Việc tự ứng cử vào Quốc hội khóa tới


2007.03.01

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Khái niệm dân chủ đặt căn bản phần lớn trên sự tự do ứng cử, tự do lựa chọn và tự do bầu cử. Tuy nhiên trong nhiều năm qua, hai quyền tự do đầu tiên này tại Việt Nam được trao cho tổ chức duy nhất là Mặt trận Tổ quốc phụ trách và thu gọn lại thành một việc gọi là đề cử.

CuHuyHaVu150.jpg
Ông Cù Huy Hà Vũ. Photo courtesy VN Express

Do đó quyền thứ ba là tự do bầu cử không còn ý nghĩa đích thực nữa. Gần đây đã có nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần cho phép và cổ võ sự tự do ứng cử. Lê Dân tìm hiểu thêm và trình bày như sau.

Trong những ngày qua, đặc biệt là sau Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất, dư luận và báo chí đã nêu lên nhiều câu hỏi về quyền tự do ứng cử của người dân và tỷ lệ đại biểu Quốc hội của đại đa số bộ phận dân không phải là đảng viên.

Trường hợp hiếm hoi

Ngay khi khai mào hội nghị ở Hà Nội, giáo sư Hoàng Xuân Sính đã phát biểu rằng cơ cấu dự kiến đại biểu Quốc hội mới không có đất cho người tự ứng cử. Bà nhận xét rằng nên giành thêm ghế cho người ứng cử tự do, bởi nó phù hợp với xu hướng dân chủ.

Ý kiến của giáo sư Hòang Xuân Sính đã được sự đồng thuận của phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Lê Truyền. Ông nói những người tự ứng cử vì họ tâm huyết và thấy đủ điều kiện, chứ không phải vì tâm thần, bất mãn, như một số ý kiến trước đây.

Những trường hợp hiếm hoi, tự ra ứng cử chỉ mới vài năm trước, đã bị quy chụp là tâm thần không bình thường, hoặc là người bất mãn. Điển hình như tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, chuyên viên bộ Ngoại giao, hồi năm ngoái tình nguyện ra tranh cử chức bộ trưởng Thông tin-Văn hóa, đã bị một số người cố ý đem ra cười cợt.

Tuy nhiên việc đó cũng đã khiến nhiều người tâm huyết suy nghĩ. Ông Cù Huy Hà Vũ cho biết: “Việc năm ngoái tôi ra, có thể nói là đã tạo một bầu không khí rất là tích cực.”

Riêng bản thân tôi, năm nay tôi đã sẵn sàng ra ứng cử đại biểu Quốc hội. Tôi cũng đang nghiên cứu những quy định, những tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội để sau Tết khi các ủy ban bầu cử được thành lập và đi vào hoạt động thì sẽ chính thức hoàn tất những hồ sơ để tự mình đưa mình vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khóa tới.

Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Lưu văn Đạt, phát biểu tại hội nghị hiệp thương ở Hà Nội hồi tuần qua rằng để dân bớt chế riễu là "Đảng cử, dân bầu", thì Mặt trận nên có lời kêu gọi những người tâm huyết tham gia tự ứng cử vào Quốc hội.

Theo hầu hết các đại biểu tham dự hội nghị hiệp thương thì đến nay vận nước đã đổi, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO.

Tình hình mới đòi hỏi Quốc hội cũng phải đổi mới, phải lôi kéo thật nhiều nhân tài là người ngoài đảng, tâm huyết với đất nước. Chủ tịch hội Luật gia, ông Phạm Quốc Anh cho rằng tuy luật không cấm ứng cử tự do, nhưng các văn bản hướng dẫn đều rất mờ nhạt.

Trong cuộc trao đổi với báo Người Lao Động, ông Lê Truyền, phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nói là ngay trong luật Bầu cử Quốc hội đã quy định công dân tự ứng cử ở nơi cư trú, nhưng trong cơ cấu thành phần giành cho Quốc hội lại không có chỗ đứng cho họ. Ông đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội trả lời vấn đề này.

Nên thay đổi

Trong cuộc trao đổi với chúng tôi, ông Trần Ngọc Thành, một người đã lớn lên dưới mái trường Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và hiện đang sinh sống và làm việc tại Ba Lan, nhận xét là Việt Nam nên thay đổi thành phần đại biểu Quốc hội để thể hiện tự do, dân chủ đúng mực hơn.

“Tôi nghĩ rằng cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới, thì người Việt Nam nên ra ứng cử càng nhiều càng tốt. Nếu Nhà nước không cho phép họ ứng cử thì điều đó biểu hiện sự không thật thà khi những người cộng sản bảo là đã có dân chủ.”

Tâm huyết cùng lo cho nước, lo cho dân không thể là độc quyền của một nhóm người nào. Nguyện vọng được tự ứng cử và tự do lựa chọn người xứng đáng để đại diện cho mình ở cơ quan Quốc hội độc lập là hết sức chính đáng của mọi người dân. Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ cho biết:

“Riêng bản thân tôi, năm nay tôi đã sẵn sàng ra ứng cử đại biểu Quốc hội. Tôi cũng đang nghiên cứu những quy định, những tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội để sau Tết khi các ủy ban bầu cử được thành lập và đi vào hoạt động thì sẽ chính thức hoàn tất những hồ sơ để tự mình đưa mình vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khóa tới.”

Việc tự do ứng cử tại những nước tiến bộ thường cũng là đề cử, nhưng không có độc quyền mà do nhiều đảng phái chính trị đưa ra. Tuy nhiên vẫn có những cá nhân không thuộc đảng phái nào cũng được Hiến pháp cho phép tự đề cử, thông thường là nếu họ thu được một tỷ số chữ ký của cử tri đồng tình với sự ứng cử đó.

Hiện nay trên thế giới, con số những quốc gia còn sử dụng một tổ chức duy nhất để chọn và đề cử người ra ứng cử vào Quốc hội chỉ còn có thể đếm được trên vài ngón tay. Ngay như nước láng giềng Cambodia cũng đã có trên 20 ngàn ứng cử viên do hàng chục đảng chính trị đề cử, cộng thêm với những người tự ứng cử vào các chức vụ đại biểu dân từ địa phương tới trung ương trong kỳ bỏ phiếu sắp tới.

Trong bối cảnh Việt Nam bước vào sân chơi chung với thế giới, nhu cầu tự do ứng cử và tự do bầu cử ngày càng được nhìn nhận và đánh giá đúng mức hơn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.