Đỗ Hiếu & Mai Thanh Truyết, RFA
Hàng năm vào ngày 5 tháng 6, cơ quan Liên Hiệp Quốc qua chương trình Môi trường tổ chức Ngày Môi trường Thế giới. Mục đích của ngày nầy là để các quốc gia thành viên đánh gía lại tình hình môi trường chung trên thế giới so với năm qua và thẩm định môi trường của từng nước một. Ngày nầy cũng có mục đích kêu gọi các quốc gia tiếp tục cổ súy những chương trình môi trường cho người dân các nước rõ để cùng bảo vệ hành tinh chúng ta đang sống. Trong tạp chí Khoa học & Môi trường kỳ này, Đỗ Hiếu tiếp chuyện với Tiến sĩ Mai Thanh Truyết về Ngày Môi trường Thế giới năm nay.
Đỗ Hiếu: Trước hết xin Tiến sĩ nói về ngày Môi trường năm nay?
TS Mai Thanh Truyết: Kính chào thính giả của Đài Á Châu Tự Do. Thưa anh Đỗ Hiếu, Ngày Môi trường Thế giới được LHQ tổ chức hàng năm không ngoài mục đích khuyến khích mọi người, mọi tổ chức NGO, các quốc gia thành viên hãy mạnh hoạt động nhằm cải thiện môi trường ở những quốc gia đang sinh sống.
Kể từ khi được thành lập năm 1972, nàng năm nhân ngày Môi trường, LHQ đã chọn một chủ đề đặc biệt liên quan đến những vấn đề môi trường của tòan cầu. Các chủ đề lần lượt được khai triển theo thứ tự thời gian như sau: Nước:Sinh lộ của đời sống, Từng khí ozone, Phát triển nhưng không phá hoại, Nước ngầm, Tương lai cho trẻ con, Sự sa mạc hóa, Sự hâm nóng tòan cầu. Và trong những năm gần đây là: Bảo vệ biển, Nước:2 tỷ người đang chết dần vì thiếu nước, Biển và Đaị dương, và sau cùng vào năm 2005 là Những thành phố xanh.
Đỗ Hiếu: Như vậy chủ đề của năm nay là gì và LHQ chọn thành phố nào để tổ chức thưa ông?
TS Mai Thanh Truyết: Năm nay LHQ chọn thành phố Algiers ở Algeria, Phi Châu làm điểm tổ chức ngày MTTG dưới chủ đề: "Sa mạc và Sự sa mạc hóa". Phương châm hành động cho ngày nầy là "Đừng biến đất khô thành sa mạc". Chủ đề năm nay nhắm tới 40% diện tích đất trên thế giới là vùng đất khô cằn trong đó trên 2 tỷ người đang sống trong tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng.
Các tham luận trong ngày nầy đặt trọng tâm vào việc khuyến khích và thúc đẩy mọi người hành động tích cực hơn nữa trong: 1- việc phát triển bền vững và cân bằng với việc bảo vệ môi trường: 2- việc cổ súy và truyền đạt những suy nghĩ tích cực hơn trong việc bảo vệ môi trường, xóa đi những suy nghĩ tiêu cực như phung phí tài nguyên thiên nhiên như nước, dầu khí; 3- và sau cùng cố tạo sự đồng thuận chung giữa các quốc gia để tiến đến một tương lai thịnh vượng và an tòan chung cho thế giới.
Đỗ Hiếu: : Hàng năm các quốc gia làm gì để đánh dấu ngày nầy và có những hành động cụ thể nào để cải thiện tình trạng môi trường của chính quốc hay môi trường chung trên thế giới hay không?
TS Mai Thanh Truyết: Hàng năm Ngày Môi trường Thế giới được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau tùy theo điều kiện của từng nước như diễn hành bằng xe đạp, thi viết khảo luận và bảo vệ môi trường ở các trường học, chiến dịch trồng cây xanh, hòa nhạc "xanh", tăng cường sự tái xử dụng chất phế thải, cân bằng phát triển và bảo vệ môi trường, xử lý và phục hoạt những vùng bị ô nhiễm, bảo vệ vùng ngập nước an tòan (wet lands).
Tuy nhiên trong năm nay chúng tôi nhận thấy có hai khuynh hướng tiếp cận về ngày nầy khác nhau giữa các quốc gia trên thế giới. Đối với các quốc gia tiến bộ có quá trình bảo vệ môi trường cao, chương trình hành động thường tập trung vào việc giáo dục trẻ em trong việc bảo vệ môi trường sống như hóa học xanh, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên như nước, xăng dầu v.v.. Các quốc gia đó là Úc, Anh, Hoa Kỳ, Pháp v.v...
Còn đối với những nước đang phát triển họ chú trọng vào việc giáo dục trẻ em tiểu học và trung học về một số căn bản trong việc bảo vệ môi trường và giải quyết những vấn đề môi trường quan trọng của từng quốc gia như vấn đề rác, xử lý nước rỉ của rác, ô nhiễm nguồn nước và không khí v.v…
Ngoài ra, còn có những chương trình đặc biệt điển hình như Marocco khuyến khích việc bảo vệ đa dạng sinh học, Nigeria xách động việc thu gom rác nơi công cộng, Kenya thúc đây việc trồng cây xanh và bảo vệ những khu đất khô. Còn Ấn Độ đẩy mạnh việc giáo dục về ô nhiễm môi trường là yếu tố hủy diệt con người, thú vật và cây xanh trên tòan cầu. Indonesia đẩy mạnh việc trồng cây xanh và nâng chỉ tiêu trồng một triệu cây vào năm 2008. Nepal chú trọng vào ảnh hưởng của hiệu ứng nhà kính và đất nước nầy nằm trên cao độ, ảnh hưởng trực tiếp đến sự thay đổi thời tiết tòan cầu. Trong lúc đó TQ tập trung vào năng lượng sạch như biogas, biomass từ rác phế thải. Chúng tôi không có thông tin về các chương trình của Việt Nam trong ngày nầy.
Đỗ Hiếu: Như vậy tinh thần của ngày MT năm nay rất cởi mở và hướng về nhiều vấn nạn môi trường cụ thể cho từng quốc gia. Ngoài ra còn có những điểm gì nổi bật không thưa TS?
TS Mai Thanh Truyết: Thưa anh. Có những điều mới lạ trong năm nay là nhân ngày nầy, LHQ hỏi người dân tòan cầu phải hứa và thực hiện những "điều hứa giữ gìn trái đất chung" như:
1- Lời hứa nhỏ nhưng đem lại thành quả lớn như điều chỉnh và thay đổi thói quen cá nhân hàng ngày như đi tắm dưới vòi nước thay vì nằm trong bồn tắm để tiết kiệm nước, hoặc ít xử dụng xe khi không cần thiết để tiết kiệm năng lượng; 2- Lời hứa lớn như mỗi người dân sẽ là một nhà môi trường học để thẩm định việc xử dụng năng lượng chung và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên như nguồn nước mặt và nước ngầm, nguồn tài nguyên biển.
LHQ cũng yêu cầu người dân trên thế giới hãy tự nguyện làm một cuộc đấu tranh với chính bản thân trong việc bảo vệ môi trường chung.
Đỗ Hiếu: Trở lại chủ đề chính là NMTTG năm nay, Algiers là thành phố được chọn lựa để tổ chức ngaỳ nầy, như vậy chương trình chào mừng ngày nầy như thế nào thưa ông?
TS Mai Thanh Truyết: Năm 2002, LHQ đã tổ chức hội nghị phát triển bền vững trong đó có đề cập đến những vùng nông nghiệp khô và cằn cỗi đặc biệt vùng Phi châu. Năm nay là năm Quốc tế về sa mạc và Sự sa mạc hóa., kết quả của kỳ họp ĐHĐ thứ 58 để tiến tới mục tiêu phát triển bền vững và cung cấp nguồn nước cho tòan thế giới năm 2015. Trong bài diễn văn của ông Cherif Rahmani, Bộ trưởng Bộ Môi trường Algeria, có nêu lên việc thành lập Fondation deserts du Monde hay Cơ quan thế giới về Sa mạc do Tổng thống Algeria, Ông Adbalaziz Bouteflika chủ xướng.
Mục tiêu của cơ quan nầy là thúc đẩy các quốc gia có sa mạc cần phải đấy mạnh hơn những chương trình xóa đói giảm nghèo cho người dân sống ở những vùng trên. Những cuộc hội thảo trong thời gian trên sẽ bàn về các thành tựu đã qua, cũng như chương trình và tiến độ hành động cho những ngày sắp tới hầu đạt được mục tiêu của LHQ đề ra là phát triển bền vững cho tòan cầu vào năm 2015. Phương châm:"Đừng biến đất khô thành sa mạc" là đề tài chính thảo luận cho ngày nầy.
Đỗ Hiếu: Còn năm nay, Ông TTK LHQ Kofi Anan có phát biểi gì như thường lệ hàng năm không ông?
TS Mai Thanh Truyết: Trong tham luận của ông TTK LHQ, ông nhấn mạnh là hiện còn 2 tỷ người chiếm khoảng 40% dân số tòan cầu đang sống một đời sống bất ổn và có một tương lai đen tối. Họ đang sống trong điều kiện môi sinh, kinh tế, và xã hội tàn tệ. Và chúng ta không có quyền quên họ.
Trên khắp đó đây ở địa cầu đều xảy ra sự nghèo đói, việc quản lý đất đai không hợp lý, sự thay đổi khí hậu, đã biến những vùng đất khô thành sa mạc, và sự sa mạc hóa nầy sẽ đưa người dân đi đến bần cùng.
Hàng năm theo ước tính có từ 10 đến 20% vùng đất khô bị thóai hóa từ từ. Đó là vùng Sahara ở Phi châu, và vùng Nam Á. Sự kiện nầy sẽ dẫn dắt đến nạn đói và làm đão lộn tiến trình phát triển bền vững đã được đề ra qua Nghị trình-21 của LHQ.
Ông còn nhấn mạnh rằng sự sa mạc hóa có thể phòng ngừa trước được bằng cách bảo vệ và tái lập những vùng khô cằn. Đây là một biện pháp duy nhất để có được một đời sống chung an bình và bảo đãm trên thế giới. Để kết luận ông yêu cầu các quốc gia phải tích cực hơn nữa trong việc bảo vệ các vùng khô cằn để người dân sống trong đó có thể tiến đến một tương lai an bình hơn, có một đời sống xã hội tiến bộ hơn.
Đỗ Hiếu: Để kết luận, TS có những nhận định như thế nào về ngày nầy cũng như quan điểm của ông về các chương trình của LHQ qua Chương trình Môi trường UNEP?
TS Mai Thanh Truyết: Kể từ năm 1972, Đại hội đồng LHQ chấp thuận tổ chức NMTTG hàng năm từ năm 1974. Và kể từ đó, nhiều chương trình cụ thể đã được LHQ tài trợ trong việc giải quyết những vấn đề môi trường của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nước đang phát triển. Những thành tựu không chối cải được tập trung vào những quốc gia ở Phi và Á châu. Những hoàn tất trên có thể được đan cử điển hình như: Dự án cải tạo nông nghiệp ở Burkina (Phi châu), Dự án Kano ở Nigeria, Dự án tái lập vùng Louga ở Senegal.
Về phía Á châu có Dự án kiểm soát sự sa mạc hóa ở Naiman (TQ), Dự án tái lập và kiểm soát nước mặn ở Tây TQ, Dự án Jhanwar về nước mặt ở Ấn Độ v. v.. .
Tuy nhiên, LHQ đã và đang làm những việc cần thiết nhưng chưa đủ. Vì, cho đến nay, LHQ chỉ có khả năng phổ biến và hướng dẫn việc bảo vệ môi trường và chỉ đưa ra khuyến cáo đến các quốc gia vi phạm môi trường qua các chương trình viện trợ của Chương trình Môi trường LHQ.
Chúng tôi nghĩ, LHQ cần phải có những biện pháp mạnh và tích cực hơn nữa để bắt buộc các nước vi phạm tuân thủ những luật lệ môi trường chung trên thế giới. Các biện pháp có thể là cắt bớt hay ngưng hẳn viện trợ cho phát triển kinh tế hay đầu tư vào hạ tầng cơ sở của các nước vi phạm.
Có được như vậy, mới hy vọng LHQ tạo sức ép và buộc các quốc gia nhận viện trợ phải tuân thủ các quy định chung của quốc tế. Từ đó, thế giới có cơ may sẽ giữ được môi trường sống chung cho cả nhân loại.