông khác nhau là Data News Weekly của người Mỹ gốc Phi Châu, Đài Phát Thanh Saigon Houston của người Mỹ gốc Việt ở Texas, nhật báo La Opinion tiếng Mễ Tây Cơ ở Washington, tuần báo Filipinas của cộng đồng Philippines ở Washington.

Với chủ đề Báo Chí Thiểu Số Và Vai Trò Thông Tin Hàng Đầu, lấy bối cảnh cuồng phong Katrina tàn phá vùng Vịnh nước Mỹ năm 2005, các thuyết trình viên đã khẳng định sự cần thiết trong việc thông tin cấp thời và cập nhật hoá tin tức đến những tầng lớp vốn không có cơ hội tiếp cận hoặc không thông thạo Anh ngữ trong các cộng đồng thiểu số.

Bà Vũ Thanh Thuỷ, phó chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Radio Saigon Houston ở Texas, đã thu hút sự chú ý của cử tọa khi thuật lại bước đầu chương trình cứu trợ đồng hương chạy bão Katrina từ New Orleans qua Texas: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Bà kể là vào khi đài phát thanh Saigon Houston bắt đầu phát bài phóng sự từ chợ Hồng Kông là có cả ngàn người Việt từ vùng bão tố đã tới siêu thị này mà hiện không có chổ nương náu, thì lập tức nhiều cú điện thoại của người Việt ở Houston liên tục gọi vào đài, rồi thì cả trăm cả ngàn người Việt xách xe chạy ra chợ tìm đón đồng hương mang về nhà mình.

Bà nói nhờ tin tức cập nhật trên đài, những người Lào, Kampuchia, Trung Hoa, Ấn Độ, Nhật Bản, ùa theo đoàn xe di tản Katrina của người Việt từ vùng Vịnh qua Texas cũng được cộng đồng Việt Nam ở đó tận tình giúp đỡ.

Niềm vinh dự

TranKyPhong200.jpg
Người thắng giải: Ký giả Trần Kỳ Phong của báo Người Việt tại lễ trao giải thưởng New America Media. PHOTO RFA/Thanh Truc.

Tại buổi trao giải báo chí New America Media, năm người Mỹ gốc Việt nhận giải báo chí xuất sắc là ký giả, nhà sản xuất kiêm giám đốc Đinh Xuân Thái của Little Saigon TV ở California với loạt phóng sự bằng hình Từ Houston Đến New Oeleans, mô tả tình hình người Mỹ gốc Việt tại vùng Vịnh sau cơn bão dữ Katrina.

Người thứ hai được giải là cây viết trẻ Trần Kỳ Phong chuyên trách thể thao và văn nghệ trên báo Người Việt ấn bản Anh ngữ. Nói chuyện với Thanh Trúc, anh bạn trẻ Trần Kỳ Phong cho biết: “Ước mong của tôi khi viết những bài về thể thao hay văn nghệ là để phục vụ cho độc giả Mỹ gốc Việt lớn lên ở Hoa Kỳ mà Anh ngữ giỏi hơn tiếng Việt.

Hơn nữa, giúp cho người trẻ Mỹ gốc Việt hiểu được những điều liên quan đến cộng đồng của mình là điều vô cùng quan trọng vì đối với tôi đó là gạch nối giữa thế hệ đang trưởng thành và thế hệ cao tuổi.”

Tiếp đến là ký giả Vũ Quí Hạo Nhiên, chuyên viết bình luận trên tờ Người Việt, cô Phạm Thanh Thuỷ của Nhà Magazine và những bài viết Anh ngữ có tên Chit Chatting In The New Vietnam.

Sau cùng là kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa với những bài nhận định và phân tích về thời sự thế giới liên quan đến Việt Nam, nhất là mối quan hệ Mỹ Việt về lâu về dài. Ông giải thích rõ hơn về nguồn gốc và sự hình thành của New America Media và lý do tại sao tổ chức này trao giải thưởng cho các báo đài thuộc những cộng đồng thiểu số.

Nói chuyện với Thanh Trúc trước buổi tiệc tối do New America Media khoản đãi, bà Vũ Thanh Thuỷ của Saigon Houston tâm sự: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Những tài năng mới

Để kết thúc câu chuyện về một khía cạnh sinh hoạt của báo chí và truyền thông tự do ở Hoa Kỳ qua đó truyền thông Việt ngữ đang dần dần tự khẳng định vị trí của mình trong giòng chính, Thanh Trúc mời qúi vị nghe lời phát biểu của cựu đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ, hiện là thượng nghị sĩ của New York, bà Hillary Rodham Clinton.

Xuất hiện vài phút trước lễ trao giải báo chí xuất sắc cho ký giả và báo chí thuộc các cộng đồng thiểu số ở Mỹ, bà Hillary Rodham Clinton tuyên bố:

VuThanhThuy200.jpg

“Tôi hân hạnh có mặt đêm nay, cạnh những tài năng mới trong làng truyền thông Hoa Kỳ, để ca ngợi những người được tưởng thưởng. Thật là tuyệt vời khi nhận ra công việc mà quí vị đã thực hiện và tầm ảnh hưởng mà quí vị mang lại cho đất nước này.

Hy vọng một luồng gió mới đang thổi qua, mang lại một nền truyền thông mới mẻ mà qúi vị là đại diện, để góp phần vào sự thay đổi của một quốc gia mà chúng ta cần có và chọn lựa bằng lá phiếu của mình.”

Một ngày sau buổi trao giải báo chí xuất sắc cho giới truyền thông các cộng đồng thiểu số ở Hoa Kỳ, New America Media còn tổ chức một buổi Workshop, để tập huấn về phương thức đưa tin làm báo trong một đất nước mà đệ tứ quyền, tức quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận và tự do phát biểu, được tôn trọng tối đa theo qui định của hiến pháp.

Thanh Trúc sẽ trở lại cùng quí vị tối thứ Năm tuần tới.

Thông tin trên mạng:

- Senator Clinton Salutes Ethnic Media at NAM Awards

- New America Media AWARDS

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.