Nguyên nhân của tình trạng “Lũ chồng Lũ” ở miền Trung?

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Các tỉnh miền Trung Việt Nam, từ Thừa Thiên- Huế đến Phú Yên đang trải qua các đợt lũ liên tiếp. Vì sao có hiện tượng được mô tả là 'lũ chồng lên lũ'? Gia Minh nêu vấn đề với giáo sư Đinh Văn Ưu, thuộc Khoa Khí tượng Thủy văn- Hải dương học, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong chuyên mục Khoa học & Môi trường kỳ này.

Gia Minh: Thưa, Giáo Sư là một người nghiên cứu thì Giáo Sư thấy hiện tượng này có những điểm gì đáng chú ý?

Giáo sư Đinh Văn Ưu: Đúng là mùa này vẫn là mùa lũ ở Miền Trung, cái đó không có gì đặc biệt, nhưng đặc biệt ở chỗ là năm nay có 4 đợt và đợt này là đợt thứ 5 là lũ liên tục và nó tập trung vào khu vực từ Thừa Thiên-Huế trở vào đến kể cả NamTrung Bộ và cả Khánh Hoà vẫn bị.

Theo sự theo dõi của chúng tôi, những diễn biến này có hai nguyên nhân: Một là nó bị ảnh hưởng bởi một số cơn bão lần trước, rồi đến cơn bão số 6 vừa rồi. Nhưng mà cái quan trọng hơn cả là thời tiết như thế này thì nó có sự trùng lặp so với những năm trước như hồi năm 1984 chẳng hạn, cũng vào tháng 11 này có một trận mưa rất là lớn, nó kéo dài suốt cả nước đó mà.

Tuy thế nó cũng không phải là đặc biệt lắm, nhưng đặc biệt ở chỗ nó lại liên tục. Theo tôi, nó chỉ có một phần là nó về nhanh. Đối với tất cả các tỉnh Miền Trung của mình do sông nó dốc mà, mưa to một cái là có thể có nước rồi. Chỉ cấn dăm ngày là nước nó ngập lên.

Đại khái nhanh hay chậm không có dấu hiệu đặc biệt nhưng quan trọng nhất là nó liên tục. Đến đợt nay là đợt thứ 5 và theo thông báo thì đỉnh lũ hiện nay cao hơn đỉnh lũ cao nhất vào năm 1999.

Gia Minh: Chỉ có ngoài 2 yếu tố đó thôi chứ không còn những điều gì về mặt tự nhiên nữa, thưa Giáo Sư?

Giáo sư Đinh Văn Ưu: Theo tôi thì chưa có cái gì thể hiện ra bất thường, theo nghĩa do điều kiện tự nhiên. Cái này là các yếu tố trước đây đều có cả rồi, chỉ có chuyện nó dồn dập vào thời điểm, nghĩa là tháng 10-11 này, nó kéo dài như vậy là trong khoảng một tháng rưỡi. Bắt đầu từ trận lụt đầu tiên ở phía Bắc do cơn bão đi vào phía Bắc. Hồi mà cơn bão đó vào Hã Tĩnh thì đợt ấy nó bắt đầu mưa thì phía Nam... nghĩa là từ Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, rồi đến Đà Nẵng-Quảng Nam.

Tiếp theo là đến một đợt áp thấp nhiệt đới. Tiếp theo là đợt cơn bão. Và hiện nay kết hợp như người ta nói là hình thế gió mùa Đông-Bắc. Mùa này là mùa gío mùa Đông-Bắc về mà. Tất cả hiện tượng tập trung chỉ ở Miền Trung thôi.

Gia Minh: Điều này thì các cơ quan dự báo có thể thấy trước được như thế nào, thưa Giáo Sư?

Giáo sư Đinh Văn Ưu: Theo tôi biết thì dự báo dài hạn của chúng ta chưa nói là năm nay có cái gì thường về mưa lớn đâu. Tôi biết cái dự báo dài hạn cách đây khoảng mấy tháng thì không có. Chứ còn cái dự báo ngăn hạn thì dự báo trong vòng khoảng mấy ngày và hàng tuần thì điều này chúng ta có thể biết trước được. Và cũng có cảnh báo dân. Nhưng mà ngay cả thiệt hại của dân nhiều lúc không phải là ngay lúc lũ bão gây thiệt hại đâu, mà có thể khi kết thúc lũ bão, thiệt hại như người chết chẳng hạn thì xảy ra do nước rút đó, thì có những hiện tượng trường hỏng, những chỗ bắt đầu học sinh đến trường đi học thì nước hãy còn.

Chuyện ấy cũng một phần do ý thức con người sau một thời gian căng thẳng quá. Suốt ngày trong vùng lũ đến khi mình đi ra thì mất cảnh giác, nhiều lúc thiệt hại sau lũ cũng có khi không phải là kém hơn.

Gia Minh: Thì có phải là có những yếu tố mới như là rừng bị phá góp phần thêm cho những đợt lũ lớn như hiện nay không, thưa Giáo Sư?

Giáo sư Đinh Văn Ưu: Cái này thì chưa có được một đánh giá nhất định thành ra bây giờ cũng khó có thể nói là do nguyên nhân gì. Chỉ có biết là năm nay cũng ở Thanh Hoá, Nghệ An là lũ cũng là lịch sử này, từ khỏang 50 năm nay mới có một trận nước lớn lao như thế. Rồi bây giờ đến vùng Miền Trung, nếu so với những trận lũ như là năm 1968, trận lũ năm 1999, trên diện rộng của nó có lẽ cũng không lớn hơn, nhưng mức độ cao thì cao hơn cả năm 1999.

Nếu xét về toàn cục, tức cả nước, từ đồng bằng sông Cửu Long không thấy có dấu hiệu bất thường, cho đến toàn bộ Miền Trung và Miền Bắc thì theo tôi năm nay có lẽ năm thiên tai lũ lụt có vẻ tăng cường nhất.

Dĩ nhiên cho đến hiện nay các nghiên cứu của mình chưa tổng hợp được. Cái này có lẽ còn chờ cho tới khoảng đấu năm sau do nhà nghiên cứu phải lấy số liệu thì lúc ấy mới có thể đánh giá được. Còn nếu như chung về thời tiết bất thường của toàn thế giới có ảnh hưởng đên đây thì theo tôi cũng chưa có gì đặc biệt. Thí dụ như liên quan đến El Nino hay La Nina thì cũng chưa có cái gì gọi là biến động lơn trên phạm vi khu vực và quốc tế. Cái này chúng ta cũng phải chờ một thời gian chứ còn bây giờ nói trước thì cũng rất là khó.

Gia Minh: Giáo Sư thấy là hiện nay các nhà khoa học về khí tượng - thuỷ văn đang có những hoạt động như thế nào để cùng góp phần giúp cho bên dự báo có thế đưa ra các dự báo dài hơn?

Giáo sư Đinh Văn Ưu: Những nghiên cứu để ra những dự báo dài hơn có nghĩa cũng không hẳn là ta dự báo được chính xác đâu, nhưng mà dự báo mà ta gọi là dự báo mùa thì để dự báo xem vào trong năm tớí hay trong mùa tới thì liệu có nhũng hịện tượng xảy ra nhiều hơn hay không, hay là mức độ có thể là tăng cường hay không, thì đấy là hướng mà hiện nay Việt Nam cũng đang tập trung nghiên cứu. Nhưng mà hướng nghiên cứu thứ hai tức là làm tốt hơn những dự báo ngắn hạn, nghĩa là ta phải dự báo đưọc những những luồng quét liên quan tới lũ lụt mà có thể kéo dài trong thời gian do mưa chẳng hạn thì tất nhiên hiện nay ở Việt Nam mình cũng có chương trình, các đề tái nghiên cứu theo hướng ấy.

Về công nghệ thì theo tôi cũng không phải là đến mức chúng ta không có công nghệ đâu, chỉ có một điều là để đảm bảo được hệ thống quan trắc tốt hơn thì công cụ nó phải phân tích xử lý số liệu tốt hơn và quan trọng nhất là chất lượng của số liệu đối với những nước mà đang phát triển như mình thì cái ấy cũng đòi hỏi đến một mức nào đấy thôi, chứ còn ngay cả những nước tiên tiến thì công cụ quan trắc rộng hơn. Còn mình thì cái giới hạn cũng hạn hẹp hơn thành ra có lẽ cũng phải mất nhiều năm nữa. Theo tôi, cũng có thể một vài năm.

Gia Minh: Thưa Giáo Sư, đối với những vùng như là Miền Trung hoặc những vùng hay gặp lũ quét ở trên miền cao thì giới khoa học có những thông báo gì đặc biệt vào những mùa hay xảy ra thảm hoạ như thế này?

Giáo sư Đinh Văn Ưu: Mình cũng đã có những biện pháp nhất định, tức là phân vùng những vùng có nguy cơ, rồi là tiến hành những chỗ có khả năng không thể dân ở được đấy thì mình phải di dân đi. Nhưng cũng gặp nhiều phức tạp về kinh tế và xã hội nữa. Chứ còn về cảnh báo thì hiện nay không cảnh báo lũ quét một số nơi, thì dụ ở phía Bắc này một số nơi và ở Miền Trung ngay cả chỗ Đà Nẵng cũng một số nơi, nhưng vì liên quan tới hệ thống ấy l là không phải nằm ở trong tầm biện pháp của mình được.

Bởi vì muốn lắp đặt hệ thống ấy phải có một đầu tư tưong đối lớn, mà cái hiệu quả của đầu tư tương đối lớn trong cái khu vực, ví dụ như rất ít dân, người ta hay có cái tập tục của mình, dân vẫn quen sinh sống, chỉ sinh sống ở xung quanh ven bờ suối, bờ sông thôi. Bây giờ mà để di cư sang chỗ khác liên quan tới tái định cư, liên quan tới các yêu cầu rất khó, mà trong khi hệ thống cảnh báo thì nó lại phải nằm trong lưu vực con sông ấy.

Tôi nghĩ rằng cái này liên quan tớí đầu tư hệ thống giám sát môi trường thì cần phải tăng cường hơn và người ta cũng đang làm ở một số khu vực trọng điểm ở phía Bắc này. Tôi biết ngay cả ở Đà Nẵng ngưòi ta cũng đã bắt đầu làm thử nghiệm và có nơi nó trở thành hệ thống cảnh báo lũ quét trong trưòng hợp mưa lớn. Nhưng mà cái nguyên nhân thì cái này một cách chi tiết đấy thì hiện nay cũng chưa phải là khi nào mưa thì có lũ quét được, mà nó phải bao nhiêu điều kiện địa chất, điều kiện môi trường, những cái có lẽ là ở trong mức độ của mình mà nếu đòi hỏi chi tiết từng vùng một thì chúng ta cũng chưa có được một cơ sở dữ liệu cho nó đầy đủ lắm.

Gia Minh: Còn đối với những vùng người ta gọi là "rốn lũ" đó thì các nhà khoa học cũng có chỉ ra để cho các cơ quan chức năng họ cùng biết và tham gia vào công tác quy hoạch cho dân như thế nào, thưa Giáo Sư?

Giáo sư Đinh Văn Ưu: Cái cũng có đấy ạ. Vâng. Bây giờ ví dụ như Miền Trung chẳng hạn hiện nay lũ năm nào cũng xảy ra thì nhà nước cũng có chủ trương giống hồi xưa mà mấy năm vừa rồi làm ở đồng bằng sông Cửu Long, gọi là "sống chung với lũ" đấy. Tức là làm thế nào để quy hoạch dân cư này, xây dựng các công trình mà có thể trong trường hợp có lũ vẫn có thể đảm bảo được cuộc sống của con người.

Nhưng mà những cái đó gần như là một cuộc cách mạng hình thành ở đồng bằng sông Cửu Long, xây khu dân cư vượt lũ này khác thì không phải chỗ nào cũng đủ chỗ để người đến thì lúc này phải sống chung với lũ, nghĩa là lũ thì vẫn lũ mà mình vẫn ở. Chỉ có điều kiện là giảm thiểu được trong hai hường, một là về công trình quy hoạch, hai là về điều người ta gọi là ý thức của người dân.

Người dân hoàn toàn họ có thể chạy được, nhưng mà cuối cùng người ta vẫn cố giữ nhà cửa ở lại, hay những ao để nuôi tôm nuôi cá vì cuộc sống, nhưng khi bão đến, lũ đến không kịp mà chạy thì có thể có những thiệt hại về con người và của xảy ra. Thì nó phải hai mặt, một mặt nhà nước liên quan mà theo tôi cái ấy cũng chưa thể làm ngày một ngày hai được, nhưng mà hướng mà ngưòi ta gọi là “sống chung với thiên tai, sống chung với lũ” thì chắc chắn là phải làm. Hướng chung của Việt Nam hiện nay giải quyết theo kiểu như thế nhưng phải đi đôi với nhận thức của mọi người.

Gia Minh: Tạp chí Khoa học & Môi trường kỳ này xin dừng lại tại đây và hẹn tái ngộ cùng quý vị vào giờ này thứ tư tuần sau. Mời quý vị nhớ đón nghe.