Dửng dưng trước hiểm họa


2005.10.29

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Sau khi chính phủ Việt Nam công khai thông tin, về hiểm hoạ một đại dịch cúm có thể xảy ra với mức tử vong cả triệu người, báo chí trong nước phục vụ đề tài này liên tục và dưới nhiều góc cạnh.

birdflu200.jpg
Mỗi khi có xe chở gia cầm vào chợ,nhân viên thú y chỉ làm một động tác duy nhất là phun thuốc tiệt trùng. AFP PHOTO

Nhiều bài báo cho người đọc hiểu rằng, sự quyết tâm chống dịch chỉ thể hiện ở các cấp lãnh đạo, còn ở địa phương kế hoạch triển khai chậm chạp, người buôn bán gia cầm và người tiêu thụ vẫn còn lơ là. Đọc báo trong nước hôm nay chúng tôi tổng hợp các thông tin liên quan được đưa lên mạng trong ngày 27 và 28 tháng 10.

10 ngày sau hội nghị toàn quốc hôm 17/10 ở Hà Nội, thủ đô ngàn năm văn vật vẫn là thành phố tệ hại nhất, xét về phương diện phòng chống dịch cúm gia cầm. Phát biểu của một giới chức ngành thú y phê phán tình trạng của Hà Nội vẫn còn nguyên giá trị.

Kiểm dịch tại nơi xuất xứ

Hãng Tin Nhanh Việt Nam đưa lên mạng lúc 2 giờ chiều ngày 27/10, bài phóng sự mang tựa Người Dân Thờ Ơ Với Dịch Cúm Gia Cầm.

Bài báo có đoạn, công tác kiểm dịch gia cầm tại các chợ ở Hà Nội thì qua loa, người tiêu dùng chỉ còn trông cậy vào kiểm dịch tại nơi xuất xứ và các chốt được đặt ở cửa ngõ ra vào Hà Nội. Tuy nhiên, Việt Nam Express trích lời các giới chức thú y cho rằng, việc kiểm dịch tại nơi xuất xứ, tức là các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hà Tây, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc…thì càng không thể trông chờ.

Mỗi tỉnh chỉ có 200 cán bộ, với tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, gia cầm nằm rải rác khắp tỉnh, thì lực lượng thú y kiểm soát không nổi. Quả bóng kiểm dịch được đẩy về Hà Nội, nơi mỗi ngày tiêu thụ trung bình 40 tấn gia cầm, nhưng hiện nay Hà Nội chỉ còn 2 chốt kiểm dịch cố định đặt tại Dốc Lã và Ngọc Hồi. Một mình thú y lực lượng mỏng làm không nổi mà cần có sự phối hợp lực lương chung nhiều ban ngành.

Theo các phóng viên của Việt Nam Express, vào thời điểm sáng 27/10, sinh hoạt ở chợ đầu mối Long Biên vẫn tiếp diễn theo cách thức thường lệ với sự lơ là mà họ cho là làm chiếu lệ của nhân viên thú ý. Khu chợ này mỗi ngày tiêu thụ trung bình từ 5 tới 7 ngàn gà vịt ngan được nhập chợ khi còn sống, vào sáng 27/10 ở đây chỉ có hai nhân viên thú y làm nhiệm vụ kiểm dịch.

Theo Việt Nam Express, mỗi khi có xe chở gia cầm vào chợ, không có chuyện kiểm tra xuất xứ, số lượng và chứng nhận kiểm dịch. Nhân viên thú y chỉ làm một động tác duy nhất là phun thuốc tiệt trùng. Và như thế là gia cầm nghiễm nhiên trở thành đã qua kiểm dịch và nhập chợ.

Khu giết mổ gia cầm tự do

BirdFlu150.jpg

Khi có thoả thuận mua bán xong xuôi, gà vịt được đưa vào khu giết mổ cách ly với khu buôn bán. Theo Việt Nam Express mặc dù gọi là là khu giết mổ gia cầm đã được kiểm dịch an toàn, song thực ra nó chẳng an toàn chút nào. Phân lông lòng mề và nước thải lênh láng bốc mùi tanh tưởi, nhiều nhân công giết mổ tuy có khẩu trang nhưng lại không đeo găng tay cao su. Họ làm gà vịt ngay trên nền xi măng. Hoạt động ở chợ Long Biên Hà Nội trái khuyến cáo của ngành chức năng.

Sau khi qua công đoạn giết mổ, gà vịt ngan sẽ được đóng dấu kiểm dịch. Theo nhà báo nhân viên thú y nhìn con vật một cách sơ sài và đóng dấu màu tím vào lườn. Giá phí kiểm dịch là 2 ngàn đồng cho một lô khoảng từ 15 tới 20 con.

Những sản phẩm gia cầm được đóng dấu như vừa nói, nghiễm nhiên đã có lý lịch an toàn và được đưa đi tiêu thụ khắp nơi ở thủ đô. Việt Nam Express còn ghi nhận là ngay trong lòng chợ Long Biên còn có một khu giết mổ tự do, chẳng cần thú y kiểm dịch.

Vn Express còn ghi nhận một tình trạng khá phổ biến, là cho tới ngày 27/10 nhiều nơi ở Hà Nội vẫn bán món tiết canh vịt tiết canh ngan, không lưu ý gì tới khuyến cáo của ngành y tế và thú y. Có lẽ thực khách và dân nhậu phải thay đổi văn hoá ăn uống của mình như phát biểu của một cầu thủ ở Hải Phòng.

Chúng tôi xin thêm rằng, hồi tuần trước Cục Trưởng Thú Y Bùi Quang Anh cho biết sắp ban hành lệnh cấm bán tiết canh, trong nội dung qui định mới về chăn nuôi, giết mổ, buôn bán vận chuyển và tiêu thụ gia cầm.

Mua bán gia cầm vô tư

Thế đó là bài báo về tình hình ở Hà Nội, ở Saigon thì báo chí nói gì, đây là thành phố đông dân nhất Việt Nam vốn được tiếng là thực hiện tốt nhất qui hoạch chăn nuôi, tổ chức thành công giết mổ tập trung để cả nước noi theo. Thế nhưng Tuổi Trẻ Điện Tử ngày 28/10 đưa lên mạng bài báo có tựa đề TP.HCM vô tư mua bán gia cầm.

Bài viết dẫn nhập rằng, bất chấp những khuyến cáo về cúm gia cầm có thể lan ra thành đại dịch, nhưng các phóng viên của Tuổi trẻ ghi nhận việc buôn bán gia cầm sống chưa qua kiểm dịch vẫn diễn ra và gia cầm ở nhiều nơi vẫn ồ ạt đổ về TP.HCM.

Nhà báo ghi nhận tình trạng buôn bán chui gà vịt nguyên lông ở Chợ Trần Chánh Chiếu. Dù con buôn không bày hàng ra, nhưng muốn mua số lượng bao nhiêu cũng có, và đây là sản phẩm gia cầm không có chứng nhận kiểm dịch.

BirdFlu200.jpg
Khu chợ của người dân ngoại tỉnh đem gia cầm sống đến bán, ngan gà vịt bày la liệt trên mặt đất. AFP PHOTO

Báo Tuổi Trẻ cũng ghi nhận tình trạng tương tự ở chợ Bà Chiểu, chợ Tân Sơn Nhì, Hốc Môn, Tân Bình, Nguyễn Thái Sơn, Chợ Cầu. Theo đó thịt gia cầm tươi sống vẫn được bày bán nhan nhản.

Tờ báo cũng nói rằng, ở TP.HCM việc nuôi gia cầm vẫn còn tồn tại nhiều nơi, nhất là nuôi gà đá. Ngay trên lề đường Đào Duy Từ, sáng sớm vẫn còn nhiều người đi uống cà phê mà tay ôm theo con gà đá.

Trước đó một ngày Tuổi Trẻ đưa tin, tại hội nghị ngày 26/10, TP.HCM chủ trương tiêu huỷ toàn bộ các đàn gia cầm trên địa bàn của mình, nếu xuất hiện các ổ dịch cúm. Và trong trường hợp chưa bộc phát ổ dịch, thì chậm nhất tới ngày 27/11 mọi hoạt động chăn nuôi gia cầm thuỷ cầm trên lãnh thổ TP.HCM đều phải chấm dứt.

Chính quyền yêu cầu các hộ chăn nuôi ngừng ngay việc nhập đàn nuôi mới để tránh bị thiệt hại kinh tế. Tuổi Trẻ cũng trích ý kiến người chăn nuôi, mong muốn được hỗ trợ hợp lý để chuyển nghề. Chúng tôi xin nhắc rằng, tại Việt Nam mới chỉ có TP.HCM đề xuất chủ trương như vừa nói.

Cũng trên Tuổi Trẻ ngày 28/10, một bài viết khác ghi nhận tình trạng gà Trung Quốc đang tiếp tục vượt biên vào Việt Nam qua ngỏ Lạng Sơn. Chỉ riêng 1 tuần cuối tháng 10, các đội Quản Lý Thị Trường ở biên giới đã chặn bắt được khoảng 1 tấn gà còn sống. Số lượng gà Trung Quốc thoát kiểm soát xuôi nam không thể ước tính hết, trong khi ở Trung Quốc dịch cúm gà đã bùng phát trở lại ở một số địa phương.

Quá chủ quan

Mặt khác, Lao Động Điện tử có bài trước hiểm hoạ dịch cúm gia cầm người dân quá chủ quan. Tờ báo cũng điểm mặt hoạt động xô bồ ở các chợ buôn bán gia cầm sống ở Hà Nội, cũng như tình trạng ở TP. Đà Nẵng, TP.HCM đến tận vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Điểm đáng chú ý là nhà báo đề cập tới sinh hoạt thoải mái vô tư của các chợ chim cảnh ở Hoàng Hoa Thám Hà Nội, hay Lê Hồng Phong ở Saigon, cho tới nay chưa có lệnh cấm loại hình buôn bán này, mặc dù loài chim cũng có nguy cơ cao lây nhiễm cúm H5N1.

Chúng tôi xin kết thúc mục đọc báo trong nước bằng thông tin của Việt Nam Express, tờ báo đưa ra một thực tế đáng buồn là qui hoạch chăn nuôi gia cầm ở Việt Nam chỉ nằm trên văn bản. Theo đó dù chính phủ chỉ đạo 15 thành phố lớn phải hoàn tất trong năm 2005 qui hoạch mạng lưới chăn nuôi theo hướng cấm nuôi gia cầm trong nội thành nội thị.

Trước năm 2007 phải thiết lập xong các lò giết mổ tập trung. Tờ báo cho biết, đến nay chỉ có hai thành phố là Saigon và Đà Nẵng là thực hiện được. Tất cả các tỉnh thành còn lại trong đó có Hà Nội mọi chuyện dừng lại trên văn bản giấy tờ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.