Những vấn đề Thủy lợi ở Ðồng bằng sông Cửu Long (phần 4)
2006.12.06
Nguyễn Minh Quang & Đỗ Hiếu, RFA
Kể từ năm 1975, một hệ thống thủy lợi qui mô đã được xây dựng trong toàn vùng Ðồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) ở Việt Nam nhằm mục đích phát triển nhanh chóng vùng đồng bằng trù phú nầy. Có thể nói hệ thống thủy lợi đó đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế và xã hội của ÐBSCL và cho cả nước trong thời gian qua; nhưng cũng chính nó đã phát sinh ra nhiều vấn đề, mà ảnh hưởng tiêu cực càng ngày càng rõ nét, và có thể trở thành một lực cản cho việc phát triển kinh tế và xã hội bền vững của ÐBSCL trong tương lai.
Trong chương trình Khoa học và Môi trường tuần trước, Kỹ sư (KS) Nguyễn Minh Quang đã trình bày những sự kiện, mà theo ông, là nguyên nhân trực tiếp của những vấn đề thủy lợi ở ÐBSCL hiện nay. Tuần nầy, chúng tôi kính mời quý thính giả theo dõi tiếp cuộc trao đổi ông.
Sự xâm nhập của nước mặn
Hỏi: Trong chương trình trước, KS có cho biết hệ thống thủy lợi hiện nay ở ÐBSCL đã giúp cho nước mặn xâm nhập vào đất liền sâu hơn, lâu hơn, với nồng độ cao hơn. KS có thể giải thích cho quý thính giả biết về hiện tượng xâm nhập của nước mặn ở ÐBSCL không?
Ðáp: Sự xâm nhập của nước mặn trong sông ngòi là một hiện tượng tự nhiên do sự khác biệt về tỉ trọng giữa nước ngọt và nước mặn. Hiện tượng nầy chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như lưu lượng và thời lượng của nước sông, cao độ của đáy sông so với mặt nước biển, độ dốc của lòng sông, biên độ thủy triều, vận tốc và chiều gió, và nhiệt độ của nước; trong đó, lưu lượng (discharge) và thời lượng (duration) của nước sông là yếu tố quyết định. ÐBSCL hội đủ các yếu tố thuận lợi nầy.
Hỏi: Như vậy, tại sao hệ thống thủy lợi hiện nay ở ÐBSCL có khả năng thúc đẩy sự xâm nhập của nước mặn?
Ðáp: Thưa, như tôi đã trình bày, hệ thống thủy lợi hiện nay đã làm thay đổi cơ chế thủy học tự nhiên của ÐBSCL, nhất là lưu lượng và thời lượng của sông Tiền và sông Hậu, là hai yếu tố có ảnh hưởng quan trọng nhất đến sự xâm nhập của nước mặn.
Nói rõ hơn, việc đưa nước canh tác vào hệ thống kinh thủy lợi ở thượng nguồn khiến lưu lượng của sông Tiền và sông Hậu bị giãm trong một thời gian dài, nhất là vào mùa khô, khiến hai con sông nầy không còn khối lượng nước ngọt thích hợp để đẩy lùi hoặc ngăn chận sự xâm nhập của nước biển.
Ở hạ nguồn và ven biển, hệ thống đê đập ngăn mặn khiến cho nước biển không thể chảy tràn vào những vùng đất ngập mặn mà chỉ tập trung trong lòng sông, khiến cho nước biển xâm nhập vào đất liền nhanh hơn và xa hơn vì vận tốc cao hơn. Ở một vài nơi, thí dụ như trong vùng Tứ giác Long Xuyên (TGLX), hệ thống kinh mương thoát lũ ra vịnh Thái Lan đã trở thành những lòng lạch cho nước mặn xâm nhập vào mùa khô.
Hỏi: Cho đến nay, phạm vi và mức độ xâm nhập của nước mặn ở ÐBSCL như thế nào, thưa KS?
Ðáp: Trước khi trả lời câu hỏi nầy, tôi nghĩ chúng ta nên biết qua một vài con số về độ mặn để tiện so sánh. Ðộ mặn là nồng độ của muối ở trong nước, có đơn vị thông thường là gram trên lít (g/l). Nước biển có độ mặn trên 30 g/l, nước sông có độ mặn dưới 1 g/l. Ðộ mặn 4 g/l thường dùng để ấn định ranh giới mặn, nhưng cây trồng sẽ chết nếu độ mặn cao hơn 1 g/l.
Theo tiêu chuẩn của Việt Nam, độ mặn trong nước gia dụng không được quá 0.25 g/l.
Hỏi: Bây giờ, xin KS cho biết phạm vi và mức độ xâm nhập của nước mặn ở ÐBSCL?
Ðáp: Dựa theo tin tức báo chí trong nước thì tình trạng xâm nhập của nước mặn càng ngày càng nghiêm trọng và tràn lan, không những trong sông rạch mà còn ở trong hệ thống kinh thủy lợi nội đồng.
Trong mùa khô 2005 vừa qua, độ mặn tại các trạm quan trắc đã vượt mức kỷ lục với 15,5 g/lít trong sông Vàm Cỏ Ðông, 15,2 g/lít trong sông Vàm Cỏ Tây, và từ 10,8 đến 11 g/lít trong sông Tiền và sông Hậu. Ranh giới mặn, tức độ mặn 4 g/l, càng ngày càng tiến sâu vào đất liền.
Theo một nghiên cứu của Phân viện Khí tượng thủy văn, ranh giới mặn tiến sâu vào đất liền từ 26 đến 43 km trong khoảng thời gian từ năm 1977 đến 1982. Nó tiến sâu vào đất liền đến 50 km trong năm 1995 và 70 km trong năm 1999. Riêng trong năm 2005, nó tiến vào đất liền từ 80 đến 120 km, và có nơi lên đến 140 km.
Sự xâm nhập của nước mặn khiến cho độ mặn trong sông vượt quá tiêu chuẩn nước uống, thí dụ như 1.8 g/l ở thành phố Mỹ Tho và 3 g/l ở thị xã Bến Tre, khiến cho các nhà máy nước ở đây phải ngưng hoặc hạn chế hoạt động. Nguồn nước gia dụng của thành phố Cần Thơ cũng đang bị đe dọa, vì độ mặn 1 g/l trong sông Hậu chỉ còn cách thành phố nầy có 8 km.
Lập luận của cơ quan chức năng
Hỏi: Các cơ quan chức năng và những người có trách nhiệm trong việc quy hoạch hệ thống thủy lợi ở ÐBSCL giải thích như thế nào, vì hàng ngàn tỉ đồng đã được đầu tư để xây dựng nhiều công trình ngăn mặn cho vùng ÐBSCL?
Ðáp: Các cơ quan chức năng và những người có trách nhiệm trong việc quy hoạch thủy lợi ở ÐBSCL cho rằng, sở dĩ nước mặn có thể xâm nhập sâu vào đất liền là vì một số công trình chưa hoàn chỉnh nên nó chưa phát huy tác dụng đúng mức.
Còn các công trình đã hoàn chỉnh và đã phát huy tác dụng thì, theo một bài báo đăng trên tờ Lao Ðộng ngày 20 tháng 5 năm 2005, xin trích nguyên văn: “... trước đại họa ngập mặn quá lớn, những công trình nầy tựa như... muối bỏ biển, không thấm vào đâu,” hết lời dẫn.
Nói một cách ngắn gọn, họ cho rằng, lý do của sự xâm nhập nước mặn ngày càng gia tăng ở ÐBSCL là do các công trình ngăn mặn hoặc chưa được xây xong hoặc chưa được xây đúng mức.
Hỏi: KS có nhận xét gì về lời giải thích nầy?
Ðáp: Tôi không nghĩ rằng các công trình ngăn mặn hiện nay cũng như các công trình ngăn mặn trong tương lai, cho dù có được hoàn chỉnh đến đâu, sẽ có khả năng ngăn chận sự xâm nhập của nước mặn vào ÐBSCL; trừ trường hợp bít kín tất cả các cửa sông rạch ăn thông ra biển.
Một thí dụ điển hình là hệ thống cống đập Ba Lai ở Bến Tre. Các giới chức có trách nhiệm cho rằng, vì âu thuyền dự trù xây trên sông Giao Hòa chưa được thực hiện, nên nước mặn mới theo sông nầy rồi xâm nhập ngược vào cái rốn của dự án ngọt hóa Bắc Bến Tre.
Nhưng nếu tất cả các công trình của dự án ngọt hóa nầy được xây dựng, nước mặn vẫn có thể xâm nhập từ sông Hàm Luông hoặc từ đầu nguồn sông Ba Lai, vì nước mặn đã xâm nhập khỏi hợp lưu của sông Tiền và sông Ba Lai.
Các biện pháp chống mặn
Hỏi: Các cơ quan chức năng của Việt Nam có đưa ra biện pháp nào để đối phó với tình trạng xâm nhập của nước mặn ở ÐBSCL càng ngày càng gia tăng như KS vừa cho biết không?
Ðáp: Theo Phân viện Khảo sát quy hoạch thủy lợi Nam Bộ (PVKSQHTLNB), ngoài chiến lược chung trong việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước ở các nước hạ lưu vực sông Mekong, ÐBSCL cần thực hiện 5 giải pháp cơ bản là (1) hoàn chỉnh hệ thống đê bao ngăn mặn ven biển và dọc theo sông, (2) xây dựng thêm cống ngăn mặn đối với vùng sản xuất nông nghiệp, (3) tăng khả năng cung cấp nước ngọt cho vùng mặn, (4) bố trí thời vụ để giãm lượng nước tưới trong mùa khô, và (5) đẩy nhanh việc xây dựng công trình thoát lũ cho việc chuyển thời vụ. Trong đó, cần có giải pháp linh động thích hợp cho năm nước mặn lên cao.
Hỏi: KS có nhận xét gì về những biện pháp của PVKSQHTLNB?
Ðáp: Trước hết, tôi không rõ PVKSQHTLNB muốn nói đến Chương trình Sử dụng Nước (Water Utilization Programme) của Ủy hội sông Mekong khi đề cập đến chiến lược chung trong việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước ở các nước hạ lưu vực sông Mekong.
Nếu đúng như thế thì không biết đến bao giờ chiến lược chung nầy mới được áp dụng, vì Chương trình Sử dụng Nước của Ủy hội sông Mekong vẫn còn nằm trong giai đoạn soạn thảo. Và khi chiến lược chung được áp dụng, Việt Nam có lẽ sẽ được bảo đảm một lưu lượng tối thiểu nào đó khi sông Mekong chảy vào ÐBSCL, tương tự như lưu lượng tối thiểu của sông Colorado chảy vào Mexico được ghi trong hiệp ước mà nước nầy ký kết với Hoa Kỳ năm 1944.
Thế nhưng, vùng đồng bằng sông Colorado nằm trong lãnh thổ Mexico càng ngày càng suy thoái, lý do là vì Mexico đã dùng hầu hết lượng nước nầy để phát triển nông nghiệp. Do đó, Việt Nam cần cứu xét một cách cẩn trọng bài học sông Colorado của Mexico.
Hỏi: Còn 5 giải pháp cơ bản thì sao, thưa KS?
Ðáp: Tôi không nghĩ 5 giải pháp cơ bản mà PVKSQHTLNB đề nghị, ngoại trừ giải pháp bố trí lại thời vụ để giãm nhu cầu nước tưới trong mùa khô, có khả năng ngăn chận hiệu quả sự xâm nhập của nước mặn ở ÐBSCL; bởi vì những giải pháp cơ bản nầy không cứu xét đến yếu tố thủy học căn bản của sự xâm nhập của nước mặn, đó là lưu lượng và thời lượng của nước sông.
Nói cách khác, không có một giải pháp được đề nghị để duy trì một lưu lượng thích hợp trong sông Tiền và Hậu để có thể đẩy lùi nước mặn ra khỏi cửa sông; hay ít ra, cũng đủ để ngăn không cho nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền.
Tệ hại hơn, việc hoàn chỉnh hệ thống đê ngăn mặn ven biển và ven sông, việc xây thêm cống ngăn mặn cho các vùng sản xuất nông nghiệp, và việc hoàn tất các kinh thoát lũ sẽ tạo điều kiện cho việc lấy thêm nước ngọt; do đó, lưu lượng trong sông Tiền và Hậu sẽ càng ít đi và sẽ làm cho nước mặn xâm nhập sâu hơn.
Đỗ Hiếu: Cám ơn Kỹ sư Nguyễn Minh Quang.
Các tin, bài liên quan
- Hội nghị thượng đỉnh Việt – Miên - Lào nhóm họp tại Đà Lạt
- Xử lý rác thải: Vấn nạn của thành phố Hồ Chí Minh
- Nông dân đồng bằng sông Cửu Long lén nuôi vịt để cứu ruộng lúa
- Vệ sinh môi trường của TP. HCM sa sút nghiêm trọng
- Những vấn đề Thủy lợi ở Ðồng bằng sông Cửu Long (phần 3)
- Tình trạng lún sụt đáng ngại ở một số khu vực trên địa bàn TP HCM
- Vùng đồng bằng sông Cửu Long bị khan hiếm lúa giống trầm trọng
- Những Vấn đề Thủy lợi ở Ðồng bằng sông Cửu Long (phần 1)
- Nguyên nhân khiến triều cường gây ngập lụt TP.HCM trên diện rộng
- Nguồn lợi thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long trước nguy cơ cạn kiệt
- Các chuyên gia báo động về chất lượng môi trường ngày càng ô nhiễm nặng
- Con số học sinh bỏ học tại vùng ĐBSCL gia tăng
- Công ty Sawaco từ chối thay đổi quy trình xử lý nước mới bị nhiễm bẩn
- Fluoride: An toàn hay Hiểm họa
- WHO báo động về tình trạng ô nhiễm không khí và các tác hại nghiêm trọng