Điểm báo trong nước trên mạng Internet (Ngày 1-1-2005)

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Đầu năm tây chúng tôi gõ cửa báo Lao Động.Com.Vn. với bài tổng kết 10 sự kiện kinh tế xã hội nổi bật năm 2004. Tờ báo đã mời các chuyên gia nặng ký của Việt Nam tham gia bình chọn, các nhân vật vừa nói gồm, nhà sử học Dương Trung Quốc, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, Tiến sĩ Trần Du Lịch và bà Phạm Chi Lan.

Các chuyên gia đã bình chọn sự kiện hàng đầu là thành quả kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,7%, xuất khẩu vượt 26 tỷ đô la, du lịch thu hút 2 triệu 900 ngàn khách nước ngoài, vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài FDI 4,2 tỷ đô la. Về mức tăng FDI kỷ lục này, tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định với ban Việt Ngữ.

10 sự kiện quan trọng nhất năm 2004

Xếp thứ tự 10 sự kiện quan trọng nhất năm 2004 theo báo Lao Động gồm, thứ nhất kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,7%. Thứ hai xuất khẩu vượt 26 tỷ đô la. Thứ ba dịch cúm gà gây thiệt hại lớn đối với nền kinh tế. Thứ Tư biến động giá cả. Thứ năm tăng lương cán bộ công chức từ 1/10/2004. Thứ 6 đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng.Thứ bảy luật đất đai có hiệu lực từ 1/7/2004. Thứ 8 dân số tăng đột biến. Thứ 9 khởi sự chấn hưng giáo dục.Và thứ 10 là các vụ kiện thương mại quốc tế như cá Basa và Tôm.

Sự kiện quan trọng mà báo Lao Động xếp đứng thứ ba năm 2004, là dịch cúm gia cầm. Theo đó dịch bộc phát từ tháng 12/2003 lây lan nhanh chóng ra 57 tỉnh thành phố cả nước, vi rút cúm gà H5N1 còn làm thiệt mạng 20 người, gần 44 triệu gia cầm bị tiêu hủy. Tổng thiệt hại mà báo Lao Động đưa ra là 1.300 tỷ đồng thay vì các thông tin trước đó nói là thiệt hại 3 ngàn tỷ đồng.

Đặc biệt tờ báo cũng ghi nhận tình trạng tái phát dịch cúm gia cầm từ tháng 6 tháng 7 và bùng phát mạnh trong tháng 12 vừa qua tại 6 tỉnh thành phố ở miền Nam. Tổng số gia cầm tiêu hủy hơn 50 ngàn con. Diễn biến dịch trong dịp tết Nguyên Đán tới đây hết sức phức tạp. Về điều này ông Hoàng Văn Năm trưởng phòng dịch tễ cục thú y xác nhận với ban Việt Ngữ.

Giá cả thị trường và tiền lương

Sự kiện thứ tư mà các chuyên gia bình chọn cho báo Lao Động là Biến Động giá cả. Theo đó mức tăng giá tiêu thụ cả năm 2004 lên tới 9,5% cao hơn mức tăng trưởng GDP tổng sản phẩm nội địa.Tăng cao nhất là lương thực thực phẩm tăng tới 15,6%. Tờ báo ghi nhận các nhóm hàng tăng giá như sắt thép, vật liệu xây dựng thuốc chữa bệnh, xăng dầu, vàng. Cơn sốt giá kéo dài súôt năm gây nhiều khó khăn cho đời sống người dân.

Báo lao Động cho rằng giá cả đầu vào của nền kinh tế đã tăng cao, đồng thời cũng tác động hình thành một mặt bằng giá mới. Điều này cũng được giới doanh nhân nhìn nhận.

Cải cách tiền lương cũng được các chuyên gia bình chọn là sự kiện thứ 5 của năm 2004. Công chức cán bộ nhà nước được tăng lương từ 1/10 và truy lãnh vào cuối tháng giêng này. Lương thấp nhất vẫn giữ nguyên 290 ngàn một tháng, nhưng mức lương trung bình thì tăng khoảng 200 ngàn đồng từ 516 ngàn tăng lên 678 ngàn. Chuyện tăng lương được người dân nhận xét.

Riêng đợt tăng lương tháng 10, nhà nước phải bù chi ngân sách 2004 bảy ngàn tỷ đồng, còn năm nay 2005 dự kiến chi cho tăng lương là 20 ngàn tỷ đồng. Tờ báo cho rằng đây là thời điểm bắt đầu một lộ trình cải cách tiền lương sâu rộng tới năm 2007, theo hướng mở rộng khoảng cách các mức lương tối thiểu-trung bình và tối đa. Tách dần lương cơ quan hành chánh và cơ quan sự nghiệp.

Chất lượng tăng trưởng

Trên dưới một chục tờ báo mạng của Việt Nam có bài tường thuật về phiên họp thường kỳ của chính phủ, diễn ra ngày 27 và 28/12/2004 tại TP.HCM. Tuổi Trẻ tờ báo có nhiều độc giả, đặt tựa bài bằng tuyên bố của Thủ tướng Việt Nam nói rằng, phải đặc biệt quan tâm tới chất lượng tăng trưởng.

Tờ báo cũng đăng ảnh ông Phan Văn Khải, xem trên mạng thấy ông già hơn trước và nhiều ưu tư, phải chăng là vì những thách thức của năm 2005. Ông Khải nhận định rằng, 2004 là một năm đầy khó khăn nhưng cả nước đã có nỗ lực cao và nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá. Đối với năm 2005, Thủ tướng Phan Văn Khải đưa ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8,5%.

Bên cạnh mục tiêu đó, theo người đứng đầu chính phủ, Việt Nam sẽ phải đặc biệt quan tâm đến chất lượng tăng trưởng để đảm bảo cho tăng trưởng bền vững với tầm nhìn đến năm 2010 và 2020. Điểm đáng lưu ý, Thủ tướng Khải nói rằng năm 2005, cùng với phát triển kinh tế, cần chăm lo hơn nữa đến các lĩnh vực xã hội, trong đó chú trọng giáo dục, y tế, phòng chống các tệ nạn xã hội, hạn chế gia tăng dân số, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo.

...mua vé tàu Tết

Các bài báo chúng tôi vừa điểm hầu quí vị là những nét lớn của Việt Nam trong năm 2004. Trong các mục tiêu của 2005 mà Thủ tướng Phan Văn Khải đề ra có nói đến sự phục vụ chăm lo cho người dân về nhiều mặt. Nhưng về vấn đề này, chỉ cần đọc một bài phóng sự của báo Tuổi Trẻ ngày 25/12 là thấy ngay nhược điểm của đời sống xã hội Việt Nam.

Bài báo mang tựa Tôi Đi Mua Vé Tàu Tết, mô tả một cách sinh động những chuyện tưởng là chuyện tếu. Chính phủ Việt Nam làm được những chuyện lớn như tăng trưởng GDP 7,7%, xuất khẩu toàn năm hơn 26 tỷ đô la, nhưng ngành đường sắt quốc doanh không làm được một chuyện, thuộc về chuyên môn và trong ưu đãi kinh doanh độc quyền, đó là phục vụ người dân một cách xứng đáng và văn minh trong việc tổ chức bán vé tàu chạy trong dịp Tết nguyên đán.

Hàng ngàn người dân đi mua vé tàu chầu chực khổ sở như đi phát chẩn, khu vực chờ phát tích kê bị quây lại như trại tỵ nạn, thức ăn thức uống phải tiếp tế từ bên ngoài. Nhiều người mất mấy ngày đêm chưa mua được vé. Riêng bản thân nhà báo Minh Luận lao vào hành trình mua vé tàu Tết từ 20g ngày 20/12 tới 9giờ 15 sáng ngày 22/12 tức gần hai ngày hai đêm mới mua được vé tàu S16 đi Vinh chuyến 26 tết.

Ngoài chuyện mất nhiều thời gian đến thế, nhà báo còn phải chi 120 ngàn đồng cho một tay cò để được một chỗ xếp hàng có khả năng lấy được tích kê và mua vé. Chiếc vé tàu đi Vinh của nhà báo trị giá chính thức 371 ngàn nhưng tiền mua chỗ hết 120 ngàn tức tăng thêm 1/3 thành 491 ngàn, chưa kể tiền ăn uống, tiền đi nhà vệ sinh.

Cũng trên báo Tuổi Trẻ, có một nhà kinh doanh là ông Hoàng Hải Đường đề xuất giải pháp bán vé tàu hoả qua mạng Internet và điện thọai. Ông Đường từng có kinh nghiệm bán vé bóng đá Sea Games 22 và Tiger Cup qua mạng ALE.com.vn.

Hy vọng rằng ngành Đường Sắt xem xét đề nghị của ông Đường, lợi nhuận về phía ALE.Com.vn rất đơn giản, họ chia sẻ lợi nhuận với viễn thông trong việc đặt mua vé qua điện thọai, chi phí giao vé đến tay người mua và thậm chí cả chi phí thoả thuận với ngành đường sắt vì tiết kiệm được nhiều chi phí khác của tổng công ty đường sắt trong thời gian cao điểm.