Trước sau vẫn chỉ là đàn áp

Toà án Nhân dân TP Hồ Chí Minh ngày 19-7-2004 đã tuyên phạt Bs Nguyễn Đan Quế 30 tháng tù dưới tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Vụ xét xử này cũng giống như hai vụ xét xử các ông Trần Khuê và Phạm Quế Dương nghĩa là không cho dân chúng tự do tham dự, không có sự hiện diện của báo giới va quan sát viên quốc tế.

Bấm vào đây để nghe bài bình luận này

Rightclick to download this audio

Nhưng khác ở một điểm là bác sĩ Quế đã tự bào chữa, bị cắt lời nhiều lần và sau cùng bị dẫn ra khỏi phòng xử. Khi toà tuyên án phạt ông 30 tháng tù, bác sĩ Quế không có mặt trong phòng xử. Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi giữa Việt Long của Đài Á Châu Tự Do và Luật sư Trần Thanh Hiệp, phát biểu từ Paris, về vụ án Nguyễn Đan Quế.

Hỏi: Luật sư nhận định như thế nào về bản án 30 tháng tù toà án TP HCM vừa tuyên phạt Bác sĩ Nguyễn Đan Quế.

Đáp: Tôi chắc không ai ngạc nhiên về việc toà án của nhà cầm quyền Việt Nam phạt tù bác sĩ Nguyễn Đan Quế, một trong những người tù chính trị khả kính, qua cuộc tranh đấu kiên cường của ông để đòi tự do dân chủ thực sự cho nhân dân Việt Nam. Nhưng người ta không thể không ngạc nhiên khi thấy gần 30 năm đã trôi qua, mặc dù chính quyền cộng sản tại chức ở Việt Nam đã có một thời gian dài trực tiếp hội nhập vào thế giới văn minh, đã được cộng đồng quốc tế cưu mang về đủ mặt, mà nền tư pháp của Hà Nội vẫn còn rất lạc hậu và vẫn để lộ thực chất khinh miệt nhân quyền của nó.

Thái độ bất khuất của bác sĩ Quế trong phiên xử ngày 29-7 vừa qua làm cho người ta nhớ lại cách ứng xử không chịu cúi đầu, không để bị hạ nhục của ông trước đây, trong trại cải tạo, trong nhà tù, trước toà án, những khi ông bị trù dập vì đã dám chống lại bạo quyền. Không bao giờ giữa ông và những người đàn áp ông đã có được một cuộc đối thoại nghiêm chỉnh.

Nếu bây giờ mà ông vẫn còn phải có thái độ phản kháng kịch liệt như trước là chỉ tại vì cách ông bị xét xử vẫn chưa nghiêm chỉnh, nghĩa là đúng tiêu chuẩn văn minh. Phiên toà ngày 29-7, theo tôi, không thể coi là một phiên xử công bằng, đã có ở những nước pháp trị và cần phải có ở Việt Nam. Phiên toà này chỉ là một cảnh tượng đàn áp thô bạo. Nếu tôi là người biện hộ cho bác sĩ Quế, nhất định tôi cũng phải có những lời lẽ phản kháng như ông, ở tất cả mọi khâu của vụ án, từ thủ tục đến tội danh đến hình phạt. Không có được những phiên xử công bằng trong đó nhân quyền được tôn trọng thì không thể có công lý ở Việt Nam.

Hỏi: Tại sao bác sĩ Quế lại bị phạt nặng hơn hai ông Trần Khuê và Phạm Quế Dương?

Đáp: Khó có thể trả lời đầy đủ câu hỏi này. Đứng về mặt lý thuyết mà xét thì nếu tội trạng của bác sĩ Quế nặng hơn thì hình phạt tất cũng phải nặng hơn. Nhưng căn cứ vào đâu để quyết đoán nặng nhẹ? Vả lại muốn tìm cho đến sự thật thì phải có đầy đủ hồ sơ. Cho đến nay, dư luận không có cách nào hiểu được đến nơi đến chốn, nghĩa là một cách đích thực, vì sao các ông Trần Khuê, Phạm Quế Dương, Nguyễn Đan Quế đã bị bắt, và bị bắt trong những điều kiện như thế nào, được thẩm vấn ra sao, được bênh vực tới mức nào v.v…

Chỉ thấy có những luồng dư luận cáo buộc một chiều, do các nguồn tin xuất phát từ phía công an đưa ra, theo đó cả ba nhân vật này đã có tội, trước khi được xét xử. Thành thử nếu đã là những vụ án làm sẵn từ trước rồi thì nặng nhẹ khác nhau chỉ vì lý do chính trị. Tôi đặt giả thuyết là có mấy lý do. Thứ nhất, chính quyền cộng sản Việt Nam đã có những phân biệt đối xử. Phạt nhẹ hai ông Trần Khuê và Phạm Quế Dương vừa vì những liên hệ của hai nhân vật này với những ngưởi cộng sản lại vừa để lấy lòng những người cộng sản đã phản đối việc hai ông Khuê và Dương bị bắt.

Thứ hai, bác sĩ Quế vốn là thành phần “ngụy” lại kiên trì chống đối chế độ suốt từ cuối thập niên 70 đến nay, nên phải nặng tay hơn. Thứ ba, cuộc mặc cả về Dự luật nhân quyền HR 1587 vẫn còn đang vào lúc “kỳ kèo bớt một thêm hai”. Hà Nội muốn dùng tự do của bác sĩ Quế để làm giá, trả giá cho việc Thượng Viện Mỹ chôn vùi dự luật nói trên.

Hỏi: Sau 3 bản án Trần Khuê, Phạm Quế Dương và Nguyễn Đan Quế, có thể nói Hà Nội đã thay đổi chính sách nhân quyền hay không?

Đáp: Thay đổi thì có nhưng thay đổi chính sách thì không. Thật vậy, có sự thay đổi về tội danh. Nếu còn như trước, thì chắc các ông Khuê, Dương Quế đã bị khép vào một tội đại hình. Như bác sĩ Quế lần xét xử trước. Bây giờ tội ấy đã được tiểu hình hoá. Mặt khác, hình phạt cũng được giảm nhẹ, tối đa chỉ còn 3 năm, không tới mức hàng chục năm như trước. Nhưng không thể coi những thứ thay đổi này là một sự thay đổi chính sách nhân quyền được.

Theo tôi, thực chất của chính sách này vẫn là đàn áp, không phải là tôn trọng, bảo vệ, tiến thăng nhân quyền. Không có tội thì dù một ngày tù cũng là đàn áp. Và muốn biết có tội hay không thì phải được xét xử một cách công bằng, pháp luật phải công minh, toà án phải độc lập, quyền bào chữa phải triệt để, báo chí phải được tự do thông tin. Chưa được như vậy thì chưa thể nói rằng Hà Nội đã thay đổi chính sách đàn áp nhân quyền.

Hỏi: Mới đây ông có đặt vấn đề "Người tù chính trị". Sau bản án ngày 29-7 của bác sĩ Quế, ông còn thấy phả nêu lên nữa không?

Đáp: Chẳng những vẫn phải nêu lên mà còn phải đặt thành vấn đề để giải quyết nữa. Điều 258 của bộ luật Hình sự mà toà án của nhà cầm quyền Hà Nội đã dùng để xử phạt ba nhân vật đối kháng Trần Khuê, Phạm Quế Dương và Nguyễn Đan Quế, trong thực chất, là một điều khoản qui định một tội phạm chính trị vì nhắm vào cách hoạt động dân chủ. Không thể đồng hoá nó với những hành vi trong đời thường để xét xử người hoạt động chính trị dân chủ như một thường phạm.

Chắc không ai có thể tưởng tượng được rằng những người đã đòi ông Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Rumsfield phải từ chức hay phe đối lập trong Đảng Xã hội của Pháp đòi thay Thủ tướng Pháp lại có thể bị khép vào tội “ Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…”. Cho nên chúng ta cần đòi hỏi nhà cầm quyền Hà Nội sửa đổi loại pháp luật thuần công cụ nhằm bảo vệ độc quyền cai trị cho một đảng để tôn trọng quyền sinh hoạt chinh trị đa nguyên, đa đảng của mọi xu hướng trong xã hội. Nếu chưa kịp thay đổi thì phải miễn tội ngay khi thủ tục truy tố được khởi động hay phải tha tội nếu vẫn đưa ra toà xử. Và nếu còn giam giữ oan uổng hàng mấy chục năm như ông Nguyễn Đình Huy thì phải trả tự do ngay tức khắc và không điều kiện.

Hỏi: Liệu như vậy có mâu thuẫn gì với lập trường "Tù lương tâm" của các tổ chức nhân quyền phi chính phủ không?

Đáp: Tôi không thấy có mâu thuẫn. Các tổ chức này cứ việc hoạt động trên lập trường tù lương tâm. Người tù chính trị là người tù lương tâm không được hoạt động chính trị theo lương tâm mình, dĩ nhiên một cách ôn hoà.

Hỏi: Cảm ơn luật sư.