Đối với các quốc gia đang trên đà phát triển như Việt Nam chẳng hạn, mục tiêu chính yếu là làm thế nào để nâng cao đời sống kinh tế và tạo dựng thêm nhiều phúc lợi cho người dân, nhất là trong lãnh vực y tế công cộng và giáo dục.
Bấm vào đây để nghe tiết mục này
Rightclick to download this audio
Nhưng, làm thế nào để đạt được mục tiêu song song với gìn giữ và bảo vệ môi sinh, nghĩa là làm sao để phát triển cân bằng, phát triển bền vững lại là một vấn đề gai góc, mà cấp lãnh đạo phải lưu tâm. Tạp chí KHMT kỳ này sẽ phân tích vấn đề ấy tại Việt Nam.
Nguyễn An: Kính chào Tiến sĩ Mai Thanh Truyết. Tiến sĩ nhận thấy tình trạng môi trường chung ở nứơc ta ra sao, hiện phải đối mắt với những vấn nạn nào?
Tiến sĩ Mai Thanh Truyết: Như đã biết, Việt Nam phải đối mặt và đương đầu trực tiếp với những vấn nạn môi trường và xã hội như sau: - Nạn phá rừng, - Đất bị thoái hoá và sa mạc hoá do đó diện tích đất canh tác ngày càng bị thâu hẹp hơn, - Nguồn nước mặt bị ô nhiễm, - Nguồn nước ngầm cũng không tránh khỏi tình trạng trên và đang giảm thiểu trầm trọng tạo ra tình trạng lún đất như ở một số vùng ở ĐBSCL, - Nguồn nước sinh hoạt ngày càng bị hạn chế do tình trạng phát triển đô thị, - Không khí bị ô nhiễm nặng nhất là ở các thành phố lớn, - Và sau cùng tình trạng di dân từ nông thôn ra thành phố tạo ra hiện tượng thiếu lao động trong canh tác và việc di dời dân chúng từ Bắc vào cao nguyên Trung phần.
Nguyễn An: Riêng trong lãnh vực phát triển nông nghiệp hiện nay ở Việt Nam, thì tiến sĩ thấy có những hệ lụy nào về môi trường ngòai những vấn nạn vừa kể?
Tiến sĩ Mai Thanh Truyết: Theo thống kê của Việt Nam vào tháng 7 năm 2003, dân số của Việt Nam có trên 81,5 triệu người chung sống trên một diện tích 325.000 Km2. Nhìn chung, Việt Nam có nhiều thuận lợi hơn nhiều quốc gia đang phát triển trong vùng vì thời tiết và vũ lượng tương đối thích hợp cho nông nghiệp. Nhưng ngược lại, Việt Nam phải cung cấp thực phẩm cho quá đông cư dân so với diện tích đất khai thác. Với ước tính khoảng 10 triệu mẫu đất canh tác cho cả nước, và 70% dân số là nông dân, số lượng đất canh tác sẽ ngày càng giảm thiểu so với mức gia tăng dân số do hiện tượng đô thị hoá, và những vấn nạn môi trường vừa kễ trên có khả năng tăng cao thêm.
Về rừng, năm 1944, cả nước có 14 triệu mẫu rừng chiếm một diện tích là 43,8%. Nhưng hiện nay chỉ còn khoảng độ 17% diện tích rừng tự nhiên. Cũng theo ước tính, Việt Nam mất khoảng 200.000 mẫu rừng hàng năm, trong khi đó chỉ trồng lại khoảng 20.000 mẫu. Gần đây nhất, hiện tượng phá các rừng tràm, đước để nuôi tôm làm cho diện tích rừng ngày càng suy thoái thêm. Với tình hình trước mắt, ta có thể phỏng đoán rằng, mức độ xói mòn, sự sa mạc hóa, sự hóa mặn, tệ trạng ô nhiễm...của đất sẽ xảy ra với tốc độ nhanh hơn nếu chưa có biện pháp thích hợp để ngăn chận các hiện tượng trên. Nguyễn An: Như vậy Việt Nam cần phải làm những gì để cứu lấy nguồn tài nguyên đang bị cạn kiệt?
Tiến sĩ Mai Thanh Truyết: Chúng tôi đã từng suy nghĩ và cố gắng truy tìm một số tiếp cận để nhằm giải đáp những vấn nạn môi trường ở Việt Nam vừa kễ trên. Trước hết, đối với các nước ASIAN trong vùng, ngân sách trung bình cho việc quản lý môi trường chiếm 1,0% ngân sách quốc gia và có khoảng 70 cán bộ quản lý trên 1 triệu dân. Trong lúc đó Việt Nam chỉ chi tiêu 0,1% ngân sách và chỉ có 3 cán bộ/1 triệu dân. Do đó nếu tính về ngân khoản cho tiết mục nầy, Việt Nam chỉ chi tiêu tương đương với 1/100 số tiền mà các quốc gia trong vùng tiêu tốn (ngân sách các quốc gia trong vùng cao gấp 10 lần ngân sách của Việt Nam).
Nhìn chung, Việt Nam đã có đầy đủ thông tin và nhận thức về những bước cần thiết cho công cuộc phát triển bền vững theo chiều hướng toàn cầu. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan, Việt Nam vẫn chưa thực hiện nghiêm chỉnh những hướng giải quyết căn bản trên. Do đó, chúng tôi đề nghị Việt Nam cần nên rà soát lại toàn bộ hệ thống quản lý môi trường cho thích hợp với nhu cầu phát triển đất nước.
Nguyễn An: Như vậy Việt Nam cần phải làm gì theo Tiến sĩ?
Tiến sĩ Mai Thanh Truyết: Có ba vấn đề chính yếu trước mắt cần phải lưu tâm. Đó là:
• Mời những cơ quan tư vấn môi trường hay cá nhân ở trong nước cũng như ở nước ngoài để tham khảo và thẩm định lại hiện trạng môi trường ở Việt Nam
• Giải thể hoặc chuyển đổi những quy trình công nghệ quốc doanh đã lỗi thời, và hiện đang là một gánh nặng cho ngân sách quốc gia bằng những quy trình sạch để bảo vệ môi trường.
• Thành lập một tòa án môi trường để giải quyết các vấn đề tranh tụng môi trường của người dân. sẽ không có trường hợp ngoại lệ nào để đi ngược lại quyết định của tòa án.
Nếu thực hiện được ba việc trên, người dân sẽ thay đổi dần não trạng thụ động trong cung cách ứng xử trước những nguy cơ có thể làm ô nhiễm môi trường. Từ đó, những mục tiêu sau đây có thề dần dần sẽ được giải quyết như: - Bảo vệ và phòng vệ an toàn lao động và môi trường ở các công nghệ sản xuất, - Phục hoạt lại môi trường ở những nơi đã bị ô nhiễm, - Và quản lý chặt chẻ hơn nguồn tài nguyên thiên nhiên như ao hồ, sông ngòi, kinh rạch, và đất đai.
Nguyễn An: Làm thế nào để thực hiện những đổi mới như Tiến sĩ vừa nêu ra?
Tiến sĩ Mai Thanh Truyết: Ở giai đoạn tiên khởi, cần tập trung vào việc áp dụng quy định về nghiên cứu tác động môi trường (NCTĐMT) của từng quy trình sản xuất hay chế biến trước khi cấp giấy phép hoạt động. Điều nầy đã được ghi trong Bộ luật Môi trường nhưng cho đến nay, năm 2004 vẫn không được thi hành nghiêm chỉnh... NCTĐMT phải là một luật định căn bản và không có ngoại lệ, cả đối vơi các công ty ngoại quốc đầu tư vào Việt Nam.
Một thí dụ điển hình là đối với trên 30.000 công ty sản xuất đủ loại ở nội thành Tp HCM cần phải di dời ra khỏi khu dân cư. Việc làm trên chỉ đạt được hiệu quả của công cuộc đổi mới môi trường nếu nhà cầm quyền quy định rõ ràng và đòi hỏi biên bản NCTĐMT của từng cơ sở trước khi chấp thuận việc di dời. Làm như thế mới hy vọng tránh được cảnh di dời phế thải lỏng, rắn, và khí từ một địa điểm đông dân cư đến một địa điểm khác thưa dân hơn, chứ thực sư không giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường.
Nguyễn An: Công cuộc đổi mới quản lý môi trường mà Tiến sĩ vừa nói chắc cũng cần một số tiền đề. Đó là những gì theo thứ tự ưu tiên?
Tiến sĩ Mai Thanh Truyết: Có 3 yếu tố căn bản cần có cho công cuộc đổi mới môi trường. Yếu tố nhân sự đứng hàng đầu, tiếp theo là tài chính cũng như tính xuyên suốt và nhất quán trong quản lý, và sau cùng cũng cần nên kễ đến sự lưu tâm và tham dự của dân chúng trước vấn đề chung của quốc gia.
Thêm nữa, còn có quá nhiều định mức chưa được cứu xét và quy thành luật, do đó có nhiều kẽ hở về phía chính quyền và chính các kẽ hở đó đã vô tình tiếp tay cho các công ty, nhất là các công ty ngoại quốc tiếp tục vi phạm vì chưa có quy định rõ ràng.
Nguyễn An: Còn các yếu tố khác thì sao?
Tiến sĩ Mai Thanh Truyết: Ngoài yếu tố nhân sự, yếu tố tài chính cũng chính là một cản ngại then chốt, và trở ngại nầy đã gây khó khăn cho việc quản lý rất nhiều, và cũng là lý do chánh trong việc trì trệ cứu xét các định mức độc hại.
Yếu tố thứ ba là thiếu tính nhất quán trong quản lý. Vì khả năng chuyên môn của nhân sự quản lý không được huấn luyện đồng bộ, vì chính phủ không đủ điều kiện để cập nhật hóa các thông tin về luật lệ mới để thích ứng với tình hình, cho nên việc thi hành luật ở nhiều nơi đôi khi mâu thuẫn với nhau khiến phải mất nhiều thời gian để điều chỉnh và dàn xếp ở tòa án thay vì tập trung vào việc soạn thảo các quy định còn thiếu sót.
Tuy luật môi trường đã được quốc hội thông qua từ năm 1993 và có thêm nhiều bổ túc tiếp sau đó, nhưng sự hiểu biết của dân chúng về vấn đề nầy vẫn còn mơ hồ do sự thiếu phổ biến và dân trí của người dân trong nước vẫn còn hạn chế. Cho nên việc tham gia đóng góp trong công cuộc giải quyết vấn nạn môi trường chưa được thể hiện đúng mức, trừ khi ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khỏe người dân.